Những cái tên làm nên hồn phố

Leave a Comment
TTCT - Đằng sau quyết định dời đô 1.000 năm trước của vua Lý Thái Tổ không chỉ là việc chuyển kinh thành từ một nơi chật hẹp, hiểm trở đến chốn “rồng cuộn, hổ ngồi, muôn đời là thắng địa”, mà còn là sự dịch chuyển của rất nhiều con người, số phận, thói quen, cả những địa danh...
Bia đá Đông Kiều tạc thẳng vào vách Núi Chợ đã bị nhà dân che lấp - Ảnh: Việt Dũng
Nghìn năm dâu bể qua đi, những tên người, những số phận đã chìm khuất, nhưng những địa danh như Ô Cầu Dền, Cầu Đông, chùa Nhất Trụ (Một Cột)... nay vẫn “tươi thắm”, vẫn thủy chung đứng đó trên đất Hoa Lư cố đô xưa.
Bà già đi chợ Cầu Đông...
Cầu Đông dù không còn bằng đá, nay vẫn bắc qua dòng Sào Khê, sách thời Nguyễn gọi là Long Giang, nhưng tấm bia tạc vào sườn núi đá hai chữ Đông Kiều lại “ẩn cư” cách đó chừng 70m. Anh Nguyễn Văn Khang, một người nghiên cứu lâu năm về Hoa Lư, năn nỉ mãi mới được cho mở cửa một căn nhà quanh năm đóng im ỉm, vòng ra sau nhà, leo lên sân thượng, sững sờ nhìn lên hai chữ Đông Kiều chân phương, rắn rỏi, sắc nét tạc trên vách đá như chưa hề có dấu vết thời gian.

Vách núi mà Phạm Văn Nghị (một viên quan nhà Nguyễn từng là Hàn lâm viện thị giảng học sĩ) tạc bia (năm 1874) Đông Kiều còn có tên Núi Chợ. Bởi thế nên mới có tồn nghi đối với nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian: câu ca dao hài hước “Bà già đi chợ Cầu Đông, bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng...” có thể đã xuất phát chính từ Cầu Đông - Núi Chợ này, chứ không hẳn là chợ Cầu Đông, Hà Nội.
Cầu Dền vẫn còn, vẫn bắc qua sông Sào Khê. Nhìn vào địa thế của nó có thể biết cây cầu này xưa có vai trò quan trọng thế nào với tòa quân thành Hoa Lư. Cầu Dền nằm ở phía tây thành Hoa Lư, lối này đi ra khu chợ sầm uất ngay ngoài cổng thành, thẳng ra sông Hoàng Long - nơi có cảng lớn và khu dân cư.
Đầu cầu nay vẫn sừng sững tấm bia đá “Dền Kiều” được dựng từ năm 1875, trên bia ghi rõ: “Cầu Dền là dấu vết của kinh đô Đại Cồ Việt, lâu lâu được tu sửa mới cho đẹp đẽ”. Trong Hoa động đồ trung thập vịnh (Mười bài vịnh cảnh đẹp của động Hoa Lư) có bài Dền thị vịnh, đại ý: “Dưới chân tường thành và núi, bên bờ sông Sào Khê, chợ được lập ngay khi nơi đây trở thành kinh đô (968). Sáng chiều tấp nập đông vui, vì ngoài dân sở tại còn có cả khách buôn ở nơi khác đến bằng đường bộ hoặc đường sông”.
Dền, theo một số nhà nghiên cứu Hán - Nôm, bắt nguồn từ chữ “triền”, nghĩa là cái lều, quán chợ, gian hàng, cũng có nghĩa là cái chợ. Có lẽ buổi đầu chợ được nhà Đinh cho lập để phục vụ nhu cầu mua bán của quan lại ngay cạnh tường thành, lâu dần chữ “triền” biến thành tên riêng của chợ, của xứ đất, rồi biến âm đọc trệch thành triềng, rền, dền, trong đó “Dền” thông dụng hơn cả...
Cầu Dền ngày nay - Ảnh: Việt Dũng
Ngàn năm đá giữ hồn cố đô
Những tưởng Cầu Đông, Cầu Dền, Tràng Tiền, ngã ba Bồ Đề, cống Trẹm, tháp Báo Thiên, chùa Một Cột, phố Đình Ngang đặc trưng Hà Nội nay chỉ còn là những cái tên hay những tấm bia ở Hoa Lư cố đô. Nhưng không phải.
Trong hậu cung đền vua Đinh, đi qua những sập đá - long sàng, qua những ban thờ nghi ngút khói hương, cánh cửa mở ra một khuôn viên nhỏ. Chái bên trái, dưới những đầu đao rồng phượng, dưới những cây cột gỗ mít hàng trăm tuổi là những tảng đá kê chân cột có tuổi thọ cùng với Hoa Lư.
Hoa văn trên đá thô mộc, khỏe khoắn nhưng cũng đủ để nhận ra tài hoa của người thợ đá Ninh Bình - loại hoa văn mà giáo sư Trần Lâm Biền (một nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng dân gian) vừa nhìn vào đã thốt lên “mỹ thuật Tiền Lê”...
 Chái bên phải của hậu điện, cũng môtip hoa văn ấy, là Dền Kiều, tháp Báo Thiên nhìn từ mặt khác. Cầu Đông và Cầu Dền trên đá nổi rõ những đường nét kiến trúc cơ bản: thượng gia hạ kiều (loại cầu có mái bên trên như chùa Cầu, Hội An). Tháp Báo Thiên có hình dáng giống tháp Báo Thiên ở Hà Nội mà cuối thế kỷ 19 Pháp đã phá để xây nhà thờ lớn, nhưng nhỏ hơn vì ít tầng hơn. Đình Ngang là một ngôi đình nhỏ được làm trên bến nước, cái thế “hoành” của nó được nghệ nhân vô danh tạo tác khá mềm mại, duyên dáng.
Tháp Báo Thiên, Đình Ngang cũng chung số phận với Bồ Đề, Tràng Tiền - tên còn đó mà nhà, phố, đường đâu chẳng thấy. Nhưng chừng đó cũng đủ minh chứng một điều: Hoa Lư chưa bao giờ bị bỏ quên trong ký ức Thăng Long.
Cột đá khắc kinh Phật tại chùa Nhất Trụ - ngôi chùa hơn 1.000 năm tuổi - Ảnh: Việt Dũng
Đô về Thăng Long - Hồn vương đất cũ?
Hoa Lư gắn với sự nghiệp của hai vị vua đầu triều Lý. Vua Lý Thái Tổ không tự khởi nghiệp ở Thăng Long mà là người được triều đình ở Hoa Lư tiến cử lên thay nhà Tiền Lê. Vì thế mà cơ sở vật chất của kinh thành Thăng Long sau này đều thừa hưởng từ Hoa Lư.
Nhớ Hoa Lư, việc lấy tên đất cũ đặt cho đất mới có lẽ cũng hợp lý, hợp tình. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Đô cũ nhà Đinh, nhà Lê ở xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ về phía tây bắc huyện Gia Viễn có nội và ngoại thành, có cửa xây bằng đá, lại có các danh hiệu: Cầu Đông, Cầu Dền, Cầu Muống, Tràng Tiền, Chùa Tháp (Báo Thiên), chùa Một Cột... nền cũ vẫn còn. Về sau Lý Thái Tổ dời đô đến Thăng Long đều dùng theo các danh hiệu ấy...”.
Những người già ở Hoa Lư như bà Năm, có mái nhà nhỏ ngay sát chùa Một Cột, bảo: “Theo thần tích ở đất Hoa Lư này thì Lý Thái Tổ có một hoàng hậu là con gái của vua Lê Đại Hành và Dương Vân Nga. Bà này là mẹ của vua Lý Thái Tông, vị vua thứ hai của triều Lý, người có tuổi thơ gắn bó với đất cố đô. Chính vì vậy mà nhà vua luôn nhớ về mảnh đất chôn nhau cắt rốn”.
Chùa Nhất Trụ (tên Nôm là Một Cột) cũng là một dấu ấn tiêu biểu. Đây là một công trình tôn giáo quan trọng ở Hoa Lư vì các vua Đinh - Lê rất sùng đạo Phật (quan đầu triều Đinh từng là một vị tu hành: Khuông Việt đại sư). Chùa Nhất Trụ nổi tiếng với một trụ đá lớn có chức năng là cột kinh (cột khắc kinh Phật).
Kết quả khảo cổ năm 1988 của nhà khảo cổ Đặng Công Nga cho thấy móng cột ở chùa Nhất Trụ rất to và công phu, chứng tỏ công trình trên đó phải rất đồ sộ. Hẳn ngôi chùa nằm ngay trong thành đã rất thân quen đối với một cậu bé Hoa Lư 10 tuổi, để khi trở thành một vị vua, năm 1049 Lý Thái Tông đã cho xây chùa Một Cột ở Hà Nội với kiến trúc độc đáo và cái tên cầu kỳ: Diên Hựu (Phúc bền lâu). Chùa Một Cột ở Hoa Lư nay chỉ còn trụ đá chép kinh của nghìn năm trước, tam quan, chính điện đã sửa sang tinh tươm. Nhưng có sao, khi chỉ cái tên cũng gợi bao ký ức...
THU HÀ

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm