Thầy rắn Thất Sơn-Kỳ 3: Đạo trị rắn của thầy Tư.

Leave a Comment

Chữa cho các nạn nhân bị rắn độc cắn không lấy tiền, mà nhiều khi còn móc tiền túi dúi vào tay những người nghèo gặp nạn. Thầy tên Lê Văn Duyên, 65 tuổi, cũng trị rắn độc cắn có tiếng tăm ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên. Vì nhà ông nằm cuối sóc Tà Ngáo ở xã An Phú nên mọi người quen gọi là thầy tư “Tà Ngáo”.

* Theo nghiệp để tự cứu mình:
Gia đình, cha mẹ ông đều là người Việt nhưng sinh sống ở Tà Lập, huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia. Khi đó, khắp vùng Tà Lập bốn mặt đối diện núi rừng. Mà con người thì phải bám víu vào rừng để sống, để lánh nạn trong những năm tháng chiến tranh. Biết hiểm nguy luôn rình rập, cha ông đã bôn ba khắp nơi trên đất nước chùa tháp để tìm học bài thuốc trị nọc rắn của dân tộc Campuchia. Nhờ học được bài thuốc quý, mà gia đình ông và những người sống lân cận trong vùng mới có thể tồn tại giữa  rừng núi hiểm trở. “Sau đó, cha tôi đã truyền lại cho tôi để tự cứu bản thân. Thấy cuộc sống ở đó khốn khó quá, hơn nữa gia đình tôi bị Pôn Pốt thảm sát chỉ còn tôi sống sót nên khoảng năm 1980 tôi về lại Việt Nam, ở sóc Tà Ngáo tới bây giờ”, ông Duyên tâm sự.


Trên đường về đất mẹ, tư Duyên tự nhủ với lòng sẽ bỏ nghề trị rắn vì câu nói “sinh nghề là tử nghiệp”. Nơi ông tìm đến cũng là vùng đồi núi hoang sơ, là mảng bìa rừng nằm ngay chân núi Đất ở xã An Phú. Hằng ngày ra vào ông thường chạm trán với nhiều loài rắn độc như rắn hổ, chàm oạp lửa, chàm oạp chả… “Vậy là tổ nghiệp không cho mình nghỉ”, ông tự nhủ. Một lần đi rừng, ông gặp cảnh một người bị rắn chàm oạp chả mổ trúng phải chân đang lê từng bước nặng nhọc tìm đường kêu cứu. Không chút ngần ngại, tư Duyên móc ngay bịt thuốc gùi trong túi áo, đảo mắt xung quanh và quơ vội mấy thứ cỏ rừng rồi dùng nhánh cây giã cho chúng nhuyễn ra. “Hai tay tôi túm nắm thuốc lại vắt mạnh những giọt nước thuốc cho vào miệng anh ta, còn xác thuốc đắp vào vết thương, chẳng bao lâu đã chặn được nọc độc phát tán. Tôi giã thuốc thêm hai, ba lần nữa vắt nước uống, đắp vết thương cho ảnh vậy là khỏe hẳn”. Ông Duyên hồi tưởng. Theo ông Duyên, nhìn vết thương ông có thể phân biệt được loại rắn gì cắn để có cách điều trị, liều lượng thuốc cho cân xứng. Ông giải thích: “Rắn núi như chàm oạp cắn vết thương sẽ chảy máu rất nhiều, nọc phát chậm nhưng nguy kịch rất cao, chữa trị trong thời gian dài mới hết hẳn. Còn rắn đồng bằng như rắn hổ thì vết thương chỉ bầm tím, thấy rõ dấu răng chứ không chảy máu nhiều. Loại này nọc độc bạo phát, đưa đi đoạn đường xa nạn nhân rất khó cứu, nhưng giải độc kịp thời thì mau chóng hết”.

Mặc dù không bảng hiệu, cũng chẳng nhận mình là thầy nhưng ngày càng có nhiều người bị rắn cắn tìm đến ông nhờ cứu chữa. Đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, ông tư Duyên không cho phép mình đắn đo, suy nghĩ, mà việc trước tiên ông làm là phải giành lại mạng sống cho người bệnh. Vậy là một lần nữa ông đứng trước bàn thờ tổ thề nguyện những điều răn để quay lại với nghề trị rắn.

* Chơn thiện thầy tư Tà Ngáo:

“Để làm được và tồn tại với nghề này thì phải không tham lam, không thù hận, oán giận, không làm điều bất nhân, bất nghĩa, trái với luân thường đạo lý. Có khi người đó mới cự cãi, chửi mắng mình nhưng người ta bị rắn cắn mình cũng không thể vì oán giận mà làm ngơ, bỏ mặc họ chết. Làm thế, tổ nghiệp cũng không dung”, ông Tư Duyên bảo. Ngoài những điều trên thì với ông không có một nguyên tắc nào khác trong nghề. Vì thế không ít lần ông bị dựng dậy lúc nửa đêm vì có người bị rắn cắn, đang trong cơn nguy cấp. Nhìn vết thương, đặt nạn nhân nằm xuống ván trước nhà rồi ông lọ mọ xách đèn pin đi hái thuốc trị.

30 năm trong nghề ở Tà Ngáo, tư Duyên không còn nhớ rõ đã giải độc, cứu mạng cho bao nhiêu người, nhưng chắc chắn là nhiều lắm. Hỏi về “tung tích” các bệnh nhân của ông, ông lắc đầu quầy quậy bảo là không biết mà cũng chẳng quan tâm. Ông Duyên khẳng khái: “Hỏi nhà làm gì, tôi cũng chẳng muốn làm quen người ta trong trường hợp đó. Chỉ biết có người cần cứu là tôi giúp, đâu cần họ trả ơn. Sau khi được trị khỏi có người nài nỉ đền ơn tiền bạc nhưng tôi không nhận. Cũng có người tự để lại 10.000, 20.000 đồng gì đó rồi bỏ ra về. Gặp người khác khổ quá, bị thương, người đói lã, tôi lấy tiền đó cho họ ăn cơm”. Những người hàng xóm của tư Duyên kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của mẹ con người phụ nữ ở Châu Đốc vô Tịnh Biên cắt lúa mướn. Vừa tới nơi đang dựng lều trại thì đứa con bị rắn hổ quặp vào chân. Được mọi người chỉ, bà mẹ đưa con tới gặp tư Duyên nhờ trị giúp. Sau khi đứa con tỉnh lại, bà mẹ ái náy nói: “Tôi không có tiền trả cho thầy, mẹ con nghèo quá dắt nhau đi cắt lúa, cả buổi còn chưa có hột cơm trong bụng”. Tư Duyên chẳng nói chẳng rằng, lẳng lặng móc chút tiền còn sót lại trong túi áo dúi vào tay bà mẹ bảo lấy mua cơm ăn lót dạ.
Nhà ông Duyên sống chủ yếu bằng nghề leo thốt lốt lấy nước nấu đường. Vậy mà khi ở tận ngọn cây, nghe có người bị rắn cắn ông liền tụt xuống để tìm phương cứu chữa. Cho nên, 30 năm qua vợ chồng, con cái vẫn sống trong căn nhà trống trước hụt sau, ngày chỉ đủ 2 bữa cơm lót dạ. Ông bảo vật chất như thứ bụi bám dính mái đầu, chỉ cần một cái phủi là rơi mất hết. Nhân nghĩa, tình người mới là thứ còn lại với con người vĩnh viễn dù là khi đã về với đất.

Box: Sau khi trị khỏi, Tư Duyên còn cẩn thận chỉ cho những gia đình nạn nhân ở xa hay ở những nơi nguy hiểm cách làm thuốc trị nọc rắn từ những cây cỏ có trong tự nhiên: “Phèn xanh giã nhuyễn + trái trút (hoặc chanh) còn vỏ, xắt nhỏ + thuốc xỉa (loại gắt để có tác dụng mạnh) + cây môn rừng xắt nhuyễn (môn tím hoặc môn trắng), mỗi thứ một ít độ vừa nhau cho vào cối giã đều rồi đổ thêm chút rượu vào. Sau đó, vắt lấy một ít nước cho nạn nhân uống để hạ đờm, bớt ngăn ngực, xác thuốc thì đắp chỗ vết thương.Vết thương nặng thì cứ theo tỉ lệ trên làm nhiều lần để lấy xác thuốc đắp, đến khi khỏe hẳn. Tư Duyên khuyến cáo, những loại thuốc trên dùng cho những người bình thường sẽ có tác dụng ngược lại.   

Bài, ảnh: BẢO TRỊ
(Theo HTT)

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm