Ma quỉ trên đất Lào


Tác giả Hàn Lệ Nhân

Khi bạn hỏi một người Lào : " Ma là gì, có thật hay không ( Phí mèn nhắng, mi thẻ lứ bò ? " . Họ sẽ thành thật trả lời : " Cũng không biết nữa ( kà bò chắc léo ) hay chằng-và là nơ ( thì thế ). Câu trà lời thứ nhì có ngụ ý Có và Không, tức bạn muốn hiểu sao thì hiểu hay nếu muốn, tùy hoàn cảnh để mà hiểu. Khi bạn hỏi họ đã từng thấy ma ( phí ) chưa mà họ có vẻ hốt hoảng trả lời bạn bằng mấy tiếng " hoày ( oái ) " hay " dzồ ( ồ ) " thì bạn nên tế nhị, lịch sự ngừng ngay việc đặt câu hỏi. Mấy tiếng " hoày ", " dzồ " là một cách biểu lộ sự … kh'lăm của họ !


Họ không thể hoặc không muốn giải thích cho bạn nhưng tựu trung Phí đối với họ là tất cả hay không là gì hết ; hoặc bất cứ một đồ vật, một hình tướng nào cũng có thể tiềm ẩn một linh hồn, một loại Phí với một tên gọi riêng biệt :


Nhận Diện Các Phí


1. Phí Koong Koi (Ma Koong Koi)


Phí Koong Koi : Ma cô độc, ma rừng núi … thích ăn ruột, gan, lòng thú và … người sống.

Phí Koong Koi thường xuất hiện ở miệt Trường Sơn biên giới Lào-Việt dưới dạng một người (đàn ông hay đàn bà ) thấp nhỏ, cao độ 1 thước 20 phân, tóc hung hung đỏ, đi chân không. Phí Koong Koi có hai bàn chân khác thường, ngược chiều : Gót ở phía trước, các ngón chân ở phía sau ! Tên Koong Koi là một nghĩ-thanh-từ ( onomatopée ) vì theo những người sinh sống trong rừng sâu kể lại, vào khoảng 3, 4 giờ sáng Phí Koong Koi thường kêu lên " koong koi, koong koi ", đó là tín hiệu Phí Koong Koi ngưng cuộc săn mồi hàng ngày và sửa soạn trở về sào huyệt. Nhưng sau mấy tiếng " koong koi, koong koi " lại đệm thêm tiếng " koóc " ngắn gọn thì phải coi chừng, đó lại là tín hiệu cho biết Phí Koong Koi đã chụp được một con mồi ( người ). Khi nghe tiếng kêu " koong koi, koong koi " người ta dạy là tuyệt đối không được ngủ và phải đốt lửa lên thành ngọn. Mó Koong Koi là thầy phù thủy chuyên môn săn bắt Phí Koong Koi.

2. Phí Pọp (Ma lai)


Phí Pọp là loại ma thâm trầm độc ác, người Việt gọi Phí nầy là Ma Lai hay Ma Chài. Có hai loại Phí Pọp :


A. Pọp Môn ( pọp phép ) : xuất xứ từ những người bình thường như mọi người bình thường khác nhưng, một buổi đẹp trời được " khải thị " sao đó bèn ôm mộng có quyền phép siêu nhân, tình nguyện giữ giới để tu luyện bùa ngải ( khoóng đì ) như phép gồng ( môn khôông ), phép lặn lâu ( môn suột nảm )…v.v…(1) rồi vì không chuyên hay không kiêng cữ ( không kh'lăm ), phạm giới này nọ bùa ngải mới tác quái biến họ thành Phí Pọp. Trường hợp bị dị ứng nầy có thể so sánh với trường hợp bị tẩu hoả nhập ma của các nhân vật võ hiệp của Kim Dung, của Ngoạ Long Sinh, của Cổ Long … khi họ bất cẩn trong thời gian luyện tuyệt chiêu kiếm pháp hay bí kíp thất truyền.


B. Pọp Sưửa (pọp gia truyền ) : khi người cha Phí Pọp chết đi, Phí Pọp trong xác ông có thể xuất ra, rồi tìm nhập vào một người con hay một người trong quyến thuộc.


Đặc điểm của Phí Pọp được di lưu như sau :


- Dáng cách lừ đừ, mắt đỏ ngầu lại láo liên thường trực, hay nhìn xuống đất không dám nhìn thẳng vào mặt người đối diện vì, theo truyền thuyết, trong hai tròng mắt của họ có hình hai chú khỉ tí hon lộn ngược !


- Phí Pọp khoái " vô " đàn bà, trẻ con để … rút ruột.


3. Phí Phôông


Phí Phôông : Ma thích ăn thịt sống.


Hầu như người Lào nào cũng sợ Phí Phôông. Tại sao ? Có gì đâu, từ thuở còn nằm ngửa trong nôi trẻ con Lào đã " được " mẹ hiền đem hai tiếng Phí Phôông ra làm ngáo ộp, mỗi khi chúng mè nheo, mít ướt : Nín đi con, không thì Phí Phôông đến đấy ! Phí Phôông thích hút nước mắt trẻ con lắm đấy !


Cũng như Phí Pọp, Phí Phôông là loại ma ẩn thân trong một người chơi bủa ngải nhưng phạm giới. Khi lên cơn, nó có hai luồng lân quang thò ra thụt vào từ hai lỗ mủi, khi tắt khi tỏ trong đêm tối. Phí Phôông không khoái nước mắt mà chỉ khoái những thức tanh hôi, dơ dáy, đồ thừa thiu thối và cả các ếch nhái chẩu chàng… nên đêm khuya nó đi lùng kiếm ăn ở các thùng rác, các ao tù và nhất là hay vô các làng bị bỏ hoang, do đó mới có câu thành ngữ :


" bản hảng dà vè, sáo kè dà chả "


nghĩa là :


" Làng hoang đừng ghé, gái già đừng ve ".


Đến khi chết đi, " hồn " Phí Phôông langthang tìm kiếm một chỗ " trú thân " khác. Nếu có một người nào đó chẳng may bị chết dữ mà Phí Phôông biết được, " hồn " nó sẽ nhập vào hồn kẻ xấu số, tức khắc hai hồn nhập một đó sẽ tự động biến thành Phí Phai. Do đó, khi một người có Phí Phôông trong thân chết đi người ta gom tất cả các bùa ngải của đương sự mang tới giao cho các sư trong chùa để các vị nầy làm phép giải, phép yếm.


Khắc tinh của Phí Phôông là Mó Phôông.


4. Phí Phai


Phí Phai : Loại ma thích hút máu tươi, một thứ ma cà rồng nhưng hiện hình dưới dạng gà hay chim đêm lông trắng, vỗ cánh bay lượn dưới chân những ai hay thơ thẩn một mình ở các nơi vắng vẻ hay ở các nhà xác.


Khi Phí Phai chết đi sẽ biến thành Xáng tức loại ma ghê gớm, hung ác hơn cả cọp, nói một cách khác, Xáng là loại ma ở cấp hai tức Ma của Ma. Nhưng theo truyền thuyết, Ma Xáng không còn lai vảng gần chúng sinh nữa, may thay ! Thành ngữ Lào có câu :


" Phí Xáng haải phôộc chọp kin ván

Bò thò khôn hau lón loọc kin kăn thẻ ".

Nghĩa là :


" Ma Xáng hung ác lại rình ăn ngọt

Đâu bằng con người lọc lừa để ăn nhau thật "

Thầy phù thủy trị Phí Phai tục gọi là Mó Phai.


5. Phí Nha Vay


Đây hẳn là một loại Ma đã tuyệt giống, các tự điển Lào chính thức nói chung vắng mặt tên Phí Nha Vay, mà quí vị Mó Phí dày kinh nghiệm cũng không biết tới, dù đã cố công truy tìm trong các tài liệu nghiên cứu về nhiều loại Phí soạn bằng văn tự cổ sơ. Ông Serc Voravongsa miêu tả Phí Nha Vay như sau :


" Phí Nha Vay hiện thân dưới dạng một con vượn bạch tạng, mặt lọ khổng lồ, di chuyển từ cành cây nầy qua cành cây khác bằng tứ chi dài ngoằng. Bạn lỡ gặp Phí Nha Vay điều cần tránh là đừng bao giờ ngó thẳng vào mắt nó vì nó cho đó là sự trêu chọc, khiêu khích ; dù có súng tốt cũng đừng manh tâm bắn nó, chỉ tổ làm nó điên tiết, tàn nhẫn hơn. Có một cách để giết Phí Nha Vay là dùng Ngua-tha-nu ( bùa ngải hình bò mộng ) phóng vào đầu nó. Nhưng sau khi chết nó sẽ biến thành gì ?" Đố bạn đọc đấy.


6. Phí Phệt


Phí Phệt là loại Ma duy nhất được Phật giáo Lào công nhận như một hiện hữu chính thức, cho đó là các vong linh của những kẻ lúc sinh thời tạo nhiều nghiệp dữ ( kằm haải ), gây nhiều tội ác ( hệt bạp ), nên sau khi chết hồn không được siêu thoát mà phải vất vưỡng trầm luân để trả nghiệp ( sảy kằm ), đền tội ( sảy bạp ). Phí Phệt thường hiện hình dưới nhiều loại bóng khác nhau, kỳ dị và dễ sợ nhưng không dọa người, không ác độc. Hàng năm vào 14 hạ tuần tháng 9 Lào (tháng 8 d.l.) người Lào tổ chức bun " Hò Khậu Pă Đắp Đinh " và ngày trăng tròn tháng 10 Lào ( tháng 9 d.l.) thì tổ chức bun " Hò Khậu Sà Lặc " tức hai ngày lễ chính thức dành cho người quá cố, dĩ nhiên Phí Phệt cũng có phần ; tương tự mỗi rằm tháng 7 tức lễ Vu Lan người mình tổ chức lễ xá tội vong nhân, lễ thí thực cô hồn, lễ phóng sinh, lễ cầu siêu cho oan hồn uổng tử chóng được siêu thoát, tái sinh...


Đối với Phật giáo Lào mọi Phí đèu là Phệt tức mọi thứ Ma đều có thể tái sinh làm người rồi sau cùng thành Phật. Còn người Lào - Phật tử hay không - thì phân loại rõ ràng : Có loại ma hiền lành, tốt bụng ; có loại ma hung dữ, ác độc. Loại ma hung dữ ác độc ( phí chày haải )thì xin miễn dài dòng. Loại ma lương thiện, tốt bụng ( phí chày đì hay thevada, tạm dịch là Thần) gồm bất luận phí hộ trì nào bảo vệ ruộng nương, thôn làng cho họ hoặc phí nào hoan hỷ đáp lại nào cầu xin, nào nguyện vọng của họ như tiền của, may mắn, đỗ đạt, danh vọng, trường thọ ... ; số đề, số lô-tô, v.v... Dĩ nhiên, khi cầu xin thân chủ không quên hứa khả với Phí chày đì là nếu được - một phần - như ý họ sẽ làm bun ( lễ ) thật long trọng trong chùa, hồi hướng công đức ; trường hợp là Phí Phệt thì có thể sớm đi đầu thai. (1)


7. Phí Mương


Phí Mương là Phí chày đì ( ma lương thiện ) có nhiệm vụ bảo vệ cho cả tỉnh ( mương ) và các vùng phụ cận. Phí Mương không có mẫu hình tượng và miếu thờ ( Hó ) nhất định mà tùy sự diễn đạt của từng địa phương. Phí Mương tại cố đô LuangPrabang được thờ cúng trong 12 ngôi Hó, vì dăn ở đây tin rằng Phí Mương có phép biến hoá thành nhiều vị, đứng đầu là các Thê Va Đa Luống ( Thevada = thần thánh, luống = lớn ) gồm hai vị tổ tiên của dân tộc Lào tục gọi Pu Nho Nhà Nhơ, tương tự Âu Cơ và Lạc Long Quân bên ta, sau đó là các vị vua ( chẩu si-vít = chủ sinh linh ) sùng tín tín ngưỡng nầy.


Thời quân chủ Lào ( trước 1975 ), tại cố đô LuangPrabang song song với Phí Mương còn có Lắc Mương ( cột trụ trấn tỉnh ). Có ba huyền thoại về Lắc Mương được kể lại như sau :


A. Một ngày kia, nhân xuống tắm dưới sông Nam Khan ( chi lưu sông Mékong, LuangPrabang ), một lão bà bắt gặp một thân cây đàn hương màu đỏ, do linh cảm bà biết đây là một thánh vật bèn vớt lên và đem trồng. Khi mọi người vừa đào xong hố để trồng thánh vật thì một thiếu nữ trong làng, cũng do linh cảm muốn kết duyên với vị thần mới nầy, nhảy xuống để được chôn theo chồng hầu chia sẻ nhiệm vụ bảo vệ số phận của tỉnh.


B. Lắc Mương là một trong bốn cột trụ do hai vị ẩn sĩ cắm xuống đất để phân ranh lập kinh đô trong tương lai ( LuangPrabang ).


C. Năm 1563, để tránh sự dòm ngó của Miến Điện, vua Setthathirat quyết định chọn Vientiane làm kinh đô mới - kinh đô cũ là LuangPrabang - cho Vương Quốc Lản Xảng, tên cũ của nước Lào. Trong khi vua và quần thần đang sửa soạn để trồng cây Lắc Muơng thì có một thiếu phụ tên Sáo Sí đang mang thai, do linh cảm hay được khải thị sao đó, nhảy xuống theo và hiển linh thành thần hộ trì của kinh đô Vientiane. Ngày nay tại Vientiane vẫn còn dấu tích, đó là phường Sí Mương ( Sí Mương = Tỉnh của bà Sí ), Vặt Sí Mương ( chùa trong tỉnh của bà Sí ) và Hó Mè Sí Mương ( miếu thờ Mẹ Sí ).


8. Phí Bản


Phí Bản còn được gọi là Phí Hặc Sá Bản ( Ma hay thần bảo vệ thôn làng ) hay Phí Hặc Bản ( Ma hay thần yêu thôn làng ). Phí Bản có một đặc tánh rõ nét, chính xác hơn Phí Mương vì thôn làng ở Lào thường có lối sinh hoạt tự trị, giữ vững bản sắc của mình, ít bị chi phối bởi trung ương. vai trò của Phí Bản là bảo vệ đất thôn đất làng, đồng thời bảo đảm sự thịnh vượng vật chất cho dan thôn, dân làng, sức khoẻ và sự trường tồn của con người và gia cầm. Chỗ thờ phượng Phí Bản thường là một cái miếu nhỏ bằng gỗ tục gọi là Hó Phí Bản nằm trên một lùm cây ven làng. Người Việt gọi Phí nầy là Thành Hoàng hoặc Định Phúc Thần.


9. Phí Khun Vặt


Hầu như mỗi chùa Lào đều có một Phí Khun Vặt ( thần chùa ) tức vị hộ pháp bảo vệ chùa mà biểu tượng dĩ nhiên là Đức Phật. Hó Phí Khun Vặt là một bàn thờ nhỏ thường do một người thế tục chăm nom việc nhang khói, cúng đơm. Chùa Việt nhiều nơi có thờ hai tượng hộ pháp là ông Khuyến Thiện và ông Trừng ác hoặc Tam Châu Hộ Pháp tức Vi Đà Thiên tướng quân, một vị thiên tướng tuân sắc chỉ của nhà Phật hộ trì Phật-Pháp trong ba châu : Đông châu, Tây châu và Nam châu.


10. Phí Hươn


Phí Hươn ( Thần hay ma nhà ) có nhiệm vụ cai quản và bảo vệ gia quyến, nhà cửa cho tín chủ, có tầm quan trọng ngang với Phí Bản. Có thể nói Phí Hươn là một loại Phí hợp thể giữa Phí Bản ( thổ công ), Lắc Mương ( cột trụ trấn tỉnh ) và Phí Pù Tà ( vong linh các tổ tiên ) của gia chủ. Hó an vị Phí Hươn thường được đặt ngay cửa chính trong nhà hoặc cạnh cầu thanh lên nhà sàn. Người Lào tin rằng nhờ Phí Hươn mà các Phí Haải ( ma ác ) không xâm nhập quấy phá, làm hại những người trong nhà. Do đó khách đến viếng và ngủ lại nhà người Lào phải làm lễ xin phép Phí Hươn, đặc biệt chú rể mới, trước khi chính thức về nhà cha mẹ vợ, phải nhớ mang lễ vật tới cúng Phí Hươn.


Việt nam có câu " đất có thổ công, sông có hà bá ". Thổ công Việt, Phí Hươn Lào đều là đệ nhất gia chi chủ của bên nầy hay bên kia núi Trường Sơn.


Còn Tiếp

Ký tới : Cuộc đấu phép giữa Ma Lai và thầy phù thủy

Chú thích

(1) Bên Pháp, chính phủ đứng chủ cái rất nhiều trò chơi cờ bạc, ví dụ Loto là lối chơi mà người chơi chọn 7 trên 49 số, từ 1 đến 49. Chỉ cần 6 số trúng cũng đã đủ lãnh lô độc đắc đôi khi lên tới 2,3 chục triệu Euros, nhưng để viết bài nầy, chính tôi đã chứng kiến một buổi hầu đồng tại vùng phụ cận Đông Paris, có tín chủ người Lào rất thành khẩn xin Khun Phò ( cha, một vị ma thiện ) giáng khẩu cho đủ 7 số trúng ! Chắc ăn mà.
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm