Cổ vật hiếm thấy của Việt Nam thu hút người hâm mộ tại New York
Vén bức màn bí ẩn bao phủ hàng thế kỷ nghệ thuật tại Việt Nam. Dưới
tựa đề trên đây, tờ International Herald Tribune xuất bản tại Pháp trong
số ra cuối tuần này đã đăng lại một bài phê bình trên nhật báo Mỹ New
York Times, trầm trồ khen ngợi cuộc Triển lãm cổ vật Việt Nam đang diễn
ra tại New York cho đến đầu tháng năm. Theo tác giả bài báo, nhiều công
trình nghệ thuật tuyệt hảo đã nêu bật một số thời kỳ vẫn còn bí ẩn đối
vớI các sử gia.
Mở đầu bài báo, tác giả Souren Melikan khẳng định :
''Nghệ thuật có thể trực tiếp phơi bày những bí ẩn mà không một nhà
nghiên cứu lịch sử nào giải đáp được''. Cuộc triển lãm ''Nghệ thuật Việt
Nam cổ xưa'' do Hội Asia Society tổ chức tại New York, cùng với quyển
sách do bà Nancy Tingley viết ra sau 20 năm dày công nghiên cứu, đã vạch
rõ một số giai đoạn đã dẫn đến sự hình thành của đất nước mà ngày nay
được gọi là Việt Nam.
Nhiều nền văn hoá khác nhau
đã từng xuất hiện trên vùng lãnh thổ đó, mà dấu tích còn để lại chỉ là
những cổ vật mà ngày nay không ai biết rõ ý nghĩa đích thực. Trong cuộc
triển lãm, nhiều tác phẩm quan trọng đã đặt ra cho khán giả những câu
hỏi rất khó tìm ra lời giải đáp.
Tác giả bài báo ghi nhận chẳng hạn tính chất tinh vi của các
vật dụng bằng đồng tại vùng Đông Sơn ở Thanh Hoá, phản ánh một nền văn
hoá cực thịnh đã khởi đầu từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên và kéo dài
trong vòng ít nhất 600 năm. Thế nhưng tiếc thay, ngày nay không ai biết
gì về những người đã làm ra các vật dụng đó, thậm chí tính danh tác giả
cũng không thấy. Giả dụ rằng những người này có chữ viết, thì hệ thống
mẫu tự đã hoàn toàn mai một.
Người Trung Quốc, vốn rất thích bành
trướng lãnh thổ, đã nhắc đến vùng này trong sử sách của họ. Tuy nhiên,
vì chỉ chú ý đến các vật dụng du nhập vào đất họ, hay những cống vật mà
dân ''man di'' cung phụng cho thiên triều, người Trung Quốc đã không
thèm giải thích là bằng cách nào và bằng ngôn ngữ nào mà họ đã giao tiếp
với dân ở phương Nam.
Tác giả cũng không tránh khỏi ngạc nhiên
khi nhận ra rằng một số cổ vật Đông Sơn không chỉ được tìm thấy ở Trung
Quốc, mà cũng giống những gì được phát hiện ở vùng Trung Đông, như tại
Iran hồi thế kỷ thứ I trước Công nguyên, hay tại Ai Cập vào thế kỷ thứ 2
trước Thiên Chúa.
Điều
đáng nói, theo tác giả bài báo, là dù bị Trung Quốc đô hộ trong 900
năm, nền văn hoá ở vùng phiá Nam này vẫn duy trì được những bản sắc rất
mạnh. Đối với tác giả, thật là ngạc nhiên khi không thấy dấu vết ảnh
hưởng văn hoá của kẻ xâm lược đến từ phương Bắc, lâu đời và hùng mạnh
hơn, trên nền văn hóa Đông Sơn, nhất là trong thời kỳ đầu..
Về sau, đặc biệt là từ khi viên tướng Trung Hoa Mã Viện đè bẹp
cuộc khởi nghĩa của cư dân tại chỗ, thiết lập ách đô hộ, bắt đầu xuất
hiện một số dấu tích văn hoá Trung Quốc. nhưng chỉ phiếm diện bề ngoài
mà thôi. Tác giả bài báo lấy thí dụ từ một chiếc bình bằng đồng, mô
phỏng kiểu bình nhà Hồ của Trung Quốc. Thế nhưng dáng vẻ chiếc bình hoàn
toàn không có gì là Trung Quốc. Không những tỷ lệ đã khác, mà những chi
tiết trên chiếc bình cũng hoàn toàn khác, không thấy bên Trung Quốc.
Một hàng chữ tàu trên cổ bình thì lại được khắc một cách ngập ngừng,
bằng một bàn tay rõ ràng là không quen viết chữ Hán.
Đối với tờ New York Times, ngay cả
những cố gắng bắt chước nghệ thuật Trung Quốc một cách chặt chẽ nhất
cũng biến thành những công trình độc đáo của cư dân vùng Đông Sơn. Một
chiếc bình rượu có vòi mang hình con gà trống nhỏ mượn từ Viện Bảo Tàng
Lịch Sử Việt Nam chẳng hạn, với những gờ nổi, và nhất là với đầu gà sinh
động, không hề giống bình mẫu của Trung Quốc chút nào.
Đi xuống phiá Nam, là một nền văn hoá sinh động và bí hiểm
khác. Một chiếc bông tai bằng ngọc thạch, đào được vào năm 1994 tại khu
vực Tành phố Hồ Chí Minh, phản ánh một cố gắng cách điệu hoá hình thù
thú vật tiến gần đến phong cách trừu tượng. Đồ gốm tìm thấy ở nơi này
cũng biểu hiện xu hướng nghệ thuật đó, chẳng hạn như một chiếc bình bằng
đất sét nung với các mô tif đầy góc cạnh.
Các cổ vật theo xu
hướng gọi là ''trừu tượng'' đó tồn tại song song với những tác phẩm
tượng hình. Một con tê tê bằng đồng tìm thấy ở vùng Đồng Nai được xác
định là được làm ra trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 3 trước Công
nguyên, đến thế kỷ thứ hai sau Thiên chúa. Con tê tê rất sinh động và
đẹp mắt này là một cổ vật độc nhất vô nhị, làm cho văn hoá Đông Sơn thêm
kỳ bí.
Theo bài báo trên tờ New York Times, các hiện
vật từ hai nền văn hoá khác ở Việt Nam là văn hoá Phù Nam và Champa cũng
đặt ra cho khán giả nhiều câu hỏi.
(Theo RFI)
0 comments:
Post a Comment