Dãy Trường Sơn huyền bí, thâm u… rất đa dạng và phong phú các loại động vật, thực vật sinh sống. Tuy nhiên cây độc đáo của người Cơ tu là cây ngải yêu, có tên là “amêêr”.
Già Làng Alăng Avil, 85 tuổi,ở thôn Tà Làng, xã bhalêê (Tây Giang, Quảng Nam) cho biết: “Cây ngải hiện có đến mấy chục loại cùng họ. Trong đó có mấy loại cây có khả năng thông linh giữa con người và tạo hóa, là nguyên liệu chính để người Cơ tu xưa sử dụng làm bùa yêu, vẫn là điều bí ẩn muôn đời mà chỉ một số ít người biết được”.
|
Núi rừng Trường Sơn hoang sơ, hùng vĩ |
Cũng theo già làng Alăng Avil, khi để hoặc chà xát lá cây ngải yêu này vào áo quần, da thịt của người con trai hay con gái mà mình yêu thích thì người đó sẽ yêu mình... hết cỡ.
Cũng từ cây ngải yêu này mà trong tộc người Cơ tu ở vùng núi cao Tây Giang, sát biên giới Việt Lào xảy ra một chuyện động trời còn lưu truyền mãi tới bây giờ. Có một người mẹ, muốn người con gái làng kia yêu con trai mình, nhưng cô gái rất thờ ơ nên bà vào rừng, tìm ngải yêu về để tìm cách gắn kết hai người.
|
Già làng Alăng Avel kể chuyện
|
Tuy nhiên do sơ xuất về cách thức bỏ ngải nên mang đến hậu quả là hai mẹ con bà làm những việc trái với luân thường đạo lý. Người ta kể lại rằng người mẹ quên “làm thuốc” trước cho con dâu sau khi làm thuốc cho con trai mình nên thuốc không có hiệu quả với người con dâu mà có hiệu quả với chính bà. Sự việc xảy ra, dân làng thông cảm nên hai mẹ con người kia không bị phạt theo luật tục mà được giúp đỡ để tìm thuốc giải.
Chính vì câu chuyện nói trên mà việc dùng ngải yêu của người Cơ tu hết sức nghiêm ngặt và không nhiều nhiều làm được. Trước, tại ngôi làng này, có một người đàn bà rất giỏi làm bùa yêu, đó là bà Alăng Thị Ahút (90 tuổi), có 3 đời chồng, 10 con, 14 cháu. Bà từng bán ngải yêu cho 13 người phụ nữ Cơ tu ở nhiều làng, mỗi lá ngải yêu được đổi lấy một tấm tút.
|
Cây ngải tía (zanu apuy) người Cơ tu trồng trước sân nhà để chống tà ma xâm nhập |
Các bậc cao niên người Cơ tu cho biết: “Trước đây, cây ngải yêu có một số người trồng bí mật ở trong rừng, người có nhu cầu mua một lá ngải yêu, phải trả giá từ vài con heo hoặc đổi vài tấm tút. Theo tập quán, ngải yêu chỉ truyền cho người nữ, không truyền cho người nam. Kể từ ngày Cách mạng về vận động đồng bào phát huy cuộc sống văn minh, văn hoá nên cây ngải yêu đã mất dần và đẩy lùi ra khỏi cộng đồng của người Cơ tu trên dãy Trường Sơn…”.
Ngoài ngải yêu, người Cơ tu nơi đây biết phân biệt, sử dụng các cây thuốc để chữa nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Già làng Alăng Avil cho biết, có những cây cực độc, ăn phải sẽ gây chết người, sinh bệnh hoạn như các cây mr’nghêê, bha’nuốh, a’úh, anir, ađập, ch’găm… Thậm chí có những cây có mắt cây là thuốc độc còn lóng cây là thuốc giải, hoặc có những cây bứt đọt lá xông hơi trúng người nằm trên sàn hít phải cũng gây tử vong. Ngoài ra, có những cây mà người Cơ tu mang theo khi buôn bán sẽ được thuận tiện, may mắn như cây ưnang, ư’nêêr; để trừ tà ma, người Cơ tu trồng các cây thuốc có tên: chr’hor, zi’rơ, cr’tợ… trong vườn hoặc trước sân nhà; để gặp điều thiện, tránh điều ác, họ trồng các cây thuốc cr’đắp, ư’đăr, pr’vih…
Theo BaoDatViet
0 comments:
Post a Comment