Hôm nay NCD xin tiếp tục các bài Phong Thuỷ với chuyên đề dành cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Thế Phong Thuỷ làm gì được cho doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh? Ngoài chức năng kiến trúc hợp lý và thẩm mỹ, Phong Thuỷ còn giúp ta có một sự sắp xếp ngăn nắp, hợp lý nơi làm việc, tạo ra nguồn năng lượng Dương mạnh mẽ chứa đầy Sinh khí, đem lại vận may cho doanh nghiệp. Phong Thuỷ giúp cho việc bố trí các chỗ ngồi cho nhân viên, giúp cho các nhân viên làm việc tốt hơn, hăng say hơn, và dĩ nhiên như vậy sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nhiều hơn. Phong Thuỷ giúp cho doanh nghiệp tăng thêm đối tác, giúp cho việc ký kết hợp đồng thuận lợi hơn, giúp cho các lãnh đạo doanh nghiệp luôn đưa ra những quyết sách hữu ích kịp thời. Với một cơ sở buôn bán, kinh doanh, Phong Thuỷ giúp tăng lượng khách hàng, tăng doanh thu, chống thất thoát.....
Nói đến Phong Thuỷ dành cho doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh, trước tiên phải nói đến địa thế. Bởi Phong Thuỷ không thể nào tách rời cá thể một ngôi nhà, một doanh nghiệp, một cơ sở kinh doanh ra khỏi cái tổng thể của khu vực đó được.
Thí dụ cho dễ hiểu vậy: Tỷ như cơ sở kinh doanh của ta là... một quán bán nước giải khát đi. Như vậy, Ngũ Hành của cơ sở chúng ta là hành Thủy. Nếu bây giờ, xung quanh chỗ đó toàn là các nhà biệt thự tường vây vuông vức thuộc Thổ, hay các công ty, cơ sở thuộc Thổ như công ty kinh doanh địa ốc, công ty xây dựng... thì quán nước của chúng ta trước sau cũng sập tiệm thôi, vì bị Hành xung quanh tương khắc. Do đó, điểm đầu tiên khi ta muốn tìm một mặt bằng để mở doanh nghiệp, hay mở ra kinh doanh, hãy chịu khó đến đó rảo một vòng quan sát thật kỹ, xem xung quanh đó Ngũ Hành chung của khu vực là gì, có tương khắc với Ngũ Hành của ngành nghề mà ta làm hay không. Hãy lưu ý các kiến trúc của xung quanh, không nhất thiết phải là Ngũ Hành của ngành nghề, mà kiến trúc cũng có thể xung khắc.
Nói địa thế, tất nhiên ta cũng không thể bỏ qua những Hung Sát bên ngoài, về điểm này thì nhà ở cũng giống như doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, cũng chịu những Hung Sát y vậy. Nên khi đến đó, nhất định ta phải quan sát thật kỹ mới được, nhất thiết phải tránh các Hung Sát: Thương Sát- Phản Cung Sát- Phản Quang sát- Cô Phong Sát- Bạch Hổ Sát- Thiên Trảm Sát- Xuyên Tâm sát- Thiên Kiều Sát- Pháo Đài Sát- Đạo Sát- Cô Dương Sát- Độc Âm Sát- Thanh Sát- Vị Sát- Tiêm Xạ Sát- Hoả Hình Sát- Liêm Trinh Sát- Thích Diện Sát- Hoạch Hình Sát- Đỉnh Tâm Sát- Khai Khẩu Sát.
NCD tôi thấy ở rất nhiều sách bày bán trên thị trường, khi nói về cơ sở buôn bán, thường chỉ đề cập đến ba loại:
_Thương Sát (đến từ con đường hay hành lang đâm thẳng vào)
_ Khai khẩu Sát (đối diện phòng thang máy, thang cuốn).
_ Hỏa hình Sát (đến từ các góc nhọn, góc tường nhà, đòn đông).
Có lẽ các tác giả ấy quá xem nhẹ những Hung Sát khác chăng? Nếu làm theo thế e chẳng tồn tại lâu bền được. Trong thực tế, khó kiếm một địa thế thoát khỏi hết ngần ấy Hung Sát được, ta chỉ hạn chế đến mức thấp nhất những Hung Sát có từ bên ngoài, những cái nào còn vướng lại thì ta hóa giải vậy.
Phía bên ngoài cơ sở không chỉ như thế, bởi nó cũng giống nhà ở, cần có đủ Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Võ hợp cách. Huyền Vũ phải cao lớn để có chỗ dựa vững chắc. Thanh Long phải cao hơn Bạch Hổ, nhưng cả hai không có thế đè áp với cơ sở mình. Chu Tước không quá to lớn che án hết Sinh khí. Được ba điểm giống nhà ở rồi, cũng còn điểm khác biệt vậy, đó là:
_ Mặt tiền cơ sở: Mặt tiền nhà cũng cần đẹp, và đẹp một cách trang nhã sơ sài được. Nhưng mặt tiền cơ sở thì không thể. Nó không chỉ đẹp mà còn cần tạo ấn tượng tốt với khách hàng, đối tác; vừa bắt mắt, dễ nhìn, khiến người ta phải chú ý mỗi khi đi gần tới; vừa có nét trang trọng, lại không kém phần thân thiện.
_ Bảng hiệu cơ sở: Điểm này thì nhà ở hoàn toàn không có. Việc chọn tên cho bảng hiệu, NCD xin nói ở sau vậy. Vì vấn đề này rất phức tạp, đòi hỏi phải tính Bát tự của người chủ cơ sở hay người Giám đốc của doanh nghiệp, rồi Ngũ Hành của ngành nghề kinh doanh nữa, lại thêm tính số nét của tên đó xem việc làm ăn đó có trọn tốt không mới chọn, không đơn giản như một số người cho rằng đặt tên đẹp đẹp là xong.
Đến đây coi như phía bên ngoài của cơ sở- doanh nghiệp tạm ổn vậy. Ta lại xét đến các bài trí bên trong của cơ sở, doanh nghiệp. Điểm đầu tiên mà NCD tôi muốn nhắc với các anh chị, các bạn là: Không chỉ nhà ở mới cần xem trọng cửa cái, mà các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh cũng cần. Bởi nó là nơi đầu tiên mà khách hàng, đối tác tiếp xúc với cơ sở của chúng ta vậy. Cho nên cửa luôn phải mở vào, không đẩy ra. Tốt nhất_nếu có điều kiện_ nên gắn loại cửa vừa kéo vào vừa đẩy ra được, để khi khách hàng- đối tác đến bàn việc xong ta có thể mở cửa ra phía ngoài tiễn khách vậy (loại cửa này thường thấy ở các khách sạn). Một loại cửa có tác dụng tốt đối với các siêu thị (supermarket), các trung tâm mua sắm là loại cửa xoay. Đây là một loại vật thể chuyển động trong 9 giải pháp cơ bản của Phong Thuỷ, có tác dụng kích hoạt khí rất hay. Mặt khác, nơi đây người ra vào đông đúc, nhờ cửa xoay như vậy mà dòng khí thường xuyên được thay đổi, luân lưu khắp nơi, đưa Sinh khí đến các gian hàng bên trong, rất là tốt. Các loại cửa trượt cảm ứng không thích hợp cho những nơi mua sắm như thế này. Về kiểu dáng, ĐẠI KỴ làm cửa cơ sở kinh doanh- doanh nghiệp- văn phòng có hình dáng các Bia Mộ của người Trung Quốc.
Vị trí của cửa đương nhiên vẫn là ở mặt tiền, NHƯNG nhích sang bên này một tý, hay nhích sang bên kia một tý, hoặc ở ngay giửa, phải tính theo 64 quẻ Dịch. Ba cửa quan trọng trong một cơ sở- doanh nghiệp là: Cổng chính, cửa chính và cửa sau.
Tiếp theo bên trong 1 doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh, mỗi loại hinh hoạt động có cách bố trí khác nhau, NCD xin chia ra theo từng loại mà trình bày vậy.
1/.BÀI TRÍ VĂN PHÒNG:
Trong các văn phòng làm việc, quan trọng nhất chính là sắp xếp bàn làm việc vậy. Trong bất kỳ văn phòng nào, góc quyền lực nhất chính là góc chéo với cửa ra vào văn phòng. Một người tổ trưởng của một phòng ban, nếu ngồi chung phòng với các tổ viên của mình thì nên đặt bàn ngay tại vị trí này. Ngay cả khi người tổ trưởng- trưởng phòng có văn phòng riêng; hay phòng riêng của các Giám Đốc, Tổng Giám Đốc cũng thế; vị trí đặt bàn làm việc cũng nên đặt nơi vị trí quyền lực này_ nơi có độ kiểm soát tối đa, sự tập trung và quyền lực. Đó là nơi tốt nhất để mở rộng công việc làm ăn.
Để làm việc được tốt, các bàn làm việc phải bố trí sao cho nhân viên ngồi ở đó luôn: Đưa lưng vào tường, không quay lưng ra bất kỳ cửa nào (dù là cửa văn phòng, cửa sau, cửa sổ), không ngồi dưới một xà nhà, không trực diện với cửa chính, không ngồi sát bên cửa ra vào.
Vì sao ư? Bàn dựa lưng vào tường cũng như một căn nhà có Huyền Vũ che chắn phía sau vậy, khiến người ngồi đó cảm thấy an tâm hơn, như tạo thêm một chỗ dựa tinh thần, khiến người ngồi ở đó tự tin hơn trong công việc. Không quay lưng ra bất kỳ cửa nào, vì cửa nào cũng gây bất lợi cả. Ngồi quay lưng ra cửa luôn mang đến sự xui xẻo cho người ngồi đó. Không nói đến việc huyền bí gì khác, người ngồi ở vị trí mà sau lưng có cửa tự dưng tâm lý cảm thấy bất an ngay. Dù không làm gì sái quấy, nhưng vẫn thấy khó chịu trong người bởi lúc nào cũng như có người dòm sau gáy mình vậy. Đó là chưa kể đến các bất lợi khác như: Hồ sơ, tài liệu từ máy vi tính trên bàn đó có thể người bên ngoài ngang qua thấy được (tiết lậu thông tin trong kinh tế là một điều tối kỵ vậy); người ngồi đó sẽ luôn lo âu, bồn chồn, phập phồng bởi không biết lúc nào sẽ có một người bất thần xuất hiện và..... hhhuuùùù (giật mình không?!). Tâm trạng bất an khiến năng lực làm việc của người ngồi đó không cao, sẽ ảnh hưởng lợi ích chung vậy. Đấy là chưa kể phía sau nếu là hướng Tây, thì nắng chiều rọi vào, chiếu vào màn hình máy tính khiến chói mắt sao làm việc được, nói gì tới sức nóng nắng ban chiều. Bởi vậy, người Trung Quốc có một câu nghe có vẻ đa nghi nhưng đúng cho trường hợp này: "Nhiều thứ đã xảy ra đằng sau lưng của mình". Còn nói theo Phong Thuỷ, cửa còn gọi là Khí Khẩu, là nơi Nạp khí. Cửa có thể nạp Sinh khí, cũng có thể nạp Sát khí. Người ngồi quay lưng ra cửa, sau lưng không có chỗ tựa, sẽ thường xuyên cảm thấy cột sống bị ớn lạnh. Các tạp âm từ bên ngoài truyền vào sẽ kích thích sống lưng, làm cho đại não không yên, do vậy người ngồi ở đây luôn ở trạng thái căng thẳng, sẽ làm tâm trí rối loạn, giải quyết công việc có lúc bị sai lầm vậy. Mà trong kinh doanh làm ăn, "sai 1 ly đi 1 dặm", người xưa thì còn "trật con toán bán con bò", chứ ngày nay trật một con toán e bán cả cơ nghiệp mất!
Nói chung, ngồi đưa lưng ra cửa nhẹ thì bị rớt chức, giáng cấp, nặng thì bị mất việc. Nên tốt nhất hãy tránh khỏi vị trí này. Nếu không được hãy tính đến chuyện hóa giải, nhưng dời đi là ưu tiên một.
Bàn làm việc đặt dưới một xà nhà khiến người ngồi đó luôn cảm thấy áp lực công việc rất nặng nề, tâm lý họ lúc nào cũng bồn chồn bực bội, dễ cáu vì cứ như bị đè nén vậy. Hơn nữa, người ngồi ở đây hay bị chứng đau đầu. Nên dời bàn tránh qua nơi khác, nếu không hãy dùng các phương cách hóa giải.
Bàn đặt sát cửa ra vào ư? Thật tệ hại! Người ngồi ở đó chả lúc nào được yên cả. Người ngồi ở đây sẽ ít khi thấy hài lòng với công việc của mình, vì ở đó luôn bị người ra kẻ vô quấy nhiễu làm loạn cả dòng khí, ít khi được tập trung lâu vào công việc, nếu không bị mượn cây bút thì cũng bị mượn món khác, và chắc chắn không ít lần giấy tờ nơi bàn đó bị xáo tung lên. Mặt khác, những nhân viên ngồi gần bên cửa ra vào đây sẽ có khuynh hướng nghỉ việc sớm hơn trước khi hết giờ làm việc, và những người này thường tránh làm việc quá giờ. Họ sẽ lưu ý quá nhiều đến cửa ra vào hơn là tập trung vào công việc, và thường suy nghĩ đến việc..."không biết hôm nay con mình có tan học sớm không nhỉ?", hay là, "chà, siêu thị B. còn giảm giá có bữa nay nữa thôi hà, lát nữa phải tranh thủ ghé đó mua đồ mới được"... và thế là chưa hết giờ họ đã a-lê-hấp bốc hơi ngay. Thế đấy, có nhân viên làm việc như vậy, nếu các anh chị, các bạn là chủ doanh nghiệp có thích không? Nên tốt nhất là tránh xa khu vực gần cửa ra, đừng đặt bàn làm việc nơi đó. Chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ mới phải dùng đến hóa giải, nếu không xin tránh đi. Còn ở vị trí này mà một người thủ trưởng, một người tổ trưởng- trưởng phòng ngồi thì sao? Do tác động xấu của dòng khí nơi đây, người quản lý ngồi đây sẽ luôn bị các nhân viên của mình xem thường, thậm chí, bị người nhân viên ngồi nơi góc quyền lực trong phòng chi phối, lấn quyền dần.
Nếu đặt bàn làm việc của mình trực diện cửa ra vào, người ngồi đó lúc nào cũng như bị... "chiếu tướng", bị ngắm trong "tầm bắn" bởi bất kỳ ai bước vào cửa, và họ luôn là người đầu tiên được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Nói đến bàn làm việc, ta không thể không nói đến hình dáng và kích thước của nó. Kích thước của bàn làm việc phải tương xứng, thích hợp với vai trò, địa vị của người ngồi ở bàn đó mới được. Một trưởng phòng, một giám đốc, một chủ tịch hội đồng quản trị không thể ngồi ở cái bàn kích thước nhỏ hơn cái bàn nhân viên cấp dưới được. Như vậy thì đâu tỏ rõ cái uy quyền, bề thế của một vị lãnh đạo được? Bàn của những người có vai trò lãnh đạo trong một doanh nghiệp phải bề thế, to hơn các bàn của nhân viên cấp dưới. Thông thường, bàn có hình dáng vuông hoặc chữ nhật là tốt nhất. NHƯNG nhớ, các cạnh bàn nếu sắc quá sẽ tạo ra Sát Khí như những lưỡi dao ngầm, tốt nhất nên vạt các cạnh cho bớt bén đi. Bàn có hình tròn, oval thường khiến người ngồi đó không muốn ngồi lâu, nên tốt nhất là đừng đặt bàn cho nhân viên có hình dạng này, nên dùng làm bàn ở phòng họp thì được. Trong các phòng tiếp khách, không nên bố trí hai bàn với 1 tròn 1 vuông, sẽ tạo cảm giác KHÔ. Bàn tối kỵ dùng hình chữ L, tốt nhất nên sửa lại hình chữ nhật. Các kích cỡ bàn thì nên lấy theo thước Lỗ Ban.
Và nói đến bàn làm việc ta không thể không nói đến các bố trí sắp xếp trên bàn làm việc. Nơi làm việc của một người có thể được xem như... một thế giới thu nhỏ của người đó vậy. Qua cách bài trí trên bàn, người chuyên môn về Phong Thuỷ có thể hiểu rõ về tình cách, ưu khuyết điểm, hiệu quả công việc của chúng ta ngay. Có thể nói cách khác, nếu biết cách sắp xếp một số dụng cụ ở các vị trí nhất định nào đó trên bàn, theo Bát Quái Đồ, chúng ta có thể cải thiện quá trình làm việc của mình, tăng hiệu quả công việc hơn lên. Có hai dạng Bát Quái Đồ trong việc sắp xếp đồ đạc trên bàn làm việc. Ở đây, NCD tôi chỉ xin giới thiệu một cách đơn giản nhất, mà NCD đã tính sẵn cho từng loại đồ vật cần thiết trên bàn làm việc. Trước tiên, các anh chị, các bạn hãy tưởng tượng hoặc vẽ ra một hình Bát Quái trên bàn làm việc của mình (đương nhiên vẽ ra trên giấy rồi, đừng vẽ thật bẫn bàn nhé!), với cạnh Bát Quái nơi chỗ ta ngồi là hướng Bắc. Nói chung là y như vị trí các hướng trong ô vuông Lạc Thư là đúng.
_ Máy vi tính nên đặt bên tay phải, ở góc Tây thuộc Đoài Kim.
_ Đặt hồ sơ chưa giải quyết ở góc bên trái phía trên, góc Đông Nam.
_ Đặt đèn bàn ở trước mặt, cạnh bên kia, tức hướng Nam.
_ Đặt một tập giấy viết và đồ chặn giấy bằng thủy tinh ở góc trên bên phải, tức góc Tây Nam.
_ Đặt điện thoại ở bên tay phải, sát với mình, tức góc Tây Bắc và thêm một miếng pha lê tròn ở đây là rất tốt.
_ Hãy để lọ đựng bút, thước bên tay trái, sát bên mình, tức góc Đông Bắc.
_ Ở hướng Đông có thể đặt máy Fax, hồ sơ đã giải quyết xong hoặc máy in cũng được.
_ Ngay trước mặt nên để trống, chừa khoảng không gian cho Sinh khí luân lưu, và cũng rộng chỗ cho ta làm việc, có vậy ý tưởng mới phát huy hết.
Bàn làm việc không nên chứa những thứ linh tinh bừa bãi. Ngăn kéo nơi bàn làm việc cũng thế, nó là nơi thường chứa nhiều thứ linh tinh nhất, và chúng sẽ làm cản trở dòng khí của chúng ta, ảnh hưởng đến công việc không ít. Hãy sắp xếp sao cho nơi đây thông thoáng, giúp Khí luân lưu dễ dàng. Hạn chế đến mức tối thiểu những đồ trang trí trên bàn, nhiều đồ vật quá, chiếm hết không gian, tự khiến cơ hội, may mắn không đến được với ta. Hãy thường xuyên kiểm tra và xóa các thông tin, các hình ảnh, e-mail không còn cần thiết trong máy tính. Và một điểm rất quan trọng nữa mà NCD mách nước với các anh chị, các bạn là: Với nữ, nên để các hồ sơ, tư liệu, vật dụng, đồ đạc quan trọng của mình trong ngăn kéo bên tay trái để kích hoạt Long Khí. Với nam, để các tài liệu, hồ sơ, vật dụng quan trọng của mình trong ngăn kéo bên tay phải để kích hoạt long Khí.
Nói đến việc xếp đặt hợp lý trên bàn làm việc trong văn phòng, sẵn đây, NCD tôi nói luôn đến... "một chứng bệnh" thường xuyên mắc phải trong các văn phòng, đó là bệnh... bề bộn. Vâng, có rất nhiều thứ trong văn phòng mà nếu không khéo thu xếp, nó sẽ gây ra tình trạng bề bộn trong một văn phòng ngay. Để giải quyết điều này, trước tiên ta phải có một cái hộc, hay một cái tủ đựng hồ sơ lưu trữ. Vật đầu tiên có thể gây bề bộn chính là các tạp chí chuyên môn. Trong thời buổi thông tin hiện nay, gần như trên mạng đã có đầy đủ các thông tin mà ta cần có (ngay một người không rành vi tính như NCD mà còn có thể truy cập tìm tư liệu được đây nè, nói gì đến các chuyên viên văn phòng phải không?). Cho nên, với các tạp chí chuyên môn có thêm thông tin khác, nên xem lướt qua, rồi lưu vào SỔ TAY LƯU TRỮ các điểm cần thiết như: Tiêu đề cần tìm, số của tạp chí, số trang. Rồi đem cất tạp chí ấy vào hộc- tủ lưu trữ, tránh để bày bừa trong văn phòng. Kẻ gây bề bộn thứ hai chính là các hồ sơ chưa được giải quyết. Mong rằng tất cả các anh chị, các bạn nào làm công tác văn phòng hãy lưu ý điểm này: Đừng chia các hồ sơ chưa giải quyết ra làm hai loại thứ tự trước sau. Như vậy, vừa tạo ra xu hướng chỉ xem những hồ sơ cần giải quyết ngay, không ngó ngàng đến khay hồ sơ kia; vừa bày bừa ra bàn. Nếu vì nhu cầu cần giải quyết trước sau, nên xếp các hồ sơ đó lên trên vậy. Sau một ngày làm việc, nên tập thói quen sắp xếp lại bàn làm việc của mình, tạo một ấn tượng tốt đẹp cho ngày hôm sau khi ta đến làm việc, nhìn vào một cái bàn tươm tất, gọn gàng, hứng khởi làm việc của ta sẽ tăng lên hơn nhiều, trí óc cũng minh mẫn hơn. Không tin, các anh chị, các bạn nào làm ở văn phòng hãy thử xem. Tóm lại, một bàn làm việc ngăn nắp, sắp xếp có tổ chức, hợp lý, sẽ đem lại cho chúng ta khả năng tư duy sáng suốt và giảm stress_ một căn bệnh của giới làm việc văn phòng.
Đã nói đến đèn, tất không thể không nói luôn đến các thiết bị điện khác dùng trong văn phòng. Ở các văn phòng, các đồ điện không chỉ có đèn, quạt, mà còn có các thiết bị khác như máy vi tính, máy in, máy photocopy. Và mối nguy hại tiềm ẩn ở các văn phòng mà ít ai để ý tới chính là các bức xạ phát ra từ các thiết bị điện, nhất là máy vi tính. Các sóng từ của chúng làm rối loạn từ trường cơ thể của chúng ta, khiến cho người tiếp xúc thường xuyên với nó dễ bị suy giảm độ miễn dịch cơ thể. Cũng như nhà ở tránh các đướng dây dòng điện cao thế bên trên, ở các văn phòng, chúng ta cũng cần tránh ngồi dưới đường dây điện chuyền vào cho văn phòng vậy. Với máy vi tính, ngày nay người ta đã khuyến cáo không nên ngồi lâu trước màn hình máy vi tính, Phong Thuỷ cũng không thể đi nghịch lại cái LÝ, cái logic chung của sự tiến hóa được. Các nữ nhân viên đang mang thai nên tránh sử dụng máy vi tính, vì tiếp xúc lâu với nó dễ bị sẩy thai lắm. Các máy vi tính xách tay thì có đỡ hơn nhiều, các tấm lọc màn hình máy vi tính thông thường chỉ hạn chế phần nào thôi, tuy vậy, có còn hơn không. Và phần lớn các bức xạ điện từ phát sinh từ phía sau lưng máy vi tính, nên đây là điểm cần lưu ý để sắp xếp bàn làm việc cho nhân viên văn phòng, sao cho không có nhân viên nào phải ngồi đưa mặt vào mặt sau của máy tính nào cả. Các máy photocopy gây hại không ít, bởi hóa chất, mực photo của chúng thãi ra là tác nhân gây bệnh ung thư. Cho nên, với cái thứ độc hại này, tốt nhất là cho nó nằm riêng biệt, không nằm trong một văn phòng có các nhân viên ngồi làm việc, khi ai có nhu cầu thì sang đó photo lấy thôi, không sắp xếp nhân viên ngồi canh máy ở đó.
Khi chúng ta sắp xếp vị trí bàn làm việc hợp lý, sắp xếp đồ đạc trên bàn ngăn nắp, gọn gàng, tức là chúng ta đã đem nguồn sinh khí mới đến cho văn phòng vậy. Nguồn năng lượng Dương mạnh mẽ này sẽ khiến mọi người đều hưng phấn, hăng hái làm việc. Hiện nay, có một số doanh nghiệp thiết kế công ty theo dạng mở_ theo ý của các nhà thiết kế ở các trường Đại học kiến trúc_ mà theo họ gọi là "công việc văn phòng nóng bỏng" (Hot desking). Đó quả thật là một cuộc cải cách trong lãnh vực thiết kế văn phòng. Nó dựa trên ý tưởng tạo ra một văn phòng với không gian mở, nhằm khích lệ nhân viên phát huy tính sáng tạo của họ, và hơn nữa, ở 1 nơi "lộ thiên" như vậy, có muốn lười cũng không được. Đặc tính của dạng văn phòng này là:
_ Không có không gian riêng biệt.
_ Bàn làm việc chung và thiết bị chung.
_ Không gian làm việc đa dạng.
_ Không trao đổi qua điện thoại hoặc gởi thông điệp cho nhau.
_ Các cuộc họp đứng để không kéo dài thời gian họp.
_ Không tạo ra các phòng ban.
_ Không chấp nhận tình trạng bừa bãi, bề bộn. Mọi thứ nằm lăn lóc trong phòng đều bị vất vào sọt rác, các nhân viên đều có ngăn tủ có khóa riêng để không bày bừa ra nơi làm việc.
_ Không có nhân viên tiếp tân hay thư ký.
_ Nhân viên đều có thể làm mọi việc.
Hệ thống văn phòng dạng này đẩy tính Dương lên cực điểm, nên đội ngũ các nhân viên ở đây thường là trẻ trung, năng động, chịu được sức ép công việc cao. Tuy mức lời của họ tăng đáng kể, vọt lên thấy rõ, nhưng kiểu công ty này khó tồn tại được lâu. Chúng ta khoan nói đến yếu tố Phong Thuỷ ở đây vội, chỉ xét theo vấn đề tâm sinh lý. Với lối cuốn hút vào công việc với tốc độ nhanh như thế, cho dù với sức trẻ cũng không có nhân viên nào chịu đựng lâu dài được. Thần kinh họ luôn căng ra hết mức bởi tính nóng bỏng của công việc ở đấy, nhất là tiếng ồn ào, náo nhiệt ở đó tác động không nhỏ đến hệ thần kinh của họ. Thần kinh bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến việc họ bị stress là một, hiệu quả làm việc ở thời gian sau sẽ tuột giảm vì sự sáng suốt không còn như trước. Đó là do tính thuần Dương của dạng văn phòng này gây ra vậy. Như có lần NCD tôi đã nói đến tính Âm Dương trong biểu tượng Lưỡng Nghi (trong bài viết về Trụ đồng Mã Viện): Trong Âm có Dương_ Trong Dương có Âm. Âm, Dương giao hòa ngay một chỗ, trong mọi lúc, mọi nơi, hễ có Âm là có Dương, có Dương là có Âm vậy. Văn phòng làm việc cũng thế, không chỉ cần có Dương để hăng hái làm việc, mà cũng cần có Âm để có sự tĩnh tâm, bình tĩnh hơn trong xử lý. Các văn phòng đa số đều có thuộc tính Dương, do các yếu tố cấu thánh nó như: ánh sáng, màn hình máy tính, không khí ồn ào náo nhiệt.... toàn là những đặc tính thuộc Dương. Nhưng ở các văn phòng khác trong công ty, như văn phòng các giám đốc, văn phòng các trưởng phòng ban, văn phòng của chủ tịch HDQT... lại thuộc Âm bởi sự tĩnh lặng của chúng, bởi các tranh ảnh nghệ thuật, bởi địa thế thường cách xa khu ồn ào của các văn phòng làm việc khác. Các hoạt động sôi nổi cần có những sách lược thì mang tính Dương. Các công việc hành chánh văn phòng đều đặn hàng ngày lại cần tính Âm. Có thể kể ra rất nhiều điểm đối lập rất rõ rệt mang tính Âm_ Dương trong hoạt động doanh nghiệp, mang tính trong Âm có Dương và trong Dương có Âm.
Trong việc dùng nhân sự cũng vậy, cũng nên lưu ý điểm này. Người thuộc Dương tính thì tràn đầy nhiệt tình, năng động, sáng ý, chính xác nhưng đôi khi quá bốc mà sai lệch. Cho nên người lãnh đạo thuộc Dương tính cần có trợ lý Âm tính điềm tĩnh, ngăn nắp, trật tự, sẵn sàng tiếp nhận & cũng đầy sáng tạo. Mặt khác, theo Dịch lý: Cô Âm bất sinh_ Độc Dương bất trưởng. Nếu một văn phòng chí tràn đầy Dương tính thì sẽ có biểu hiện căng thẳng trong các mối quan hệ, có khả năng công việc không chạy. Nhưng nếu văn phòng toàn tính Âm thì đổi lại, năng suất công việc thấp, các nhân viên không ai phát huy- sáng kiến gì mới, không bắt kịp xu hướng kinh doanh bên ngoài. Cho nên, cần xem xét bổ sung yếu tố Âm Dương cho văn phòng được cân đối, hài hòa, như thế mới đúng cái lý của Phong Thuỷ vậy.
Nói đến dạng doanh nghiệp, công ty thì không thể bỏ qua vấn đề logo, bảng hiệu & danh thiếp được. Bản thân NCD tôi từng chứng thực được một điều_ mà do anh một người bạn chỉ cho lúc còn đi học_ và thấy rất đúng, đó là: Ấn tượng đầu tiên về bất kỳ người nào đó trong 30 giây đầu tiên của lần gặp gỡ đầu tiên là chính xác nhất! Chính ấn tượng phát xuất từ cái nhìn đầu tiên đó đã in sâu vào tiềm thức chúng ta, và có thể theo ta suốt trong những lần gặp gỡ sau vậy. Đối với sự vật quanh ta cũng thế, có những nơi, những vật mà khiến ta nhớ mãi dù chỉ thấy một lần, chính bởi cũng vì ấn tượng lần đầu tiên ấy. Một căn nhà, một logo, một biểu tượng có thể gây ấn tượng tốt với người đối diện nó, chính là thành công được một phần rồi đấy. Chưa biết công ty- doanh nghiệp chúng ta làm ăn ra sao, nhưng làm sao tạo được ấn tượng cho khách hàng là họ không đến lầm chỗ, đó là đạt hiệu quả rồi. Khi công ty- doanh nghiệp tọa lạc hẳn ở một ngôi nhà nào đó, thì biểu tượng của công ty- doanh nghiệp phải được đặt ở vị trí nổi bật nhất, để bất kỳ ai đến tiếp xúc cũng phải thấy ngay & ấn tượng liền. Không chỉ ở bên trong, ngay cả bên ngoài cũng vậy, biểu tượng công ty- doanh nghiệp phải đặt ở nơi mà từ xa người ta vẫn có thể nhìn thấy. Yếu tố quan trọng nhất trong biểu tượng ấy chính là hình dạng, vì nó sẽ xuất hiện trên khắp phương tiện truyền thông khi ta quảng cáo_ hay do khách hàng quảng cáo, giới thiệu cho nhau cũng vậy_ và ta phải chắc chắn rằng nó được phối màu một cách hợp lý theo Ngũ Hành. Trên bảng hiệu, logo của doanh nghiệp không được quá phô trương, màu sắc không nên loè loẹt hay chói mắt, phải làm sao cho đập vào mắt mọi người trước tiên chính là tên công ty- doanh nghiệp thật rõ ràng, kế đến là logo... Màu sắc phối trên bảng hiệu nên dùng 3 màu hoặc 5 màu, tránh dùng 2 hay 4 màu (vì lẽ là số Dương). Cách treo bảng hiệu cũng phải chú ý sao cho thật bắt mắt. Chọn hình ảnh biểu tượng cho logo là điều rất quan trọng. NCD tôi đọc một số sách của các "tiền bối" đi trước như Đoàn Văn Thông, Nguyễn Phúc Vĩnh Tung... thấy có đề cập đến logo của trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt ngày trước với hình con rồng & cây kiếm. Quả thật nhìn trên hình vẽ (chứ NCD tôi chưa thấy huy hiệu đó bên ngoài, không biết hình vẽ đó có chính xác không nữa), thì rất giống như con rồng bị thanh kiếm xuyên qua đầu vậy. Và theo các "tiền bối" ấy nhận định thì do biểu tượng logo đó mà hầu hết các sĩ quan thủ khoa xuất thân từ trường ra trước 1975 đều sớm ngày... thọ tử. Tương tự thế, quả thật logo có ảnh hưởng không nhỏ đến vận may của một công ty- doanh nghiệp. Thiết kế logo dạng hình tròn và đường cong an toàn hơn* thiết kế có những hình nhọn, sắc bén, nhiều góc cạnh (* một số sách cho rằng "không nên dùng các logo có các mũi nhọn, góc cạnh" nhưng NCD nghĩ còn tùy ngành nghề nữa, sẽ trình bày bên dưới, nên mới bảo là "an toàn hơn" là thế). Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh các con thú trong logo để chỉ sự dũng cảm, sức mạnh, sự nhanh nhẹn & chính xác của chúng, và cũng lợi dụng ý nghĩa Cát tường của chúng trong Phong Thuỷ vậy. Trong đó, Rồng là con vật thường được người ta chuộng nhất trong khi chọn biểu tượng_ do tư tưởng sùng bái Rồng của Á Đông, do nó tượng trưng cho uy quyền tột đỉnh như Vua chúa ngày xưa, do nó là đứng đầu trong Tứ Linh, do nó là biểu tượng hợp Thủy mà Thủy là tiền tài vậy, do nó là một biểu tượng Cát lành trong Phong Thuỷ... Con Rồng nên thiết kế bay vút lên cao, giương nanh múa vuốt thể hiện cái nét "Tiềm Long thăng thiên" thỏa sức vẫy vùng, thần uy hiển hiện, tượng cho tham vọng và sự thăng tiến của doanh nghiệp vậy. Không nên nhốt Rồng lại_ hay bất kỳ con thú nào dùng làm biểu tượng cũng vậy, hàm ý bị vây kín, bị cầm tù là xấu trong mặt Phong Thuỷ, do Rông thật vốn tính linh động, cần không gian rộng mở để tự do bay lượn mà làm mưa tạo Phúc vậy.
Nếu sử dụng các logo có dạng trừu tượng, hình vuông hoặc hình tròn, và các hình có 5- 6- 8 cạnh thì cần phải cân nhắc kỹ, bởi những hình này có thể mang một ý nghĩa rất xấu đối với mặt Phong Thuỷ. Sử dụng hoa làm logo cũng rất tốt, nhưng không mạnh mẽ bằng các sinh vật. Hình ảnh một nụ hoa đang nở thỉ tốt hơn là đã nở rộ. Màu của mùa Xuân tràn đầy sức sống thì luôn tốt hơn màu của mùa Thu Đông ảm đạm. Màu của bình minh rực rỡ báo hiệu một ngày mới, một tương lai mới đương nhiên tốt hơn màu của hoàng hôn héo úa tàn tạ, không có chút sinh lực.
Đại kỵ các góc cạnh, mũi nhọn của logo chĩa vào tên công ty.
Nếu trên danh thiếp (card-visit), Đại Kỵ các góc cạnh, mũi nhọn của logo chĩa vào tên mình. Hãy dịch chuyển logo hoặc tên mình tránh đi.
Về màu sắc, chữ đen trên nền trắng tốt hơn là trên nền màu be, xám. Danh thiếp thì màu trắng thường được nhiều người ưa dùng hơn màu trắng ngà hay trắng xám. Khi sử dụng nhiều màu, nên nhớ dùng các màu tương sinh với nhau theo Ngũ Hành. Tránh dùng các màu khắc kỵ về Ngũ hành như đỏ & đen, đen với da cam, đen với vàng..., dù đỏ và đen phối về màu thời trang thì rất nổi đấy. KỴ dùng các dấu chấm trong các logo! Đại kỵ dùng logo có mũi tên hướng xuống, nếu có thì mũi tên thì nó phải hướng lên. Đại kỵ dùng các logo có dấu chéo (X), như trong chữ " Nhất phàm phong thuận " ở các câu liễn chúc, hàm ý một chiếc thuyền buồm xuôi chiều gió, nhưng nếu chữ PHONG viết tắt thì có dấu (X) này, không nên dùng. Dưới đây là một số dạng logo phù hợp với một số loại hình hoạt động của doanh nghiệp, xin giới thiệu để các anh chị, các bạn tham khảo vậy:
_ Logo có dạng các mũi nhọn như tam giác (Hỏa): kiến trúc, hàng không, bảo vệ, thám tử, đạo diễn, nhà cung cấp dịch vụ hợp pháp, thanh tra, nhân viên du lịch, dịch vụ nhắn gửi, nhà kinh doanh bất động sản, đánh máy, công ty điện ảnh, thiết kế trang web.
_ Logo có dạng hình vuông (Thổ): xây dựng, công nghiệp sàn nhà, dịch vụ lau dọn nhà, phát triển đất đai, luật sư, thư ký, tâm lý học.
_ Logo có dạng hình tròn (Kim): kiến trúc, huấn luyện viên, thợ điện, luật sư, kim hoàn, bán lẻ quần áo, quản lý công chức, xuất bản, vật lý trị liệu, bán hàng, buôn bán cổ phiếu, pha chế rượu.
_ Logo có dạng hình chữ nhật (Mộc): kiến trúc, ngân hàng, nhân viên du lịch, nghề chữa bệnh bằng phương pháp nặn khớp xương, luật sư, nhà xuất bản, đánh máy, thư ký, thiết kế trang web, mua bán cổ phiếu, buôn bán, huấn luyện viên.
_ Logo có dạng hình cong, uốn lượn (Thủy): thợ gốm, thợ máy, dịch vụ y tế, phát triển đất đai (lẽ ra nó thuộc hành Thổ, nhưng do tính phát triển nên thuộc Mộc, gặp Thủy sẽ sinh nó), trang trí nội thất, thiết kế hay buôn bán vải sợi (vì vải là dợn sóng, tượng hành Thủy).
Về kích cỡ của bảng hiệu, của danh thiếp, NCD thấy các sách trên thị trường gần như không nói đến tính Âm- Dương của nó, đa phần là kê ra các kích thước mà không nói rõ vì sao. Nay NCD muốn chỉ rõ ra cho các anh chị, các bạn, vì các kích thước trong sách chỉ đâu thể đủ mọi kích cỡ. Khi các anh chị, các bạn muốn làm bảng hiệu cho doanh nghiệp- công ty, hay đặt một danh thiếp cho riêng mình, xin hãy chọn một kích thước thuộc Dương, một kích thước thuộc Âm. Nghĩa là: Nếu chiều rộng lấy kích thước Âm thì chiều dài lấy kích thước Dương, nếu chiều rộng lấy kích thước Dương thì chiều dài lấy kích thước Âm vậy. Các kích thước Âm hay Dương là do số chẵn, lẽ quyết định. Số chẵn là Âm, số lẽ là Dương. Nhưng ngoài ra, các anh chị, các bạn cũng nên lưu ý đến các kích thước mình chọn phải phù hợp với thước Lỗ Ban. Về thước này, sau loạt bài về doanh nghiệp này xong, NCD tôi sẽ đăng chi tiết từ 1cm đến 5m cho các anh chị, các bạn tiện xài. Nếu các anh chị, các bạn nào đã từng tìm hiểu qua, thì NCD xin nói thế này: Các thước Lỗ Ban (loại thước kéo) bày bán trên thị trường, nếu loại nào mà 42,9 3/4 cm là đúng rồi đó. Do gần tới 43 nên nhiều người lầm tưởng nó là 43 nhưng thực ra thiếu một tý xíu xìu xiu đó. Và các loại thước này có hai hàng, trên xài cho Dương Trạch, dưới xài cho Âm Trạch. Rất...rất là nhiều người lầm cho rằng trên dưới như nhau là sai lệch đấy.
Đa số các dạng này thường là xây tường, mái tole hoặc đơn giản hơn là nhà tiền chế. Cho nên, ở đây hành Kim rất là vượng. Đây là một điểm khiến cho từ trường của người làm việc ở đó dễ bị nhiễu loạn.
Điều quan trọng khi thiết kế cơ sở công nghiệp, là phải đảm bảo các yếu tố vô hình lẫn hữu hình, tức là phải có sự cân bằng- hài hòa về Khí, và không bị ảnh hưởng xấu từ bên ngoài. Phong Thuỷ không ra ngoài yếu tố hợp lý, nhất là trong thời đại mới hiện nay, tình trạng "hiệu ứng nhà kính", " ỗ hổng tầng ô-zôn", "ô nhiễm môi trường"....vv.. hàng tá vấn đề phát sinh từ các khu công nghiệp, khiến ta càng phải chú ý đến việc thiết kế một cơ sở công nghiệp sao cho hợp lý. Phải cân bằng giửa sự tiết kiệm vật liệu xây dựng và đảm bảo an toàn cho mọi người làm việc nơi đó. Ngày nay các nhà khoa học đã tính được: con người hoạt động tốt nhất khi có cùng biên độ dao động với trái đất, nghĩa là trong khoảng tần số 8-12 hertz. Các công xưởng lớn được xây dựng với dàn móng bê tông cốt thép, các bộ khung bên trên cũng thế, tất cả những thứ này đều có thể làm dao động tần số của môi trường nơi đó, như vậy là đủ gây tác động đến người làm việc nơi đó rồi.
Việc chọn lựa các vật liệu xây dựng và vị trí lò, ống khói cần phải phù hợp thẩm mỹ lẫn Phong Thuỷ, lại hạn chế tác hại đến môi trường. Tỷ như ta cần lắp đặt ống khói cao để hạn chế sự ô nhiễm đến dân cư xung quanh, thì nơi đặt ống khói phải không được gây tổn hại cho văn phòng Ban Giám Đốc (nơi đưa ra các quyết sách quan trọng), cho phòng ban kế toán (nơi nắm giữ tiền bạc, tài chính), cho phòng ăn tập thể (nơi ảnh hưởng đến sức khoẻ toàn bộ người trong công xưởng), cho khu tiếp tân (nơi có tầm quan trọng rất lớn về mặt tiếp xúc, ấn tượng với đối tác).
Nơi sản xuất cần phải đủ các điều kiện về: ánh sáng, thoáng khí, đường đi lối lại trong xưởng phải thông thoáng cho khí luân lưu. Các kho chứa hàng nên đảm bảo được các yếu tố: an ninh, bảo quản chất lượng hàng hóa, nơi lên xuống hàng phải thuận tiện- dễ dàng; lại đảm bảo được các yếu tố Phong Thuỷ như tránh nằm cuối một dãy hành lang dài, ở nơi nối hai dãy nhà hình chữ T... Còn phải lưu ý đến hai vấn đề hợp thời, đó là: xử lý chất thãi và xử lý tiếng ồn (âm thanh cũng tác động không nhỏ đến hệ thần kinh trung ương đâu).
Các dãy nhà kho, xưởng trong cơ sở công nghiệp cần tránh các dạng hình mang ý nghĩa không tốt về mặt Phong Thuỷ như: chữ "Hạ" trong chữ Hán vì nó mang ý đi xuống, chữ "Tù" trong chữ Hán cái này thì khỏi nói chắc ai cũng ghê cái ý của nó rồi, có hình như dấu X- cái này vì nó giống chữ "Hung" trong chữ Hán, giống hình con bươm bướm- vì cuộc đời của sinh vật này rất ngắn ngủi, bạn đâu muốn cơ sở mình giống nó phải không?... Và có thể làm một số hình dạng mang một ý nghĩa tốt trong Phong Thuỷ như: chữ "Vương" trong chữ Hán hàm ý quyền uy tột đỉnh như Vua chúa vậy (nghe thấy thích rồi nhé!), như chữ "Cát" trong chữ Hán hàm ý tốt lành- cát lợi- may mắn, hay các hình bát giác- lục giác... Ngoài ra, các cơ sở công nghiệp cần lưu ý đến vấn đề thuận tiện về trục giao thông và an ninh cơ sở. Ngay từ xưa, khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam ta, các ngôi chợ của họ xây bao giờ cũng gần các cây cầu, vừa thuận tiện về đường bộ vừa thuận tiện về mặt đường Thủy. Thế tại sao chúng ta, ở thế kỷ mới này, lại thua họ trong việc chọn địa điểm thích hợp về giao thông nhỉ? Với các hệ thống báo động chống trộm hay báo sự cố, nên lưu ý đến âm thanh của chúng tạo ra, tránh dùng những âm thanh có tác dụng xấu về Phong Thuỷ_ là những âm thanh khiến người khác nghe có thể hiểu lầm với ý xấu.
Và một vấn đề mà NCD tôi đã nhắc đến ở trên rồi đó: Ánh sáng. Vâng. Ánh sáng là một điểm rất quan trọng trong các khu nhà xưởng, vừa giúp các công nhân làm việc ở đó thao tác chính xác không sai sót, vừa giúp cho Sinh Khí vào tận đó. Hãy thiết kế các mái nhà với các mái có độ hở thích hợp, vừa có đủ ánh sáng vào vừa có gió vào, vừa không bị mưa gió tạt vào ảnh hưởng đến sàn xuất hay bảo quản sản phẩm, hàng hoá. Sự thoáng khí ở các nơi này rất quan trọng, nó có được hay không thì các mái nhà cũng góp phần không nhỏ đâu, xin chớ xem thường "cái mũ trên đầu" này nhé! (Nó như cái mũ trên đầu các nhà làm Kinh tế đấy=> KINH TẾ mà thiếu cái mũ là coi chừng thành...TÉ đó!).
Nếu phân về Âm Dương thì các khu sản xuất do tính khẩn trương của công việc, do sự chuyển động của máy móc, do sự ồn ào huyên náo mà mang tính Dương rõ rệt, các khu văn phòng lại thiên về Âm_ khi so với khu sản xuất. Tuy vậy, trong nhiều lúc các kho hàng có thể Âm, có thể Dương; các khu văn phòng có thể Âm, có thể Dương do sự biến thiên trong công việc. Khi bình thường thì kho hàng là Âm, nhưng khi bốc dỡ hàng náo nhiệt thì nó lại là Dương. Các văn phòng bình thường là Âm, nhưng những ngày cuối tháng, những khi cần kết toán sổ sách, thì nó lại trở nên năng động và mang tính Dương. Tóm lại, nơi các cơ sở công nghiệp đa phần thời gian là mang tính Dương nổi trội hơn. Cho nên việc bổ sung năng lượng Âm cho những nơi này để quân bình Âm Dương là rất cần thiết. Có hai cách để quân bình Âm Dương ở đây mà người ta hay dùng:
_ Một là dùng cây xanh, xung quanh các khu văn phòng có thể làm các bồn hoa nhỏ; gần nơi các khu nhà xưởng thì trồng cây xanh cao lớn, vừa lấy bóng mát, vừa tăng năng lượng Âm được, vừa có cây xanh làm trong sạch môi trường hút bớt các chất trược khí thãi ra.
_ Hai là dùng nước. Trong Phong Thuỷ người ta xem ánh sáng là Dương, thì nước được xem là Âm. Xin các anh chị, các bạn lưu ý cho điều này, vì nhà ở cũng thế, nếu ánh sáng tràn ngập mà nước ít ỏi là đã mất cân bằng Âm Dương rồi đấy. Người ta có thể làm một bồn phun nước lớn, hoặc cả một bồn phun nước dài với các vòi phun nước lên giửa hai dãy nhà văn phòng, để tăng năng lượng Âm tích cực nơi đây. Cách này có bốn điểm lợi: một là giúp cân bằng Âm Dương; hai là các vòi phun nước có tác dụng hóa giải Sát khí rất hay; ba là các vòi phun nước là một giải pháp giúp khí luân lưu rất hay, nó sẽ đưa Sinh Khí phát tán vào hai dãy nhà hai bên, nơi các bộ phận chủ chốt của cơ sở đặt ở đó; bốn là nước là biểu tượng của tài lộc, nước trước các dãy văn phòng làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp vậy.
Và vần đề cuối cùng thì NCD chỉ xin lưu ý thôi: Là hãy xem chừng các Sao Phi Tinh hàng năm, đề phòng khi các Hung Tinh đến án ngữ các nơi quan trọng trong cơ sở như: Cổng chính, khu văn phòng, khu sản xuất, khu Bếp tập thể. Tùy theo đặc tính của loại Sao nào mà định sự hung hại có thể xảy ra, nhờ vậy mà ta có thể tránh hoặc hóa giải trước.
Ở đây, NCD tôi chưa đề cập đến lĩnh vực nhà hàng- khách sạn- quán ăn_ phần này do tính chất của nó mà NCD tách ra riêng vậy_, mà chỉ nói đến các loại hình kinh doanh khác với ăn uống, nghỉ ngơi. Trong loại hình kinh doanh này, điểm đầu tiên mà NCD tôi muốn nói đến chính là kinh nghiệm của ông bà xưa mình: "Nhất cận thị_ Nhị cận giang". Ngay từ xa xưa, ông bà ta đã nhận ra ưu điểm về nơi chốn kinh doanh rồi. Vâng. Ưu tiên hàng đầu cho việc chọn lựa cơ sở kinh doanh chính là tìm nơi thị tứ đông đúc (ngày xưa thì ông bà ta dùng chữ THỊ với ý là chợ). Buôn bán kinh doanh là cần khách hàng, mà nơi thôn quê hẻo lánh, nơi ngoại ô đìu hiu hút gió sao đông khách bằng nơi thành thị được? Đấy là điểm lợi thứ nhất của địa điểm này. Điểm lợi thứ hai là nơi đông người qua lại thì Sinh Khí sẽ vượng, nếu địa điểm của chúng ta làm tốt cách đón nạp khí thì làm ăn sẽ phát đạt thôi. Một nơi mà không có Sinh Khí hay Sinh Khí ít ỏi, thì dù ta có làm tốt việc đón nạp cũng chẳng ích lợi bao nhiêu. Ví như ở một cái rảnh nhỏ dù ta có đắp đập chận thì nước phỏng được bao nhiêu nhỉ? sao bằng mương? kênh rạch? sông ngòi? Ông bà ta nói "lớn thuyền lớn sóng" nhưng nếu ta sắm tàu thuyền to, lưới chắc mà không ra sông, ra biển sao bắt được cá lớn nhỉ? Trên góc độ một người làm kinh tế mà luận, đất đô thị, thị trấn đông đúc là nơi trao đổi hàng hóa sầm uất nhất, nhanh nhạy nhất, kẻ bán người mua tấp nập. Câu nói "trăm người bán vạn người mua" chính là chỉ những nơi đông đúc như vầy, chứ nơi thôn quê hẻo lánh, mở một cửa hàng ra đã ngồi ngáp rồi, mở thêm một cửa hàng nữa ra cạnh tranh... cho chít à?! Khi chúng ta mở cửa hàng buôn bán nơi chốn đông người chính là một hình thức Quảng Cáo tuyệt vời rồi đấy. MỘT NHÀ KINH DOANH GIỎI PHẢI BIẾT LÀM TỐT CÔNG TÁC QUẢNG CÁO. Mở cơ sở kinh doanh nơi đây, nếu hàng hóa của chúng ta hấp dẫn được khách hàng, hay nói khác đi là hàng hóa chúng ta phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng_ đó là công việc của khâu Tiếp Thị vậy, NCD không dám đi sâu vào chuyên môn đó vậy_, thì sẽ có tác động tốt đến việc tiêu thụ hàng hóa ngay. Ngược lại với tiêu chí trên, nếu ta mở một cơ sở kinh doanh buôn bán nơi hẻo lánh chẳng khác nào ta tự tránh khách hàng vậy. Buôn bán mà ế ẩm, mùa Xuân một người khách, mùa Thu một người khách, là tạo điều kiện cho năng lượng Âm tiêu cực thịnh vượng vậy. Như thế đã vắng càng thêm vắng, lỗ chồng thêm lỗ, hàng hóa tồn càng lâu càng lỗi thời càng khó bán, một cái vòng luẩn quẩn, người chủ kinh doanh như lây cả vận rủi của cơ sở thế này, không chỉ thua lỗ nơi đó mà còn làm đâu thua đó, chính là do Âm Khí tiêu cực nơi cơ sở đó mà ra vậy.
Trong Phong Thuỷ về nhà ở thì ta rất kỵ nhà có đường lộ đâm vào (nơi các giao lộ chữ T, chữ Y), nhưng trong kinh doanh buôn bán thì những ngã ba, ngã tư ấy lại là nơi Sinh Khí phát tài. Tuy có Sát khí nhưng có cách hóa giải cả, không nên bỏ qua một địa điểm Vượng khí như nơi này. Ngoài việc hóa sát do đường lộ đưa đến, thì mở cửa hàng nơi đây xin chú ý vấn đề ô nhiễm (do gió bụi, khói xe ở đây sẽ nhiều hơn ở các trục đường ngang). Nhất là với các cơ sở kinh doanh buôn bán các mặt hàng như: bán hoa tươi (dễ bị héo), bán quần áo (dễ bị lấm bẩn do gió bụi, khói xe bám vào, vừa cũ đồ vừa dễ tích Âm khí), bán trái cây (mất vệ sinh), các dịch vụ ăn uống (sẽ nói ở phần sau). Các cửa hàng nơi đây nếu tránh bụi mà lắp cửa kính, cũng nên thường xuyên: tưới nước phía trước để giảm bụi, lau chùi mặt kính để tránh bụi bám vào thành Âm khí. Có một điều mà một số cơ sở kinh doanh lắp kính trong hay mắc phải, là tận dụng mặt kính để dán quảng cáo. Đây quả là "lợi bất cập hại". Mặt kính trong phía trước giúp cho Sinh Khí bên ngoài dễ dàng vào trong cơ sở, nay lại đem dán quảng cáo đầy ra đó, ngăn trở Sinh Khí, chính là "tham lợi nhỏ bỏ lợi lớn" vậy. Tóm lại, nơi các giao lộ chữ T, chữ Y là nơi tốt về mặt kinh doanh sau khi làm phương pháp hóa giải, nhưng mở cơ sở nơi đó cần lưu ý vấn đề vệ sinh sạch sẽ_ từ trong ra ngoài.
Khi chọn địa điểm cho cửa hàng, điều quan trọng không kém là mặt tiền phải thật khoáng đãng, rộng rãi. Làm sao để đón nhận "Bát phương tài lộc" mới đúng cách của Phong Thuỷ, mà cũng hợp vời lý thuyết làm kinh tế.
Trong Binh pháp Tôn Tử có viết: "Địa giả, viễn cận, hiểm dị, quảng hiệp, tử sinh dã". Đem ứng vào hành quân đánh trận, thì trước tiên người tướng soái cầm quân phải nắm vững địa thế, địa hình, phải biết khoảng cách chiến trường giửa ta và địch xa hay gần? Địa thế hiểm trở hay hay bằng phẳng? rộng rãi hay chật hẹp? những vấn đề đó góp phần quyết định không nhỏ vào sự thắng thua của đội quân ấy, hay nói khác đi sự sống chết của cả đạo quân cũng bị ảnh hưởng bởi những điều ấy. Đem ứng dụng Tôn Tử Binh pháp vào trong Phong Thuỷ cho việc kinh doanh, ta thấy ngay sự tương đồng. Một người muốn mở ra một cơ sở kinh doanh cần phải xét đến các yếu tố: Nơi đó gần hay xa so với khu dân cư đông đúc, nơi nhiều người qua lại? nơi đó mặt bằng có bị gì xung hại từ bên ngoài không hay tốt đẹp? nơi đó mặt tiền có thoáng đãng, rộng rãi hay tối ám, chật hẹp? Tất cả những điều này góp phần vào sự thành công của cơ sở kinh doanh vậy. Phía trước cơ sở kinh doanh không nên bị che chắn bởi vật gì, như các cây cột điện, các tấm bảng quảng cáo, các trụ biến điện...vv.. và có lẽ tệ hơn hết chính là nguyên cả một trạm chờ xe bus án ngữ hết cả mặt tiền cơ sở. Các mặt tiền cũng giống như gương mặt con người ta vậy, nếu có vật án ngữ che khuất tầm nhìn, cũng như một chân mày áp mi vậy, sao có thể nhìn xa trông rộng được? Điều này thì NCD nhớ mãi, hồi nhỏ NCD hay nghe ông ngoại mình mắng các dì: "nhà có mái hiên như người ta có cái chân mày, tụi bậy che lụp xụp xuống như vậy, như cái chân mày đè xuống con mắt, sao nhìn xa trông rộng được?!". Hồi ấy NCD còn rất nhỏ, chỉ thấy ông nói rất hay nên ghi nhớ thôi, sau này khi lớn lên học Phong Thuỷ của gia đình chỉ dạy, lúc ấy NCD mới ngộ ra câu nói của ông năm xưa chính là cái lý này đây. Khi không bị che khuất, cơ sở kinh doanh có cái lợi trước mắt là từ xa khách hàng, người đi đường đã có thể nhìn thấy cơ sở của mình (NCD dùng chữ "có thể" vì nó còn phụ thuộc vào các yếu tố màu sắc, bảng hiệu, trang trí mặt tiền cho bắt mắt nữa), tức là đã có lợi về mặt quảng bá thông tin về loại hình mà cơ sở chúng ta kinh doanh đến với khách hàng, đến với người đi đường. Trong Phong Thuỷ học gọi đây là sự chuyển động của Khí vậy, Khí có chuyển động mới có tạo ra Sinh Khí. Còn nếu nói về mặt kinh doanh, người ta có thấy, có biết chúng ta kinh doanh loại hàng gì thì khi cần mới tìm đến mua được chứ? Đấy chính là điểm mà ngay từ ngàn xưa Phong Thuỷ đã xác định được "tầm quan trọng của việc quảng bá thông tin hàng hóa trong kinh doanh", mà ngày nay theo thuật ngữ mới ta gọi là "Chiến lước quảng cáo" vậy. Không có sự quảng cáo (cho dù dùng quảng cáo dưới bất kỳ hình thức nào) thì không có khách hàng, mà kinh doanh không có khách thì cơ sở....sập tiệm thôi.
Như ở trên đã nói, mặt tiền cơ sở kinh doanh rất quan trọng. Nó không chỉ cần rộng rãi, thoáng đãng mà cần phải làm sao cho thật bắt mắt mới được. Vì có khi bề ngang cơ sở ta hẹp, nhưng cách ta thiết kế-trang trí cơ sở mình bên ngoài thật thu hút với khách hàng, với người đi đường thì ta vẫn có cơ hội thành công vậy. Đứng trên góc độ kinh doanh mà luận, việc tạo dáng cho cơ sở kinh doanh để lôi cuốn khách hàng có tầm quan trọng không nhỏ, nó cũng là một phần trong tiêu chí cần phải có của Chiến lược Quảng cáo. Do địa điểm kinh doanh chúng ta chọn là nơi thành thị kiểu "đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ", nơi tính cạnh tranh của thương trường càng thêm phần khốc liệt, gay gắt. Thương trường như chiến trường. Tất cả mọi yếu tố nào có thể tận dụng được nhằm tạo ra thắng lợi, người ta đều có thể áp dụng nơi đây (dĩ nhiên là cạnh tranh lành mạnh, không trái pháp luật). Muốn nổi bật trước một đám đông, một tập thể, ít ra phải có gì vượt trội hơn, hoặc... khác người hơn một tý. Trong một dãy cơ sở kinh doanh buôn bán, nếu cơ sở chúng ta không có gì nổi trội bên ngoài, thì ở nơi cạnh tranh khốc liệt này, e không thể vượt hơn người được. Làm cho mặt tiền cơ sở kinh doanh có nét độc đáo, không chỉ là cách để làm hấp dẫn khách hàng, mà còn là một Chiến lược Tiêu thụ trong kinh doanh. Và xin lưu ý: Mặt tiền cơ sở kinh doanh cũng tương tự như bao bì hàng hóa, bao bì sản phẩm vậy. Chất lượng hàng bên trong chưa biết tốt, xấu ra sao, nhưng nhìn bao bì mà khách ưng ý, tạo được lòng tin là khách không mua lầm hàng, vậy là ta đã thắng 1/2 rồi đấy. Đây chính là yếu tố "ấn tượng đầu tiên" mà NCD đã nói trên kia vậy. Nhưng dù tìm kiểu dáng độc đáo cũng không nên có tính lập dị, kỳ quái, nếu thế sẽ không tốt mà còn phản tác dụng nữa. Thiết kế kiểu dáng không thể ra ngoài qui tắc về Tứ diện & Chỉnh chu. Tứ diện là trước sau có cân đối không, phải trái có cân phân không. Chỉnh chu là là tròn phải ra tròn, vuông phải hẳn vuông, hình thể gì cũng phải ngay ngắn không thiên lệch. Khi ta tạo được sự thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên của khách hàng hay người đi đường với cơ sở, với bao bì hàng hóa, thì coi như chúng ta thành công được 1/2 trong kinh doanh rồi. Tạo hình ngoại cảnh không hài hòa, không bắt mắt trong Phong Thuỷ gọi là "hung trạch", vì từ đó có thể gây ấn tượng phản cảm với khách hàng, dẫn đến mất khách, thế không gọi "hung" thì gọi là gì?.
Thiết kế cảnh trí, kiểu dáng bên ngoài cơ sở thật là khó. Bởi nó không chỉ đòi hỏi phải đẹp, độc đáo, bắt mắt với khách hàng mà còn phải hài hòa với cảnh trí khu vực đó. Mỗi một vùng đất đều có khí từ trường riêng của nó, do kết cấu Địa tầng Trái đất nơi đó, do hình thể thiên nhiên nơi đó, do kiến trúc con người xây dựng nơi đó. Tất cả phối với nhau như những nốt nhạc hợp trong từng cung, nhịp, trong từng trường canh, thật hài hòa, du dương, trầm bổng, tạo nên một bản hợp xướng kỳ diệu. Nay ta thêm vào đó cơ sở kinh doanh của mình, thêm một trường canh lạc tông, lạc nhịp vào trong bản nhạc đó, thử hỏi có phải nghe chói tai lắm không? Khi cơ sở chúng ta thiết kế kiểu dáng, ngoại hình không phù hợp với dòng khí nơi đó, tức là ta đã làm nhiễu loạn Khí tự nhiên của vùng không gian đó, là làm Sinh Khí tắc nghẹn biến thành Sát Khí. Cơ sở mở ra làm ăn mà tạo ra Sát Khí quanh cơ sở mình, vây bọc lấy mình làm sao buôn bán khấm khá được? Trên thực tế, khi cảnh trí cơ sở chúng ta chỏi với hình thể khu vực đó, là tự chúng ta làm tổn hại đến hình tượng tuyên truyền về cơ sở mình với mọi người, sẽ ảnh hưởng tới việc buôn bán sau này của chúng ta.
Nhưng dù có làm kiểu dáng gì đi nữa, xin nhớ không phạm sự tương khắc của Ngũ Hành. Sự tương khắc này có thể là về kiểu dáng, về màu sắc, về ngành nghề kinh doanh. Nói đến trường hợp này, NCD xin dẫn một thí dụ thực tế ở HongKong. Ở HongKong các nhà cao tầng mọc như nấm, đa phần là dạng nhà hình Mộc đứng. Giửa các nhà chọc trời hình Mộc kia tự dưng có một Ngân hàng xây dựng sau với các chóp nhọn trên đỉnh, Ngân hàng ấy của Đại Lục Trung Quốc. Theo các chuyên gia Phong Thuỷ Hồng Kong thì cười thầm cho rằng các thầy Phong Thuỷ ở Lục Địa không giỏi, vì kiến trúc với các góc cạnh trên đỉnh là cấm kỵ. Nhưng thực tế trái ngược, vì kiến trúc của Ngân hàng nọ là hành Hỏa, xung quanh là những nhà cao tầng hành Mộc, nên họ càng ngày càng phát đạt. Khi ấy các chuyên gia Phong Thuỷ của HongKong mới hiểu ra chính họ sai chứ không phải các thầy Phong Thuỷ ở Đại Lục dỡ. Qua ví dụ này, NCD tôi muốn nhấn mạnh rằng việc xem xét tính Ngũ Hành của khu vực đó & cơ sở chúng ta là điều hết sức quan trọng, không thể bỏ qua. Tỷ như chung quanh toàn hành Thủy, nay ta chen vô hành Hỏa, sao mà lửa cháy nổi?
Khi ta tạo được dáng vẻ bên ngoài cơ sở thành công, là ta đã tạo điều kiện cho Sinh Khí nơi đó tìm đến với cơ sở chúng ta vậy. Thế thì không lý do gì ta lại chỉ "mở cửa he hé" để cản bước "Vị khách quý" này được. Sinh Khí đến tận nơi mà vào không được, hay vào quá ít thì bao nhiêu công sức ta chuẩn bị và làm tốt bên ngoài phỏng có ích gì chứ? Cửa chính là "khí khẩu" của nhà, của cơ sở. Cửa nhỏ khí không vào được hay vào quá ít, Khí bên trong sẽ thành Tử Khí, giảm bớt Sinh Khí của nhà, của cơ sở. Đứng trên mặt thực tế kinh doanh mà luận, khi cửa ra vào quá hẹp sẽ có nhiều bất lợi xảy ra: Khách hàng ra vào không tiện lợi, chen chúc đông khó đi, dễ sinh tệ nạn móc túi, hay xảy ra xô xát cãi vả; khách hàng ra vào có xách hàng hóa sẽ bất tiện, dễ cọ quẹt... Tất cả những điều này sẽ làm phiền lòng vị "Thượng Đế" của chúng ta không ít, gây ấn tượng xấu về cơ sở kinh doanh của chúng ta. Nhất là khi họ vừa mua hàng ra xong, đến cửa, vì chật hẹp mà cọ quẹt làm hỏng ngay món hàng ấy, thật không khó để nghĩ ra người khách ấy có ấn tượng thế nào về cơ sở kinh doanh của chúng ta. Nếu mở rộng cửa cơ sở kinh doanh buôn bán, coi như ta đã mở rộng cơ hội tiếp đón Sinh Khí, tiếp nhận tài lộc. Đứng trên góc độ kinh doanh, khi ta mở rộng cửa, là ta đưa hàng hóa ra gần với khách hàng hơn, trưng bày được nhiều hàng hóa ra ngoài hơn. Hay nói cách khác, khi ta mở rộng cửa cơ sở kinh doanh là ta đã tiếp thị rộng rãi hơn đến với khách hàng. Người đi bên ngoài có thể nhìn thấy cơ sở chúng ta buôn bán mặt hàng gì ngay, như thế là một cách quảng bá tuyệt vời rồi. Hiểu rộng hơn ý này, không chỉ ta mở rộng cửa, mà còn mở rộng cả các quầy hàng, để khách hàng tự do tiếp xúc với hàng hóa nhiều chừng nào, việc kinh doanh càng dễ thành công nhiều chừng nấy. Mô hình mở rộng các quầy này chính là các kệ hàng trong các siêu thị chúng ta thường thấy đấy.
Hiện nay nhiều sách, nhiều thầy Phong Thuỷ hay có khuynh hướng chọn lựa Hướng cho cơ sở kinh doanh theo ngành nghề, tức là tùy theo Ngũ Hành của ngành nghề nào thì chọn hướng sinh hợp Ngũ Hành nấy. NHƯNG, thực ra cơ sở kinh doanh buôn bán đắt ế là do khách, chính các khách hàng mới là người quyết định Hướng nào hợp lý để mở cửa cho cơ sở kinh doanh. Khách hàng ở Hướng nào đông thì mở cửa về Hướng ấy, không thể vì chọn Hướng tốt theo tuổi- theo ngành nghề mà trổ cửa ra một đường hẽm vắng tanh được, mọi việc phải hợp lý mới đúng với ý của Phong Thuỷ. Sau đó hãy dùng các cách hóa giải của Ngũ Hành để điều chỉnh lại. Trong trường hợp cơ sở kinh doanh của chúng ta nằm trong một trung tâm thương mại, một siêu thị với nhiều cơ sở kinh doanh khác, việc chọn hướng cho cơ sở lúc này không gì quan trọng bằng việc chọn theo Bát Môn, tức là chọn theo Hướng hợp với Quái số của mình mà thuê mặt bằng. Thông thường, trong một trung tâm như thế thì có hai nơi thuận lợi hơn, đó là góc Đông Nam (cung tài Lộc của cả khu Trung tâm thương mại đấy), góc Tây Bắc (cung Quý Nhân, là tượng cho khách hàng của cả khu kinh doanh này). Nhưng nói thế không phải những nơi khác không tốt. Bấy giờ, cách chọn theo ngành nghề sẽ lợi thế hơn trong trường hợp này. Nếu khu trung tâm thương mại đó có nhiều tầng lầu, thì mỗi tầng có một Bát Quái đồ riêng, trước tiên ta phải chọn tầng nào hợp với mình đã, sau mới áp dụng các cung Bát Quái ở tầng ấy. Cách chọn tầng tùy theo tuổi của người chủ gian hàng đó vậy: Xem Địa Chi của người chủ gian hàng đó là gì, tùy theo đó mà chọn:
_ Các tuổi Hợi, Tý: Chọn các tầng lầu có số 1 hay 6 ở cuối.
_ Các tuổi Dần, Mẹo: ...............................3 .....8 ở cuối
_ Các tuổi Tị, Ngọ: .................................2 ..... 7...........
_ Các tuổi Thân, Dậu:...............................4 ......9 ..........
_ Các tuổi Thìn,Tuất,Sửu,Mùi: chọn các tầng có số cuối là 5, 10.
Nếu khu trung tâm thương mại đã bị Phản Cung Sát bên ngoài thì tốt hơn không nên thuê mặt bằng nơi đó. Nếu ta là chủ của trung tâm thương mại thì nên tránh mở cầu thang ngay giửa cửa ra vào. Không kể đến việc Phong Thuỷ bố trí cầu thang như thế sẽ đổ hết tài lộc ra đường, chỉ nói đến việc hợp lý, khi làm cầu thang như thế, Sát Khí từ những tạp âm ngoài đường sẽ theo cầu thang mà xộc thẳng lên tầng trên, gây nhiễu loạn Khí tầng ấy. Nếu ta không phải là chủ, mà thuê gian hàng nơi khu trung tâm thương mại có cầu thang như thế, thì tốt nhất nên tránh xa đầu cầu thang bên trên, né cái Sát Khí xông thẳng lên đó.
Nếu là một cơ sở kinh doanh có nhiều lối đi thì đôi khi cũng làm cho khách bực mình, bởi họ thấy rối tung lên không biết món hàng mình cần mua ở đâu. Khi ấy nên có một tấm bảng, 1 sơ đồ bố trí khu vực bán hàng để khách tiện tìm mua. Phải khéo léo sắp đặt các món hàng người ta thường mua hay có sức hấp dẫn cao ở cuối dãy, để khách phải đi qua các dãy hàng kia, như vậy ta có cơ hội giới thiệu hàng hóa là một, có thể chiêu dụ khách mua thêm những món ban đầu họ không dự định mua là hai.
Nếu cơ sở kinh doanh bố trí nhiều cửa cũng vậy, rất dễ làm khách hàng lầm lẫn cửa này với cửa kia. Các trung tâm nhỏ như ở Việt Nam ta thì không đáng kể lắm, nếu là ở nước ngoài, nếu lỡ đi nhầm cửa ra, phải quay trở lại nơi đúng cửa mình để xe có lẽ là cả một sự... mệt nhọc đấy! Hay các bậc tam cấp bé nhỏ cũng có thể cản trở dòng khí vào trong cơ sở. Ra vào một nơi dễ vấp chúi nhũi hay té lộn đầu, có lẽ chẳng vị khách nào thích cả, trừ phi đó là... các diễn viên nhào lộn!
Có dịp đi ra ngoài mới thấy cái hay của những nhà doanh nghiệp xứ bạn, nếu không được sự cố vấn của các chuyên gia Phong Thuỷ mà họ làm được thế, NCD nghĩ rằng họ quá hay khi vô tình tạo một bầu không khí thật ấn tượng nơi kinh doanh với những thủ thuật của Phong Thuỷ. Nhưng cũng thật khó vì nhan nhãn khắp nơi, chỗ nào cũng có ý cả, nếu bảo vô tình không lẽ ai cũng may mắn thế cả?! NCD tôi không bàn về cung cách phục vụ, tiếp khách, bán hàng ở những nơi đại trà. Sáu bước cần có trong mua bán là chuyện nghiệp vụ chuyên môn của kinh doanh, ở đây NCD tôi chỉ muốn nói đến cái KHÔNG KHÍ nơi kinh doanh của họ. Vâng. Phải nói là cái "không khí" nơi kinh doanh của các trung tâm thương mại ở Trung Quốc thật ấn tượng, mỗi nơi đều có một cái hay của nó, không nơi nào giống nơi nào. Mà qua cách bài trí của họ, NCD đoan chắc một điều có bàn tay Phong Thuỷ nhúng vào. Những "hương tinh dầu" được đun sôi bởi một dụng cụ đặc biệt đưa mùi hương lan tỏa khắp nơi, tạo một cảm giác thật dễ chịu ngay khi ta bước vào (NCD cũng tìm mua được một bộ đồ để đun Hương tinh dầu ấy chứ!), khiến khách cứ nấn ná mãi chẳng muốn dời chân, cứ ở đấy xem, lựa... rồi mua. Những chậu kiểng dọc trên các kệ hàng một cách cố ý (bởi toàn dùng các loại cây chuyên hút tài lộc trong Phong Thuỷ). Gần như 100 gian hàng bên Trung Quốc nếu chúng ta ghé vào, đều thấy đủ 100 gian hàng có trưng bày các loại cây ấy, ngay cả đường phố cũng có. Những cách hóa giải Sát Khí của họ cũng rất hay, vừa tinh tế vừa như trang trí, nếu không phải trong nghề chắc chỉ nghĩ đó là để làm kiểu thôi vậy...
Nói vòng vo chuyện xứ người để các anh chị, các bạn thấy rằng "cái bầu không khí" trong một cơ sở kinh doanh rất quan trọng, nó có thể nâng cao năng suất bán hàng của cơ sở chúng ta lên một cách tối đa. Hãy lưu ý các bức tranh trang trí, vì chúng có thể ảnh hưởng tới việc kinh doanh của chúng ta mà ta không biết đấy.
Và điều sau cùng NCD muốn nói đến trong các cơ sở kinh doanh buôn bán chính là: Có một vài loại Hung sát cần nên tránh. Nói đến Hung sát thì có vô số, bởi cơ sở kinh doanh cũng xét như nhà ở vậy. Hung Sát hóa giải thì được rồi, nhưng là chúng ta không thì được, còn ở đây chúng ta phải lệ thuộc nhân vật nữa, đó là các "Thượng Đế" của chúng ta vậy. Có một vài loại Hung Sát mà các "Thượng Đế" của chúng ta không chấp nhận được. Có ai thích đi mua sắm ở nơi vừa lựa chọn hàng vừa nghe tiếng khóc rên kể lể, tiếng kinh mõ từ nhà tang lễ gần đó không? Nếu có, chắc người đó phải làm nghề bán... hàng săng quá! Có ai thích vào lựa hàng, vừa chọn hàng vừa thưởng thức mùi "nước hoa đậm đặc" từ bãi rác công cộng gần đó không nhỉ? Hay có ai thích bước vào cửa hàng mua sắm xong, bước ra là thấy ngay... trại hòm bên kia đường không?.... Nói chung, những nơi có mùi hôi, những nơi có ấn tượng bất tường, những nơi ô nhiễm...vv... đều không nên thiết kế hay thuê cơ sở kinh doanh gần đó. Buôn bán ế ẩm đã đành, mà trong môi trường như vậy, con người cũng sẽ dễ sinh bệnh lắm.
Tóm lại, từ trong ra tới ngoài, cơ sở kinh doanh của chúng ta phải luôn đảm bảo tính thu hút đối với khách hàng, làm sao cho bất kỳ khách hàng nào đã ghé qua cơ sở của chúng ta một lần đều muốn quay lại mua sắm lần sau, bất kỳ người đi đường nào ngang qua đều muốn bước vào xem thử. Làm được như thế thì chúng ta kinh doanh thắng lợi đã nắm trong tầm tay vậy (trong tầm tay thôi, vì còn cung cách phục vụ của chúng ta nữa mà!)
Nói đến ngành "công nghiệp không khói" thì đúng là một lĩnh vực hái ra tiền mà các nước có tiềm năng đều ráng đầu tư, khai thác. Du lịch càng mở mang, phát triển bao nhiêu thì kéo theo dịch vụ nhà hàng-khách sạn phát triển bấy nhiêu. Thêm vào đó chi chỉ số GDP của người dân tăng, thì nhu cầu hưởng thụ của họ cũng tăng theo. Sau một tuần làm việc căng thẳng, ai cũng muốn có những giây phút thư giản cùng hưởng thụ chung với gia đình, bạn hữu thân tình hay... người yêu, một bữa ăn ngon, một buổi party nho nhỏ, hay đơn giản là dùng một ly kem, uống cafe tán gẫu với bạn bè..vv... Hàng quán ngày càng mọc lên như nấm; khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ thì đầy rẫy. Trong sự cạnh tranh này, nếu có sự thiết kế hợp lý về mặt Phong Thuỷ tất nhiên cơ hội thành công sẽ cao hơn vậy.
Điều đáng lưu tâm đầu tiên của lĩnh vực này chính là địa điểm. Về mặt này, kinh doanh dịch vụ ăn uống- nghỉ ngơi đòi hỏi khó khăn hơn các loại hình khác. Vì sao? Khách đi mua hàng có thể đi bộ hàng giờ từ dãy phố này sang dãy phố khác để mua sắm, NHƯNG khách của loại hình này là đi xe đến tận nơi. Do đó điều kiện tiên quyết của loại hình này là địa điểm đó phải THUẬN TIỆN GIAO THÔNG. Một con đường một chiều xe chạy có thể buôn bán hàng hóa đắt là chuyện có thể thấy, nhưng một hàng quán trên đường một chiều mà mua bán đắt rất ít, phải nhiều mặt khác làm tốt mới có thể. Nơi đó phải có hoặc gần nơi giữ xe cho khách. Nơi cơ sở kinh doanh buôn bán hàng hóa kỵ các Hung sát hôi thối, ấn tượng xấu gì thì bên này càng khó chấp nhận. Chẳng ai muốn vừa ăn xong bước ra thấy trại hòm trước mặt cả; mà cũng không ai ưa ở khách sạn mà sáng sớm nhìn ra thấy một nghĩa trang thê lương... Nơi đó kết cấu Địa tầng phải chắc mới được, vì nơi đây có cả trăm mạng người ăn uống- nghỉ ngơi- làm việc, nếu có sự cố gì thì thật không thể tưởng tượng nổi hậu quả sẽ thế nào. Tư tưởng Phong Thuỷ rất cầu kỳ về Địa chất, cho rằng Địa chất tác động không nhỏ đến cơ thể con người. Các vùng đất có chứa nhiều nguyên tố vi lượng kẽm, fluor, selen chịu tác dụng quang hợp phóng xạ vào không trung, trực tiếp ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Các vùng đất có sóng từ trường mạnh rất nguy hiểm, có thể làm tổn thương con người, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, khiến người ở nơi đó hay bị choáng đầu, chóng mặt, thần kinh suy nhược, thậm chí có thể bị bệnh thần kinh. Trong "Thập Nhị Trượng Pháp" của Dương Quân Tùng đời Đường cũng có nói:
Trấn xung trung sát bất kham thiên
Đường khí quy tùng tại lưỡng biên
Y mạch sảo ly nhị tam xích
Pháp trung khai trượng tối tam nguyên.
Tức khi có xung sát hay khí địa long (nay gọi là từ trường) quá mạnh, phải tránh sang hai bên trung tâm mạch khoảng 2- 3 thước mà định huyệt mới tốt. Lại thêm phía dưới đất nơi đó 3m có dòng chảy hay nơi hội tụ của hai giòng chảy, có thể tạo ra sóng từ mạnh hơn nơi khác. Nó khiến cho người ngụ nơi đó thường hay bị đau đầu, chóng mặt, nội tiết không điều hòa. Các vùng đất ẩm thấp cũng không thích hợp cho khách sạn, nhà nghỉ. Nó khiến người ở đó bị viêm khớp xương, tim do ảnh hưởng phong thấp, bệnh da liễu. Cho nên kết cấu Địa tầng vùng đất được xem trọng không có gì là khó hiểu cả, nó cần phải được xem xét kỹ trước khi xây dựng. Ngày xưa các nhà Phong Thuỷ không biết đó là từ trường gì, chỉ cảm nhận kim nam châm dao động mãi, họ cho đó là điểm bất tường nên không chọn vậy.
Không chỉ về mặt địa chất, Phong Thuỷ còn phải chú trọng tính hợp lý của loại hình kinh doanh. Muốn mở ra dịch vụ ăn uống- nghỉ ngơi khó hơn các loại hình kinh doanh khác, ở chỗ nó phải được tiếp thị một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định xây dựng. Phải điều nghiên xem nơi ta muốn làm là tỉnh thành thuộc loại gì? Tính chất của tỉnh thành góp phần không nhỏ vào việc định hình kinh doanh dịch vụ này. Thí dụ như đó là thành phố du lịch, thì lý tưởng đấy nhưng chỉ có thời vụ, không có tính thường xuyên. Nơi đó là tỉnh thành sàn xuất và tiêu thụ hàng hóa, thì mở khách sạn ra chắc đầu Xuân một người khách, cuối Hạ một người khách ghé qua mất. Nơi lý tưởng nhất cho loại hình này là các tỉnh thành thương nghiệp, buôn bán sầm uất, buôn bán nhiều mặt hàng. Ngoài ra ta còn phải điều nghiên xem tình hình của người dân nơi đó sống thế nào? Khá giả hay nghèo nàn hay giàu có? Tiêu pha rộng rãi hay chi ly từng cắc? Một nơi mà người dân ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, ta đến mở nhà hàng ra chỉ để... đuổi ruồi thôi. Chúng ta còn xét đến các tuyến giao thông của nơi đó, có sân bay nội địa- quốc tế gì không? có tuyến đường xe lửa nào? Bến cảng, bến tàu có không? Nói chung, từ những tuyến, những trục giao thông đó xác định sơ nét về lượng khách từ nơi khác đến. Tất cả những phần thuộc tính chất của tỉnh thành này phải được xem xét kỹ trước khi mở ra kinh doanh. Người thầy địa lý thì chỉ làm công tác chuyên môn, NHƯNG người cố vấn Phong Thuỷ cho lĩnh vực kinh doanh không chỉ giỏi chuyên môn của mình, mà bắt buộc phải thông hiểu, am tường cả lĩnh vực tiếp thị này nữa. Vì phải tiếp xúc thị trường mới hiểu được cung, cầu ra sao, có như vậy mới cố vấn cho khách hàng được. Nói đến lĩnh vực này, NCD xin được nói rộng thêm một tý cho lĩnh vực nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn. Bởi dạng hình kinh doanh này không chỉ phục vụ khách du lịch, mà rất phức tạp. Trước tiên, ta phải nhìn nhận vấn đề trai- gái yêu đương thời nay khác xưa. Ngày trước còn bảo "nam nữ thọ thọ bất tương thân", chứ các cô cậu ngày nay dám nói "nam nữ cọ cọ...mát da lưng" lắm đấy. Cho nên, chỉ cần hơi thân thân một tý mà nhiều cô cậu đã đưa nhau vào nhà nghỉ, nhà trọ mà tâm tình. Các dịch vụ mại dâm sa đọa cũng chiếm một lượng khách không nhỏ trong loại hình kinh doanh này, từ các khách ăn chơi xoàng xoàng, cho đến các Đại gia tiêu tiền như nước, các quan chức địa phương đều có cả. Cho nên khi tiếp thị Tiền kinh doanh cần phải để ý nếp sống, dân sinh; hay nói trắng ra là lưu tâm đến quan điễm chung về quan hệ tình dục ngoài hôn nhân- tiền hôn nhân của người dân vùng đó (các quan chức thì có lẽ "không có con mèo nào chê mỡ cả", chẳng qua do hoàn cảnh nào đó chưa cho phép thôi, cả Clinton còn có mà!). Các hoạt động Tín Ngưỡng, Tôn Giáo lớn, các nơi gần chùa chiền miếu mạo (như vùng gần Tòa Thánh Tây Ninh, gần núi Bà Đen, gần Núi Bà Chúa Xứ...); các danh lam thắng cảnh nổi tiếng (như vùng gần Vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, Nha Trang...)... các nơi đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến lượng khách của loại hình kinh doanh này.
Còn một yếu tố nữa không kém phần quan trọng, đó là "tri bĩ, tri kỷ, bách chiến bách thắng". Khi ta đến nơi đó, trước tiên phải nắm rõ ở đó đã có những đối thủ nào. Tìm hiểu thật kỹ về từng đối thủ của mình phải gặp trong tương lai, là một điều vô cùng có lợi cho kinh doanh sau này.Từ chất lượng ăn uống, cung cách phục vụ, không gian bài trí, giá cả món ăn, vệ sinh... của các dịch vụ ăn uống; cho đến chất lượng của trang thiết bị, cung cách phục vụ, địa thế, đằng cấp, qui mô... của các dịch vụ nghỉ ngơi. Tất cả phải có sự thống kê để đánh giá năng lực, tiềm năng, tầm cỡ của đối thủ cạnh tranh với mình. Có như vậy, khi chúng ta mở ra kinh doanh mới có thể thắng được.
Người ta thường nói: "ở nhà Tây, ăn cơm Tàu, cưới vợ Nhật", câu nói này gần như ai cũng từng nghe qua ít nhất một lần trong đời. Nay hiểu rộng câu này ra, NCD thấy nó rất thích hợp cho lĩnh vực kinh doanh ăn uống- nghỉ ngơi. Một điểm phục vụ ăn uống nghỉ- nghỉ ngơi không có gì quan trọng bằng ba yếu tố chính: Khung cảnh (tức vùng không gian nơi đó, quang cảnh hữu tình, bài trí bắt mắt..)_ Chất lượng (món ăn, thức uống đều ngon, đặc sắc; trang thiết bị phục vụ nghỉ ngơi thì đầy đủ, tiện nghi...)_ Cung cách phục vụ (đúng với phương châm "Khách là Thượng Đế", "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", làm sao cho khách cảm nhận khi đến đó họ được săn sóc tận tình, được đối xử trân trọng mà lại niềm nở, thân tình như người thân trong nhà vậy). Đạt được ba yếu tố này thì không khó để nắm thành công trong tay.
Hôm qua NCD xem thời sự trên tivi, thấy có nói đến một công ty ở Hà Nội, kinh doanh nhà ở nơi các chung cư cao cấp, lại có cách hành xử "tiền hậu bất nhất" như thế sao gọi là "cao cấp" được. Khi xét đến yếu tố Phong Thuỷ trong lĩnh vực ăn uống- ngủ nghỉ ta không thể bỏ qua được phần tính chất và quy mô của nó. Tức là, giả như các bước ban đầu ta đã thực hiện xong, đã đi vào kinh doanh (nghĩa là giống như công ty nói trên đã bán xong nhà cho người dân mua), xin đừng xem nhẹ hai yếu tố Tính chất & Quy mô mà hỏng mất việc kinh doanh, uổng phí bao tâm huyết lúc đầu. Không vị khách nào muốn bỏ một món tiền gấp 3-4 lần quán ăn nơi khác cho một món ăn chẳng ra hồn, còn thua cả quán vỉa hè. Cũng như không ai chịu trả tiền theo mức khách sạn 4-5 sao cho một phòng mà tiện nghi thiếu kém, phục vụ tồi tệ được. Nếu chúng ta không làm tốt mặt này, thì một đồn mười, chục đồn trăm, chắc chắn điểm kinh doanh của chúng ta phải đóng cửa thôi, vì sẽ không ai đến ủng hộ một nơi như thế nữa.
Nói chung các khâu trên chúng ta có thể khống chế được qua khâu Tiếp thị & Quản lý kinh doanh, NCD không muốn bàn sâu thêm. Cũng như đối với các trường hợp khác, Cửa chính là một yếu tố quan trọng trong bất kỳ cơ sở hay nhà ở nào. Và nó cũng cùng một nguyên tắc chung như các cơ sở- doanh nghiệp trên kia, nên NCD không lập lại ở đây. Riêng nhà nghỉ- khách sạn cần lưu ý đến ngoại cảnh hơn nữa, bởi khách của họ là khách ngủ lại chứ không phải mua hàng hay ăn xong rồi về. Cho nên đôi khi có những kiến trúc hay hình thể bên ngoài làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của khách, tức là trực tiếp ảnh hưởng đến lượng khách của nơi này. Ánh sáng đèn ban đêm ở cửa phải hấp dẫn khách.
Do tính Âm bên trong khách sạn- nhà nghỉ, nên bên ngoài cần bố trí Dương làm chính, từ Tiền sảnh ra cổng cho đến bên ngoài: màu sắc thuộc Dương (không dùng gam màu sẫm, tối), ánh sáng thuộc Dương (ban đêm không dùng đèn mờ tối, ban ngày không để âm u). Tiền sảnh phải rộng lớn, thoáng, sáng sủa, nên có vài bộ bàn ghế (phù hợp với qui mô & đẳng cấp của khách sạn) để khách ngồi nghỉ, chờ đợi. Các khách sạn lớn thường có một quầy rượu hay bar giải khát nhỏ nơi Tiền sảnh, để khách có thể ngồi uống nước với bạn nào mà họ không muốn đưa lên phòng, vừa có thể tăng thêm doanh thu cho khách sạn. Như khách sạn 5 sao Hilton ở Thượng Hải cũng vậy. Không những thế, họ còn bố trí một bồn phun nước nhỏ nơi Tiền Sảnh, một tác động rất hay giúp Khí luân lưu khắp nơi, lan tỏa vào trong; lại đặt một bình hoa tươi thật lớn ngay Tiền Sảnh, mỗi ngày mỗi thay hoa mới, vừa bước vào cửa đã thấy ngay, tạo cho khách một ấn tượng tươi mát, dễ chịu ngay.
Khách sạn quan trọng nhất chính là Phòng Ngủ của khách bên trong. Chất lượng phòng tốt xấu trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả thuê phòng & hình tượng khách sạn. Chiều cao trần phòng không nên quá 2m80, cao quá có cảm giác trống trải, thấp quá có cảm giác bị đè nén. Nên dùng các gam màu nhạt cho các phòng ngủ. Trong phòng ngủ khách sạn luôn đi kèm một phòng vệ sinh, cửa phòng vệ sinh không nên mở trực diện vào giường ngủ. Trong phòng vệ sinh phải sạch sẽ, cao ráo, thoải mái, thoáng khí, gam màu cũng nên nhạt. Có một điều mà trên kia NCD đã nói, là Tính chất & Qui mô, nay xin nhắc lại vì nó rất quan trọng: Nên thường xuyên kiểm tra hệ thống đèn, ống nước, máy điều hòa không khí, cable ti-vi, bồn cầu, máy nước nóng, tránh để khách phiền lòng. Khi thiết kế phòng nên cố gắng sao cho mỗi phòng đều đón được ánh mặt trời, và nhìn ra quang cảnh đẹp bên ngoài (như khách sạn Sheraton ở Hàng Châu- Trung Quốc nhìn ra cảnh thơ mộng tuyệt vời của Tây Hồ, như khách sạn Palace ở Đà Lạt nhìn ra Hồ Xuân Hương hữu tình...)
Các khách sạn- nhà nghỉ nên chừa khoảng không gian để xe có thể đậu lại, ít nhất cũng là để xuống khách. NCD không hiểu các quan chức Việt Nam ta đi ra nước ngoài tham quan cũng nhiều, chẳng biết họ có chịu tìm hiểu, học hỏi như mục đích của chuyến đi hay không, tại sao không tiếp thu được những cái hay của người về áp dụng? Trong đó có cả vấn đề qui hoạch đô thị, hiện đang còn nhiều điểm rất bất hợp lý. Ở một thành phố khuyến khích du lịch, muốn du khách đến mà đâu đâu cũng cấm đậu xe, thử hỏi sao khách có thể dừng ở khách sạn hay đi mua sắm thoải mái được? Có khi tài xế chạy vòng vòng cả chục con đường vẫn không có được một chỗ cho phép xe 12 chỗ đậu lại. Thật nghịch lý không thể tưởng! Đúng là "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", một bên là khuyến khích, một bên là cản trở, đấy là một cái khó cho các doanh nghiệp nhà hàng- khách sạn ở Việt Nam hiện nay. Trong khi chờ có sự qui hoạch hợp lý, trước tiên chúng ta tự mình hãy hoàn thiện, khắc phục điểm đó theo cách của mình. Nghĩa là trước khi mở ra nhà hàng- khách sạn hãy nghĩ đến tìm không gian để xe khách đỗ lại trước đã, vì ở Việt Nam ta có mùa mưa, nếu xe khách vào tận cửa thì sẽ tiện lợi rất nhiều vậy. Và có một điều này tuy không nằm trong lĩnh vực Phong Thuỷ, nhưng NCD thấy thực tiễn ở xứ bạn và nghĩ nó có thể giúp ích cho các doanh nghiệp khách sạn, nên xin giới thiệu ra đây. Lúc ở Thượng Hải, NCD thấy các nhân viên bảo vệ ở khách sạn Hilton rất cẩn thận, với khách du lịch họ luôn ghi lại số xe khi khách bước lên bất kỳ xe taxi nào trước cửa khách sạn họ. Điều này khiến du khách sẽ cảm thấy rất an tâm, họ cảm giác mình luôn được quan tâm, bảo vệ ngay cả lúc đi ra ngoài (bởi du khách có sự cố gì hay vắng mặt quá lâu, họ sẽ báo cảnh sát về số xe taxi mà khách đã lên ngay, điều này khiến xe taxi nào muốn lừa gạt khách cũng không dám làm ẩu). Một động tác nhỏ nhưng tạo ấn tượng tốt đẹp không nhỏ trong lòng du khách vậy.
Với các nhà hàng- quán ăn, quan trọng nhất là cái Bếp. Đa phần khách đến ủng hộ một quán nào đó là vì thức ăn ngon nhiều hơn là vì khung cảnh (Đổi lại, quán cafe đa phần là vì khung cảnh- âm nhạc là chính). Nhưng các món ăn ở các quán đa phần đều tầm tầm như nhau, khác chăng là ở mỗi quán có một món như là đặc trưng riêng của họ thôi. Cho nên, lấy ưu bù khuyết, cung cách phục vụ và khung cảnh, trang trí sẽ giúp thêm cho phần khẩu vị của khách vậy. Nhiều khi quán không làm món ăn xuất sắc lắm, nhưng các nhân viên phục vụ quá tận tình, chu đáo khiến cho khách... không nỡ bỏ đi quán khác ăn (thôi thì ăn ở đâu cũng same same như nhau, sao mình không đến chỗ nào tiếp đãi mình chu đáo hơn chứ?!). Hay có những nơi bài trí cực kỳ đẹp, khiến ai có tổ chức tiệc tùng đều nghĩ ngay đến nơi ấy, đấy cũng là một lợi thế kinh doanh lĩnh vực này vậy. NCD không bàn sâu ở hai mặt "bù lỗ" này, mà chỉ đưa ra những điều cần thiết về Phong Thuỷ trong nhà hàng- quán ăn thôi.
Bước vào một nhà hàng, một quán ăn thì chính trên cái lối ra vào ấy cũng đã góp phần tạo khung cảnh cho bữa ăn rồi vậy. Đây chính là "ấn tượng đầu tiên" của khách đối với loại hình kinh doanh này. Nên tránh cửa ra vào dẫn ngay vào các bàn ăn, vì nó có hai điều bất lợi:
_ Thứ nhất, với khách đang ngồi ăn nơi đó, họ sẽ cảm thấy ngượng vì luôn đập vào mắt những người đi ngang qua cảnh họ đang ăn, sẽ mất cả tự nhiên, thoải mái.
_ Thứ hai, với những khách vừa đến. Những người đang ăn cũng sẽ ngoái đầu nhìn xem ai đang vào (tâm lý là vậy), làm cho vị khách mới này thấy ngượng vì trở thành trung tâm chú ý của mọi người, như thế thật khó chịu.
Tạo một cảm giác thoải mái cho khách chính là ưu tiên bước đầu khi khách vào vậy. Nếu là một nhà hàng, một quán ăn lớn nên thiết kế một bàn tiếp tân, có nhân viên tiếp tân chào mời, đón khách vào khu vực trong, bàn giao cho nhân viên phục vụ bên trong. Như vậy sẽ tạo cho khách cảm giác mình được xem trọng, được ưu ái, tự dưng trong lòng họ sẽ nảy sinh thiện cảm ngay. Trong bước đầu tiên tiếp xúc với khách này, người nhân viên tiếp tân đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vì đấy chính là người đầu tiên tiếp xúc với khách hàng, việc mua bán với khách- ở bất kỳ dạng kinh doanh mua bán nào- thì người đầu tiên tiếp xúc với khách cũng rất quan trọng, quyết định việc mua bán thành hay không cũng một phần từ bước đầu tiên này. Người nhân viên tiếp tân không những phải tươi cười, vui vẻ mà còn phải ăn nói nhã nhặn, lịch sự, cởi mở, thân thiện với khách. Chỉ cần một ánh mắt ôn nhu trìu mến cũng khiến khách cảm thấy thân thiện hơn ngay (nhưng nếu người ta đi có đôi, mà cô nhân viên tiếp tân cứ nhìn "anh khách đẹp trai" mà chớp mắt làm duyên mãi, thì e rằng cặp khách này sẽ không ghé lại lần sau rồi). Không thể thủ bộ mặt u ám buồn xo ra mà tiếp khách (mọi việc buồn bã gì đều phãi gác lại bên ngoài), hay một gương mặt bơ phờ thiếu ngủ, gặp khách là..." liếc mắt đưa ghèn" thì nguy quá. Do đó, yếu tố thành công trong kinh doanh được xem trọng nhất với một người chủ là: Biết dùng đúng người vào đúng việc & thiết lập một quan hệ thân thiết với các nhân viên. Có như thế nhân viên mới làm việc hết mình & phát huy hết khả năng của họ. Xin hãy nhớ cho vậy!
Các sách Phong Thuỷ bày bán trên thị trường nêu lên cách dùng gương trong nhà hàng- quán ăn để "tạo hiệu ứng" tăng lượng khách- tăng doanh thu. NCD rất tán đồng cách này. Cashier (quầy thu ngân) nên đặt ở vị trí chéo góc với cửa ra vào, đây là vì trí có tầm nhìn bao quát toàn cảnh trong nhà hàng. Một người quản lý có thể đứng gần đó quan sát khắp các bàn để điều động, hỗ trợ cho nhân viên khi cần thiết. Nếu góc chéo đó là cung Tài Lộc hay cung Quý Nhân thì quả là trên cả tuyệt vời!
Hãy lưu ý các góc cột vuông vức trong nhà hàng, quán ăn, vì các cạnh sắc bén cũa nó sẽ tạo ra Sát khí. Có vài cách hóa giải nó, nhưng đơn giản hơn hết là dùng dây leo thả theo các cạnh của nó. Nếu có thể, hãy sắp xếp các bàn tránh xa lối đi chung. Vì cung cách phục vụ nhà hàng buộc nhân viên phải bưng khay bằng một tay, họ cứ lượn qua lượn lại với khay thức ăn sẽ làm cho khách ngồi hai bên lối đi thấy phập phồng, "chả biết lúc nào mấy anh chàng này quẳng cái đống thức ăn trên mấy cái mâm kia vào người mình nữa đây?!". Thật là khó chịu đấy! Làm ăn mất cả ngon. Ngay cả các khu vực gần Bếp cũng thế, nên tránh xa ra. Vì đó là nơi rất chộn rộn người lui kẻ tới, lại thêm mùi dầu mỡ chiên xào trong Bếp có thể làm thực khách ăn không còn thấy ngon nữa.
Màu sắc cũng góp phần trong việc này, các gam màu nóng như đỏ, cam, hồng thuộc Dương, chúng có tác dụng kích thích tính thèm ăn (điều này có phần giống trong thuyết A6m Dương Khí Công của Thầy Bùi Quốc Châu). Chính điều này dẫn đến lời khuyên các nhà hàng- tiệm ăn nên trang trí các gam màu nóng trên. Và trong các sách bày bán trên thị trường hiện nay, các tiền bối trong nghề này có một sự nhầm lẫn về cách giải thích, khi cho rằng vì tiệm ăn thuộc hành Hỏa nên phải dùng màu đỏ. Thực ra, tuy nhà hàng- quán ăn thuộc hành Hỏa, nhưng nếu ta thêm hành Hỏa thì nơi đây Hỏa khí quá vượng, sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong Âm Dương, Ngũ Hành là cái hại thứ nhất. Với các nhà hàng- quán ăn bán Hải Sản tươi sống thì càng không nên dùng, vì màu đỏ là màu của tôm cá chết, đó là cái hại thứ hai, trường hợp này phải dùng gam màu xanh lá cây đậm. Trong các nhà hàng- quán ăn, việc bố trí thêm hai Hành Thủy & Mộc là rất cần thiết. Bởi nó có tính làm mát dịu cái Dương khí quá thịnh trong nhà hàng- quán ăn, điều có thể gây ra tranh chấp, thậm chí xô xát. Những chậu cậy xanh bố trí hợp lý, những hồ cá, những bức tranh sông biển với trời nước bao la tạo một cảm giác thư thả, đằm tính, lại có hiệu ứng tăng việc kinh doanh (vì nước là Thủy là chủ Tiền tài; hai nửa là Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa). Nhất là khi đặt đúng chỗ thuộc cung Bát Quái, nó sẽ hỗ trợ cho sự nghiệp, cho Tài Lộc, cho danh tiếng của nhà hàng ăn. Tránh làm toilet hay phòng ngủ của nhân viên ngay hướng Nam, thanh danh nhà hàng sẽ bị vùi xuống bùn nhơ đấy.
Với các quán fast-food, nhu cầu nơi đây là phục vụ càng nhiều khách càng tốt, và làm sao phục vụ được nhiều khách trong thời gian ngắn nhất. Do vậy, các nơi này cần chú ý nhất là lối ra vào phải rộng rãi, ở nơi dễ nhìn thấy nhất. Bàn ghế cho các quán fast-food này nhiều nơi chỉ là những bàn ghế nhỏ thô sơ. Nhưng theo NCD, nên dùng các bàn ghế nhiều màu sắc, như ba màu xanh- đỏ- vàng, tạo cảm giác vui mắt. Các cửa hàng fast-food thường đi kèm với các trung tâm mua sắm, nên màu sắc thích mắt sẽ dễ lôi cuốn khách đến đó hơn.
Với các quán bar, quán cafe thì nên lưu ý vấn đề trang trí. Chất lượng thức uống tuy quan trọng nhưng không bằng cái "không khí" nơi đó. Nơi này, sự trang trí một cách nghệ thuật & âm nhạc có tính cách chọn lọc là hai yếu tố góp phần không nhỏ trong việc quyết định thành công vậy. Màu sắc nơi đây thường dùng gam màu tối không phản xạ ánh sáng, vì ánh sáng nơi đây không thể sáng rỡ được. Vào một quán cafe mà đèn sáng choang như quán ăn, thật khó mà có hứng tán gẫu. Chung qui, nơi đây thích hợp với hành Thủy, sự tĩnh lặng (nhạc chỉ mở vừa phải để khách có thể nói chuyện thoải mái, không phải hét vào tai nhau mới nghe được), không gian ánh sáng mờ. Cũng như quán ăn, quầy thu tiền nên đặt ở vị trí có tầm nhìn bao quát.
Bây giờ NC mới nói đến vấn đề mà lẽ ra phải nói từ đầu, đó là: Ðặt tên cho doanh nghiệp- cơ sở kinh doanh. Khổng Tử có nói: "Danh bất chính tắc ngôn bất thuận". Qua đó ta có thể thấy cái tên quan trọng thế nào. Với người thì tên họ có thể bổ cứu cho sự thiếu sót trong năm tháng ngày giờ sinh. Chính vì vậy mà tục ngữ Trung Quốc có câu: " Cho con ngàn vàng chẳng bằng dạy cho con một nghề tốt, dạy con một nghề tốt chẳng bằng đặt cho con một cái tên tốt". Sinh cùng năm tháng ngày giờ mà có số phận khác nhau là do nhiều yếu tố, trong đó cái tên cũng góp một phần vậy.
Ví dụ như: Người sinh năm Hợi, mà:
_ Trong tên có chữ Ngư (như Giao,Tuyết của cá tuyết..), chữ Mễ (như Phấn, Lương, Đường, Trang...), chữ Đậu (như Đăng, Phong, Diễm...): Phúc Lộc song toàn, danh lợi vĩnh tại, phú quý câu cát.
_ Trong tên có chữ Đao (như Lợi, Tiền là trước, Cương, Kiếm..), chữ Lực (như Thắng, Dũng, Công, Cần, Huân của huân chương...), chữ Thạch (như Thạch, Sa là cát, Bích của ngọc bích, Khánh...), chữ Mịch (như Văn, Thuần, Sa là lụa, Lũy của tích lũy, Huyền, Nhung, Tuyến, Duyên...): Bệnh nhược đoản thọ hoặc kỵ xa phạ thủy, lao lệ nhất sinh hoặc hình khắc phụ mẫu, hình ngẫu thương tử, đa tai ách hoặc ác tử hung vong chi ách.
......
Còn nhiều trường hợp nữa cho các bộ chữ Hán có trong tên của người sinh năm Hợi. Chỉ qua hai trường hợp trên ta cũng thấy số mệnh họ khác nhau một trời một vực, chỉ vì cái tên đặt khác nhau thôi. Dẫn chứng trên đây để các anh chị, các bạn thấy rõ cái tên góp phần không nhỏ vào vận mệnh con người, hầu khi có gia đình hãy đặt cho con mình cái tên mang nhiều vận may cho chúng.
Cũng như vậy, với doanh nghiệp- cơ sở kinh doanh, nhưng nó phức tạp hơn một tý, vì nó còn phân ra loại hình gì. Ví dụ: Quán ăn có thể đặt tên NGON được, nhưng một doanh nghiệp mà đặt tên này nghe thấy kỳ quái liền; quán cafe có thể đặt tên "Điểm hẹn" được, nhưng công ty mà đặt tên này nghe không ổn, chắc quý phu nhân không ai muốn các ông chồng của mình đến những nơi có cái tên này, như một sự báo trước cho việc lăng nhăng bên ngoài rồi.
Cho nên, yếu tố đầu tiên phải là hợp lý, hợp với ngành nghề, hợp với loại hình kinh doanh, hợp với đẳng cấp của doanh nghiệp- của cơ sở. Cho dù có lựa được cái tên hợp với các yêu cầu của việc đặt tên, mà không hợp lý thì hãy dẹp đi, cho dù đó là sự chọn lựa của một ông thầy Phong Thuỷ nổi tiếng nào cũng thế. Và lẽ tất nhiên, cái tên hợp lý ấy phải mang một ý nghĩa tốt đẹp, đó chính là điều cần thiết thứ hai_ điều này cũng thuộc trong 9 tiêu chuẩn chọn tên, nhưng do tính quan trọng của nó nên NCD tách ra đây nói thêm. Không ai muốn cái tên doanh nghiệp- cơ sở kinh doanh của mình vừa đọc lên là nghe như Điềm gỡ liền. Cái tên với ý nghĩa xấu thì tự nó đã tạo ra mặt lo âu về tâm lý cho chúng ta, mặt khác, khách hàng- đối tác cũng không muốn nhắc cái tên có ý nghĩa không may trên cửa miệng họ, như sợ vạ lây vậy. Vô hình chung tự ta cắt đứt sự giao tiếp với khách hàng- đối tác. Cái tên gợi lên điềm lành, may mắn ai cũng thích gọi cả, cũng như ngày Tết ai cũng muốn người có cái tên ý nghĩa tốt đẹp đến xông nhà vậy thôi. Hai yếu tố trên đây là tính hợp lý- tâm lý. Cái chính trong việc chọn tên cơ sở kinh doanh-doanh nghiệp theo Phong Thuỷ là phải hợp Âm Dương, Ngũ Hành. Cách chọn tên theo Phong Thuỷ trước đây vốn cũng như khoa Phong Thuỷ huyền bí này, được truyền từ Trung Quốc sang, cho nên chọn theo chữ Hán là chính. Các tên cơ sở như: Đại Thành, Đại Phú, Đại Phát, Kim Lợi, Thụân Thành, Thuận Phát.. đều lấy theo ý nghĩa chữ Hán cả đấy thôi. Thuật lấy tên này người ta căn cứ vào 9 điểm sau để chọn:
_ 1 là Ý nghĩa cát lành (như đã nói ở trên).
_ 2 là hợp Âm Dương, tính ra số nét của từng chữ, số nét lẽ là Dương, số nét chẵn là Âm. Cái tên phải Âm Dương liên tiếp hoặc đối xứng.
_ 3 là phải hợp Ngũ Hành, tính số nét như trên rồi quy ra Ngũ Hành (với 1-2 Mộc, 3-4 Hỏa, 5-6 Thổ, 7-8 Kim, 9-10 Thuỷ, trên nữa thì cứ trừ đi 10 cho đến khi số đó từ 10 trở xuống). Các chữ phải theo thứ tự tương sinh, không được tương khắc.
_ 4 là tổng số nét của các chữ phải là số tốt theo Dịch Lý. Trong điều này thì bên Dịch Lý cũng đã soạn ra sẵn các số từ 1 đến 81 nét có ý nghĩa thế nào.
_ 5 là cái tên quy đổi ra Ngũ Hành phải là Hỷ Dụng Thần của Bát Tự người chủ doanh nghiệp- cơ sở, hay Giám đốc công ty. Tức là phải tính năm tháng ngày giờ sinh của người đó, tìm Hỷ Dụng Thần trong Tứ Trụ của người đó (đây là công việc chuyên môn với người Đoán mệnh qua Tứ Trụ), xem Hỷ Dụng Thần đó thuộc Ngũ Hành gì, tên quy ra Ngũ Hành (trên Tổng số nét) so xem phải hợp mới tốt.
_ 6 là cái tên quy đổi Tổng số nét ra Ngũ Hành phải bù vào chỗ khuyết (nếu có) của Ngũ Hành trong Bát Tự ngày sinh của người chủ doanh nghiệp- cơ sở hay Giám đốc công ty.
_ 7 là cái tên quy đổi Tổng số nét ra Ngũ Hành phải phù hợp với ngành nghề của doanh nghiệp- cơ sở kinh doanh.
_ 8 là cái tên đó phát âm lên phải thuận miệng, xuôi tai chứ không trúc trắc khó phát âm.
_ 9 là Tên phát âm lên không trùng âm với chữ mang ý nghĩa xấu. Vì chữ Hán Đồng âm rất nhiều. Ví dụ như: Hàn Uyên và Hàm Oan đều có cách phát âm na ná (hán yuan); Sử Thi và Tử Thi (si shi) có cách phát âm na ná....
Khi cái tên viết trên bảng hiệu, phải chú ý màu sắc phối hợp trên bảng. Trong các màu phải có một màu làm Chính Sắc, đấy chính là màu khuyết trong Ngũ Hành của Bát Tự ngày sinh của chủ doanh nghiệp- cơ sở:
_ Khuyết Thổ, Kim: dùng màu Vàng, Trắng làm chủ.
_ Khuyết Hỏa, Thổ: dùng màu vàng, Đỏ làm chủ.
_ Khuyết Mộc, Hỏa: dùng màu Xanh da trời nhạt, đỏ làm chủ.
Cứ theo đó mà suy ra vậy.
Cách treo bảng hiệu cũng tùy hướng của doanh nghiệp.
_ Các hướng Bắc, Tây Bắc, Nam, Đông Nam: Nên treo cao vừa phải, quá cao sẽ ngăn chận dòng khí & đẩy khí Dương tăng lên nhiều khiến mất cân bằng Âm Dương.
_ Hướng Đông: Là hướng mặt trời mọc, tượng cho sự phát triển nên cần treo cao.
_ Hướng Tây: Là phương Bạch Hổ, nên treo cao vừa phải, nếu thấp quá sẽ có sự va chạm giửa các nhân viên.
_ Hướng Đông Bắc: Nên để thấp.
_ Hướng Tây Nam: Nên cách mặt đất cỡ 6m.
Về kích thước bảng hiệu (cả card visit) NCD cũng xin nhắc lại một lần nữa với các anh chị, các bạn, xin đừng quên: một chiều kích thước Dương, một chiều kích thước Âm.
Với nhà hàng- quán ăn- quán cafe, có người thích đặt theo số cho dễ nhớ. trong việc chọn số, thường xưa nay người ta chọn theo cách của người Hoa, là lựa những số Đồng Âm với những chữ mang ý nghĩa tốt đẹp, thuận lợi. Sau đây, NCD xin đơn cử một vài số:
_ 1: duy nhất, chỉ một.
_ 2: dễ.
_ 3: sanh (tam sanh hữu hạnh), là số tượng cho Tam tài.
_ 4: Tử (chết) => suy sụp, chết chóc, tàn tạ.
_ 5: số của Hoàng Cực; vô (không).
_ 6: Đồng Âm với Lộ (con đường), Lộc (tài lộc), số tượng cho Trời.
_ 7: Thất (mất).
_ 8: Đồng Âm chữ Phát (phát đạt), số tượng cho quẻ Khôn (đất).
_ 9: số tượng cho Cửu Nghi, Cửu Đỉnh, Cửu Cung.
_ 10: Thập toàn thập mỹ, kết hợp thủy chung.
_ 11: Trước sau như một.
_ 22: Dễ dàng, thuận lợi.
_ 33: hai lần sanh. Trong Dịch có nói "Tam tam, lục lục biến hóa vô cùng" => Phát đạt.
_ 24: dễ chết, dễ sa sút, dễ suy sụp.
_ 14: chỉ có một chết => phải lụn bại.
_ 34: chắc chết => phải lụn bại.
_ 16: nhất lộ => mãi vận chuyển, mãi vận hành.
_ 26: Đồng Âm với hai chữ "Y Lộc" => No ấm.
_ 76: thất lộc => mất tài lộc.
_ 53: vô sanh ==> thiếu sanh khí => khó vượng phát lên được.
_ 54: vô tử ==> không chết => sống còn.
_ 74: thất tử ==> mất chết => sống, hoạt động được.
_ 168: Đồng Âm với 3 chữ "Nhất Lộ Phát" => chỉ có 1 con đường phát đạt.
_ 909: con số này có một lai lịch mà có lẽ hầu hết người Việt nào đi vượt biên đường biển sau 1975 đều có nghe. Con tàu mang số 909 này bị cướp 9 lần, không ai trên tàu nghĩ rằng mình có thể sống sót sau từng ấy lần bị cướp. Khi sang đến Mỹ, các Thầy bói, chiêm tinh, Phong Thuỷ gì gì... mới dựa theo đó mà luận rằng: "Chín mà không có chín, tức là sống vậy", nó cũng như 404 "Xỉ mà không xỉ, chết mà không chết" vậy. Đấy là một ý dựa trên sự việc đã xảy ra rồi mới luận, nhưng nghe có vẻ hợp lý nên NCD đưa ra cho các anh chị, các bạn xem thử.
_ 78: Con số này rất nhiều người khoái, vì hai lý do: Thứ nhất, số 38 theo số đề là Thần Tài thì 78 phải là Đại Thần Tài rồi. Thứ hai, trong tiếng Quảng Đông, hai chữ này phát âm nghe như "xách bạc". Chính vì vậy mà không ít người tìm mua số xe, số điện thoại... đều thích số này. Nhưng với NCD, thì NCD đã từng khuyên nhiều người không nên (dĩ nhiên họ không tin và đã gặp thất bại, cái này là thật chứ không phải NCD nói đùa đâu đấy). Vì sao? vì 7 & 8 là thất bát, có ai muốn mình bị thất bát không? Đã dùng đến ý nghĩa chữ Hán, sao không dùng Âm chữ Hán theo nghĩa này? Huống chi Dịch là theo hiện tượng mà ứng quẻ, khi số đã báo hiệu sự Thất Bát thì tất không thể dùng vậy.
Do soạn chi tiết phải dài dòng quá, nên NCD chỉ tạm thời ghi ra các số nét tốt theo Quẻ Dịch đã được soạn sẵn trong các tài liệu chữ Hoa, các số nét được xem là tốt gồm:
1, 3, 5, 6, 7, 8, 11, 13, 15, 16, 17, 18, 21, 23, 24, 25, 29, 31, 32, 33, 35, 37, 39, 41, 45, 47, 48, 52, 63, 65, 67, 68, 73, 81.
Các số trên 81 nét thì cứ trừ đi 81, lấy số dư.
0 comments:
Post a Comment