- Mô Phật. Con muỗi này bự như con ruồi luôn... Mấy thầy trò ông ngồi đó hiến máu nhân đạo cho muỗi hả???
- Bà để tụi tui bàn cái vụ giỗ Tổ ngày mai đi! Làm ơn đi thâu tiền nhang cho tui nhờ.
- Ờ! Tui cũng muốn đi cho rồi, chớ cái nhà có bi lớn mà ở trõng tụi đệ tử ông cứ làm cọp làm beo tùm lum, nghe mệt quá! Nói rồi sư mẫu biến nhanh chóng ra ngoài cổng. Trong nhà vang lên tiếng khọt khẹt gầm gừ um sùm của các sư huynh đệ đang luyện võ cho bọn sơ học. Thỉnh thoảng ngoài này tôi lại nghe:
- Úi da! Sao gõ côn vô đầu tao mày?
- “Bạch Viên Hiến quả” mà sao đánh như xòe tay xin tiền vậy hả?
- Nói thiệt sư huynh đừng buồn! “Tảo địa cước” của sư huynh đá như... chó đái cột đèn vậy đó. (Dân giang hồ nói chuyện có “duyên” hết sức!) Mấy vụ ì xèo này Thầy Tư bỏ ngoài tai. Chắc là ổng đang lo cái vụ cúng Tổ ngày mai. Ngoài các Sư Thúc, Bá tới như mọi năm còn có thêm một nhân vật tầm cỡ mới. Đó là Thầy Tư Ngỡi từ Định Quán về. Đây là một tay Thầy Ngãi có máu mặt từng ăn chung chạ với dân nuôi ma gà, ma xó miệt rừng rú miền Đông. Không mời thì kỳ, mời thì lại lo ổng thử nghề bậy bạ coi bùa với ngãi cái nào cao hơn!!!
Ác cái, nhà ổng ở đầu xóm, từ lúc về nhà ở cả tháng nay ổng thường hay tới nhà Thầy Tư mua nhang, riết rồi quen biết...
- Thanh à! Ngày mai mày lo hầu nước cho mấy thầy, nhớ để ý kỹ móng tay ông Tư Ngỡi đó nghe. Ổng mà búng ngãi độc vô đồ ăn là bật ngửa cả bàn đó!!!
- Dạ, bàn đó của mấy thầy ăn, tụi em đâu có ngồi ăn đâu?
- Mày nói vậy là tao với Sư Thúc, sư Bá mày chết thây kệ hả?
- Chớ hổng lẽ em thấy rồi la lên “Bớ người ta, có thuốc độc?”
- Thì mày cứ lấy đại cái dĩa đó đi rồi nói để sớt đồ ăn thêm vô là tao hiểu ý rồi. Tao lo hầu chuyện mấy ổng, sợ lộ ra mà thất lễ.
- Vậy thôi đừng mời ổng nữa chắc ăn thầy ơi!
- Ý, coi sao được mày! Vậy là còn căng hơn nữa đó!
Thằng sư đệ Danh, đứa học trò nhỏ nhứt trong đám đi vô. Nó khoanh tay thưa lễ phép:
- Thưa thầy với sư huynh, con mới tới.
- Ừa, con ra sau bếp bưng ông lò lên đây cho sư huynh mày đốt ung muỗi nghe!
Nó dạ rõ to rồi biến nhanh ra sau. Một lúc sau, có tiếng chạy bình bịch trở ra. Thằng Danh vừa thở dốc vừa nói:
- Thưa thầy, sư huynh Bình ngọng đang làm phép ếm nhà con, thầy.
- Ủa, cái gì kỳ cục vậy?
- Con vừa vô bếp, ảnh cầm cây nhang vẽ bùa thổi vô ông lò rồi nói: “Nhơn nhơn tinh tinh bắt chị thằng Danh, chiều ngũ quỷ đáo ngô... cái gì đó!
Thầy Tư lập tức nhảy gọn xuống, đi ngay xuống bếp. Tôi lập tức vọt theo.
- Bình, mày đang làm gì vậy hả?
- Gạ... gạ (nó đang “dạ, dạ” đó mà.) hồi nãy thầy gêu (kêu) con gàm (làm)...
- À. Tao biết rồi, thôi mày làm tiếp đi!
Ổng kêu thằng Danh lại:
- Mày ơi, hồi nãy thằng Bình nó vái như vầy nè “Nhơn nhơn tinh tinh. Bất chi tánh danh. Triệu ngũ quỷ đáo ngô đoàn...” có điều nó nói ngọng nên mày nghe không rõ. Làm gì có chuyện “bắt chị thằng Danh chiều ngũ quỷ” đâu mà sợ dữ vậy.
- Thiệt hả thầy, làm con hết hồn. Mà làm chi vậy thầy?
- Thì mình nhờ chư vị ngũ quỷ trục người đi xa về cho lẹ. Vợ con người ta trông ngóng mấy ngày rồi.
- Về thiệt hôn thầy?
- Chừng nào mày có “mèo” rồi, cứ ôm mền gối lại nhà nó ngủ đừng về. Ba bữa mà tao không thấy mày tới, lúc đó cho quỷ đi kiếm mày thì biết liền chớ gì!
- Dạ thôi khỏi thầy ơi! Thằng Danh trả lời hốt hoảng rồi chuồn nhanh vô đám huynh đệ.
Thầy Tư chắc lưỡi: “Trời. Cái vụ ngày mai chưa xong mà mấy thằng quỷ tụi bây cứ ở đây báo tao hoài!”
- Thôi, ngày mai thầy để em “xử” cho! Tôi nói.
- Rồi, tao giao cho mày luôn đó. Nhớ đế ý kỹ giùm tao nghen...
Buổi sáng giờ Thìn khai nhang Hội Tổ. Các thầy lớn đồng bái thủ trước bàn thờ gồm một tăng, hai tục. Sư Thúc là kẻ xuất gia lấy pháp hiệu là Thích Thanh Tịnh, còn sư phụ với sư Bá ở tại gia (có lẽ bởi vì thích... Đàn bà. Hai ông đều có vợ cả rồi còn gì). Chư thầy tọa trên bộ ván đàm luận, tôi xớ rớ đứng gần đó chỉ trỏ cho các sư đệ bày bàn sẵn nghe trộm mấy ổng luôn...
... Đệ tử của mấy ông đó thắng mấy trận đài, là vang danh ở Cần Thơ luôn.
- Trời có bữa nó đá chớn thủy, dân Miên vô Kàtha, hộc ông Phật vàng ra luôn...
Sư Thúc đầu trọc không ưa mấy chuyện đã lôi đài, ngồi bên cạnh uống trà tỉnh bơ...
- Để ít bữa tui nhờ bên Huỳnh Tiền đưa nó lên Tinh võ nghe?
- Khoan khoan, để cho tui vô cho nó cái gồng Tơlypen 7 lớp đã, rồi sau đó nhờ ông (có vẻ lỗ mũi sư Bá đang nở lớn).
Như chợt nhớ ra, sư phụ nói nhanh:
- Ờ, mà kì này ông có đeo Thiên Linh Cẩu theo hôn?
- Chi vậy?
- Có nó thì đỡ chân ma ngãi giùm mình!
- Chó ma, rắn ma thì chưa chắc ăn đâu! Mà có gì vậy hả?
- Bữa nay tui có mời ông thầy ngãi đầu xóm tới, nên sợ ổng... Mà nghe nói ổng vang danh cái vụ ma ngãi, ma gà lắm, mấy vị đề phòng giùm tui nghen!
Tới lúc này, Sư Thúc trọc đầu mới lên tiếng:
- Sao không thỉnh ông “Nanh heo rừng” về? Ma ngãi, ma xó gì ổng cũng quất sạch luôn.
- Nói thiệt anh là cả năm rồi, không dám kêu ổng về. Buổi tối xấp nhỏ nó sợ quá, kêu mình hoài, không ngồi yên tập tành gì được! (Sư phụ than thở).
- Thì tại mấy ông có vợ con làm chi? Như tui có khỏe hôn!
- Tại tụi tui không có vườn tược cho ổng ở, chớ mắc mớ gì vợ con! (Sư Bá phân trần).
Thôi, bữa nay nhờ huynh. Có chuyện thì thỉnh ổng về giùm, chừng nào huynh về thì ổng theo huynh, chứ tui mà kêu thì kẹt cho tui lắm!
Sư Thúc không trả lời chỉ cười cười...
- Thưa thầy, cho con đi 10 phút con về! Tôi chen vô.
- Ủa, Thằng Thanh kỳ đi trị Thần vòng với ông đó hả?
- Ừa, nó đó. Quay sang tôi. Đi lẹ về nha mày.
Sư Bá nhìn tôi lom lom, ổng là trùm nuôi âm binh, kỳ đó tôi dùng phép Ngũ Lôi, thay vì trị tà, tôi lại đuổi nhầm đám âm binh do ổng trục tới phụ cho nên đến giờ ổng vẫn còn “quê cơ” tôi lắm)
- A. Sư huynh Tư Nhang có phước lắm mới có thằng đệ này! Hình như nó đánh tà hay hơn là chữa tà đó!!!
- Thôi mà huynh...
Tôi đi ra, bỏ mặc tiếng cười đàm tiếu của sư Bá (lát nữa cường địch nó tới, tui đang lo cứu mấy ông đây nè, sư Bá ơi, ở đó mà cười)...
11 giờ trưa khách tới (hay quá ta, vừa dọn đồ ăn lên là có mặt liền). Thầy Tư Ngỡi tay cầm bọc trái cây bước vô cười tươi, gật đầu chào từng thầy. Ổng mặc bộ bà ba trắng như chòm râu dê dưới cằm ổng, đầu bới củ tỏi, giắt cộng lông nhím (chắc là dân rừng nên chơi đồ rừng)
- A, anh Tư tới góp lễ, quý quá, quý quá, mời anh Tư ngồi, uống nước anh Tư ơi.
- Dạ, có ít trái cây, nhờ anh dâng lễ Tổ.
- Dạ, cám ơn anh có lòng...
Thầy Tư Ngỡi tự tại ngồi xuống ghế, cười an nhiên. Ngầu thiệt nha, vô vòng vây “một ngãi chống ba bùa” vậy mà vẫn tỉnh bơ.
Các thầy nhà ta cũng ngồi đủ tụ, sư phụ kêu:
- Thanh ơi, cho dọn bữa mấy thầy dùng nè con!
Tôi cùng huynh đệ đồng môn lễ mễ rinh đồ ăn lên... Đủ thứ, cháo gà, gỏi vịt xiêm, rượu đế. Phần Sư Thúc cũng có cà ri chay, bánh mì đầy đủ (nhờ có ổng mà tôi mới được ăn ké). Thầy Tư Ngỡi nói mấy câu xã giao, khen Sư Thúc ăn chay, tốt cho sức khỏe (kỳ cục, hổng lẽ Thầy Chùa lại đi ăn mặn sao)...
Nhập tiệc, mấy thầy cứ mời qua mời lại với nhau. Còn bên bàn kế, đệ tử Thầy Tư Nhang và đệ tử sư Bá lâu ngày không gặp vừa ăn vừa tha hồ ba xạo về phép thuật (có mình tôi chịu trận chạy bàn theo lịnh của thầy, đau khổ. .) Khói hương quyện vào thức ăn tạo ra một mùi khó quên. Bên bàn người lớn nói chuyện ý tứ bao nhiêu thì bên đám nhỏ lại ăn nói “Từa lưa” bấy nhiêu. Bao nhiêu ngôn ngữ lượm lặt trong chốn giang hồ được đem ra xài thoải mái. Những tiếng “Đ. M” , “con C...” , “Đ. ngựa” , “cái L... “cứ vang rền. Thầy Tư Ngỡi cười nói:
- Chà, đệ tử mấy huynh sang quá, xài toàn giấy 500 không hà! Nghe mà ham luôn.
Sư Bá tiếp liền:
- Tụi nó thiệt tình thì như vậy đó huynh, chỉ sợ người có “giấy lớn” (lá sắc) mà giấu thôi! (sư Bá chắc chơi với ma nhiều quá rồi! uống mới có mấy chung mà “Tửng” quá Trời!)
Sư phụ liền chen vô:
- Thì “giấy lớn” ở đây tụi mình ai mà chẳng có. Thôi, mời anh Tư uống với tui chung tình nghĩa đi!
Sư phụ vừa nâng chung mời Thầy Tư thì sư Bá ngắt ngang:
- Để tui. Duyên kỳ ngộ bữa nay, cho tui “cụng” với Thầy Tư “ngãi” , ý quên Tư Ngỡi chớ! (Sư Bá lên cơn sung độ sảng rồi)
Thầy Tư Ngỡi bình tĩnh cất tiếng cười lạnh:
- Rồi, tui với anh nghen.
Hai ly cụng nhau nghe cái “cộp” , vừa dứt tiếng thì bên bàn kế có tiếng la “ Trời ơi, đau bụng quá!” . Sư huynh Bình ngọng bổ ngửa xuống đất, ôm bụng quằn quại rên la, miệng trào nước dãi. (Thôi rồi, trúng ma ngãi của dân rừng rồi. .) Sư phụ buông đũa cái rụp bước qua coi mạch rồi nói:
- Tụi bây dìu nó ra nhà sau nghỉ. Thằng Kim lấy gói thuốc màu đỏ trên kệ cho nó uống 3 hoàn đi! Thầy tỉnh bơ trở lại bàn.
- Thôi tụi mình tiếp đi, tụi nhỏ lộn xộn không đáng gì đâu.
Thầy Tư Ngỡi mỉm cười bí ẩn, còn mặt sư Bá lúc ấy đỏ như gấc chín, một luồng gió lành lạnh phả vào nhà giữa trưa (Chẳng biết lúc này là ma ngãi hay âm binh của sư Bá kéo vào đây.) Không ai bảo ai, mọi người cùng im lặng. Bầu Trời như u ám, se lại...
Sư Bá vận kình nhìn sâu vào chung rượu rồi nói:
- Tui thiệt tình, Thầy Tư Ngỡi dùng một chung lấy thảo nghen! (Cá với mọi người là lần này ổng vô phép ở trõng rồi).
Thầy Tư Ngỡi cũng không vừa, 2 tay đón lấy chung rượu, nhìn vô chung. Bổng, “Rắc” , chung rượu bể tan, rượu chảy xuống sàn.
- A ha, tui cũng muốn uống hầu anh, mà cái chung nó không chịu, tới lúc nó bể rồi, coi như anh mời ông Địa vậy... Ha... Ha...
- Thanh. Mày lấy cái chung mới coi!
Sư Thúc nãy giờ rất ít lời, bây giờ môi ông đang mấp máy thật khẽ (có lẽ ổng đang tụng kinh cầu cho sư Bá bớt quê chăng?)
Lúc ấy, tôi thấy dường như có một áp lực rất lớn đè lên ngực, bàn bên cạnh, bọn huynh đệ cũng im lặng lạ thường...
Vài phút sau có tiếng sư mẫu om sòm dưới bếp:
- Ông ơi, xuống coi thằng Danh nó bị sao nè!
Sư phụ nhíu mày, đi ngay xuống. Tôi theo bén gót, các sư huynh đệ cũng đồng loạt đứng lên lụp rụp. Thằng Danh mặt mày xanh lét đang ôm cứng sư mẫu mà run (tội nghiệp, nó mới 14 tuổi và là đứa yếu vía nhất trong bọn)
- Thầy ơi thầy, con vừa ra bụi chuối để đi... Thì thấy một ông mặt bự như cái lu, há miệng tàng họac đỏ lòm, có 2 cái răng nanh dài thòng chọt lên... con...
- Ông coi nè, nó sợ tới ướt quần luôn. Vừa nói sư mẫu vừa chỉ vô cái quần ướt nhẹp khai rình của nó.
Thầy Tư bình tĩnh:
- Thôi, không có gì đâu, cái thằng trông gà quá cuốc. Bà coi nấu sâm đãi khách đi.
Cả đám ùn ùn kéo về bàn.
Thầy Tư Ngỡi hỏi thăm: “Sao vậy?”
- Cái thằng quáng gà, nó nhìn lộn cái lu ú! Không có gì đâu anh Tư! (kỳ này chắc là “Đồ chơi” của Sư Thúc đầu trọc kêu về rồi! Ông răng nanh chuyên ăn ngãi nghệ mà!)
Thầy Tư Ngỡi nâng ly:
- Thôi, nãy giờ mấy huynh mời tui, bây giờ xin kính đạo huynh một chung. Ông hướng về Sư Thúc.
Sư Thúc cười:
- Dạ, huynh xá cho, đệ cử rượu, xin thế bằng trà nước gì cũng được!
- Ý, vô tình quá, lỗi quá. Huynh lượng thứ cho.
Thầy Tư Ngỡi cười vô tư thiệt tình, rồi hướng đến sư phụ:
- Vậy, mời anh Tư Nghen!!!
Dăm phút sau, tiếng sư mẫu: “ Thanh ơi, nước sâm” (lạy Trời, nãy giờ chờ có bao nhiêu đó. Tráng miệng rồi là tàn cuộc, dân “phục vụ'' như tôi mới được ăn, nãy giờ bắt chước chư Tổ, toàn là hửi không hà).
Nước tráng miệng là 1 món thuốc bổ đắc ý của Thầy Tư Nhang, trước nay chỉ có dịp đãi khách quý mà thôi! Nấu ra có màu đen quánh và mùi vị rất kỳ lạ. Tôi đón từ tay sư mẫu cái mâm có bốn ly nước sâm. (Hừ, nãy giờ ma ngãi làm mưa làm gió. Bây giờ Lệnh Hồ Xung ta phải ra tay giải cứu quần hùng, lấy lại danh dự cho danh môn chính phái mới được(!) hãy coi ta thi triển “phép thuật” đây).
... Nước sâm ra đến nơi, sư phụ hãnh diện giới thiệu:
- Mời mấy thầy dùng. Đây là sâm núi nấu với Hà Thủ Ô và 7 vị thuốc quý. Không mấy khi quý vị giá lâm, nay hân hạnh mời mấy thầy dùng lấy thảo.
Tôi cố ý để cái ly “pháp thuật” gần hướng Thầy Tư Ngỡi. Quả thiệt, ổng cầm ngay ly đó. (Thắng rồi.)
Dè đâu sư Bá chưa chịu “Tắt đèn” , ổng lâm râm cái gì đó rồi thổi vô ly nước sâm của ổng. Sau đó trân trọng dâng cả 2 tay đến Thầy Tư Ngỡi:
- Ly rượu nãy bể, nay hết lòng long trọng dâng huynh ly nước sâm này chuộc lại, mong huynh chiếu cố giùm.
- Ha... Ha... Huynh thiệt tình ghê, đệ cũng xin kính huynh ly sâm của mình nghen, tình bằng hữu nhớ đời đó.
Hai bên trao đổi ly cho nhau. Sư Bá uống nhiều rượu, mặt đỏ bừng, cầm ly sâm của đối phương ực luôn một hơi sạch ráo!...
... Thầy Tư Ngỡi ung dung đĩnh đạc chào từng vị rồi ra về. Thầy Tư này tiễn Thầy Tư kia ra tận cổng. Dăm phút sau, một cơn mưa ào ào đổ xuống giăng kín bốn bề. Chắc khách cũng vừa về kịp nhà! Hai Sư Thúc bá nằm phè trên bộ ván. Thầy Tư vừa dọn dẹp với đệ tử vừa hỏi tôi:
- Thằng Bình nãy giờ ra sao rồi?
- Dạ, ổn rồi thầy. Thuốc của thầy mở ngãi hay quá!
- Ngãi cái đầu mày! Tao coi mạch biết là nó đau bao tử, ăn vịt xiêm lại vô bị hành liền. Tao cho nó uống thuốc tiêu là khỏi.
- Ủa, vậy chớ hồi nãy, ma ngãi vô mưa gió lạnh lùng luôn đó thầy.
- Thì bây giờ mưa ào ào đó. Giông trước rồi mưa sau chứ ma ngãi khỉ khô gì!
- Vậy thằng Danh. .?
- Thiệt tình tao cũng không biết nó thấy cái gì nữa! Mà tụi bây có đứa nào thấy đâu? Cái vụ này để hỏi Sư Thúc mày...
- Ư. ư. Có tiếng rên ở bộ ván, sư Bá đang ngồi ôm bụng.
Thầy Tư than nhỏ: “Trời, có chuyện nữa rồi!” rồi hỏi lớn:
- Anh đau bao tử phải hôn? Tui có thuốc nè.
- Không có. Sao tui quặn ruột quá! Ăn có bao nhiêu đâu mà sao nó đau dữ vậy hổng biết!
Rồi sư Bá dông ù ra bụi chuối sau hè. Hồi trở vô, ướt mưa như chuột lột, rên hư hừ thê thảm. Cỡ 10 phút sau ổng lại thần tốc vọt ra bất kể mưa gió não nề... Sau mấy đợt chạy ra chạy vào, mặt sư Bá xanh như bụi chuối sau hè luôn, không còn đỏ lự như lúc ngồi “kình'' nữa. Có lúc ổng gấp đến nỗi chạy ầm ầm mà quên xé giấy Nhật trình... Sư phụ băn khoăn:
- Bây giờ tao không biết sư Bá mày làm sao nữa!
- Lấy bùa “Lục” cho ổng uống đi thầy!
- Sao mà bùa lục hả?
- Thì bị dính “Cửu Long hóa cốt” , phải lấy “Lục thần thủy” để trị chứ sao. (“Cửu long hóa cốt” là thuốc xổ, còn “Lục thần thủy” là thuốc chống tiêu chảy của Tàu).
- Trời đất, vậy là ổng dính cái đó hả? Mà ai hạ độc chứ? Hổng lẽ. .?
- Dạ, thì thầy nói là để em “xử” vụ này mà! Ai dè sư Bá đòi tranh phép, đổi ly nước với ổng, bởi vậy mới dính “bùa” của em.
- Trời ơi, ai biểu mày chơi vậy, vậy là “Tiêu'' gà nhà rồi!!! Sao mày không chịu “xi- Nhan'' cho tao rồi hãy chơi?
- Dạ, em nghĩ là “Tiên hạ thủ vi cường” nên đổ hết một chai thuốc xổ luôn.
- Hèn chi nãy giờ sư Bá mày hạ thủ công phu ầm ầm như vậy! Chắc 3 bữa là ít. Cái vụ này... ghê thiệt. Tao cũng không ngờ Tư Ngỡi “Đơn đao phó hội” , tư cách anh hùng như vậy...
- Sư Bá còn anh hùng hơn! Nãy giờ ổng có cầu cứu ai đâu?
... Giỗ Tổ năm sau, chẳng thấy sư Bá tới. Chắc ổng lại sơ “cường địch “hạ độc thủ” như năm rồi! Còn Sư Thúc thì tới với... Sư Thúc mẫu.
Cái may mắn của tôi là sư phụ không còn bắt “hầu nước” như năm trước nữa!
Đã thiệt!...
0 comments:
Post a Comment