Đi tìm lời giải về địa đạo huyền bí cách Hồ Tây 1 km

Leave a Comment
(VTC News) - Thời gian gần đây, người dân Hà Nội cũng như cả nước khá xôn xao về việc phát hiện một địa đạo mà cửa chui xuống bắt đầu từ làng Quán La (Xuân La, Tây Hồ). Người dân ở ngôi làng này xì xào bàn tán không ngớt. Từ những câu chuyện đầu làng góc phố, rất nhiều huyền thoại đã được thêu dệt, khiến địa đạo mỗi ngày lại phần huyền bí.
Ông Nguyễn Văn Chinh trong lòng "địa đạo". 

Sự thật và huyền thoại về ngôi đình và hệ thống hang động
Vòng vèo một hồi qua những con ngõ nhỏ, người ra người vào, chợ búa đông đúc như nêm, rồi tôi cũng tìm thấy đình Quán La, cách Hồ Tây chừng hơn km.
Đình Quán La mới được quét vôi trắng xóa, nằm cạnh cây đa khổng lồ và cây thị ngàn tuổi. Đình nằm trọn trên một gò đất cao ráo. Áng chừng gò đất này cao vượt tầng 2 của những tòa nhà bên cạnh.
Hỏi chuyện ngôi đình cổ và địa đạo dưới lòng gò, các cụ già sinh hoạt trong đình sôi nổi hẳn lên. Mỗi người vài câu góp chuyện, khiến ngôi đình và địa đạo trở nên bí hiểm vô cùng.
Đình Quán La nằm trọn trên gò Thất Diệu. 

Cụ Nguyễn Văn Chinh, nguyên trưởng ban quản lý di tích đình Quán La, từng là thủ từ đầu tiên và lâu nhất, rất hào hứng khi kể về ngôi đình và địa đạo huyền bí. Câu chuyện về địa đạo bắt đầu từ ngôi đình cổ.
Quán La là ngôi đình cổ đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1984. Xung quanh sự ra đời của ngôi đình này còn nhiều tranh cãi. Căn cứ vào 18 đạo sắc phong, mà sắc phong sớm nhất còn giữ được vào năm Thịnh Đức (1653), thì nhiều người phỏng đoán, ngôi đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16-17.
Sườn gò đất sau đình Quán La cao bằng ngôi nhà 2 tầng. 

Tuy nhiên, vào năm 1995, dân làng tiến hành đào móng, trùng tu lại cung cấm của ngôi đình, đã phát hiện nền móng cũ dưới lòng đất có rất nhiều viên gạch lớn, với nhiều hình thù, có viên chạm trổ rồng, có viên trổ long mã với đầu rồng mình ngựa. Căn cứ vào những viên gạch có niên đại từ thời Lý, thì ngôi đình này nhất định đã có từ thời Lý, nghĩa là nó có tuổi ngàn năm.
Nhưng rồi, căn cứ mang tính khoa học này cũng bị lung lay, bởi các nhà sử học tìm được một số tư liệu cho rằng, ngôi đình có từ trước thời Lý rất lâu.
 
 
Những viên gạch trong đình Quán La được cho là của thời Lý. 

Theo đó, vùng đất thuộc làng Quán La (khi đó có tên Già La) vốn khá cao, lại bằng phẳng, có con sông Già La, là một nhánh của sông Nhĩ Hà chảy quanh. Đến thời Lý, làng đổi tên thành Thiên Phù và thời Trần đổi thành Thiên Hán. Giữa vùng đất bằng phẳng ấy, bỗng nổi lên 7 gò đất cạnh nhau, gọi là Thất Tinh, giống như chòm sao Bắc Đẩu. Dòng Già La và các gò đất tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình.
Hiện vẫn còn tồn tại 3 gò đất trong quần thể Thất Tinh. Trên gò Thất Diệu có đình Quán La, một gò có chùa Khai Nguyên và một gò có miếu thờ các kỹ nữ Chiêm Thành. 3 gò đất này đều nằm sát cạnh nhau, cách vài chục bước chân.
Theo các cụ già trong làng, hệ thống gò Thất Tinh ở Quán La giống với đàn Thất Tinh mà Gia Cát Lượng dựng lên để gọi gió Đông đánh bại Tào Tháo. Lý do để tin điều này là vì đến nay, người dân làng Quán La vẫn còn giữ được tục cầu mưa cầu mát. Cứ đến ngày 14-4 âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ cầu mưa cầu mát tại đình Quán La.
Cây thị khổng lồ được cho là đã ngàn tuổi trên gò đất cạnh gò Thất Diệu, nơi có đền thờ kỹ nữ Chiêm Thành. 

Trong sách Việt điện u linh, ở thế kỷ 14, Lý Tế Xuyên có ghi chép rất rõ về quần thể di tích làng Quán La: Vào khoảng niên hiệu Khai Nguyên đời Đường, thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán làm đô hộ Giao Châu, đóng tại thôn An Diễn, giữa hai huyện Long Đỗ và Từ Liên.
Một lần, Lư Hoán ngao du qua động (từ chỉ vùng đất, chứ không phải hang động) Già La, thấy cảnh đẹp, có gò đống, sông chảy quanh, nên lập phủ huyện, dựng đền thờ vị thần Huyền nguyên đế quân, dựng quán lấy tên Khai Nguyên trên gò Thất Diệu (chính là gò đất có đình Quán La). Cái tên Khai Nguyên có ý biểu dương công đức nhà Đường.
Sau này, họ Lư đổi tên làng Già La thành làng Khai Nguyên và gọi quán dựng trên gò Thất Diệu là quán Già La.
Khoảng niên hiệu Thiệu Phong, đời Trần Dụ Tông, thế kỷ 14, sư Văn Thao trùng tu lại quán, đổi làm chùa, gọi là chùa An Dưỡng. Tuy nhiên, nhà chùa hay bị quấy phá, nên nhà sư dời về làng Bộ Đầu, vì thế chùa lại bỏ không.
Nhân dân trong làng đã tiếp quản, trùng tu biến thành đền thờ phụng Sơn Thần. Thời Tiền Lê, theo tên quán, đổi thôn Khai Nguyên thành Già La. Đến thời Hậu Lê thì gọi là Quán La.
Như vậy, theo Việt điện u linh, cụm di tích này có từ thời Đường, do Lư Hoán lập nên. Chứng tích còn lại rõ ràng nhất là ngôi chùa Khai Nguyên cạnh đình Quán La vẫn còn pho tượng cổ rất đẹp. Theo sư trụ trì thì pho tượng này là Đường Minh Hoàng, ông vua nổi tiếng phong tình gắn với người đẹp Dương Quý Phi.
Có một điều khá đặc biệt, là từ thế kỷ 14, cách nay gần 700 năm, các nhà chép sử đã nhắc đến một cái động có tên là Thông Thiên. Lý Tế Xuyên viết trong Việt điện u linh, rằng: Các vua nhà Lý thường du ngoạn đến quán Già La, thấy dưới chân núi có hang, tuy không to lắm nhưng sâu và dài, liền sai xây bậc để có thể lên xuống và gọi là động Thông Thiên. Cũng vì dưới ngôi chùa này có động, nên có một thời gian gọi chùa là chùa Hang. Dân chúng thì đồn đại hang động là nơi người Tàu để của.
Sau này, ở thế kỷ 20, nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy (1900-1994) trong cuốn Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, cũng viết: “Đây là cái hang trong lòng quả núi đất, thuộc vào một trong 7 quả núi có hình Thất Tinh. Vua Lý Thần Tông đã cho xây gạch làm động Thông Thiên…”.
"Hang động" dưới đình Quán La có từ khi nào? 

Như vậy, có thể nói, từ cả ngàn năm nay, trong ý nghĩ của người dân, cho đến nhà sử học, thì trên gò đất Thất Diệu, trong quần thể 7 gò đất có tên Thất Tinh, có một ngôi đình (có thời là quán, chùa) và trong lòng gò đất, dưới nền ngôi đình có một cái hang động.

Qua đó, có thể tin rằng, cái gọi là hang động này đã có rất lâu đời, trước cả khi xây đình, tức là trong hoặc trước thời Khai Nguyên (713-739) nhà Đường.

Vậy thực chất hang động kỳ lạ, đặc biệt, có tuổi đời hàng ngàn năm giữa lòng thủ đô này là cái gì?
Tra lại các tài liệu lịch sử thì thấy rằng, tất cả các nhà chép sử đều cho rằng, dưới gò Thất Diệu, dưới đình Quán La là một cái động hoặc cái hang, tuy không lớn lắm, nhưng rất… sâu.

Cũng có thể từ những ghi chép này, mà một tác giả chép sử thời hiện đại đã phán đoán rằng: Thất Tinh chính là một trong những tiền đồn bảo vệ Cấm Thành. Hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất được người xưa xây dựng để nối với Cấm Thành tại cửa bắc. Chúng tôi tin vào điều này, vì thời Lý, vùng đất này vẫn còn hoang vu và có nhiều đầm lầy, do đó, có được 7 ngọn núi đất nổi lên giữa vùng đồng nước mênh mông, là một điểm phòng thủ lợi hại (?!).

Một tác giả khác lại nhận định rằng, địa đạo này do Cao Biền xây dựng cùng với thành Đại La. Địa đạo được nối với thành Đại La theo 4 hướng khác nhau (nhận định này có lẽ căn cứ vào 4 ngách của địa đạo hiện vẫn còn ngay lối xuống).
Động bị cỏ cây phủ kín. 

Từ những nhận định về địa đạo nối với Cấm Thành, dài hàng chục km, với nhiều hướng khác nhau, nên đã có không biết bao nhiêu truyền thuyết, đồn đại thêu dệt ly kỳ.
Căn cứ vào những ghi chép, truyền thuyết, nên các cụ già ở làng Quán La mô tả địa đạo này như sau: Địa đạo mở ra 4 hướng khác nhau. Hướng chính có chiều cao gần 2m, kéo dài gần 10km, đến tận Cấm Thành thời Lý, tức là khu vực Đồng Xuân bây giờ. Những ngách còn lại nhỏ hơn, chiều cao thấp hơn, kéo đến Gò Dàn, là căn cứ hậu cần thời Lý, nơi giam giữ tù binh Chiêm Thành. Ngách tiếp theo kéo đến phía chợ Cáo Đỉnh (Xuân Đỉnh), ngách còn lại thì không rõ đi đâu vì chưa có ai khám phá.
Địa đạo từ dưới nhìn lên. 

Cụ Nguyễn Văn Chinh, nguyên thủ từ đình Quán La kể rằng, thời Pháp thuộc, có hai nhà nghiên cứu người Pháp đã cưỡi ngựa đi thám thính địa đạo. Tuy nhiên, họ đi vào mà không ai thấy họ đi ra. Sợ người khác tò mò đi vào địa đạo bị lạc, nên các cụ đã xây bịt các ngách của địa đạo, khiến không ai thám hiểm được nữa. Tuy nhiên, khi tôi hỏi cụ Chinh rằng, cụ có chứng kiến hoặc biết ai tận mắt chứng kiến hai người Pháp đi vào địa đạo hay không, thì cụ Chinh bảo không biết, chỉ nghe đồn vậy.
Nhưng có một chuyện mà cụ Chinh khẳng định chắc chắn rằng, cách đây 40 năm, giữa cánh đồng, cách đình Quán La 200m, cụ và dân làng, khi đào mương, đã phát hiện một đoạn địa đạo, xây vòm cuốn bằng loại gạch y như loại gạch xây địa đạo dưới đình Quán La. Khi đó, mọi người đều nghĩ đoạn địa đạo này với địa đạo ở đình Quán La là một, nối thông với nhau. Tuy nhiên, chiến tranh loạn lạc, nên chẳng ai để ý nữa. Giờ nhà cửa xây kín, cánh đồng biến mất, địa đạo cũng chìm sâu dưới lòng đất hoặc tan nát rồi.
Vì địa đạo có 4 ngách, các ngách lại thấp, không khám phá được, nên dân gian đã nghĩ ra đủ các truyền thuyết?  

Người dân ở Quán La thì đồn đại đủ kiểu về cái hang mà họ gọi là động Thông Thiên. Người ta kể rằng, cách đây mấy chục năm, một người trong làng, sau khi đi mãi mà không thấy hết địa đạo, liền đợi mùa mưa, nước ngập thì thả quả bưởi có đánh dấu xuống. Sau khi nước trong địa đạo rút cạn, người này đã vớt được quả bưởi nổi lềnh bềnh ở Hồ Tây. Chính vì có truyền thuyết này, nên khi hỏi người dân Quán La về động Thông Thiên, họ đều khẳng định là nó thông ra Hồ Tây.
Những người yêu thích truyện kiếm hiệp của Trung Quốc thì tin vào lời đồn đây là hầm luyện đan của những người đứng đầu đạo quán. Để luyện đan, họ đã làm những cái hầm ăn sâu xuống lòng đất, để kín đáo, tĩnh tại. Những truyền thuyết mang tính thực tế hơn, thì hang động này là địa đạo kháng chiến chống quân Nguyên hoặc quân Minh. Từ địa đạo này, nghĩa quân đã xuất hiện đột ngột ở khắp nơi từ lòng đất lên, khiến quân giặc khiếp vía…
Ngách lớn nhất trong địa đạo cao tới gần 2m. 
Cụ Nguyễn Văn Chinh còn rất thấp so với nóc địa đạo. 

Nghe các cụ già ở đình Quán La thay nhau kể các truyền thuyết hư hư thực thực về địa đạo dưới lòng đình, tôi thấy quá rối rắm phức tạp. Tôi đã xin phép các cụ trông coi ngôi đình cho tham quan địa đạo.
Cụ Nguyễn Văn Lương, thủ từ kiêm trưởng ban quản lý di tích đình Quán La, sau khi thắp hương khấn vái ở cung cấm, xin phép các vị thần cho thăm động, đã lấy chiếc thang tre khá dài ở trong kho rồi dẫn tôi vòng ra phía sau đình.
Con đường trải bêtông nhỏ chừng nửa mét dẫn qua hông đình, xuyên qua vườn chuối rậm rạp. Ngay dưới bức tường của ngôi đình, có một cái hố sâu hoắm, tối om, dương xỉ, cỏ dại mọc rậm rạp trùm kín.
Vì có 2 người Pháp mất tích trong động nên các cụ đã xây tường bịt lại(?!) 

Cụ Nguyễn Văn Lương đã chuẩn bị một chiếc đèn pin, rồi thận trọng bám thang trèo xuống động. Tôi cũng trèo xuống ngay theo cụ Lương. Cảm giác lạnh lẽo xâm chiếm cơ thể.
Thấy có người lạ xuống động, rất nhiều người dân Quán La cũng kéo đến xem, bàn tán ầm ĩ phía trên mặt đất. Từ lâu, người dân sống quanh ngôi đình đã biết đến sự tồn tại của cái động lạ này, nhưng đích thực nó là cái gì, thì họ chưa biết, nên rất tò mò.
Đứng dưới lòng động, qua ánh đèn pin, quan sát rõ các loại gạch dùng để xây động, nhìn rõ các ngóc gách, vòm động của hang, tôi đã biết rõ, thực chất hang động, địa đạo gắn với hàng chục truyền thuyết từ cả ngàn năm nay là cái gì…



0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm