Tiết lộ đầu tiên về TP 8.000 tuổi, cổ nhất phương Đông

Leave a Comment
VTC News) - Các nhà khảo cổ của Viện Đông phương học thuộc Đại học Chicago và các đồng nghiệp người Syria đã công bố những kết quả nghiên cứu đầu tiên về một trong những thành phố cổ nhất vùng Cận Đông. Khu dân cư rộng lớn có niên đại cách đây 8.000 năm nằm trải dài trên hai bờ sông Balih và cách Racca ngày nay không xa này đã khiến các nhà khoa học ngạc nhiên về trình độ phát triển văn hóa rất cao.
Các nhà khoa học khai quật thành phố 8.000 năm. 

Trên đồi Tell-Zeidan ở miền Nam Xyri đang diễn ra những cuộc khai quật đầu tiên, theo các nhà khoa học thì đây là “thành phố đầu tiên” của vùng Cận Đông. Những món đồ tạo tác khai quật được đã cho phép các chuyên gia hình dung được quy mô ấn tượng của nền văn hóa Ubaid tồn tại ở đây từ 6.000 đến 4.000 năm trước Công nguyên.

Một điều hoàn toàn có thể là vào thời gian này, tại Tell-Zeidan đã bắt đầu hình thành một xã hội có giai cấp thực sự đầu tiên tại vùng Cận Đông, bởi các con dấu bằng đá khai quật được nói lên điều này (những con dấu này có kích thước 3,8x5cm khắc hình con hươu). Giới quý tộc thời đó đã dùng chúng để đánh dấu thể hiện sự sở hữu của mình. Con dấu tương tự cũng đã từng được tìm thấy cách đó 300km về phía Đông.

Bình gốm 8.000 tuổi.  

Những món đồ khảo cổ mà các nhà khoa học khai quật được đã chứng minh rằng, đây là một trung tâm thương mại - công nghiệp lớn với nghề đúc đồng và sản xuất đồ gốm phát triển.



Một điều thú vị là, các nhà khảo cổ đã làm rõ được rằng đồ đồng được đúc ở Tell-Zeidan cũng khai quật được ở cách đó 300-400km về phía Tây Bắc - nơi ngày nay là thành phố Diyarbakir của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, thành phố đầu tiên này là một trung tâm lớn về chế tác đồng và sản xuất gốm với trình độ tổ chức cao. Có thể cho rằng, “quốc gia đầu tiên” của thời kỳ này rộng lớn hơn so với giả thuyết trước đây.

Nền văn hóa Ubaid khá huyền bí và chưa được nghiên cứu đến nơi đến chốn. Chính nhờ nền văn hóa này mà thời đó ngành nông nghiệp tưới tiêu đã phát triển ở vùng Cận Đông.

Con dấu để khẳng định sở hữu. 
Những mẫu cổ vật khai quật được. 

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, tại “thành phố đầu tiên” với diện tích khoảng 10 hécta này có khoảng 5 nghìn người sinh sống. Trung tâm “thành phố” là tổ hợp đền thờ, xung quanh tổ hợp này là các ngôi nhà của “giới thượng lưu”, vành đai thứ hai là nhà của các thợ thủ công và xa hơn là nhà của nông dân.

Tại đây từng hiện diện ngành tiểu thủ công chuyên nghiệp phát triển (như nghề gốm, luyện kim, dệt), cũng như các nguyên tắc kiến trúc và xây dựng đền thờ (ở bất kỳ đâu và thời nào thì truyền thống kiến trúc xây dựng đền thờ cũng đều hình thành nên khái niệm “vùng đất thiêng”).

Đường hầm dưới lòng thành phố. 

Người dân đã biết sử dụng nước sông để tưới tiêu cho đồng ruộng. Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã nêu ra câu hỏi khá hóc búa khiến các nhà khoa học rất khó trả lời là: các con kênh dẫn nước có sẵn đã thu hút người đến khai khẩn hay là do sự gia tăng dân số đã đòi hỏi phải đào các con kênh dẫn nước tưới tiêu để gia tăng sản phẩm nông nghiệp?

Có lẽ mãi đến giai đoạn sau của nền văn hóa Ubaid, đền thờ mới trở thành trung tâm của đời sống kinh tế và xã hội. Sự giao tiếp liên công xã đã hình thành và phát triển, thời này đã diễn ra sự hình thành nên những khu dân cư mới. Vả lại, sự phân hóa của các khu dân cư này về quy mô đã thúc đẩy tư tưởng về tính đẳng cấp trong tổ chức của các thành phố và làng quê. Còn yếu tố số đền thờ trong một số vùng dân cư tại Ubaid nhiều hơn ở vùng khác cho thấy ở đó có mức độ tập trung hóa quyền lực mạnh mẽ vào tay các linh mục.

Dưới lòng đất nơi này là một thành phố cổ nhất phương Đông. 

Theo quan điểm của các nhà sử học, tất các các thành phố chính của người Sumer cổ đại chắc chắn đã được lớn mạnh nhờ dân cư đến từ vùng Ubaid. Tức là, nền văn hóa Ubaid là tiền thân của nền văn hóa Sumer, và chính trên cơ sở của nền văn hóa này đã hình thành nên nền văn minh Lưỡng Hà. Nhưng sáng lập ra nền văn minh này không phải là người Ubaid mà là người Sumer. Có thể họ đã phần nào đó tiếp thu các thành tựu của tiền nhân hoặc họ là một dân tộc có trình độ phát triển cao hơn nhưng đã dựa vào nền văn hóa Ubaid để lập ra một nền văn hóa khác.

Các chuyên gia cho rằng, các nghiên cứu về Tell-Zeidan có tiềm năng to lớn. Vì vậy, bắt đầu từ năm 2008, thông tin về các cuộc khai quật này liên tục được đăng tải trang trọng trên trang web của Viện Đông phương học thuộc trường Đại học Chicago, và có thể hoạt động này sẽ kéo dài không chỉ trong một thập kỷ.

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm