Thằng Tây là kẻ có thừa,
Dù cho ngần ấy vẫn chưa thấm gì.
Chúng sinh là kẻ mê si,
Quẳng đi cái có khổ vì cái không.
( nhái Nguyễn Chí Thiện )
Thời điểm tổ chức nghi lễ cúng Phí
Thời điểm tổ chức các nghi lễ cúng bái các Phí nói chung thường tùy địa phương và tùy hoàn cảnh đặc biệt. Đơn cữ Bun Xuồng Hưa ( lễ đua thuyền ) : Ở cố đô LuangPrabang lễ nầy được tổ chức hai lần vào tháng 7 - 8 và tháng 10-11 d.l., trong khi tại Vientiane và Champassak lễ nầy được tổ chức mỗi năm một lần nhằm tháng 10 d.l., và dĩ nhiên nghi thức tổ chức của ba cựu vương triều nầy đều có nhiều dị biệt.
Trên phương diện quốc gia, thời điểm quan trọng nhất trong năm để hành lễ hồi hướng các Phí hộ pháp được gọi là Tháng Phí, uyển chuyển giữa tháng 5 và tháng 6 d.l., cọng thêm các buổi lễ thường niên được phối hợp chặt chẻ với các lễ Phật giáo, chẳng hạn Bun Pimay ( Tết Lào ), Bun Phr' Vệt hay Bun MahaSaạt ( ngày Đức Phật qui thăng nhập Niết Bàn ) ; Bun Băng Fay ( lễ cầu mưa ) ; Bun Oọc Vặt Sá ( Oọc = ra khỏi, Vassa theo tiếng Phạn = mưa, oọc vặt sá = ra khỏi mùa mưa và cũng có nghĩa là hết mùa cấm phòng của tăng ni ) ; Bun Xuồng Hưa ( lễ đua thuyền ) ; Bun Thạt Luống ( Hội Chợ That Luang ) ...
Các vị chủ lễ
Theo chỗ biết của tôi, danh từ Mó trong Lào ngữ có hai nghĩa, với hai giá trị khác nhau, tùy hoàn cảnh mà ứng dụng. Theo nghĩa thông thường, từ Mó là một tiếp-đầu-ngữ ( préfixe ) để chỉ sự khéo léo, chuyên môn trong một nghành nghề, chẳng hạn :
Mó Khen = Người biết thổi Khèn.
Mó Khoam = Người sinh nhai bằng lời nói = luật sư, trạng sư.
Mó Lăm = Người chuyên ngâm, hò thơ văn dân gian, xuất khẩu thành câu, thành cú.
Mó Sói = Người hay nói diễu, chọc cười thiên hạ.
....
Mó Dà = Thầy lang, thầy thuốc.
Mó Đù = Thầy bói.
Mó Môn = Thầy bùa, thầy ngải.
Mó Phí = Thầy trừ Ma, Thầy nuôi ma ; phù thủy, pháp sư.
Mó Phon = Người rành nghi thức cúng bái trong các buổi lễ su-khoắn (1) hay trong các buổi lễ cầu đảo.
Mó Thiêm , Nang Thiêm hay Mè Thiêm = Người lên đồng : Đồng cô, dồng cậu.
....
nhưng khi ta nói Mó nỉ, Mó nẳn thì nghĩa lại khác, trường hợp nầy Mó là biệt từ để chỉ định ngôi thứ ba, vừa đdàn ông vừa đàn bà, chẳng hạn :
Mó nỉ = Anh nầy, cậu nầyn chị nầy, cô nầy.
Mó nẳn = Anh kia, cậu kia, chị kia, cô kia.
Ì mó nỉ = cái cô nàng nầy, cái con nầy.
Bặc mó nẳn = cái anh chàng kia, cái thằng kia.
v.v...
Mười vị Phí mà chúng ta đã lạm bàn, vị số 1 đến vị số 5 thuộc loại Phí haải tức Phí ác ; vị thứ 6 là Phí phi thiện, phi ác ; 4 vị sau cùng thuộc loại Phí Chày Đì nghĩa là Phí lương thiện, cũng có thể gọi là Phí Hộ Trì. Đối với các Phí Ác thì có các Mó như Mó Koong Koi để trị Phí Koong Koi, Mó Phệt để trị Phí Phệt, v.v... Còn đối với các Phí Hộ Trì cũng có các loại Mó, song mục đích của họ là chủ lễ các buổi cúng bái, cầu nguyện thể hiện lòng tin lên các Phí Hộ Trì : Mó Mương lo việc cúng bái cho Phí Mương, đôi khi phải trực tiếp hay gián tiếp làm trung gian qua ngả Thiêm ( lên đồng ) giữa Phí Mương và dân trong Mương. Mó Bản lo việc Phí Bản... nhưng, vì trong một Mương, một Bản nhiều khi có đến mấy Mó cùng nghề thành thử các phù thậu, phù kè ( Hội đồng bô lão ) trong Mương, trong Bản mới chọn lựa ra một Mó dày kinh nghiệm, cao tay nhất và là phật tử thuần thành, bầu lên làm Mó trách nhiệm, gọi là Chảo Cham. Chảo Cham hay Cham có trách nhiệm đại diện cho cả Mương hay cả Bản mỗi khi có cuộc tế tự chính thức long trọng ( tháng phí chẳng hạn ) hoặc gặp những trường hợp khó khăn, trục trặc mà các Mó non tay ấn giải quyết không xuôi, Chảo Cham mới can thiệp làm trung gian như đã nói trên.
Các Mó lên đồng tục gọi là Nang Thiêm ( đồng cô ), Mè Thiêm ( đồng bà ) - miệt Nam Lào gọi là Mè Lăm - Mó Thiêm ( đồng cậu, đồng ông ). Đặc điểm của họ là lên đồng thì không cần nói ta cũng hiểu là họ có cách để tiếp xúc với giới vô hình tức các Phí nói chung. Quan hệ giữa họ và Chảo Cham thường thay đổi tùy địa phương. Ở miền Nam Lào, Mè Lăm nào tiếp xúc nhiều với các Phí Hộ Trì như Phí Mương, Phí Bản được sắp hàng đầu, Chảo Cham là trung gian giữa Mè hay Mó Thiêm và tín hữu. Tại đồng bằng Vientiane, Mè Thiêm là phụ tá của Chảo Cham.
Có ba trường hợp để trở thành Mó Phí, Mó Phon ... nói chung :
1. Tự nhiên mà thành, ta gọi là " bẩm sinh ".
2. Theo thầy tu luyện
3. Sau một biến cố quan trọng như trường hợp dưới đây.
Một cảnh so tài giữa Phí Pọp và Mó Phí
Người Lào dùng động từ Khậu ( vô ) để chỉ tình trạng một người bị Phí chiếu cố ( Phí khậu ). nạn nhân của Phí Pọp thường là trẻ em, người đang dưỡng bệnh, đàn bà con gái mới trả xong món nợ hàng tháng ... Nhưng xét cho cùng vấn đề giống đực, giống cái cũng như chuyện đẹp, xấu của đối tượng không phải là tiêu chuẩn hàng đầu để Phí Pọp " vô ", điểm quan trọng tối hậu của sự chiếu cố là lối " ra " trên thân thể của nạn nhân.
Chị A là người Việt sinh trưởng tại S., Lào. Gia đình chị ở trong xóm gồm đa số người Lào. Năm ấy chị đã trên 40, tánh tình cĩng nóng nguội thất thường như trăm vạn người khác, chồng con đã nên nề nên nếp, chỉ cái tội máu ham đen đỏ hơi lậm. Một ngày nọ, thần đen đỏ ám chị sao đó nên chị thua đậm, trở về nhà chị u uất, buồn bực vì lo chồng biết. và trong lúc chị đang lui cui sửa soạn buổi cơm tối cho gia đình thì có một bà cụ hàng xóm người Lào qua " mượn " chị chén nước mắm. Đang bực mình vì thua bạc lại có người đến xin khéo nầy nọ, không những chị không giúp bà cụ mà còn nhân cơ hội giặn cá chém thớt, gay gắt, xéo xỉa bà cụ nặng nề. Bà cụ nín thinh, hai tay nắm chặt cái chén như mốn bóp tan nó ra trăm mảnh, hai mắt mở thao láo ra nhìn trân chị A, mấy phút sau bà cụ vừa gục gặc đầu vừa cười gằn một tiếng rồi bỏ về...
«Tối ấy, cơm nước xong mấy đứa nhỏ trong nhà qua nhà ông bà ngoại chơi, trong nhà chỉ còn hai vợ chồng. Vào khoảng 9 giờ, tôi - chồng chị A - xuống bếp tìm cái gạt tàn thuốc thì thấy nhà tôi ngồi thừ người trên ghế đẩu, chén bát bữa cơm tối còn ngổn ngang trong chậu. Theo thói quen, tôi hỏi nhà tôi :
- Hôm nay lại " cháy " nữa chứ gì ?
Nhà tôi không đáp. Tôi hỏi lại. Nàng vẫn ngồi im. Tôi lập lại câu hỏi thêm lần nữa, hơi gắt giọng. Bất thình lình, nàng ngước đầu lên nhìn tôi, ánh mắt gờm gờm, khiêu khích, môi mím chặt nhưng vẫn không trả lời. Tôi bắt đầu nổi nóng :
- Đã nói hoài, đừng chơi với mấy con mụ cờ bạc gạo đó, thời buổi khó khăn mà cứ đem tiền đi nướng ...
- Bộ một chén nước mắm đắt lắm hay sao ?
- Vợ tôi trả lời bằng tiếng ... Lào, giọng khàn khàn.
- Không đắt không rẻ nhưng không tiền lấy gì mà mua ?
Tôi vẫn dùng tiếng mẹ đẻ.
- Mả cha mầy, chỉ một chén nước mắm mà mầy lại chửi tao thậm tệ. Đồ khốn kiếp, tao cho mầy chết ...
Nghe vợ tôi nói - vẫn bằng tiếng Lào - tôi khựng người vì lần đầu tiên nàng cả gan mở miệng chửi cha tôi, tôi nghe như máu chạy lên đầu, dùng tiếng Lào :
- Cái gì, mụ vừa nói cái gì ? Đã nướng hết mồ hôi nước mắt của tôi lại còn già hàm hỗn láo, tôi lại cho mấy bạt tai rụng hết răng bây giờ ...
- Tuổi tao còn lớn hơn tuổi cha mầy mà dám bảo là tao hỗn láo ? Rụng hết răng ? tao còn răng đâu mà rụng ...
Nói xong, vợ tôi nghiến răng trèo trẹo rồi cười rú lên xằng xặc. Tôi để ý càng lúc giọng vợ tôi càng ồ như tiếng đàn ông. Tôi chưa kịp nổi doá thì bất thần nàng tụt quần xuống :
- Bạt tai cái con c. tao đây nầy !
- ! ! !
Sống gần gũi người Lào từ thuở lọt lòng mẹ, lại từng biết qua nhiều chuyện huyền bí của họ, tôi cảm thấy có điềm gì không ổn và bắt đầu hoảng :
- Bà là ai ?
- Đi hỏi con vợ khốn nạn của mầy !
- Đến đây tôi biết ngay là nhà tôi đã bị Phí khậu, tôi hoàn toàn mất hết bình thỉnh, phóng ra khỏi bếp, tung cửa chạy qua nhà ông bà nhạc, mồm hét cầu cứu vang cả xóm ...
Đêm ấy người Việt, người Lào trong xóm kéo nhau qua chật cứng nhà tôi. Trong thời gian tôi chạy ra cầu cứu với làng nước, không biết " vợ " tôi làm cách nào mà leo lên giường được, nằm quay mặt vào tường. Ai hỏi gì vợ tôi hay con Phí cũng nín thinh. Đưa nước cho nó, nó không uống mà đòi rượu trắng ; đưa cơm nó đòi xôi và Pà-đẹc ( một loại mắm cá của Lào ), lại đòi hút thuốc lá, đúng hiệu A đèng ( chữ A đỏ ) ... và nhiều yêu sách càng lúc càng kỳ quái khác hẳn thói quen của vợ tôi. Mọi người đều đồng ý con Phí " vô " vợ tôi là Phí đàn ông , nhưng chưa biết đích xác thuộc " Phí " gì. Có vài người bạn tình nguyện ngủ lại.
Sáng hôm sau nhằm thứ tư, tôi xin nghỉ việc, ở nhà với mấy người bạn ngủ lại đêm qua, canh chừng nhà tôi, thấp thỏm chờ anh B rước ông thầy pháp tên C đến. Ông C là một việt kiều gốc Quảng Bình, thợ may kiêm nghề pháp sư, chuyên chủ lễ các buổi cúng cháo, cúng sao, lập đàn giải hạn cho các tín hữu việt kiều trong tỉnh S. (2)
Đang gắt gỏng, hoặn hoẹ đòi hỏi đủ điều, bất ngờ A - vợ tôi hay con Phí - ngưng bặt, lẳng lặng nằm xuống giường, quay mặt vô tường, kéo mền trùm kín người. Ngoài nhà, có tiếng lao xao chào hỏi bằng tiếng Lào. Tôi vội chạy ra, mới biết pháp sư C bận việc phải về Paksé. Anh B bèn mới một vị khác, người Lào tên D, Mó Đù ( thầy bói ) kiêm Mó Phí ( pháp sư ), khá nổi tiếng.
Chắc đã nghe anh B kể qua trường hợp của A nên thầy D không nói không rằng, đi thẳng vào phòng của A. Nhờ anh B đi lấy cho một cái đĩa. Trong lúc đó ông thắp hai ngọn nến. Anh B đưa đĩa vào, ông ra hiệu đặt đĩa lên bàn. Thầy D móc trong bọc vải ra 5 cặp hoa Champa ( hoa sứ, hoa đại ) đặt vào đĩa rồi thắp hai ngọn nến cắm vào hai bên mép đĩa. Hoạt cảnh bắt đầu, bằng tiếng Lào :
Thầy D : - Hè hè …Bổn cũ lại tái diễn nữa rồi … Nhà ngươi là ai ? Muốn gì ? Người ta sẽ cho, xong cút ngay. Ta không dễ tánh đâu đa, cãi lời ta, ta sẽ không nương tay …
A vẫn trùm mền nằm im. Thầy D giật tung cái mền. A không cựa quậy.
Thầy D : - Xin cho biết tên ! Vừa nói, thầy D vừa vươn tay ra bắt ấn, đẩy tới phía A ( như tung chưởng ).
A từ từ ngồi dậy, quay mặt lại, nhìn trừng trừng thầy D. Không lên tiếng.
Thầy D tung tay ấn, cao giọng :
- Ngươi là ai, muốn gì ? Hãy xưng tên mau !
- Đi hỏi con vợ khốn nạn của thằng nầy ! A trả lời, tay phải chỉ vào tôi, tay trái hất nhẹ vào khnôg khí một cái, như đuổi ruồi.
- Không được hỗn … À, ra ngươi là một con Pọp già không nên nết. Tại sao lại " vô " người ta như vậy ?
- Đi hỏi con vợ khốn nạn của nó!
- Người ta đã bị mầy " vô " thì còn nói năng gì nữa. Nhà ngươi là ai ? Muốn gì ?
- Tao sẽ cho nó chết …
Thầy D lùi lại gần bàn, rót một ly nước lạnh, cầm đưa lên ngang cằm, miệng lâm râm niệm chú một hồi, thổi phù một cái vào ly nước. Lên tiếng :
- Được rồi, ngươi không biết điều, thì hãy uống ly nước nầy. Thầy D đưa ly nước cho A. A vừa nhếch mép cười vừa đưa tay ra như muốn nhận ly nước, thình lình đập mạnh vào tay thầy D một cái, làm tung ly nước xuống nền nhà :
- Thằng con nít, cút đi cho rảnh mắt tao, không tao lại vật luôn cả mầy. Hè, hè, hè …
Thầy D rút trong bọc vải mang trên vai ra một cái roi đen thui dài độ 1 thước tây, quất vào người A. Không né, A chụp lấy roi. Hai bên giằng co. Thấy D niệm chú thành tiếng, nghe như tiếng Khạ. Càng lúc mặt thầy D càng đỏ, mồ hôi lấm tấm trên trán. A tóc tai xổ tung, bất ngờ buông tay một cái, thầy D mất thăng bằng, chới với xuýt ngã ngửa, may có cái bàn giữ lại. A rú lên cười, vỗ tay bôm bốp, nảy tưng tưng như trẻ con :
- Thằng chó con ! Mầy còn ngón nào đưa ra hết tao coi …
Thầy D lấy từ trong bọc vải ra một sợi chuổi có nhiều kà-thá ( bửu bối ) làm bằng đồng đỏ, đeo vào cổ, chấp hai tay để trưóc ngực, mắt nhắm nghiền, miệng niệm chú không ngừng …A ngưng ngay tiếng cười, khựng lại, nhím mày nhìn trừng trừng vào sợi chuổi. Đột nhiên thầy D thụp người xuống, cùng lúc dùng hai tay cởi sợi chuổi ra khỏi cổ, tung mạnh vào người A … A có vẻ hốt hoảng, lùi lại ngồi xuống bià giường, phát ra một tràng ngôn ngữ lạ, đưa hai tay ra bắt sợi chuổi, định giật đứt nhưng không biết nghĩ sao, tung trả lại phía thầy D. Thầy D bắt lấy chuổi kà-thá, cất vào bọc vải, vói tay tắt hai ngọn nến, không nói không rằng ra khỏi phòng A. Mọi người trong phòng hốt hoảng chạy theo. Thầy D nói với anh B :
- Lão Pọp già thật ghê gớm, tôi phải về am lấy thêm vài món khác (3). Luôn tiện anh đưa tôi ra bản K., phải mời cho được thầy E ở đó, có ổng phụ một tay mới trị nổi lão già nầy. Quay qua tôi thầy dặn :
- Sau trận thử sức nầy, lão Pọp già sẽ đòi ăn , đòi uống dữ lắm, ông chịu khó lấy lòng lão ta, chúng tôi sẽ trở lại ngay.»
« Sau nầy anh B kể lại, hình như thầy E đã biết trước sự cầu viện nầy nên khi anh và thầy D đến nhà thầy trong bản K., ông ta đã khăn gói chỉnh tề ngồi nhập định trước bàn thờ trong nhà.
Thầy E là Chảo Cham của làng K., đã trên 60, lừng danh khắp tỉnh S. và vùng phụ cận. Từ khi nhậm chức Chảo Cham, cùng lắm thầy mới trực tiếp ra tay và thường có tính cách hổ trợ khi đồng nghiệp gặp địch thủ lợi hại.
Đang ăn uống nhồm nhoàm, bổng A ngưng ngang, leo lên giường nằm quay mặt vào tường, trùm mền nằm im. Tôi biết anh B, thầy D đã trở lại và có thể có luôn thầy E, nên chạy ra đón họ vào phòng A.
Thầy E đích thân thắp hai ngọn nến, cũng cắm vào hai bên mép đĩa " khai " của thầy D. Chấp tay khấn một hồi lâu, thầy tiến lại gần giường A đang nằm, điềm đạm lên tiếng bằng tiếng Lào :
- Thân chào bạn ( sa bai đi sà-hái ). Tôi là Chảo Cham làng K., đến đây thăm bạn. Mọi sự trên đời đều có thể thương lượng, bạn đồng ý chứ. Để tránh mọi sứt mẻ và đổ vở, nhân danh gia chủ, xin bạn cho biết tên và ý muốn, chúng tôi sẽ làm vừa lòng bạn.
A không quay lại nhưng đáp :
- Đi hỏi con khốn nạn !
- Thế thật sự bạn muốn gì ?
- Muốn vật cho nó chết !
- Bạn không thể vô cớ làm hại người ta ...
- Ai bảo là vô cớ ?
- Thì xin bạn cho biết nguyên cớ.
- Đi hỏi con khốn nạn !
- Khoắn ( viá hay hồn ) người ta đã bị bạn hớp rồi, làm sao mà ăn nói.
- Tao không nói !
- Bạn nhất định cứng đầu ?
- Ừ, bọn mầy làm gì được tao ?
Nghe A thách thức, thầy E thọc tay vào bọc vải đeo trên vai, lấy ra một cái khăn rộng đan mắt cáo trông như cái lưới chài cá cỡ nhỏ, một đầu có cột sợi dây, chụp xuống người A, A thét dựng lên, ngồi bật dậy, nhảy xuống giường, qùy xuống lạy như tế sao :
- Xin nương tay, xin nương tay !
- Bạn là ai ? Nói mau ! Vừa hét, thầy E kéo tấm lưới phủ lên người A.
- Tôi xin nói, tôi xin nói. A lăn dưới đất. Xin lấy tấm lưới ra ... hừ, hừ. Xin lấy nó ra ...
- Được. Nhưng giở trò thì đừng trách. Thầy E thu tấm lưới lại.
- Tôi là ...
Bất ngờ A ré lên cười :
- Tao là cha của mấy thằng Mó Phí hôi tanh như mầy ...
Thì ra nảy giờ A chỉ đóng kịch, diễu thầy E. Biết bị A chơi khăm, tay trái thầy E tung lưới lên chụp A, tay phải rút ra một cái roi lởm chởm sần sùi :
- Thế thì cho mầy nếm mùi " sẹ phra kăm " (1). Thầy E quất túi bụi vào người A.
Lần nầy A rú lên đau đớn thật sự, quằn quại co rúm lại như con tôm :
- Xin thầy ngừng tay, tôi xin nói ...
Thầy E vẫn không ngừng tay. Điểm lạ ở chỗ roi " sẹ phra kăm" vụt mạnh vào người như mưa, mồm rú lên đau đớn thế mà người A không hề bị trầy trụa tí nào. Chắc roi chỉ " đánh " vào con Pọp " trong " người A, chứ thứ roi nầy mà quất vào da thịt người phàm thì còn gì thịt da.
- Xin thầy tha mạng, tôi xin nói, tôi xin nói ... A vừa van xin vừa rên xiết :
- ... em gái tôi ở trong xóm nầy. Hôm qua nó sang mượn con A một chén nước mắm. Đã không cho mượn nó còn chửi mắng em tôi thậm tệ. Tôi phải trả thù cái nhục nầy ...
- Nhưng mầy là ai, từ đâu đến ? Thầy E hỏi và ngừng tay.
- Tôi là Thảo F (2), cũng ở trong xóm nầy ...
- Láo ! Cả tỉnh S. nầy có bao nhiêu Pọp mà tao không biết. Vừa hét thầy E vừa tung " sẹ phra kăm " quất một cái vào người A. A oằn người đau đớn :
- Dạ, tôi là Pọp trong Thảo G, ở tận Mương Phin ... Thảo G chết tôi mới nhập vào em gái nó là Nang H, mới dọn ra S., ở trong xóm nầy. Xin thầy tha mạng.
- Mọi việc cũng đã lỡ, mầy hãy " ra " đi. Và phải rời khỏi tỉnh S. về quê cũ mầy ngay.
- Ai bảo con A mất dạy ...
- Gia chủ sẽ làm lễ tạ lỗi. Thầy E ra hiệu cho thầy D, thầy D liền đưa cho thầy E ly nước lạnh. Nâng ly nước ngang cằm, cũng như thầy D đã làm, thầy E lâm râm niệm chú, thỏi phù một cái vào miệng ly, ra lệnh :
- Uống ly nước nầy rồi " ra " ngay !
- Xin cho " ra " bằng đường " trên " ( mồm ).
- Không được ! Phải " ra " đường "dưới " .
- Tôi không quen ...
- Không quen cũng phải " ra " .
- Xin thầy ... A năn nỉ.
- Đã bảo không được là không được !
- A há mồm uống cạn ly nước phép xong, vội vàng nói :
- Xin cho " ra " ngoài nhà cầu.
- Cũng không được. Phải " ra " ngay tại đây !
Thình lình A nằm lăn xuống nền nhà, ngất lịm. Váy ướt đẩm.
Thầy E thu hồi bửu bối vào trong bọc vải. Tắt nến. Bước ra khỏi phòng, thầy nói :
- Việc khó khăn đã được giải quyết. Những gì phải làm sau nầy đã có thầy D đây lo liệu, khỏi cần liên lạc với tôi. Dù sao quí vị hãy nhớ câu nầy : " Hạy đì chày phí, đì chày khôn " ( cho vui lòng ma thì vui lòng người )". Duy có một điều ... Thầy E bỏ lững câu nói. Anh B đưa thầy E về .
Thầy E về rồi, thầy D vực nhà tôi lên giường, dặn cứ đểcho nàng ngủ, sáng sớm mai nàng sẽ tỉnh. Bấy giờ đã hơn 10 giờ tối.
Gần một tuần sau sức khoẻ nhà tôi mới hoàn toàn hồi phục. Theo lời dặn của thầy E, chúng tôi nhờ thầy D chủ lễ một buổi Bun Hươn ( lễ nhà ), để tạ lỗi cùng Phí Pọp G ( giữ lời hứa của Chảo Cham E) đồng thời làm su-khoắn ( gọi vía hay gọi hồn ) cho nhà tôi và Pôông khai ( lệ phí trả ơn ) cho thầy D chứ không phải cho thầy E. Đó là luật bất thành văn giữa các Mó Phí. Bà lão hàng xóm người Lào rời khỏi tỉnh S. khi nào không ai hay ».
Một thời gian sau mọi người mới hiểu câu nói bỏ lững của Chảo Cham E " duy có một điều ...": Chị A bỏ cờ bạc, tánh tình đằm lại, có lối sống kín đáo hơn ... rồi bỗng dưng trở thành Mó Đù ( thầy bói ). Phòng chị tiếp khách cũng bày biện đầy đủ lễ bộ của một Mó Đù chuyên nghiệp, đặc biệt khi nhập định hành nghề chị dùng tiếng Lào.
(1) Su-Khoắn = Lễ buộc chỉ cổ tay ( xem chi tiết trong bài Đám Cưới Lào, Đám Cưới Việt, cùng soạn giả ).
(2) Soạn giả còn nhớ như in cảnh thân sinh soạn giả, sinh thời, đã đạp đổ tan tành đàn giải hạn do pháp sư C lập ra theo lời thỉnh cầu của mẹ soạn giả vốn là thân chủ của ông ta.
(3) Đây là tiếng lóng các Mó thường dùng khi tự thấy non tay hơn Phí.