Mấy tuần sau, xong công tác giảng dạy ở Vientiane, trở lại Savannakhet, tôi và L. ra xem lần nữa. Lần nầy, nhằm thứ hai, chỉ có chúng tôi là khách viếng cảnh lạ nên đánh bạo xin phép chủ vườn cho chui qua hai vòng rào để chụp hình và đếm. Ông ta bảo : " Bò đảy, kh'lăm. Phờn bò hạy " ( Không được, kiêng. Ngài không cho). Chúng tôi năn nỉ mãi, ông ta bèn trả lời : " Thôi được. Đây là một sự kiện hy hữu linh thiêng chưa từng xảy ra ở bất cứ nơi nào. Quí vị từ nước ngoài về đây, âu cũng là một duyên may. Muốn kiểm chứng thì cứ vào gần mà quan sát. Nhưng tôi phải nói trước với quí vị, nếu quí vị hữu phước thì tốt cho quí vị ; nếu quí vị vô phước có chuyện gì xảy ra chúng tôi không chịu trách nhiệm à ". Nói xong, ông ta kính cẩn chấp tay xá chùm dứa một cái. Thấy vậy, hai đứa tôi cũng nghiêm trang làm theo rồi mới thực hiện điều mong muốn. Đúng là một gốc mà có tới 21 trái. Chúng ta nên nhớ là ở Lào, bấy giờ, chưa biết dùng thuốc kích thích trong canh tác.
Cho đến nay, mỗi đứa chúng tôi trở lại nơi chốn tạm dung, vẫn bình yên vô sự nhưng thâm tâm cá nhân tôi, tôi vẫn chịu - dù chưa hiểu - lòng tin và hình thức sùng bái của người Lào nói chung, của ông chủ vườn nói riêng, trước một hiện tượng theo lẽ không tự nhiên ( theo khoa học thì là bất thường ) vì trước nay mỗi mùa mỗi gốc dứa chỉ sinh một trái duy nhất. Song dù sao, việc kh'lăm nầy ít ra cũng giữ cho " hiện tượng " được an toàn nẩy nở theo chu kỳ tự nhiên của hoa trái, hơn nữa nhờ đó các chùa quanh vùng cũng nhận được hơn một triệu Kịp công quả từ gia đình ông chủ vườn chân chất. Chỉ tiếc một điều, ông không cho chúng tôi biết chữ Phờn ( Ngài ) trong câu " Phờn bò hạy " ( Ngài không cho ) là ai, nếu là Phí ( Ma ) hay Thê Va Đa ( thần ) thì tên gì ?
Hai năm sau tôi lại quay về thăm gia đình, nhắc lại chuyện cây dứa, con rể ông chủ vườn bảo " thì nó chín, rụng dần rồi rã thành đất " ! Tôi tiếc hùi hụi, bảo " sao chú mầy không cho chích thuốc, giữ lại như ...". Nó trả lời " Mô Phật, tụi Thái Lan năn nỉ mua với giá cao, ông cụ đã không bán còn " nổ " cho một trận. Mấy anh học Tây, Mỹ cho lắm vào rồi nhìn cái gì cũng chỉ tính chuyện sinh lợi ..."
Thay lời kết
Tín ngưỡng vốn muôn hình, nghìn sắc thành thử không riêng gì Lào và các nước lân cận mới còn tồn tại nhiều cái gọi là mê tín, dị đoan. Mà sống trong văn minh khoa học tân tiến cao cũng không bảo đảm việc không có dị đoan, mê tín, nếu không muốn nói rằng con người càng tiên tiến về khoa học vật chất thì niềm tin càng đi xa hơn để giải quyết những ưu tư, thắc mắc, mong muốn còn đọng lại trong tâm giới họ vì bộ óc con người dù thông minh, tinh vi đến đâu cũng chỉ là sản phẩm của vũ trụ, không làm cách chi vượt ra ngoài sự chi phối và giới hạn của thiên nhiên để trở thành tạo vật chủ được, cho nên khoa học, vốn phải dựa trên kết quả thực nghiệm, chẳng bao giờ theo kịp tín ngưỡng vốn chỉ cần một niềm tin, nói chi việc giải quyết được ý thức tín ngưỡng. Đơn cử trường hợp người Âu-Mỹ vốn được chúng ta cho là mẫu mực của văn minh, khoa học cao, thế mà ở đầu thế kỷ XXI nầy họ vẫn giữ nhiều sự kiêng kỵ khó hiểu ; ví dụ họ ghét ( hay thích ) con số 13 : không dùng cơm tối với 13 người ( liên tưởng tới Juda, kẻ bán Chúa ), sợ ngày thứ sáu 13 ( Vendredi 13 ) ; kiêng dùng một que diêm để châm thuốc lá cho ba người, kỵ làm đổ muối xuống đất, kiêng chui qua gầm thang, cữ đặt ổ bánh mì nằm ngửa, v.v... Ngược lại, khi nhặt được một chiếc lá chĩa ba có 4 cánh ( trèfle à 4 feuilles ) họ cho là điềm may mắn ... Tại Âu-Mỹ, bói toán nói chung là một nghề dễ hốt bạc và hầu như nằm ngoài hay nói cho thật đúng là ngồi trên cái gọi là khủng hoảng kinh tế. Ở Bắc Mỹ người ta biết cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, bà Nancy Reagan, là một người mê tín, đặc biệt bà đã công khai công nhận sự kiện nầy, nhất là chuyện bà rất tin thầy bói để ảnh hưởng tới mọi quyết định của đấng phu quân, cố tổng thống Ronald Reagan. Nhiều nguyên thủ quốc gia bên châu Mỹ la-tinh vẫn thường tham khảo, tìm lời khuyên từ các bốc sư, chẳng hạn cựu tổng thống xứ Pérou, ông Alberto Fujimori ( gốc nhật bản ) đã thú nhận : " Tôi thường hỏi ý kiến một nhà tiên tri tên Carmelli. Bà thầy không nói rõ ra chuyện gì, bà chỉ phán tổng quát, chung chung ... Tôi rán suy đoán rồi đi đến quyết định". Cựu tổng thống Argentine, ông Carlos Menem khoe rằng ông thường hay đi coi bói với chiêm tinh gia tên Hilda Evelia Romanelli, và trong khi tiến hành thủ tục ly dị vợ, ông thường xuyên mời thầy bùa, thầy pháp, cô đồng, bà cốt đến nhà để gỡ ếm, trừ tà.
Riêng tại Pháp, các chiêm tinh gia nổi tiếng như quí bà Soleil, Elisabeth Teisseir, Yaguel Didier, Catherine Aubier ... và quí ông như Didier Derlich ( đã qua đời ), Claude Naisse, Marcel Picard ... đều có cuộc sống vật chất cấp triệu phú trở lên, có lẽ nhờ một số đông tín hữu thuộc tầng lớp " chăn dân " ( tổng thống, bộ trưởng, dân biểu), các nhà đại tư bản ... mà các bốc sư chỉ mới chịu khui tên một số rất ít. Hầu như mọi tờ tuần báo tại Pháp đều có mục Tử Vi, đôi khi Tử Vi Tây và Tử Vi Tàu vui vẻ cọng tồn song hành trong một tờ báo, chưa kể cả chục nguyệt san chuyên đề nầy như Astres, Horoscope, Destins...
Theo sách LaVoyance của ông bà Joseph và Annick Dessuard thì hiện nay nước Pháp có khoảng 40.000 bác sĩ tổng quát đang hành nghề, so với 30.000 bốc sư đủ loại ( thiên văn, lịch phổ, bói toán, thuật số v.v... ; riêng thủ đô ánh sáng Paris có trên 240 bốc sư gieo quẻ " cách diện " qua mạng Minitel hay Internet và, từ 1986, một công ty nặc danh ( Société Anonyme ) có chi nhánh tại Cannes, tại Nice, chuyên " thuật số " qua điện thoại hay các mạng mới nói trên với con số thu hoạch khai báo chính thức với sở thuế vụ là ...10 triệu francs ( 1,6 triệu Euros ) trong năm 1993 ! Đó là công ty Divinitel SA của ông Claude Naisse, tọa lạc tại số 85 Rue de Rivoli 75002 Paris.
Theo tạp chí Challenger số 77 ( 01/1994 ) : Sinh thời tổng thống Pháp, ông François Mittérand, là một tín chủ của các bốc sư bên Cận Đông. Câu hỏi ông nầy thường tham khảo các bốc sư là : " Tôi nên chọn ngày nào để nói với quốc dân Pháp hầu được họ hiểu rõ ?". Trong cuộc chiến vùng vịnh lần thứ nhất năm 1991, tại sao ông Mittérand đã cương quyết chọn ngày 09/01/1991 để nói với dân Pháp về những đe dọa của Saddam Hussein ? - Ấy vì một trong các bốc sư ruột của ông đã bật đèn xanh cho ông ta đấy. Và trong khi ông Mittérand đi cầu thầy bói tận bên các xứ Ả-rập thì đương kim quốc vương Juan Carlos của xứ Tây Ban Nha, từ 25 năm nay, lại thường xuyên xem bói bằng thư với bà Elisabeth Teisseir của xứ Pháp ! Thật là Bụt nhà không thiêng ! Ngoài ra mấy vị cấp lãnh đạo nước Pháp như Valéry Giscard d'Estaing, Jacques Chirac, Edith Cresson, Jack Lang, Robert Badinter ... cũng là thân chủ của chiêm tinh bói toán. Theo các chiêm tinh gia hay bốc sư nổi tiếng tại Pháp, mỗi lần có cuộc bầu cử, 1 trên 2 dân biểu ( ứng cử viên ) cầu đến tài năng gieo quẻ của họ.
Trong cuốn Tự Do trong Lưu Đày, đương kim Đức Đạt Lai Lạt Ma kể lại chính ông từng tham dự nhiều cuộc lên đồng, gieo quẻ. Chẳng hạn việc ông quyết định tị nạn qua Ấn độ cũng do cậu đồng chỉ đường vạch lối. Tôi tâm đắc nhất khi ông bảo " Con người khi cùng đường, thường cầu đến thần linh ... Còn thần linh khi cùng đường thì hay ... nói láo " !
Trên đây là những tín hữu thuộc giới chính trị, vậy trong giới khoa học kỹ thuật thì sao ?
1. Hãng xe hơi Citroën của Pháp, khi tung xe Citroën AX qua thị trường Thụy Sĩ đã nhờ bà Elisabeth Teisseir (E.T.) " thuyết trình " trước 500 khán thính giả về đề tài " các cơ may thành công " của ... AX.
2. Văn phòng quảng cáo của hãng nước hoa Lancôme trứ danh cũng nhờ bà E.T. gieo quẻ trước khi tung nước hoa hiệu Sagamore ra thị trường.
3. Tháng 6 năm 1993 : Hãng vi tính nổi tiếng thế giới Hewlett-Packard ( HP, Hoa Kỳ ) đã cầu đến " ánh sáng " của bà Yaguel Didier ( Pháp ) trong một đại hội về hạnh phúc tại Mandelieu-La-Napoule ( gần Cannes, Nam Pháp).
4. Cụ thể là năm 1970, cả thế giới đã bàng hoàng hoảng hốt và đồng loạt tổ chức những buổi lễ cầu nguyện cho các phi hành gia trên phi thuyền Apollo XIII của Mỹ được bình an trở về trái đất. Tại sao ? - Chỉ vì khi được phóng lên mặt trăng, Apollo XIII bị trục trặc máy móc và trong nhất thời những bộ óc khoa học thúc thủ, mất bản năng tự tín phải quay về với tín ngưỡng.
............
Tóm lại, kh'lăm trên đất Lào hay sự húy kỵ, kiêng cữ ở các nơi khác cũng chỉ là hình thức, phản ứng biểu hiện sự băn khoăn, sợ hải của con người đối với thiên nhiên, đối với nguồn gốc của cơ năng vũ trụ mà con người chưa tìm ra đáp số. Trong lúc lần mò truy ra dần dần các đáp số, con người phải lấy căn bản suy tư làm chủ đích cho sự tin tưởng của khối óc làm đường hướng cho ý thức sinh tồn, tức cố gắng duy trì sự hiện hữu của mình trong qui luật của thiên nhiên, mà một trong những kết quả của căn bản suy tư là Tín Ngưỡng ( chính thống hay dân gian ), điểm tựa cuối cùng cho mọi bế tắc.
Hàn Lệ Nhân