Một nàng Mị Nương (tức công chúa) không thích sống gò bó trong cảnh cung vàng điện ngọc, lầu son gác tía ở kinh đô mà lại thích đi du ngoạn để tìm hiểu đất nước. Một chàng trai nghèo đến nỗi không có một mảnh khố che thân, hàng ngày phải ngâm mình dưới nước để đi ăn xin. Một mối nhân duyên kỳ lạ trên bờ lau bãi cát. Một chiếc nón úp lên đầu gậy, qua đêm bỗng biến thành một tòa lâu đài. Cũng tòa lâu đài ấy trong một đêm bỗng bay lên trời, để lại một cái đầm Nhất Dạ… Từ xưa, truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung (CĐT – TD ) vẫn lấp lánh trong tâm khảm chúng ta như một viên ngọc quý. với vẻ đẹp trinh nguyên buổi đầu lập quốc…
Quê hương Chử Đồng Tử là thôn Chử Xá (nay là xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội) là vùng trung châu thổ sông Hồng. Nơi Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử là bãi Tự Nhiên bên sông Hồng, nay thuộc huyện Thường Tín (tỉnh Hà Tây). Nơi hai người cùng tòa lâu đài bay lên trời là đầm Nhất Dạ (Một Đêm) – nay thuộc địa phận xã Dạ Trạch, huyện Châu Giang, hợp nhất từ hai huyện Văn Giang, Khoái Châu, thuộc tỉnh Hưng Yên – là miền hạ châu thổ. Việc di chuyển của Tiên Dung và Chử Đồng Tử phản ánh sự thiên di hay nói đúng hơn, đó chính là hình ảnh cuộc thiên di của người Việt cổ thời Hùng Vương dựng nước để chiếm lĩnh dần vùng châu thổ sông Hồng. Chúng ta biết rằng việc khai phá vùng đồng bằng diễn ra muộn hơn so với vùng đồi núi trung du. Vùng đồng bằng là vùng lầy lội, chua mặn, về mùa mưa hay bị ngập nước. Đó là vùng nửa đất, nửa nước, với liên tiếp những chằm hồ, những vùng đất trũng, đi lại khó khăn. Muốn khai phá đồng bằng phải cải tạo đất, phải đắp đê kè trị thủy, phải nắm được quy luật của lũ lụt, phải biết và lợi dụng được quy luật lên xuống của thủy triều… Để làm được những việc đó, cư dân phải có trình độ kiến thức nhất định. Việc khai phá vùng đồng bằng, vì vậy, diễn ra từng bước, rất dài lâu, chứ không phải ngày một ngày hai. Việc khai phá này lại còn phụ thuộc vào tốc độ bồi lắng của phù sa lấn biển. Ngay như gần đây (vào thế kỷ XIX), hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải (Thái Bình) mới được khai phá bởi công lao của Nguyễn Công Trứ, ta càng thấy được bước đi lâu dài của ông cha ta trong việc mở mang, khai phá vùng đồng bằng.
Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ phản ánh thời kỳ chế độ mẫu quyền trên đất nước ta (xem thêm TGM 178). Khi vua Hùng lên ngôi, đất nước chuyển sang thời kỳ chế độ phụ quyền. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chế độ mẫu quyền vẫn còn rất lớn. Đó là hình ảnh của nàng Tiên Dung – con gái vua Hùng, tự do đi du ngoạn chơi bời khắp nước, thoát ra ngoài sự quản lý của Hùng Vương (tượng trưng cho phụ quyền). Tiên Dung tự chọn chồng cho mình, hoàn toàn ngoài ý muốn của vua cha. Truyền thuyết cũng cho ta thấy được quan hệ tự nhiên, hồn nhiên giữa nam nữ của người Việt cổ. Quan hệ đó được thể hiện trong cảnh Tiên Dung và Chử Đồng Tử ngẫu nhiên trần truồng gặp nhau trên bãi cát ven sông rồi thành vợ thành chồng. Quan hệ đó của người Việt cổ, ta còn gặp trong các di vật khảo cổ như trên nắp thạp đồng Đào Thịnh (có niên đại cách nay khoảng 2.500 – 3.000 năm, tức cùng thời với truyền thuyết này). Trên nắp thạp đồng Đào Thịnh có tượng 4 cặp nam nữ đang ân ái với nhau: xin đừng nghĩ đây là khiêu dâm, bởi trong tâm thức người Việt cổ, nam nữ gặp nhau, hợp nhau là thành vợ thành chồng và được giải thích là do ý trời, họ không hề có ý niệm “môn đăng hộ đối” hay sự phân biệt về địa vị khác nhau trong xã hội.
Sự xung đột giữa Hùng Vương – Tiên Dung là sự xung đột giữa chế độ phụ quyền đã hình thành và chế độ mẫu quyền đang còn rơi rớt lại. Sự xung đột đó tất yếu sẽ làm tan rã chế độ mẫu quyền. Việc CĐT – TD bay lên trời phản ánh kết cục nêu trên: phụ quyền phải thắng vì đó là tất yếu của lịch sử. Truyền thuyết CĐT – TD, vì vậy, phản ánh một thời kỳ lịch sử rất dài lâu, chứ không phải một thời điểm nào đó. Chính vì thế mà có tài liệu lại chép vào đời Hùng Vương thứ ba lại có tài liệu chép vào đời Hùng Vương thứ 18. Thực ra, cả hai cách chép này đều không sai. Đoạn đầu của truyền thuyết xảy ra vào đầu thời kỳ Hùng Vương, khi ảnh hưởng của chế độ mẫu quyền còn mạnh. Còn đoạn cuối, việc CĐT – TD bay lên trời lại xảy ra vào cuối thời kỳ Hùng Vương, khi chế độ phụ quyền đã được thiết lập vững chắc (đến đời An Dương Vương, chế độ phụ quyền đã hết sức vững chắc: người cha có thể giết con gái, khi người con vô tình làm hỏng việc nước – xem thêm TGM 156). Như vậy, truyền thuyết CĐT – TD phản ánh cả một quá trình, chứ không phải một thời điểm cụ thể. Chúng ta có thể coi nó là cái gạch nối từ chế độ mẫu quyền qua chế độ phụ quyền.
Gạch nối về giao lưu kinh tế
Cũng xin được nói thêm: ở vùng Châu Giang ngày nay vẫn còn lưu truyền nhiều truyền thuyết về CĐT – TD. Một số truyền thuyết, thần tích ghi thêm rằng: Chử Đồng Tử còn… lấy vợ hai (!) là Tây Cung tiên nữ (có tài liệu ghi thêm: Ngải Hòa tiên nữ). Theo chúng tôi, đây là những truyền thuyết giả mới được chắp nối sau này. Trong thời kỳ phong kiến, khi chế độ đa thê đã thịnh hành, các nhà nho đã thêm thắt vào cho nhân vật Chử Đồng Tử có cái “mác” một người đàn ông lý tưởng của chế độ phong kiến, với quan niệm “làm (tài) trai năm thê bảy thiếp”. Những truyền thuyết mới được “gán” thêm đó không phù hợp với lối sống của cư dân thời kỳ Hùng Vương bởi thời kỳ này chỉ có chế độ hôn nhân một vợ một chồng: Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, Sơn Tinh lấy Ngọc Hoa, người con gái họ Lưu lấy Cao Tân (người anh trong sự tích trầu càu)… Thời kỳ ấy chưa hề có chế độ đa thê. Trong Lĩnh Nam chích quái, cuốn sách xưa nhất đề cập truyền thuyết CĐT – TD, chưa hề có Tây Cung tiên nữ hay Ngải Hòa tiên nữ. Có thể các truyền thuyết giả này mới được thêm vào từ thế kỷ XVI trở về sau.
Theo VSK
0 comments:
Post a Comment