Những khối đá huyền bí - Bài 1: Phiến đá được phong thần

Leave a Comment


Bức tượng Phật thiên thủ (nghìn tay) có liên quan đến mỹ thuật và hình tượng của Kỳ Thạch phu nhân mà một số nhà nghiên cứu cho là có thể gợi mở thêm về mối liên hệ giữa văn hóa Bà La Môn giáo với Phật giáo trên đất Việt ngày trước - Ảnh: Diệp Đức Minh
Đá là vật vô tri vô giác nên người ta thường ghép đá với những tính cách cứng nhắc lạnh lùng. Nhưng không hẳn như thế, bởi trong dân gian và sử sách đã có nhiều câu chuyện về thế giới huyền bí và đời sống sinh động của đá.

 Mời nghe đọc bài
Đầu tiên là chuyện tảng đá khắc hình một nữ thần không mặc áo, để ngực trần, đã chìm xuống sông Trà, nằm im qua nhiều mùa trăng, rồi bất chợt “nổi lên” vào một buổi giông hè.
Nữ thần báo mộng
Chuyện xảy ra ở xã Thanh Phước, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên ngày trước, mà người viết bài này tình cờ được một cụ già kể cho nghe trong một chuyến về thăm Huế.
Rằng ở vùng ngã ba sông Hương và sông Bồ có một ông lão đánh cá nghèo, ngày ngày xuôi dòng nước của con sông chảy qua làng để quăng lưới. Một hôm từ mờ sớm đến mặt trời lên cao vẫn chưa bắt được con cá nào đủ to để ra chợ đổi gạo, ông buồn bã nằm trên vạt cỏ ven bờ, gối đầu lên một tảng đá lớn thiu thiu ngủ. Chợt ông nằm mơ thấy có một người thân hình to lớn, mặt mày đỏ gay giận dữ, tay cầm chiếc gậy dài thúc thúc vào người ông, quát: “Này ông lão kia, sao ông lại dám gối đầu lên người của ta mà ngáy?”. Ông lão sợ quá quỳ mọp xuống, vị thần đá liền trấn an và nêu một câu hỏi nếu ông trả lời được thì vị thần đó hứa sẽ cải biến số phận để ông được sung túc và mạnh khỏe, sống lâu. Câu hỏi đó là: “Thứ gì luôn im lặng và thiêng liêng như đá? Thứ gì luôn luôn ở với người, giúp ích cho người, mà không hề đòi hỏi đền đáp, hoặc lên tiếng kể lể lời nào?”.

Ông lão đánh cá ngẩn ngơ, chưa trả lời được, vì ông nghĩ trên đời đâu có thứ gì tốt bụng đến thế. Vị thần đá liền giải đáp: “Đó là hơi thở, nó có mặt để truyền sự sống cho các ngươi từ lúc mới ra đời cho đến khi nhắm mắt mà chẳng đòi ơn nghĩa gì, nó cũng im lặng như các loài đá mà các ngươi vẫn dùng để lót đường, xây nhà vậy”. Trước khi biến mất, thần đá quay lại nói thêm: “Thấy ngươi hiền lành, ta sẽ cho ngươi một món quà, ngươi hãy mau thức dậy và quăng lưới xuống sông, ngươi sẽ nhận được món quà ấy”. (Chúng ta sẽ trở lại với vị thần đá nói trên trong một câu chuyện khác của loạt bài này).
Khi giật mình thức giấc, ông lão vội vã quăng lưới xuống nước như lời vị thần ấy dặn. Không lâu sau, ông cảm thấy có vật gì nằng nặng cứ trì lấy chiếc lưới. Ông lặn xuống xem chẳng thấy gì quý báu mà chỉ là một phiến đá to đang làm vướng lưới. Ông gỡ lưới ra khỏi phiến đá rồi lên bờ về nhà lòng không vui. Đêm ấy đang chập chờn, ông lại mộng thấy một phụ nữ xuất hiện với ánh sáng chói quanh người, bảo ông: “Ta là nữ thần dưới sông kia, hồi trưa ngươi đã gặp ta tại sao không đem ta lên bờ? Nếu ngươi đem ta lên ta sẽ phù hộ cho ngươi thoát khỏi cảnh túng thiếu”. Sáng ra, ông lão rủ thêm vài người trong làng lại quãng sông lặn xuống và đem lên hai phiến đá to bên trên có khắc hình một nữ thần với nhiều tay đang vươn cao, chân đang ngồi xếp bằng, chung quanh có hình voi, hình người trông rất lạ mắt. Lúc ấy trời bỗng chuyển giông, mây kéo đen nghịt rồi mưa trút xối xả, hai viên đá sáng lên từng chặp theo những tia chớp trên cao lia xuống. Thấy vậy, người ta hoảng sợ đem các viên đá này vào gần làng, lấy gạch xây một cái bàn thờ để đặt đá lên trên.


Hình do họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ năm 1915 về “Bững Chàm ở Thanh Phước”, tức phiến đá “Kỳ Thạch phu nhân” (trích từ Bulletin des Amis du Vierx Hue năm 1915)
Kỳ Thạch phu nhân chi thần
Từ đó hễ ai đem lễ vật dâng cúng cầu gì thường được toại nguyện. Nhất là cứ đến tối 30 hoặc ngày rằm âm lịch mỗi tháng, người trong làng thường thấy bóng một nữ thần từ trong tảng đá bay ra, ban đêm ít ai dám lai vãng đến chỗ thờ.
Nghĩ đây chỉ là chuyện truyền khẩu, nhưng về sau chúng tôi được một nhà nghiên cứu cho biết chuyện trên được chép lại hẳn hoi trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn với một số chi tiết có khác với lời kể của dân gian, song cốt lõi của chuyện vẫn giống nhau, với đoạn cuối khá huyền bí: “...Hai viên đá vuông to bằng tấm chiếu, sắc xanh trắng, mặt đá có nét chạm thân người mặt thú, 20 tay và 4 chân, người chài sợ cho là thần đem để ở chỗ sạch sẽ rồi dựng đền tranh để thờ. Từ đấy tỏ ra linh ứng. Hồi đầu bản triều (Nguyễn) phong làm “Kỳ Thạch phu nhân chi thần”. Gặp năm đại hạn, sai quan đến cầu đảo hàng mấy tuần không được mưa, bèn sai dời hai viên đá đến bờ sông, đêm hôm ấy liền nổi gió to mưa lớn, sáng hôm sau ra xem, thấy mất một viên, còn lại một viên, bèn rước về tế tạ. Viên đá ấy nay vẫn còn...”.
Vậy sự tích Kỳ Thạch phu nhân ra sao? Do đâu trên phiến đá to và dài một mét được triều đình phong thần kia lại khắc nhiều hình mà người ta cho là quái dị để mô tả cảnh thiên đường lẫn địa ngục? (Còn tiếp)

Giao Hưởng (Theo Thanh nien online)

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm