Bài 1 : Đá quý và các đặc điểm

Leave a Comment
OmaniZen-Đá quý là một sản phẩm tuyệt vời từ thiên nhiên không chỉ ở vẻ đẹp mà còn có những công năng huyền bí trong y học và rất được trọng dụng trong khoa Phong thủy.Từ hôm nay OZ sẽ khởi đăng những bài về đá qúy ngõ hầu giúp bạn đọc có một cái nhìn tòan diện hơn trong con mắt khoa học, bổ túc những điều còn mơ hồ thiếu luận cứ trong Phong Thủy.
Cảm ơn bạn vampire2001vn bên DD Hoangthantai đã sưu tầm, biên soạn  từ anh Nguyễn Văn Trung – Kỹ sư địa chất và những bài viết trích từ cuốn Các phương pháp giám định đa quý của tác giả: Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Khôi.
.
TRÍCH “LỜI NÓI ĐẦU” CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN NGỌC KHÔI
“Đá quý là những khoáng vật, đá hoặc vật liệu tự nhiên, có những thuộc tính đặc biệt để con người có thể sử dụng vào mục đích làm đẹp cho mình (trang sức, trang trí hoặc mỹ nghệ). Đây là một loại tài nguyên khoáng sản đặc thù mà Mẹ Tự nhiên đã ban tặng cho con người.
Việt Nam hiện nay được biết đến như một quốc gia giầu tiềm năng đá quý trên thế giới. Trong khoảng 20 năm gần đây nhiều loại đá quý khác nhau như ruby, saphir, aquamarin, spinel, turmalin, thạch anh các màu, zircon, peridot…đã được phát hiện và khai thác ở nhiều khu vực trên lãnh thổ nước ta.
Ngành công nghiệp đá quý và trang sức, một ngành có truyền thống lâu đời ở Việt Nam, đang dần trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.”

NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN
Hầu hết các loại đá quý được con người sử dụng cho đến nay đều là các vật liêu thuộc về phần trên cùng của Trái Đất – vỏ Trái Đất. Đó là các loại khoáng vật, các loại đá và các vật liệu khác, được con người sử dụng vào mục đích làm đẹp cho mình (trang sức, trang trí, mỹ nghệ). Vì vậy, khái niệm “đá quý” gắn chặt với các khái niệm “kháng vật”, “đá” và “khoáng sản”.


KHOÁNG VẬT
Khoáng vật là một hợp chất hoá học (từ một hoặc vài nguyên tố hoá học) tạo thành trong các quá trình địa chất tự nhiên. Đó là một vật liệu đồng nhất, có cấu trúc mạng tinh thể và thành phần hoá học (công thức hoá học) xác định, đặc trưng bởi các tính chất hoá học và vật lý nhất định, khác với các khoáng vật khác.
Hiện nay, người ta đã tìm ra trên 3.000 khoáng vật trên Trái đất, nhưng trong số này chỉ có khoảng 100 khoáng vật là có các tính chất cần thiết để con người có thể sử dụng làm đá quý.

ĐÁ
Các khoáng vật không tồn tại độc lập trên Trái đất mà tạo nên các tập hợp khác nhau – các đá. Như vậy, đá là các tập hợp tự nhiên của các khoáng vật, hình thành do các quá trình địa chất trong lòng Trái đất. Các đá tạo nên tất cả các dạng địa hình chúng ta thấy trên bề mặt Trái đất (núi, đồi, đồng bằng, đáy đại dương) và cấu tạo nên hầu hết vỏ Trái đất của chúng ta.
Đá có thể tạo nên từ một loại kháng vật (đá đơn khoáng) hoặc vài loại khoáng vật (đá đa khoáng). Ví dụ, đá granit (đá hoa cương) cấu thành chủ yếu từ 3 loại khoáng vật là thạch anh, felspat và mica; đá vôi tạo thành từ một loại kháng vật là calcit.

KHOÁNG SẢN
Trong địa chất học, khoáng sản được định nghĩa là các đá hoặc tập hợp kháng vật tự nhiên trong vỏ Trái đất, tạo thành do các quá trình địa chất xác định, mà từ đó con người có thể lấy ra các kim loại, các hợp chất hay các khoáng vật để sử dụng trong nền kinh tế quốc dân.
Các ngành kinh tế khác nhau có các yêu cầu khác nhau đối với khoáng sản được sử dụng cho ngành đó. Vì vậy chúng ta có khoáng sản kim loại đen, khoáng sản kim loại màu. Khoáng sản hoá chất, khoáng sản năng lượng (dầu mỏ, khí đốt), khoáng sản đá quý…
ĐÁ QUÝ
Trong từ điển Ngọc học của P.G. Read xuất bản năm 1988, đá quý được định nghĩa là “một khoáng vật được chế tác, có các đặc tính cần thiết như đẹp, hiếm và bền, để sử dụng trong các đồ trang sức”.
Đúng là hầu hết đá quý đều là các khoáng vật, như kim cương, corindon, thạch anh…nhưng có một số loại đá như ngọc bích, đá hoa…cũng là đá quý. Ngoài ra còn có những loại đá quý không phải là khoáng vật hoặc đá, như san hô, ngọc trai, ngà voi, xương động vật…chúng có nguồn gốc sinh vật.
Vì vậy, ta có thể định nghĩa đá quý như sau:
Đá quý là một loại vật liệu tự nhiên (khoáng vật, tập hợp khoáng vật, đá…), tạo thành do các quá trình địa chất hoặc hoạt động của sinh vật, đươc con người sử dụng vào mục đích trang sức, trang trí hoặc mỹ nghệ.
Một số kim loại cũng được con người sử dụng vào mục đích trang sức như vàng, bạc, bạch kim…nhưng không được gọi là đá quý. Chúng có tên gọi riêng là Kim loại quý.
* Ngọc học (Gemmology): môn học chuyên nghiên cứu về đá quý, là một chuyên ngành khoa học về đá quý. Nội dung chủ yếu của Ngọc học là : tổng hợp, đá thay thế và đá xử lý;
- Kỹ thuật gia công chế tác đá quý;
- Nguồn gốc, điều kiện thành tạo và quy luật phân bố đá quý.

Đối tượng của Ngọc học là:
- Các khoáng vật, các tập hợp khoáng vật, các đá nguồn gốc vô cơ: kim cương, corindon, beryl, ngọc bích…
- Các vật liệu nguồn gốc hữu cơ: ngọc trai, san hô, hổ phách, ngà voi…
- Các đá tổng hợp, đá xử lý và sản phẩm nhân tạo: CZ, GGG, YAG, corindon tổng hợp, spinel tổng hợp…
- Các vật liệu bắt chước (omitations).
- Các đá ghép.
Một số người thường đồng nhất Ngọc học và Khoáng vật học (khoa học về các khoáng vật) hoặc coi Ngọc học là một bộ phận của Khoáng vật học. Mặc dù đối tượng của Ngọc học phần lơn cũng là các khoáng vật tự nhiên như Khoáng vật học, nhưng đối tượng, nội dung cũng như phương pháp nghiên cứu của Ngọc học và Khoáng vật học về cơ bản không như nhau.
Muốn được coi là đá quý, một khoáng vật, một tập hợp khoáng vật, một loại đá hay vật liệu tự nhiên khác phải đạt các tiêu chuẩn giá tị sau đây:

*ĐẸP
Đẹp là tiêu chuẩn đầu tiên của đá quý, quyết định sự hấp dẫn và giá trị của nó. Tiêu chuẩn này được quy định bởi:
- Màu sắc :
Màu sắc càng tươi, càng đậm thì viên đá càng đẹp, giá trị của nó càng cao, Ruby, saphir, emerald, ngọc jat (jade) là những loại đá quý có màu hấp dẫn nhất.
- Độ trong suốt :
Nói chung, đá quý càng trong suốt thì giá trị càng cao.
- Ánh (độ phản chiếu ánh sáng) :
Đá quý có độ phản chiếu ánh sáng càng cao thì càng lôi cuốn con người. Kim cương, zincon là những ví dụ điển hình về đá quý có ánh cao.
- Các hiệu ứng quang học đặc biệt
Có những loại đá quý không có màu sắc hấp dẫn, không có ánh cao và không trong suốt, nhưng lại có hiệu ứng quang học rất đặc biệt, lôi cuốn thị hiếu của con người. Ví dụ như opal với hiệu ứng “trò hơi ánh sáng” (play-of-colour). Những hiệu ứng quang học thường gặp trong các loại đá quý là : hiện tượng ngũ sắc (trong opal), hiện tượng sao, mắt mèo (trong ruby, saphir, chrysoberyl..).

*BỀN
Đã là đá quý là phải bền trong quá trình sử dụng để chống lại các tác động khác nhâu từ bên ngoài (va chạm, nhiệt độ, các hoá chất….). Tiêu chuẩn này thể hiện ở :
- Độ cứng (bền cơ học) :
Đá quý càng cứng thì càng bền về mặt cơ học, ít khả năng bị vỡ, sứt mẻ hoặc trầy xước. Thông thường đá quý phải có độ cứng từ 7 trở lên (theo Thang độ cứng tương đối gồm 10 cấp Mohs). Sở dĩ như vậy vì thành phần chủ yếu của bụi bẩn trong không khí chính là các mảnh vụn thạch anh có độ cứng 7, nếu tác động lâu ngày có thể làm món hoặc trầy xước đá quý.
Tuy vậy cũng có ngoại lệ như ngọc trai, opal…, có độ cứng thấp (4-5), nhưng vẫn được con người ưa chuộng vì chúng rất đẹp.
- Độ dai
Một số đá quý có thể có độ cứng không cao nhưng lại rất dai do có cấu trúc bên trong đặc biệt. Ví dụ điển hình là ngọc jat (jadeit và nephrit) rất được ưa chuộng ở Việt Nam và các nước Châu Á. Hai khoáng vật này có độ cứng 6-6,5, nhưng rất bền vững vì có cấu tạo sợi, bó.
- Bền vững về mặt hoá học
Ngoài bền vững cơ học, đá quý còn phải có khả năng chịu đựng được tác động của các loại hoá chất (nhất là axit) thường gặp.
Ngoài ra đá quý cũng phải chịu được tác dụng của nhiệt độ, nhất là nhiệt độ cao.

*HIẾM
Tiêu chuẩn này phụ thuộc vào quan niệm chủ quan của con người: cái gì đã quý thì phải hiếm.
Đã có một thời Amethyst (thạch anh tím) rất được ưa chuộng và có giá trị cao vì nó rất hiếm (trước thế kỷ 20). Nhưng vào đầu thế kỷ 20, khi các mỏ Amethyst được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới (Nga, Brasil), giá trị của nó giảm hẳn xuống và cho đến nay vẫn không thay đổi.
Ba tiêu chuẩn trên đây có ý nghĩa quyết định đối với giá trị của đá quý. Ngoài ra, giá trị của đá quý còn bị chi phối bởi các tiêu chuẩn sau đây.

*THỊ HIẾU
Mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi khu vực địa lý – lịch sử -văn hoá, mỗi thời kỳ lịch sử có thể có thị hiếu không giống nhau về các loại đá quý nhất định. Ngọc jat từ xưa đến nay vẫn đặc biệt được ưa chuộng ở Phương Đông, trong khi ở Châu Âu và Châu Mỹ, người tiêu dùng lại ít quan tâm đến loại ngọc này. Ở những xứ phương Bắc ít ánh nắng mặt trời người ta thường ưa loại ruby màu đỏ nhạt, và hồng hơn là ruby đỏ đậm như các nước ở Trung Cận Đông nhiều nắng.
Theo thời gian thị hiếu đối với một số loại đá quý có sự thay đổi đáng kể. Thời La Mã cổ đại Opal có giá trị cao hơn nhiều so với bây giờ vì người La Mã tin rằng opal có khả năng bảo vệ con người, nhất là trong chiến trận.
Vào đầu thế kỷ 19 đã ra đời cuốn tiểu thuyết “Anna Geierstein” của Walter Scott, trong đó những bất hạnh và bi kịch của nhân vật chính đều gắn với opal. Cuốn tiểu thuyết hay đến mức người ta tìm đọc và dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Vì vậy mà đến giữ thế kỷ 19 việc kinh doanh opal ở Mỹ gần như châm dứt, và cho đến nay đối với nhiều người Mỹ việc sở hữu opal là điều không không thể chấp nhận được.

*ĐỘ HOÀN HẢO
Các tỳ vết bên ngoài và đặc biệt là các bao thể bên trong (có tên gọi chung là các khuyết tật), đều có ảnh hưởng đến giá trị của viên đá đã chế tác. Việc tìm và xác định vị trí chính xác của các khuyết tật này là một nội dung quan trọng của nghiên cứu ngọc học. Ảnh hưởng của các khuyết tật đến giá trị của các loại đá quý khác nhau là không như nhau. Có những bao thể không thể chấp nhận được đối với kim cương lại hoàn toàn có thể có mặt trong emerald, vì trong emerald hầu như bao giờ cũng có các khuyết tật khác nhau và chúng vẫn có giá trị kinh tế rất cao.

*KÍCH THƯỚC
Viên đá có kích thước càng lớn thì giá trị càng cao. Tuy nhiên, quan hệ giữ kích thước và giá trị của các loại đá quý lại không phải là quan hệ tỷ lệ thuận.

*CHẤT LƯỢNG CHẾ TÁC
Đá quý chỉ thực sự có giá trị sau khi được chế tác (thành ngọc). chất lượng chế tác càng cao thì giá trị
Đá quý chỉ thực sự có giá trị sau khi được chế tác (thành ngọc). chất lượng chế tác càng cao thì giá trị của viên đá càng lớn. Chất lượng chế tác của một viên đá được quy định bởi các thông số:
- Hình dạng
- Độ cân đối
- Độ hoàn thiện (độ đối xứng, độ bóng)

*GỌN NHẸ
Lĩnh vực sử dụng chủ yếu của đá quý là các hàng trang sức, tức là không được quá lớn và quá nặng để có thể mang (đeo) trên người, dễ vận chuyển, dễ bảo quản và cất giữ.

*TÍNH ỔN ĐỊNH GIÁ CẢ
Mặt dù giá của đá quý thường có sự dao động nhất định, nhưng xu hương chung là chúng phải tương đối ổn định trong một thời gian dài, chỉ có vậy mới khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực đá quý.
Nguồn : Hoanthantai.com
(Còn nữa)

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm