Những khối đá huyền bí - Bài 2: Giải mã "Kỳ Thạch phu nhân"

Leave a Comment
  Một vị thần trong kho tàng tượng đá Chăm Pa - Ảnh: Diệp Đức Minh
Trên phiến đá thiêng (Kỳ Thạch phu nhân) có chạm trổ những hình người, hình thú mà người dân Thanh Phước xưa kia cho là chứa đựng những ý nghĩa thần bí...
 Nghe đọc bài
Các bô lão trong vùng bảo rằng phiến đá là của một đền thờ lâu đời bị gió mưa và lẽ vô thường chi phối nên sụp đổ và trôi dạt xuống sông như đã nói. Sau ngày được vớt lên lập miếu thờ, phiến đá được đặt trân trọng trên một cái bệ xây bằng gạch để hương khói và được tuần vũ Quảng Trị là ông Đào Thái Hanh mô tả khá rõ như sau: “Phiến đá này màu đen có hình dạng tựa nửa tấm bửng tròn, có đáy 1,2 mét; cao 0,9 mét và dày 0,23 mét, chạm nhiều hình người và con vật.
Các hình chạm chia làm hai nhóm. Phần trên là một hình người gần như trần truồng, ngồi trên tòa sen, chân xếp bằng và tay đặt trên đầu gối; bên phải có (chạm) một con thú kỳ lạ và vài hình phác họa về người, với nét vẽ non nớt; bên trái có 5 hình khắc đàn ông, đàn bà, con nít, người cầm ly rượu, kẻ thổi sáo. Phần dưới (tảng đá) cách với phần trên bằng một đường viền được kẻ một cách thô sơ, có một đám người mặc kín nửa người, hình như muốn vươn
lên bằng cách đưa những cánh tay hướng về người ở giữa (của phần trên). Có khoảng 20 cánh tay, mà 7 cái đeo vòng, có thể là tay đàn bà. Chân thì chỉ có 4. Cạnh con người kỳ dị ấy, bên phải có khắc chạm một người có 3 mặt đứng cầm cái chai và một người nữa bị trói gô ngồi chồm hổm ở phía dưới, bên góc đối diện.
Sau cùng, bên trái là hình một con voi lớn chổng đuôi lên trời. Qua các hình đó người ta có thể hiểu được tư tưởng của người xưa, với phần trên tượng trưng cho thiên đàng, phần dưới là trần gian và địa ngục. Phải chăng đây là tấm bửng trên đầu cửa của một chùa Phật giáo hoặc chùa Bà-la-môn là người có 3 mặt ”.
Đó là những chi tiết được tuần vũ Đào Thái Hanh giới thiệu trên tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue cách đây gần 100 năm (1915), được Đặng Huy Tùng dịch và Bửu Ý nhuận sắc in lại trong bộ sách Những người bạn cố đô Huế do NXB Thuận Hóa ấn hành hơn chục năm trước (1997). Tài liệu này cũng ghi nhận miếu thờ Nữ thần đá Kỳ Thạch phu nhân quay mặt ra bờ sông, xây bằng gạch, bên trong đặt một số đồ thờ bằng gỗ, với đèn, lư trầm, đĩa đựng đồ cúng và nhắc lại sự xuất hiện của phiến đá: “Trên mặt tảng đá có chạm trổ những thân hình người mặt thú (...), các dân chài khiếp sợ trước cái hình dạng kỳ dị và đều nghĩ rằng tảng đá ấy có thần ở, tức thì họ chuyển các tảng đá đến một chỗ xa vắng và lập miếu để thờ cúng. Từ ngày ấy trở đi, cá đánh được nhiều và cơ nghiệp của các dân chài trong làng đã khá thấy rõ, người An-nam đến cầu nguyện với miếu điều gì thì được điều ấy. Vào đầu niên hiệu của triều đại hiện nay hai tảng đá được phong tước Kỳ Thạch phu nhân chi thần (Nữ thần đá kỳ lạ). Đó là tước do vua ban để thưởng công cho Nữ thần đã giúp nhiều điều có ích cho dân chúng địa phương”.
Đến nay, qua những công trình nghiên cứu mới nhất, cách giải thích về nội dung các hình chạm trổ kỳ lạ trên phiến đá có khác với cách giải thích ngày trước của tuần vũ Đào Thái Hanh, như lược ghi dưới đây.
Giữa bức chạm có một hình người kỳ dị với hàng chục cánh tay đưa lên chính là quỷ vương Ravana trong hệ thống thần thoại, tín ngưỡng Ấn Độ xưa, đang thi thố những quyền năng của mình để quấy phá gia đình thần Siva ngự trên ngọn núi thiêng Kailasa. Cũng ở giữa nhưng bên trên hình quỷ vương là hình thần Siva đang ngồi trên ngai, bên trái Siva là nữ thần Parvati, bên phải là bò thần Nandin. Những hình người khác trong bức chạm có thể là hiện thân của thần sáng tạo Brahma, Visnu hoặc thần Indra. Con thú là voi Airavata. Đại thể, toàn bộ bức chạm nhằm thể hiện sinh hoạt của các vị thần Ấn Độ xưa theo các thần tích nào đó bên sông Hằng. Điều ấy nói lên ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Chăm trên đất Thuận Hóa xưa, đưa tới nhận định rằng: Bức chạm được những điêu khắc gia vô danh người Chăm thực hiện và đã trở thành một tác phẩm mỹ thuật Chăm Pa cần được giữ gìn. Những lời giải mã này vẫn chỉ là phác thảo có tính chất gợi mở. Những phân tích và giải thích thích đáng hơn phải cần tham khảo công trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học mà chúng tôi sẽ nhắc đến ở phần sau.
Còn tới đây, bên cạnh Kỳ Thạch phu nhân, thiết tưởng cần ghi nhận thêm một trường hợp nữa về viên đá huyền bí khác. Đó là viên đá thần liên quan đến việc sắc lập đền thờ Thai Dương phu nhân dưới thời vua Gia Long. Đây không những là câu chuyện truyền khẩu suông mà còn được ghi lại trong sử sách triều Nguyễn. Để bạn đọc tiện tham khảo, chúng tôi giới thiệu nội dung chuyện viên đá thần với Thai Dương phu nhân chép trong Đại Nam nhất thống chí, tập I, quyển II, mục Phủ Thừa Thiên, tiêu đề Đền miếu, có đoạn: Ở xã Thai Dương, huyện Hương Trà, thờ thần vị Thai Dương phu nhân. Tương truyền trước có người dân trong xã tên là Bố, đánh cá ở cửa biển, một hôm mưa gió tối tăm, đến nửa đêm mưa tạnh trời quang, Bố thấy cạnh bờ có viên đá kỳ dị, bèn vỗ xoa, rồi ngủ đi, chợt mộng thấy một người đàn bà nhan sắc đẹp đẽ nói: “Ta đây là Thai Dương phu nhân, mi là người phàm, sao dám nhờn như thế? Phải đi ngay!”. Bố giật mình khi thấy đá biết hiện hình người, lại là mỹ nhân và biết nói tiếng người nữa, bèn vội ngồi dậy dụi mắt nhìn quanh, chưa biết phải làm gì vào nửa đêm hoang ấy...
(Còn tiếp)
Giao Hưởng(Theo thanhnien online)

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm