Các hạt đá quý không chỉ dùng làm đẹp mà còn ảnh hưởng đến trạng thái
tinh thần và sức khỏe của bạn. Chẳng hạn, người xưa cho rằng thạch anh
tím cải thiện chứng mất ngủ, saphia chữa bệnh đau đầu.
Từ xa xưa, người cổ đại đã biết dùng đá quý để chữa bệnh. Họ tin rằng
đá quý có khả năng điều chỉnh sự mất cân bằng trong cơ thể và tạo nên
năng lượng bên trong con người. Các bậc vua chúa đã dùng đá quý như một
vật tượng trưng cho sức mạnh và quyền lực. Họ đeo đá quý quanh đầu với
niềm tin chúng sẽ giúp trở nên thông thái hơn. Người Hy Lạp, Ai Cập, La
Mã cổ đại thì dùng đá quý như những tấm bùa để bảo vệ bản thân.
Các loại đá quý thường được dùng trong những nghi thức thuộc về tâm
linh. Chúng được đặt lên người khi massage, hoặc cho vào nước uống, nước
tắm nhằm chuyển hóa năng lượng, giúp bảo vệ con người khỏi bị thương,
tăng khả năng thần giao cách cảm…
Các bác sĩ chuyên về phương pháp chữa bệnh bằng đá cho rằng những
viên đá có khả năng thu hút năng lượng từ suy nghĩ của con người, nên có
tác dụng chữa bệnh. Người ta còn dùng những viên đá nhiều màu sắc, phản
chiếu ánh sáng của thiên nhiên để làm tăng sức mạnh của cơ thể. Phương
pháp này dựa trên sự hài hòa, trao đổi năng lượng giữa hai vật thể khác
nhau, đó là đá và cơ thể con người. Dưới đây là một số loại đá quý và
tính năng của chúng.
Hổ phách (còn gọi là huyết phách, minh phách) là
nhựa đã hóa thạch của một loài thông cổ ngày nay đã tuyệt chủng. Hổ
phách thường ở dạng khối nhũ, màu sắc rất trong và đẹp. Hổ phách được
người Trung Hoa sử dụng từ những năm 90 sau Công nguyên và được khai
thác, buôn bán rộng rãi từ thế kỷ 13.
Đông y cho rằng hổ phách có tác dụng an thần, định kinh, lợi tiểu…, đeo
bên mình thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức khỏe. Hổ phách thường được
chế tác thành những đồ trang sức như nhẫn, vòng, hoa tai…
Căn phòng hổ phách nổi tiếng do vua nước Phổ là Friedrich Wilheim I tặng
cho vua nước Nga Piere Đại đế được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế
giới. Nó được chạm trổ và dát toàn bằng hổ phách. Căn phòng được đặt
trong Cung điện Mùa Đông, nhưng trong Chiến tranh thế giới thứ 2 đã bị
phát xít Đức cướp đi. Số phận của căn phòng hổ phách ra sao hiện giờ vẫn
là một bí mật.
Đá thạch anh được con người phát hiện từ gần 300.000
năm trước, là loại tinh thể nhiều màu hồng, tím rất bắt mắt. Nhiều dấu
tích cho thấy con người thời kỳ tiền sử đã biết sử dụng thạch anh làm đồ
trang sức. Từ xa xưa, thạch anh đã được coi là một loại đá có khả năng
chữa bệnh. Thạch anh tím có thể chữa bệnh mất ngủ, giúp con người giữ
được niềm tin và lòng dũng cảm. Trang sức đá thạch anh hồng giúp con
người tăng cường thể lực và tinh thần. Nhiều loại đá thạch anh được dùng
trong các thiết bị massage để day vào các huyệt đạo giúp lưu thông khí
huyết và điều tiết năng lượng. Người Hy Lạp cổ sử dụng những chiếc cốc
làm bằng đá thạch anh đỏ và cho rằng nó sẽ giúp lọc chất độc, hoặc uống
rượu mà không bị say.
Ngọc lục bảo là loại đá có màu xanh lam (do lượng
crôm trong đá tạo nên). Ngọc lục bảo rất hiếm vì sự hình thành của nó
đòi hỏi những điều kiện địa chất rất đặc biệt. Từ 2.000 năm trước, con
người đã sử dụng ngọc lục bảo như một thứ tiền tệ để trao đổi và làm đồ
trang sức.
Những nhà tiên tri thường sử dụng ngọc lục bảo như một vật giúp họ tiên
đoán được tương lai. Người ta cho rằng ngọc lục bảo có khả năng dự báo
bệnh tật (màu sắc của ngọc lục bảo thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe
của người đeo).
Đá saphia có nhiều màu sắc được con người sử dụng từ
800 năm trước Công nguyên. Đá saphia có nhiều ở Ấn Độ, Miến Điện,
Himalaya. Áp suất và nhiệt độ lòng đất làm cho ôxit nhôm kết tinh thành
những viên đá saphia đẹp màu trắng. Một lượng nhỏ các khoáng chất khác,
chẳng hạn sắt và crôm, làm cho saphia có sắc xanh, đỏ, vàng, hồng, tím,
da cam hoặc lục nhạt. Người xưa quan niệm đeo đá saphia sẽ ngăn được ma
quỷ. Có thời kỳ các thầy thuốc cổ đại dùng saphia để chữa các chứng bệnh
liên quan đến cơ, xương khớp, đau đầu, đau bụng, chảy máu cam…
Ngọc topaz là một loại đá quý có màu vàng, trong
suốt. Theo truyền thuyết, topaz là một trong những viên đá che chở con
người chống lại các dịch bệnh, vết thương, đột tử, những phép thuật tiêu
cực, sự đố kỵ và những ý nghĩ điên rồ. Topaz còn được đeo để giúp giảm
cân, chữa các bệnh về hệ tiêu hóa .
Đá peridot: Nhiều tài liệu cho thấy nữ hoàng Ai Cập
Cleopatra rất thích đá peridot. Đây là loại đá quý hiếm sinh ra từ núi
lửa, có màu xanh hơi vàng. Đá peridot chất lượng được khai thác ở các
vùng như Arizona, Nauy, khu vực biển Hồng Hải. Người xưa tin việc đặt đá
này lên giường sẽ tốt cho hệ thần kinh, làm giảm cơn giận dữ và những
hành động tiêu cực. Người La Mã tin đá peridot sẽ giúp họ yêu đời mỗi
khi cảm thấy chán nản, và có khả năng chữa bệnh về gan, đau thần kinh
tọa, đau lưng .
Đá carnelian: Tên loại đá này có nghĩa là sự sống.
Người xưa cho rằng carnelian có khả năng chữa bệnh. Carnelian làm giảm
sự giận dữ và có thể cầm máu khi bị thương.
Đá muối Himalaya: Có giải thuyết: Cách đây hàng chục
triệu năm Tây Tạng là một vùng biển, vì thế loại đá muối ở Himalaya là
một quà tặng đặc biệt của tạo hóa. Đá muối Himalaya được cho là tinh
khiết, không chỉ hấp dẫn bởi màu sắc vô cùng đa dạng mà còn có công dụng
chữa nhiều bệnh. Nó giúp cơ thể cân bằng năng lượng, giảm các chứng đau
đầu mệt mỏi, thậm chí hỗ trợ cho hoạt động của tim, phổi, thận.
Ngoài ra còn rất nhiều loại đá khác được con người sử dụng như đồ
trang sức và bảo vệ sức khỏe như đá beryl (màu xanh, vàng) giúp mạng lại
sự vui vẻ, có tác dụng cho tim mạch và cột sống; đá bloodstone được
người Hy Lạp coi là máu của Chúa Jesus, có tác dụng cầm máu vết thương,
giúp những người leo núi tăng cường sức lực; đá mã não giúp tăng trí
nhớ, sự kiên nhẫn và sức chịu đựng;…
Cho đến ngày nay, quan niệm về khả năng chữa trị bệnh của các loại đá
của người xưa vẫn chưa được khoa học hiện đại kiểm chứng. Ngoài tác
dụng làm đồ trang sức thì các tính năng chữa bệnh của chúng vẫn còn là
một ẩn số.
Mới đây, các nhà khoa học Pháp đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy
một số loại đá có khả năng trao đổi năng lượng. Thậm chí họ còn chứng
minh rằng đá không phải là một tĩnh vật mà có thể “thở”, vận động và
tiềm ẩn nhiều nguồn năng lượng có tác động đến con người.
0 comments:
Post a Comment