TTCT - Khởi đi từ Hoa Lư, Thiên đô chiếu của vua Lý Công Uẩn đã mở ra một Thăng Long văn hiến, hào hoa nay nghìn năm tuổi.
Trong lòng dân Hoa Lư ở lại vùng đất xưa - nơi vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt chọn làm kinh đô, nghìn năm ấy vẫn đọng lại không ít nỗi niềm...
|
Đường làng, ngõ xóm ở thôn Tam Kỳ - Ảnh: Hà Châu |
Dân về đám giỗ vua Đinh
Sáng 15-8 âm lịch (22-9-2010), tại khu di tích đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình) diễn ra một “buổi chầu” của rất nhiều đại thần cùng các nữ quan và cung tần. Với mâm lễ gồm xôi, thủ lợn, hương oản, hoa quả... các vị đại thần thành kính dâng lên vua Đinh những sản vật của quê hương, bày tỏ tấc lòng thành của con dân Cồ Việt quốc.
“Năm nào cũng vậy, đến ngày này chúng tôi đều làm giỗ tưởng nhớ ngài - một người con của đất Ninh Bình, cũng để tưởng nhớ đến kinh đô của nước Đại Cồ Việt - một phụ nữ trong vai nữ quan cho biết - Con dân của đất cố đô chưa khi nào nguôi nỗi nhớ về đức tiên hoàng đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, xây dựng một kinh đô tráng lệ tại đất Trường Yên này”. Phía trước cổng đền, một công trường rộng lớn ngổn ngang chuẩn bị sân khấu cho nghi lễ rước Chiếu dời đô vào tối 30-9 và sáng 1-10.
Hòa trong đoàn người áo mão chỉnh tề dâng lễ có rất nhiều người dân trong vùng. Anh Nguyễn Văn Lịch, một người buôn bán nhỏ ở thôn Nam, nói: “Tôi xem tivi thì biết ở ngoài kia (Hà Nội) đang tổ chức kỷ niệm 1.000 năm vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư đến Thăng Long, còn ở đây hôm nay chúng tôi về giỗ vua Đinh, tưởng nhớ ông, không có ông thì không có Hoa Lư”.
Mâm cúng được dâng tại đền Đinh xong, những người tham dự sang chiêm bái ở đền thờ vua Lê và nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ ở ngay bến sông Sào Khê - nơi vua Lý đã ban Chiếu dời đô rồi bước xuống thuyền rồng ngược dòng Sào Khê đến Hoàng Long, về Thăng Long dựng kinh đô mới.
|
Một ngôi nhà có tường rào đá ở thôn Tam Kỳ - Ảnh: Hà Châu |
Cố đô, cầu cổ và chùa cổ
Hình như chưa ai đặt câu chuyện phố cổ tại Trường Yên, nhưng theo những người dân thì sau khi vua Lý đi, dân đã vào thành nội sinh sống. Đại Việt sử ký toàn thư kể lại sau khi vua dời đô ra Đại La thành thì: “Đổi châu Cổ Pháp gọi là phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư gọi là phủ Trường Yên”.
Dân tràn vào thành nội sinh sống, nên phủ Trường Yên rất đông đúc từ thế kỷ 11. Xã Trường Yên nay còn các địa danh gắn với kinh thành: thôn Tây, thôn Nam, thôn Đông, thôn Tam Kỳ... Trải qua gần 1.000 năm nhưng may mắn chỉ chịu biến động về thời gian, ít chịu biến động về thiên tai, địch họa nên những nếp nhà xưa, những dòng họ vẫn sống tiếp nối từ đời này qua đời khác.
Dấu tích của người xưa còn lại nơi những cổng đá, bờ rào đá, vỉa hè đá, sân làm bằng đá nguyên khối mà không ai nhớ, không tài liệu nào ghi chép niên đại. Những đường xương cá, phố bàn cờ, những ngôi nhà san sát chứng tỏ sự thịnh vượng của một triều đại với những người dân Việt gốc của các dòng họ Nguyễn, Lê, Trần, Dương, Ngô...
Cột đá Nhất Trụ được Nam Việt Vương Đinh Liễn (con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng) cho làm để chép kinh và được đặt ở nhiều nơi, trong đó có cột đá lớn nhất để tại chùa Nhất Trụ nay vẫn còn. Sư thầy Thích Đàm An, trụ trì chùa Nhất Trụ, cho biết 30 năm trước khi thầy về đây trụ trì thì chiếc hồ lô trên đỉnh cùng đài sen bị vỡ vì những năm chiến tranh trước đó, nhưng chữ khắc trên cột đá Nhất Trụ vẫn còn đọc được (Bảo tàng tỉnh Ninh Bình đã in và dịch bản kinh này).
Từ bấy đến nay, thời gian đã khiến những hàng chữ trên cột bị mờ gần hết. Trong những lần khảo cổ cách đây không lâu, mấy chục cột đá chép kinh đã được tìm thấy ở rải rác những nơi khác trên đất Ninh Bình (hiện đều để trong bảo tàng tỉnh).
Di tích cố đô nay là chốn mưu sinh cho không ít dân Trường Yên, những nông dân xưa chỉ biết làm ruộng, nay vật đổi sao dời, khi 40% diện tích đất nông nghiệp ở đây đã chuyển đổi, họ bắt đầu làm nghề dịch vụ: xe ôm, bán hàng, thậm chí cho thuê trâu để khách du lịch chụp ảnh. Những lái xe ôm như anh Hội thường kiêm luôn hướng dẫn viên chở khách đến các địa điểm khác của khu cố cung, từ chùa Nhất Trụ sang Cầu Đông, Cầu Dền, đền thờ công chúa Phất Kim...
Hôm chúng tôi tới, khu du lịch vắng vẻ, những quả dứa nhỏ xíu của người bán hàng rong héo quắt do “ít khách du lịch nên không có người mua”. Bên cạnh mấy người bán hàng là một con trâu được đeo nơ đỏ trên đầu: “Trâu của vua Đinh đấy, 10.000 đồng/lần chụp ảnh”.
Anh Lịch, một lái xe ôm khác ở thôn Nam, khi chia tay đã nói: “Việc dời đô của vua Lý là hoàn toàn sáng suốt. Vì khi đặt kinh đô ở đây, vua Đinh đã đặt việc binh lên trên, lấy núi làm thành, lấy sông làm hào.
Trải qua mấy chục năm khẳng định chủ quyền, khi vua Lý tiếp nhận vương triều thì ông nhận thấy cần phải phát triển cả văn hóa, kinh tế và chính trị. Nếu vua Lý không dời đô thì sẽ có vua khác dời đô thôi. Nhưng dù nơi đây không còn là kinh đô nữa thì chúng tôi vẫn tự hào vì được sinh ra ở nơi vua đã sinh sống”.
|
Dâng cúng vua Đinh xong, dân sang chiêm bái ở đền thờ vua Lê - Ảnh: Hà Châu |
|
Nhận thấy lối kiến trúc cũ mới là giá trị của cha ông để lại, anh Nguyễn Mạnh Đức đã tự sửa lại nhà của mình, thay ngạch gạch bằng gỗ như cũ - Ảnh: Hà Châu |
Câu chuyện về dòng họ “sinh Dương, tử Ngô”
Tại thôn Tam Kỳ, xã Trường Yên giờ còn một dòng họ Dương - dòng họ được nhắc đến trong rất nhiều văn bia ở Hoa Lư vì đã có công xây dựng lại đền Đinh, Lê, các cầu, cống và chùa chiền ở Trường Yên. Dòng họ này còn nổi tiếng khắp Hoa Lư với chuyện “sinh Dương, tử Ngô” ly kỳ.
Ông Dương Văn Hào, hiện đang trông nom nhà thờ của chi thứ 5 họ Dương ở thôn Tam Kỳ, cho biết người họ Dương có công trong việc tôn tạo và xây dựng lại đền vua Đinh và vua Lê ở Hoa Lư vốn có gốc là họ Ngô, tên đầy đủ là Ngô Văn Vĩnh. Sau rất nhiều đời chỉ sinh con độc đinh, ông đã đến chùa Nhất Trụ cúng lễ xin phúc và trồng một cây dương liễu rồi về nhà xin đổi sang họ Dương.
Từ ấy, người trong họ sinh được nhiều con cháu, không còn cảnh độc đinh như trước. Cảm cái ơn này, ông về nhà xây nhà thờ họ Dương xong thì lên khu đất cũ để xây lại đền thờ vua Đinh và vua Lê, đền xây đúng ba năm thì xong.
Tuy nhiên, để không mất họ, mất gốc, dù trong tất cả giấy tờ của người nhà họ Dương đều ghi là họ Dương nhưng khi chết đều lấy lại họ Ngô. Trong gian nhà thờ tổ họ Dương còn danh sách hơn 20 người là liệt sĩ đều lấy họ Ngô và việc “sinh Dương, tử Ngô” được dòng họ này duy trì từ thế kỷ 17 đến nay.
Chỉ tay vào những ngưỡng cửa đá, hoành phi, bàn đá, câu đầu, bia đá ghi về việc xây nhà thờ họ... ông Dương Văn Hào cho biết: Ngôi nhà thờ họ này đã tồn tại song song cùng đền thờ vua Đinh và vua Lê, nghĩa là có niên đại gần 400 năm tuổi (năm 1612). Trải qua 17 đời nối tiếp, con cháu của ông Dương Văn Vĩnh đã giữ được hầu như tất cả những gì tiên tổ để lại. Không những thế, năm chi khác của dòng họ Dương, mỗi chi đều có nhà thờ họ của chi mình, mà mỗi nhà thờ ấy đều có giá trị kiến trúc đặc biệt.
Cách đây 20 năm, tỉnh Ninh Bình khi kiểm kê các ngôi nhà cổ ở Trường Yên đã tìm được gần 100 ngôi nhà, song sau khi kiểm kê lại không có phương án bảo tồn hay định hướng bảo tồn gì nên rất nhiều nhà cổ đã bị phá dỡ để xây mới. Số nhà cổ khoảng 150 đến 400 năm tuổi ở Trường Yên nay còn lại khoảng 50 nhà nằm rải rác khắp xã, nhiều nhất ở thôn Nam và thôn Tam Kỳ, trong đó chủ yếu là nhà thờ họ. Trong những nhà cổ ấy hiện còn rất nhiều vật dụng bằng đá với đường nét chạm khắc hoa văn tinh xảo: sập đá có bốn chân chạm hổ, cổng đá, bến nước, bàn, cột, đôn chậu, ngưỡng cửa, bia đá...
(Theo TTCT)
0 comments:
Post a Comment