Phiến đá cổ điêu khắc đề tài đám cưới thần Shiva và nữ thần núi Tuyết Parvati - Ảnh: do chùa Ưu Điềm cung cấp tháng 1.2010 |
Những khối đá huyền bí - Bài 3: Đám cưới của nữ thần núi tuyết
Biết mình gặp đá thần, nửa đêm Bố quỳ xuống khấn: “Nếu đá có thiêng xin phù hộ cho tôi đánh được nhiều cá tôm sinh sống”.
Sau lời khấn ấy “mỗi ngày (Bố) đánh cá càng được nhiều hơn, bèn (cùng dân làng) dựng đền tranh ở bến sông để thờ viên đá. Chợt có thuyền khách buôn từ Nhật Bản đi qua đền, trông thấy viên đá, họ bảo nhau rằng: “Đây là đá ngọc”, rồi họ lấy búa lớn để bổ, thì tự nhiên người lăn đùng ra. Khiêng xuống thuyền thì không có sóng gió mà thuyền bị đắm, người trong thuyền không một ai sống sót cả. Từ đấy (đá) lừng lẫy anh linh. Hồi đầu bản triều (Nguyễn) cầu gió thường được linh ứng, bèn sửa làm đền miếu, có lệ quốc tế. Năm Gia Long thứ 10 sắc lập đền riêng, hằng năm tế vào ngày quý của mùa xuân và mùa thu” (Đại Nam nhất thống chí).
Vậy đã có hai câu chuyện về Kỳ Thạch phu nhân và Thai Dương phu nhân liên quan đến thế giới của những phiến đá thần. Tiếp đây là chuyện về phiến đá thứ ba, cũng trên đất Thừa Thiên - Huế, ở làng Ưu Điềm, hiện vẫn đang được thờ tại ngôi chùa của làng này. Phiến đá hình vòng cung, có khắc chạm hình các vị thần mà theo một số nhà nghiên cứu như Trần Kỳ Phương và Võ Quang Yến, là nhằm mô tả đám cưới của hai vợ chồng thần Shiva và nữ thần núi Tuyết (có tên Parvati). Shiva là vị thần hết sức đặc biệt trong văn hóa tâm linh Ấn Độ, đặc biệt ở chỗ ông là vị thần vừa phá hoại mà lại vừa sáng tạo. Theo một số nhà nghiên cứu phương Tây, tên gọi Shiva có nghĩa là tốt lành, rõ ràng không hợp với những hành động hủy diệt và phá hoại của vị thần này. Nhưng GS Lê Xuân Khoa cho rằng, theo quan điểm triết học của Ấn Độ thì “không có sự sống nào mà không tiến tới hủy diệt, chính do hủy diệt mà lại có đời sống (mới). Sống và chết không những chỉ nối tiếp nhau mà còn đồng nhất với nhau. Sống tức là một hành động tự hủy diệt (vì) sống tức là đang chết dần. Bởi vậy: với tư cách là cứu cánh của mọi vật - Shiva là tử thần, nhưng với tư cách là nguyên lý của sáng tạo – Shiva lại là nguồn sống. Vì thế, Shiva vừa được coi là một hung thần phá hoại, hủy diệt muôn vật, lại vừa được coi là một phúc thần gieo rắc (mầm mống mới) và bảo vệ đời sống”. Ông có hai đời vợ, kết hôn với hai người, nhưng thực ra cũng chỉ... một người thôi. Vì “một người” ấy đã hóa thân thành hai thiếu nữ yêu thương Shiva trong hai kiếp.
Kiếp thứ nhất, chính là nàng Sati (hiền phụ) là con gái của một trong 8 vị thần của trí tuệ tên là Daksha. Daksha không có cảm tình trước bề ngoài tiều tụy của Shiva khi gặp Shiva hiện ra với dáng dấp của một đạo sĩ khất thực. Vì thế Daksha rất bực mình khi nàng Sati lấy Shiva làm chồng, nên ông đã thẳng tay đuổi Sati ra khỏi nhà sau khi đã nặng lời nhục mạ nàng và Shiva. Đứng trước tình cảnh ấy, Sati đã bay khỏi người, trút hồn đi mất lên dãy núi lạnh đầy tuyết, trả lại thân xác cho cha, sau đó nàng hóa thân vào kiếp thứ hai. Kiếp thứ hai, Sati tái sinh làm con gái của thần núi Himalaya và thường được biết đến với tên Parvati (nghĩa là Sơn nữ núi Tuyết hoặc nữ thần Tuyết) và kết hôn với Shiva lần nữa. Lần này, họ sinh đứa con đầu lòng là Karttikeya có sức mạnh diệt các loài quỷ và được tôn thờ là thần chiến thắng. Đứa con thứ hai đánh dẹp quỷ dữ, có quyền năng ban phát hạnh phúc và an vui đến cho mọi người dưới thế, tức là thần Ganesha mình người đầu voi được người Ấn Độ sùng bái. Đám cưới giữa Shiva và nữ thần Tuyết Parvati được thể hiện qua những hình khắc trên phiến đá khá lớn ở chùa Ưu Điềm nói trên.
Phiến đá ấy được nhà nghiên cứu người Pháp Henri Parmentier nhắc đến trong một tài liệu phổ biến đầu thế kỷ 20 (1918). Đúng 90 năm sau (2008), ông Võ Quang Yến đã tìm đến địa phận làng Ưu Điềm để tận mắt xem xét, mô tả và nhận định như sau: “Đây là một kiệt tác nghệ thuật và là tác phẩm duy nhất được biết đến nay trong nền điêu khắc Chămpa thể hiện đề tài lễ rước cưới Shiva – Parvati về ngọn núi thiêng Kailasa. Phiến đá có hình chữ U lật ngược, rộng hơn 1 mét, bề cao ngắn hơn chút ít, trán cửa đang còn tốt, không sứt nẻ, chỉ có ít nhiều rêu phong đóng lên nền sơn xanh đã phai màu. Đứng giữa và choán phần lớn bề mặt trán cửa là con bò thần trắng Nandin tiêu biểu cho quyền lực thế gian và cho sự đẻ con, đặc biệt không đeo vòng kiềng của những vật cưỡi Vahana thường thấy. Trên lưng bò thần, ngồi ngay sau bướu, hai chân hai bên, một chân duỗi thẳng, chân kia co lại là thần sáng tạo Shiva (...). Ngồi một bên là nữ thần Parvati với nét mặt dịu dàng và e thẹn của một nàng dâu”. Bao quanh đôi vợ chồng của nữ thần Tuyết trong lễ cưới còn có các nhân vật khác mà theo ông Võ Quang Yến đó là thần Brahma, làm chủ hôn, đầu đội mũ mukuta, đeo khuyên tai với nhiều vòng trên cổ tay và mắt cá, mặc áo sampot có thắt lưng lớn, hai tay chắp trên ngực, ngồi xếp bằng trên một tòa sen. Bên mặt có thần Vishnu cũng đội mũ và mang khuyên tai, vòng ngọc, có bốn tay, hai tay trước chắp trước ngực, hai tay sau giơ lên cao, tay trái cầm một cái vỏ ốc biển, tay mặt cầm một trong chín vật tiêu biểu của mình. Vishnu ngồi trên vai thần điểu Garuda, hai cánh của thần điểu đang giang rộng, hai tay nắm quanh hai chân của Vishnu như đang nâng vị thần này bay bổng dặt dìu theo nhạc cưới...
Tại sao đám cưới của Parvati - nữ thần Tuyết xuất thân từ dãy Himalaya xa xôi - lại có mặt trong tác phẩm điêu khắc đá ở làng Ưu Điềm như vậy? (còn tiếp)
Giao Hưởng (Theo thanhnien online)
0 comments:
Post a Comment