LOẠI NGƯỜI GÌ ĐÂY?(Bát Thuần Đòai 9)

Leave a Comment
Thanh Pali
Thắm thoắt mà gần 3 tháng trôi qua từ khi bôn tẩu ngoài bổn môn, mình liền tự đi cùng khắp. Bất kỳ nơi nào nghe tiếng thầy bà hay có ma quái ra làm sao, rốt lại thực ít, hư nhiều. Ra là mỗi thầy tuy học bá môn mà chỉ thạo 1, 2 món làm gốc, còn ma nó muốn bắt thì cũng lựa mặt người. Lắm thầy thì lại nhiều ma, mình thấy vậy cũng suy tư ngoài sự ấy còn gì lạ lùng trong nhân gian nầy không ta? Hay số thầy và số ma cũng xêm xêm nhau thôi? Vào một buổi trưa đang cùng ngồi vỉa hè, xực hủ tiếu chay cùng huynh Bửu Sơn, bổng có một thím mừng rỡ chạy vào, miệng nói lia lịa như là tâm sự để chờ tới mấy kiếp rồi:
- May quá! Lạy Trời lạy Phật! Tui đi cùng hết kiếm cậu mà may nhờ ông bà độ cho mới gặp cậu ngồi đây. Tính lại nhà cậu, mà sợ ông bà già cậu hỏi thì không biết sao mà nói. Cậu Hai ơi, làm ơn làm phước coi giùm tui ông xã tui sao mà cái bụng ổng chang bang luôn, mà hổm nay có ăn uống gì đâu nè? Mỗi ngày ổng xổ ra cả chục lít nước, cái bụng sao càng ngày càng lớn như cái trống chầu, còn làm ăn gì được nữa.
Lúc ấy mặt mày Bủu Sơn bổng nhăn nhó lại y như… ông già 80 tuổi, cất giọng khàn khàn bảo:

- Ai biểu ỷ mình có cái nầy nọ, rồi phân không đúng thì chúng xử cho mà không xong. Sao chưa lo mà xin lỗi người ta!...
Bà thím kia liền nói: Trời đất ơi, tui có biết mô tê chi đâu Cậu Hai, ổng từ thứ bảy về nhà tới nay ngủ 1 đêm tới sáng, than sao chướng bụng quá như ăn không tiêu, rồi bụng mỗi ngày nó một lớn lên, có đi đâu gì nổi mà phân xử gì ai nè.
- Về hỏi lại ổng đi. Không có ra thì sao có vào.
Nói tới đây bổng mặt Bủu Sơn bình thường trở lại như tỉnh cơn mê. Mình thì không mấy ngạc nhiên về việc nầy, vì các phần căn hay ứng hội điển với nhau mà linh thông sự việc, bình thường thì như ai nấy vậy thôi, mà có việc thì đột xuất như một người xa lạ với một tính cách khác hẳn, không hề giống như chư vị đồng bóng, lúc có ai về nhập xác thường lắc lư ợ ngáp. Ở đây chỉ bất thần một chốc, rồi trở lại như bình thường, thậm chí bản thân người ấy có lúc không hề biết mình vừa nói gì. Khi biết khi không như giả vờ vậy. Tôi và Bửu Sơn liền theo thím ấy về nhà, thím ấy quen Bửu Sơn trong một dịp nhờ cột niệt nuôi con nít, có dè đâu giờ nầy lại có lúc phải đi tìm. Tới nhà họ mới biết bịnh nhân là một tài xế xe đò của hãng Tô Châu, phải nghỉ chạy mấy ngày nay vì bụng chướng như bà bầu, ông tài nằm ngửa ềnh ra trên giường, bốc mùi khai khăm khẳm, cạnh đó là một cái bô to tướng và một cái xô giặt quần áo, ông liên tục mắc tiểu, và mỗi lần muốn xả ra phải có người nhà đỡ ngồi dậy và kê xô vào, có lúc ông liên tục xả ra cỡ 5, 6 lít nước tiểu. Có điều là ông không hề thấy khát và rất ít khi uống nước, có lúc mắc quá nặng, người nhà không kịp dìu dậy, ông tài liền tự xả như con nít nằm nôi mà không thễ kềm chế nổi. Mặt ông ốm o hốc hác tiều tụy, vậy mà cái bụng binh bỉnh mới là kỳ. Tôi kêu người nhà dở áo ông lên xem thì có thấy nhiều gân xanh nổi trên bụng, cái rún như bị lồi hẳn ra coi thật kỳ dị, liền liên tưởng tới hình ảnh loài ngạ quỷ vẽ minh họa trong các sách kinh Phật. Vì tham lam ích kỷ nên đoạ vào ngạ quỷ. Bửu Sơn nhăn mặt ngó rồi hỏi tôi:
- Ông thấy sao hả?
- Cũng may là tui vừa kịp vớt tô hủ tiếu rồi. Hổng hiểu sao lúc nào chuyện nó cũng tới vào buổi trưa vậy ta ơi. Hình như ổng bị thư ếm gì rồi thì phải?
- Tui trước nay có thỉnh mấy ổng về mở ếm, mà chưa từng thấy cái gì như vầy. Hổng hiểu sao nẫy giờ không có ông nào ứng điển về để chữa, vậy ông có bùa nào gỡ nổi hôn? Hay mình nhờ Thầy Tư đi ông.
- Trời, cái vụ của tui mang tiếng tèm lem, sao còn dám vác mặt mà tới, hay để chỉ nhà cho họ tới cầu ổng. Thím ơi… chú đây ổng có hay nhậu nhẹt rượu chè hông?
Ông tài gượng trả lời: Tui lái xe khách, một chân để thắng, một chân gác tù, lo không hết, có đâu dám nhậu nhẹt, lâu lâu đi đám giỗ, đám quải, uống chút cho vui thôi chớ có bợm bãi gì đâu.
- Ờ, mà thiệt mấy cậu ơi, tui lấy ổng mấy chục năm nay có ba bốn mặt con, lo ăn không xuể, có đâu cho ổng nhậu nhẹt.
- À, vậy là loại trừ khả năng uống rượu sưng gan, còn gần đây ổng có đi miền trung du, thượng du, gì hôn?
- Tui chạy tuyến miền Tây mấy cậu à, đâu có đi đâu lên miền Đông, mà cũng đâu có họ hàng đâu ở đó mà lên chớ.
- Dạ, con sợ là đạp ngãi hoang hay ăn ở mích lòng dân thượng người ta thôi, rồi người ta…, nghe đồn là vậy thôi!
- Cậu Hai ơi! Hay là làm ơn cầu mấy ổng về hỏi giùm tui đi Cậu Hai.
- Thì hồi nãy mấy ổng nói sao vậy hả ông Thanh? Ông có nghe hôn? Tui không nhớ gì hết.
- Để tui nhớ coi coi, hình như là nói có ỷ ỷ cái gì mà vô ra hổng đúng, hổng đúng, bác tài à, hổm rày bác có gây gổ rồi mích lòng bà con chòm xóm ai hôn?
- Dạ, đâu có gây lộn, chửi lộn với ai đâu cậu, sáng lo tải xe đi, chiều về nhà lo vợ con, có hôm 2, 3 bữa mới về, đâu có rãnh mà sanh sự thiên hạ…
- Vậy thì hôm cuối bác ra xe là bữa nào?
- Dạ, tui nhớ in đâu là thứ bảy, hả bà? Sáng đi thường thôi, rồi tới chiều về thấy sao bụng dưới kỳ kỳ, đi tiểu hơi xót, ngủ đêm tới sáng thì cái bụng nó phình lên, mà lúc đó tui tưởng đâu ăn không tiêu, mua thuốc uống rồi mà cũng không ngớt, chiều chủ Nhật có nhờ ông Bảy xe lam chở giùm ra bệnh viện khám mà bác sĩ nói gan không có sao, có cho hũ thuốc cớm nầy về nhai cho tiêu, vậy mà sáng nay… Tui thở hết muốn nổi luôn. Mở mắt ra ngó cái bụng thì nó chang bang còn gấp hai bữa trước… Mấy cậu ơi, làm ơn làm phước cứu giùm tui, tui còn lo làm nuôi vợ con nữa mấy cậu ơi.
- Vậy là tới bây giờ là 3 ngày rồi phải hông. Không sao đâu, con nghe nói thư ếm thì từ 49 cho tới cả trăm ngày mới chết, bác đừng có lo.
- Trời đất ơi, tui không ăn không ngủ được, mà mỗi chút mỗi đái ra như vầy thì cho tui chết đại cho sớm, chớ còn chờ 100 ngày nằm vật vã nữa mới chết thì thôi, chết sớm sướng hơn, rồi rồi… Nó tới nữa rồi bà ơi… lấy cái xô lẹ bà ơi…!
Bà thím lật đật chụp cái xô nhét xuống háng chồng, ông tài lật đật kéo quần… sè… sè… sè… vang lên âm thanh quen thuộc trong đời người, mình và Bửu Sơn quê quá không dám ngó, nhưng mà kỳ lạ quá, gần 3, 4 phút trôi qua mà âm thanh không hề giảm cường độ… lúc nầy 2 thằng ngó nhau, rồi đồng lúc quay lại nhìn dòng chảy… Nước tiểu vọt ra ào ào, màu trong khe, không phải màu của bịnh chứng mà tôi và thầy thường thấy, còn lạ hơn nữa là trong xô có cợn màu xanh nho nhỏ rất nhiều như rong rêu dưới ao vậy. Vậy là ổng tiểu ra cái giống nước gì vậy ta? Sao mà có hiện tượng nầy? Vòi chảy rồi cuối cùng đã ngớt tới ngưng hẳn, bác tài 2 mắt nhắm nnghiền thở dốc, dưới chân giường là cái xô với ít ra là 5, 6 lít nước. Nếu đưa cái xô nước nầy cho ai coi thì dám cá không ai nghĩ nó là nước tiểu, mà sẽ nói ngay là nước ao tù!... cái bụng bác tài lúc nầy xẹp đi một phần thấy rõ, bác ta chẳng còn sức lực, hầu như bất tỉnh, bà thím liền đỡ sau lưng cho ổng nằm ngửa ra gối… Tôi quay mặt đi nhìn nơi khác, cố tìm cách nhớ lại chút kinh nghiệm tương tự nào đã cùng thầy thấy nghe… Mà đầu óc lúc nầy sao rối mù mờ… không có tí thông tin nào từ ký ức… Bổng Bửu Sơn nắm chặt vai tôi mà lắc: Trời ơi, Thôi chết rồi, coi nè ông Thanh ơi! Tôi quay phắt lại để tận mắt chứng kiến một sự việc quái đãn, là cái bụng xẹp lúc nãy của bác tài giờ đây đang từ từ trương lên trở lại theo nhịp thở. Bác ta hít vô thì cái bụng càng lớn hơn chút, chút nữa… Hễ thở ra thì nó tạm ngưng, mà hít vào thì nó lại càng trương lên… cứ đà nầy e là giây phút nữa nó sẽ nổ tung trước mặt chúng tôi không chừng. Tôi ngây người bất lực mà nhìn, còn Bửu Sơn vì quá bức xúc nên gào lên đến nỗi tôi giật mình rợn óc nổi da gà: THÔ. Ô. Ô iiii! Tiếng thét rùng rợn ấy phải chăng như một mệnh lệnh chặn đứng chiếc bong bóng kia phải ngừng trương, cái bụng bác tài không còn tiếp tục phình lên, song nó vẫn to đùng y như lúc chưa tiểu ra vậy!... lúc nầy 2 mắt Bửu Sơn nhắm nnghiền, miệng lẩm bẩm liên tục hàng tràng tiếng lạ, hết thứ tiếng nầy rồi tới thứ tiếng khác, âm ba có lúc nghe liến thoắng như nước lùa qua khe, có lúc trầm khản như gầm gừ, lúc lại vút lên lanh lảnh như tiếng thầy Pháp trục hồn quỷ sứ. Theo tôi được biết, người trong giới gọi là tiếng Âm, là loại tiếng nói nghe như tiếng Tàu hay tiếng Miên, vậy mà không phải, có lúc tôi từng nghe Bửu Sơn đọc như vậy để chữa tà, lúc đó âm ba dồn dập như tiếng đốc ba quân, thúc tiến lên, hay như vần có tiếng lum kum, leng keng, để se niêt, chữa bịnh nuôi con nít… còn bữa nay thì mới thiệt tình là… đặc dị âm thanh. Nghe một hồi sao mà lạnh buốt cặp giò. Nếu ai có từng hiểu về âm ba của Mật tông Đàlani, chắc không chừng sẽ lý giải được hiện tượng nầy. Bác tài ngất xỉu nãy giờ, nay có vẻ như đang ngủ yên trong âm thanh của Bửu Sơn… âm thanh bây giờ cũng có phần dịu hơn, sau từ từ nhỏ dần rồi lặng hẳn, mặt Bửu Sơn không còn đỏ bừng và nhăn nhúm như ông cụ giận dữ nữa, nay dần trẻ lại và đang từ từ mở mắt ra. A, thì ra bạn tôi đã về rồi…
Bửu Sơn nhìn tôi lắc đầu, thở dài không nói. Tôi có một ông sư phụ hay gãi lỗ mũi và một ông bạn hay thở dài, còn tôi thì có cái gì hả ta? Tôi vừa móc lỗ mũi vừa hỏi: Bữa nay ông kêu Thần chú gì về lạ quá! Lúc đó ông cảm nhận bịnh chứng ra sao hả?
- Kỳ quái, kỳ quái. chánh chẳng chánh, tà bất tà.
- Vậy là giống gì hả?
- Mấy cậu ơi!... làm ơn coi nè…
Giọng bà thím run run khẻ khàng, chìa chiếc xô lúc nãy cho tụi tui coi. Má ơi! Trong xô bây giờ đang có 3, 4 con nòng nọc nhỏ như đầu mút đũa lội qua lội lại. Chúng tôi đi về trong sự thắc mắc, tôi nhứt định không mó tay vô phù phép điều chi, khi không rõ căn do bịnh chứng chút nào, chỉ có Bửu Sơn trong mấy trường hợp đặc biệt nầy, căn phần của ổng sẽ tự phát ra tay. Bà thím tiễn chúng tôi ra tới ngã quẹo đầu ngõ, tôi mải mê suy tư nên suýt nữa dẫn xe đạp đâm sầm vào một người vừa bước qua. Ý, thiệt tình xin lỗi huynh, vừa nói tôi vừa ngước mặt lên nhìn người ấy đó là một kẻ xa lạ, độ hơn 30 tuổi, y ta ốm mặt xương xẩu, da dẻ trắng xanh, mặc bộ bà ba đen bằng vải xoa, miệng bỏm bẻm nhai trầu, chân đi đôi guốc, nếu không nhờ mái tóc hớt cao thì khó mà nhận ra y là đàn ông hay đàn bà. Y vỗ nhẹ vô tay tôi và cười, nói: Không sao, không sao! Lúc nầy theo cái vỗ đó mà mình nhận thấy tay y đeo một cái vòng như cẩm thạch, mà sắc đen huyền thiệt lạ. Y có cái nhìn kỳ cục như xuyên suốt người đối diện, mặc dù chỉ là thoáng qua, chớ không hề trực lộ như mấy thầy rùa mắt thau, thân pháp y cực kỳ nhanh nhẹn, y lắc người qua bánh trước xe, băng qua bên kia đường! Đã vậy còn ngoái lại nhìn 1 phát, rồi nhổ 1 bãi trầu to xuống đất! Tôi thấy như có gì đó không bình thường cho lắm… có lẽ tay nầy là đồng cô bóng cậu chi đây nè… Mấy vị nầy đa số là hồn nữ xác nam hay là ngược lại!… quay qua Bửu Sơn, tôi lại thấy ông bạn mình nhìn y ta không nháy mắt, trong bụng mình phỏng chừng: “Chà! Chắc là “Đụng hàng” rồi!” … có mấy con trốt gió nho nhỏ nổi lên hốt bay lá chuối của bà bán xôi và có tiếng đàn bà: Đậy nồi lẹ lẹ để cát nó vô, con ơi!
Đứa bé gái nhỏ lẹ làng đậy nắp cái nồi bánh canh của mẹ lại, mẹ nó lên tiếng ạ chào Thầy Tám Trầu!
- Ừ, chào mợ, bán đỡ hôn hả, mợ?
Bà Tài đợi cho Thầy Tám Trầu đi khuất sau con hẻm, rồi mới dám thì thào với tụi tui: “Ông nội đó là thầy bùa ngãi an giang, lâu lâu ổng về đây ít bữa, nửa tháng rồi đi, mỗi lần ổng về người ta lại xin cấp phép dữ lắm! Mà tui thấy cái mặt hắc ám của chả nên ớn lắm“
- Có nghe nói ổng hại gì ai chưa hả thím?“
- Có lần thằng nhà kia đi lính về phép, nhậu say với bạn, rồi đứng đái ngay hàng ba nhà ổng! Nghe đâu ổng nói con nhà ai không biết dạy, thì nó đòi đánh thấy mẹ ổng! Ổng im lìm vậy mà sáng nó tới trước cửa nhà ổng khóc lạy năn nỉ xin tha, té ra con chim nó sưng lên như cái cùi bắp vậy! Ổng nói không mắc mớ gì ổng, năn nỉ hoài, ổng nói thôi vô lấy gáo múc lu nước mưa trong sân ổng uống cho đỡ khát, nãy giờ năn nỉ chắc khan cổ rồi! Vậy mà uống xong nó xẹp hồi nào không hay, bây giờ con nít người lớn ai cũng ớn ổng luôn!
- Chỉ 1 đêm tới sáng là dính hả? Sao nghe giống vụ bác tài quá vậy! Hay là thằng cha Tám đó…
- Thôi chết rồi mấy cậu ơi, bây giờ tui mới nhớ, bữa chiều thứ bảy ổng đi làm về có nói tui nghe lúc sáng ổng dậy trể, gấp đi làm, mà ra ngõ còn gặp xui! Đụng đổ đôi nước gánh của Thầy Tám Trầu, nghe nói Thầy Tám nửa đùa nửa thiệt đòi đền đôi nước thì ông xã tui cự nự: Đôi nước ao đáng là bao nhiêu! Vả lại cái đường bây lớn mà còn để chềnh ềnh ra đó làm chi! Ráng chịu! Rồi hình như cha Tám nói:
- ỷ nhà giàu xài nước máy rồi coi rẻ nước gánh! Cho ông dư nước mà xài luôn! Không chừng là cha Tám nầy hại chồng tui rồi!
- Thôi vậy đủ rồi, thím về lo coi bác trai đi, có gì thì tối hay mai tụi con kêu thầy khác tới coi giùm cho!
- Dạ, đội ơn mấy cậu…
Bà thím lật đật chạy về nhà, tôi quay qua nói Bửu Sơn: ê, ông nghe thấy chưa? Có tìm ra căn cứ của nó hôn? Chắc là tay chơi ngãi hội rồi!
- Theo tui thấy thì hình như không phải đâu ông! Tay đó có cái gì lạ lắm! Không phải như ông, mà cũng không giống như tui nữa!
- Thì đúng rồi! Y là bóng lại cái mà! Làm sao giống tụi mình cho được!
- Tui không có nói cái vụ đực hay cái! Cha nội đó… Tui thấy cứ y như là...là.
- Là cái giống gì! Mọi hôm tui ầu ơ ví vầu, bữa nay tới ông mới là lạ chớ! Hay mình lại mua xôi đi, có chuyện mà hỏi thăm!
2 đứa ghé gánh xôi đậu đen bên kia đường, tội nghiệp gánh xôi bán từ sáng tới qua ngọ thiếu điều phơi khô mà còn lưng nồi.
- Cho 2 gói đi dì, 1 gói có dừa, 1 gói không “chủ gánh mừng quýnh lật đật thấy thương, tôi hỏi luôn:
- Dì ơi, có biết nhà ông mặc bà ba đen Hồi nãy đâu hôn dì?
- Chú hỏi chi vậy? ổng là Thầy Tám Trầu, nhà ở cuối ngã ba, chỗ có cây ô môi bị Trời đánh đó, đi vô 5 phút là tới rồi, lâu lâu ổng về đây ít bữa, mấy chú có nhờ chi ổng hôn? Cỡ 8, 9 giờ tối bà con hay tới nhờ ổng giúp lắm.
- Dạ, hỏi cho biết nhà, ổng ăn tiền có mắc hôn hả dì?
- Mắc mỏ chi chú ơi! Dân ở xóm nầy nghèo rớt mồng tơi, đàn ông đi xích lô, làm thợ hồ, bốc vác, vợ con bán xôi, bán bắp, bán chè, kiếm sống qua ngày 2 bữa, ổng đòi cao ai mà dám tới! Ở xóm nầy có nhà ông tài là khá giả thôi! Ổng đi tài xế, vô nước máy xài, vợ đeo vàng đỏ tay, cất nhà tường! Ở đây ai nấy xài nước gánh thấy Bà luôn!
- Thím có nghe xích mích gì nhà bác tài với ai ở đây hôn!
- Nhà họ giàu, đâu thèm chơi với ai, xin câu nhờ nước máy cũng không được! Nghe Thầy Tám ổng nói “làm phách! Cũng có ngày” !...
Tôi trả tiền xôi, kéo Bửu Sơn đi, hỏi nhỏ:
- Sao? Dám chơi hôn ông!
- Người ta đâu thù oán gì mình! Vả lại ông tài bị… Mình còn chưa biết sao! Lỡ có gì hai thằng ôm 2 bụng về nhà là ai gỡ đây!? Lúc nầy ông đâu dám lại Thầy Tư nữa!
- Ừ căng thiệt! Thiếu sư phụ rồi! Bây giờ đụng chuyện phải lo tự mình tập giải quyết! Phải chi mà được như ông thì đỡ quá!
- Đỡ cái gì ông ơi! Ai có phần nấy thôi, đâu phải tui muốn làm gì như ông thì làm đâu?
- Thì tui cũng đâu có biết gì như ông biết Hồi nãy! Thôi hẹn 9 giờ tối nay tụi mình tới cha Tám Trầu thử coi! Biết đâu…
- Vô thì vô, tui chỉ sợ có 1 điều thôi…
- Là điều gì?
- Là cái miệng của ông!
- Ô kê, tối nay tui để ông nói gì nói! Còn lỡ có chơi luôn thì tui mới chơi!
- Đó! Cũng cái miệng của ông! Chưa gì đã đòi chơi người ta rồi!
- MÔ Phật!
xxxxxxxxxxxxxxxxxxx
Buổi tối gần 9 giờ đêm, sau khi ghé lại nhà bác Tài coi bịnh tình, vẫn không thấy khá hơn chút nào! 2 thằng liền hội ý, bây giờ sẽ lại thẳng nhà của tay Tám Trầu, để hỏi chuyện phải quấy ra sao! Và nếu có bề gì thì Bửu Sơn sẽ ghé Thầy Tư vào ngày mai để thế mình!... gởi cái xe đạp ở nhà bác tài, 2 đứa từ từ cuốc bộ tới ngã ba cuối xóm. Kia rồi! Cái cây ômôi cổ thụ, trong tranh tối tranh sáng, dưới tàn cây, 1 mái nhà lá vách cây và tole cũ nằm im lìm, coi bộ vắng vẻ quá! Im lìm quá! Không biết Tám Trầu có nhà không!? Hay đang âm thầm kêu ma gọi quỷ để làm chuyện mờ ám gì nữa đây?... Tiến tới cái hàng rào thấp cỡ bụng, đóng sơ xài bằng mấy thanh gổ mục… cửa nẻo không có gài chốt chi, chỉ đẩy nhẹ là cái bản lề rên kẻo kẹt nho nhỏ, 2 đứa nhìn nhau 1 phát rồi tiến thẳng vào sân, tối om om, 1 cơn gió đưa, có con gì chuyền sồn sột trên cây ô môi, ngó lên chỉ thấy 1 màu đen tối mà thôi! Mình đã từng nghe nói về cây ô môi, nó hay quyến ma quỷ tới làm Tổ trên cây, nhứt là khi có sự vô tình đổ máu dính vào cây, thì lại càng ghê rợn hơn! Nó hay lôi kéo những vong hồn nữ quỷ tới mà cư ngụ! Để bắt vía những thanh niên mới lớn hay những gã đàn ông đa tình hay ghẹo nguyệt trêu hoa!... cửa trước nhà đóng kín… Nhìn qua khe hở thấy như có ánh đèn dầu le lói ở gian buồng sau… Bửu Sơn chỉ tay làm dấu đi vòng ra phía sau nhà!... Trái với sự phỏng ước của mình, nhà sau không hề đóng kín, trong nhà có độ 5, 6 người với 1 sự im lặng kỳ lạ, có người bế con nhỏ, có người đang ngồi nhắm mắt chấp tay, chắc là niệm Phật hay van vái chi đây… Tất cả bọn họ ngồi ghé trên 1 cái giường cây cũ, cạnh đó là Cậu Tám Trầu đang ngồi trên ghế dựa, 1 tay để lên bàn cạnh cái đèn dầu trứng vịt khi tỏ khi lu! Tay kia cậu đang giũ giũ lên đầu 1 người nữ quỳ gối chấp tay bên dưới, hình như có nước từ tay cậu rơi ra, bên dưới nền in dấu những đốm nước nhỏ liên tục rơi xuống! Cậu Tám Trầu không buồn ngó tụi tui, vẫn bộ quần áo y như gặp ban sáng, miệng cậu đang rì rào những tiếng nho nhỏ, là loại tiếng âm từa tựa như tiếng của Bửu Sơn hay niệm lúc gỡ bịnh… cuối cùng cậu phẩy phẩy tay ra hiệu, kết thúc, người nữ kia vội xá mấy xá và đứng lên lấy cái nón lá đội lên đầu và quảy qủa đi ra ngay… Tôi kéo ông bạn nhẹ nhàng ngồi lên 1 mép giường còn trống và chăm chú ngó Cậu Tám Trầu. Bây giờ tới người phụ nữ bế con kề sát vào tai Cậu Tám thì thầm, cậu gật nhẹ đầu rồi chỉ tay xuống đất, người mẹ quỳ ngay xuống và bế con trao về Cậu Tám, cậu không đụng tới đứa bé, mà lại đọc tiếng âm rì rào, nghe như tiếng nước chảy… Mà quả là có nước thiệt! Từ 2 bàn tay cậu đang xoa vuốt nhau, có 1 dòng nước nhỏ xíu chảy ra, rơi xuống đứa bé, cậu liền giũ mạnh 2 tay hơn, nước lại như 1 cơn mưa nhỏ rơi xuống! Thiệt kỳ cục quá! Nước ở đâu mà trong tay cha nội nầy chảy ra đây? Hay là bịp bợm dấu cái chai nước trong tay áo, rồi xịt ra! Mấy cái vụ nầy ông ảo thuật Lê Văn Quý từng làm cho mình coi muốn mòn con mắt rồi! Nếu đây chỉ là 1 tên bịp thì cũng tốt, mình đỡ phải lo sự đối phó với cao thủ! Nhưng mà đời không đơn giản như vậy!... Tự dưng như thấu tâm tư mình, Cậu Tám Bổng nhếch mép cười khan, rồi ung dung sắn cao 2 tay áo lên tận khỷu, dưới ánh sáng đèn dầu, không thấy 1 món vật gì trong và trên 2 tay cậu, chỉ trừ chiếc vòng ma quái đen huyền ở cổ tay. Sau đó cậu lại chăm chú chà xát 2 bàn tay vào nhau nhiều hơn, nước từ 2 bàn tay lại tiếp tục tuôn ra, cậu cố ý hất tay về phía mình! Một vài giọt bắn trúng người mình, trúng lưng bàn tay mình, mình đưa tay lên mủi ngửi nhẹ, không có mùi chi lạ, nước mát lạnh như nước mưa vậy! Thôi vậy là tiêu rồi! Thằng cha nầy có nghề thiệt đây! Hóa ra nước từ 2 bàn tay không! Chắc là dùng nước nầy làm phép trị bịnh cho ai nấy ở đây nè! Người khách cuối cùng đã bước ra về, lúc nấy Cậu Tám Trầu mới ngó sang tụi tui, vừa mỉm, cười vừa nói: - Mấy chú còn nhỏ quá Trời! Qua hổng có chấp nhứt đâu! Đi kiếm qua là muốn coi cao thấp khảo sư sao hả? Tôi ngứa miệng muốn buông lời thì nhớ lại lời hứa với bạn nên ngó qua Bửu Sơn coi làm sao, bất ngờ giật mình vì bên cạnh mình không phải là ông bạn quen thuộc nữa! Mà là 1 ông lão vẻ mặt khăc khổ, ngoài 70 tuổi là ít! Lưng hơi còm cõi, giật mình, tự động mình nhích ra xa tới đầu giường! Bây giờ trong ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu, Bửu Sơn sao lạ lùng quá! Mới đây mà già đi khủng khiếp! Mà hình như còn có chòm râu bạc lơ thơ nữa chớ! Nhưng mặt Bửu Sơn thì chữ điền, còn mặt ông Bửu nầy thì lại chữ dụng, tức là mặt dài! Và nhân trung mới sâu và dài làm sao, tựa như trong sách vẻ mấy ông quan lại triều đình ngày trước vậy! Bây giờ ông Bửu mới mở miệng mà không thèm xài tiếng an nam! Chăm luôn 1 hơi toàn là tiếng âm giòn giả! Bên kia Cậu Tám Trầu cũng tỉnh bơ đáp lại bằng hàng loạt âm thanh như vậy! Khẩu âm đôi bên lúc nầy sao y chang nhau luôn! Cứ như hai người cùng xứ lâu ngày gặp nhau! Còn tôi như tên vịt đực ngồi ngóng mỏ! Hai cha nội nầy nói đã đời rồi, thì chợt đồng im lặng, lại thêm 1 sự quái đãn nữa! Lúc nầy 2 bên mép Cậu Tám Trầu Bổng xuất hiện 2 hàng râu mép dài hồi nào hổng biết! Nó trắng bạc, dài qua tận cằm! Mới thọat nhìn trông y chang như râu cá chép hay râu rồng trên bao lì xì tết! Tôi kinh dị đưa tay rờ miệng mình! May quá, vẫn chỉ 1 chút râu mép như cũ thôi! Nếu bổng dưng nó dài ra thườn thượt như mấy ông nội nầy thì tối nay có nước ngủ vỉa hè! Vì về nhà má nhìn không ra! Trong không khí thoang thoảng 1 mùi hương kỳ lạ, không hẳn là mùi hoa lài, mà cũng không như dạ lý hương tảng sáng! Chắc là gần đây có nhà nào trồng hoa gì đó loang mùi trong sương đêm… Mà chưa hết chuyện đâu! Lại tiếp tục có mùi nhang trầm trong không gian… Mình se nhang bấy lâu với thầy! Phân tích theo kinh nghiệm thì lại không phải là trầm… lại chút hương quế mới là kỳ! Rốt lại thì không biết là mùi nhang gì luôn! Mà ở đây tuyệt nhiên không có bàn thờ hay nhang khói gì hết! Hổng lẽ lại là nhà ai thắp hương ngoài Trời sao? Lòng đầy nghi hoặc, tôi đứng phắt lên sải dài bước ra cửa, ngó tứ bề! Ngoài đây vắng vẻ tối om om, không khí phảng phất mùi bùn ao, làm gì có mùi hương!
Quay trở vào thì thấy sắc diện cả 2 đã như lúc bình thường! Mùi hương trong khoảng khắc đã tan biến! Trời đất! Hổng lẽ nãy giờ mình bị thôi Miên ở trong 1 cơn mơ sao ta? Cậu Tám móc trong túi áo bà ba ra 1 miếng trầu têm sẵn, thủng thẳng bỏ vào miệng nhai mấy cái rồi nói: - Thôi vậy là mình biết nhau rồi hen, mấy cậu! Hàng trăm quan cựu thần thì theo sắc lệnh Ngọc Đế ban cho Phật Thầy mà làm việc, tế thế an bang. Còn qua cũng vị tình Ông Huỳnh, ổng đi khuyến nông, mà trông hộ mùa màng con nước cho bà con. Có rãnh đâu mà tranh cao với thấp! Lâu lâu ghé về hóa chút duyên lành vậy thôi! Lạy Trời! Thằng cha nội nầy nói cái quái gì vậy! Nghe nói từ thời ông Giáo Chủ đạo Hoà Hảo tới nay thì ngót trăm năm, mà ông nầy chỉ độ 30 ngoài hơn! Thiệt là sạo quá! Nhưng Bửu Sơn tiếp lời: - Huynh có độ đời thì độ bịnh, gỡ tai ương, xin đừng lấy tai ương mà độ bịnh?
- Thì cũng như Cậu Hai thôi, cậu độ phần căn, thì qua độ phần xác, cái xác nào nó dơ dáy quá thì mình súc rửa lại ít hôm cho nó sạch sẽ vậy thôi chớ gì lạ?
- Cây cối vườn tược, mùa màng mà sinh sôi thì thiệt cũng nhờ ơn Trời với chư vị thuỷ hà. Nhưng mà tuỳ cơ phải lúc, chớ ngập úng lâu ngày e là tuyệt vọng bà con! Xin huynh ngó xét lại coi có phải đạo lý hay không?
- Qua không có cãi với mấy em đây! Mà tại bởi mấy em còn nhỏ quá! Chưa thấy cái sanh sanh hóa hóa diệt diệt luân lưu mệnh Trời mà thôi! Như cái cô đội nón lá lúc nảy là bán hoa độ nhựt, nuôi thân chồng con thương phế binh, độ cho cổ có khách khứa, đời cho là hạng người tha hóa! Mà qua chỉ thấy là qua truông thôi! Còn như đứa nhỏ còn bế thì mấy bà mụ có nói phải lúc nhờ qua tắm cho nó mát, để không nóng nảy ung nhọt, kế rồi má nó mới ẵm tới chớ bộ! Còn thằng cha tài xế nữa! Hai vợ chồng nhờ chút phước ông bà, ăn nên làm ra, biết đi Chùa cầu Trời khấn Phật, xin bùa hộ mạng, mà lại không biết ăn ở tình nghĩa với bà con xóm giềng, khinh khi người nhèo khó, lại còn xây cái cầu tiêu án trên huyệt ông chủ thổ ở đây, làm ổng bứt rứt cục cựa, dân xóm nầy cứ cãi cọ đâm chém nhau hoài! Cũng tại cái thân xác họ dơ quá nên mới trược nghiệp tắc nghẽn mà thành sanh ra ích kỷ! Nay qua vì ông thổ và xóm nầy mà rửa cho họ sạch sẽ 1 hơi cho nó vui! Tới lúc nầy tôi không còn nín nổi liền ra miệng: Vui cái con khỉ khô! 1 ngày đái ra cả chục lít nước mà vui cái gì! Chết người ta tới đít rồi! Sao ông có ngon thì chơi tay nào cường hào ác bá, cho bà con nhờ! Sao cứ nhè người lương thiện làm ăn mà chơi chớ!
- Ha ha ha! Tui đã nói là mấy em còn nhỏ, nóng nảy quá mà! Phải nước mát như qua đây mới là thấu đáo! Cái bịnh nào mình còn mổ xẻ đặng mà cứu thì mới làm! Thà đau 1 lần mà tỉnh ngộ muôn mãi về sau! Còn cái thứ vô ngôn khuyến cải thì hậu lai phải đoạ trâu, chó trả nợ đời! Đã vậy thì mình phương chi mà rớ vô nó! Có phải hôn cậu nè? Trong con mắt cậu em đây có lửa nó cháy, tối nào cũng đem lửa vô cái thổ mà un, nên nóng quá mà cạn xét suy, hay để qua cho 1 chén nước sông uống cho nó mát cái tỳ mà hạ hỏa! Đúng là từ khi chia tay bổn phái thì mình có buồn bực nóng nảy hơn lúc trước rất nhiều! Thấy chuyện gì chướng tai gai mắt hay muốn giải quyết cấp kỳ cho mau lẹ. Bửu Sơn vốn trầm tĩnh, hay khuyên nhủ mà mình lắm lúc “sùng” bố! Nên quên… Mà thực tình ra thằng cha Tám Trầu nầy là ai mà biết mình ra sao, luyện cái gì thì kể cũng lạ thiệt! Sao mà mình không biết chả! Chả thuộc loại người nào đây? Không nam, không nữ, nghe nói thì già như trăm tuổi, mà xác chỉ trạc 30? Cho mình 1 chén nước sông là ý gì? Muốn chơi cho cái bụng mình như ông tài hả? Dễ vậy sao? 1 niệm sân nổi lên! Tôi âm thầm niệm chú thỉnh tam sát phiên thần!
- Ha ha ha! Cái chú em nầy sao mà nóng quá vậy ta ơi! Mấy ông lấy dao chém nước mà được sao hả!? Vả lại ai đâu ăn ở không mà làm đầy tớ cho mấy người sân si sai bảo? Hồi xưa chú em luyện tới mức lucấsa rồi! Chớ đâu tệ! Mà Cũng tại cái hỏa đó mà bây giờ quên hết trọi rồi, mà còn ngồi đây đốt tiếp cái hỏa sơn! Duyên tình thuộc thuỷ mà nóng như vậy thì nó khô rang, còn đâu cái thuỷ mà nuôi mầm duyên nợ! Ha ha ha!… Qua từ đời nhà Trần tới nay thấy cậu tánh tình cũng y chang hà! Thiệt sạo quá! Hết nói nổi luôn! Vậy thì cha Tám nầy sống bao nhiêu tuổi rồi! Có phải là con người không chớ?
- Là người như cậu, nên nóng nảy vậy! Muốn sống thọ thì phải mát mẻ như Qua đây mới được, nên qua đâu có làm người chi cho mệt!(?)
- Còn về phép tắc thì qua nói thiệt mấy cậu nghe nhen, là hiểu được thì làm được! Không phải là mình có quyền làm! Mà mình có hiểu là cái quyền đó để làm chi vào lúc nào hông! Xáo trộn bậy bạ sau nầy sắp lại mệt mỏi lắm đó! Hết kiếp nầy tới kiếp khác triền Miên luôn!... Thôi cậu đây có nóng ruột thì tui dẫn ra coi cái nầy cho bớt nóng, mai ngày tui về dưới rồi, ở đây mấy rày là để đợi mấy cậu tới đó! Cậu Tám Trầu bước ra cửa, chúng tôi đi theo, đi ra tới cái lu ú sau hè, cậu chỉ vô cái lu nói: Cậu muốn biết bụng dạ ông tài xế ra sao thì ngó vô cái lu nầy thì biết! Nó dơ quá phải hôn? Làm sao mà uống được! Lớp nào rong rêu, lớp nào ếnh nhái nòng nọc nó đẻ tùm lum, muốn uống phải xúc cái lu nầy rửa cho hết bợn rồi từ nay mới hứng nước sạch mà chứa xài chứ! Mà kỳ nầy qua đi rồi về luôn đàng dưới, không có trở lại đây, cái lu nầy cũng hết xài rồi! Thôi nhờ cậu đây đập bỏ giùm luôn, để ếnh nhái nó khỏi đẻ nòng nọc làm dơ nước! Mình ngó quanh quất không có lấy 1 cái cây nào để đập lu! Mà sao phải đập chớ! Đổ bỏ nước cũng được mà! Thôi kệ ổng nói đập thì đập! Mình lượm 1 cục gạch thẻ chọi thiệt mạnh vô cái lu ú! Bum! Cục gạch bật dội trở ra như chọi vào bánh xe cao vậy!... Cậu Tám Trầu thấy vậy cười, nói: Trời! Đập mà nóng như vậy thì làm sao mà bể cho được! Chú em phải đập như qua đây nè! Cậu Tám bước tới cái lu, gỡ chiếc guốc mang dưới chân, cầm lên, gỏ 1 cái cốp vô lu, cái lu ú nứt rạn mấy đường lớn, rồi nước từ khe nứt xì xối xả ra ngoài, cậu vừa xăn quần rửa chân với nước ấy vừa cười nói: Mát quá, mát quá, rửa chân hông mấy cậu? Bây giờ thì cái lu bổng nứt toát ra mấy mảnh nằm trên mặt sân đất, nước tuôn ào ạt ra, trong giây phút cái lu không còn là lu, chỉ thấy mấy mảnh sành nằm chỏng chơ, mình có cảm giác tựa như lòng nhẹ nhõm, thấy dễ chịu hơn rất nhiều! Cậu Tám nheo mắt cười với tôi: Đó, thấy chưa? Phải vậy hôn nè? Cậu Tám tiếp lời: Mấy cậu thấy cái vòng đen thui nầy hôn? Là vì Qua ăn hết 1 vườn ngãi dưới Châu Giang nên lúc đó qua đen xì như cái vòng nầy! Sau nhờ Ông Cấm ổng cho cái vòng nầy đeo, nó rút hết vô ở trõng, thế cho qua đỡ nhức mình! Cho nên cái vòng từ màu trắng bạch chuyển qua đen thui như vậy đó! Qua không có bỏ cái gì hết mấy cậu à! Chẳng qua là cái gì thì mình để cho đúng chỗ cũa nó thôi! Nhờ Cậu Hai đây về nhà nói lại với vợ chồng ông tài xế ăn ở sao cho sống người ta thương, chết người ta tiếc nghe! Chớ độ nầy tui về dưới luôn, hổng có lên nữa! Chờ mấy cậu hổm rày là xong rồi… Tụi tui bước ra khỏi nhà Cậu Tám vài bước, cậu còn đứng tại cổng ngó theo, sực nhớ ra 1 điều chưa kịp hỏi, mình liền quay cổ lại! Lạ quá! Mới đứng đó mà mất tiêu rồi! Khoảng sân khá dài để vào nhà, lẽ ra mình phải còn thấy cái lưng của Cậu Tám chớ! Chắc tại Trời tối quá!... 1 luồng gió như chen giữa tôi và Bửu Sơn, từ phía sau thổi tới, rồi tựa như vút về đàng trước… phía trước mặt đã có ánh đèn điện rồi! Xoay lại bận nữa, tôi thấy căn nhà Cậu Tám như hoàn toán chìm trong bóng đêm, tôi phát hiện ra mình đang đứng tại chỗ tiếp xúc của bóng tối và ánh sáng, Bửu Sơn rảo trước tôi vài bước, đang đứng lại chờ sánh vai, tôi hít mạnh vào 1 hơi sương đêm rồi mạnh bước tiến hẳn ra vùng ánh sáng. Trong nhà bác tài, ai nấy đang lao xao chùi rửa nước dưới sàn gạch! Bác tài bụng xẹp lép, tỉnh táo ôm bụng ngồi trên giường, vừa thấy chúng tôi, cả nhà ồ lên, bà thím nói 1 hơi không kịp thở: Lạ quá Trời luôn mấy cậu ơi! Hồi nãy tui vừa lên nhang bàn Phật Bà vái xin cho ổng hết bịnh, thì tui thề bỏ tiền ra vô đường nước máy cho cả xóm xài, không xài nước gánh ao nữa, thì ở trển như ổng la làng ơi ơi, tui lật đật với tụi nhỏ chạy lên, thì thấy ổng ngồi dưới gạch mà nước nó tuôn ra ào luôn, ước chừng cả lu, rồi cái bụng ổng xẹp lép, sợ nó phình lên như hồi mơi, mà nãy giờ không có! Chắc là Phật Bà Quan Âm phù hộ cho ổng! Ổng cũng vái chuyến nầy cạo đầu ăn chay 3 tháng luôn… cho tai qua nạn khỏi, đừng tái diễn, ổng sợ quá rồi! Bửu Sơn lên tiếng: Thôi cạo đầu làm chi, ích lợi gì cho ai đâu! Rồi cái đầu trọc lóc, làm sao mà đi lái xe! Kỳ lắm! ăn chay là tốt rồi! Mà ăn chay thì nhớ làm phước, bố thí, phóng sanh… Mới đủ bộ! Bác tài lật đật lên tiếng: Dạ, tui làm hết Cậu Hai à! Mai nầy tui khỏe rồi đi hỏi làm đường ống vô nước máy cho bà con xài làm phước! Bả có hứa với Trời Phật rồi!
- À, mà thôi chết rồi, sao cái cầu tiêu ở nhà xây gì mà kỳ cục vậy! Cửa cầu tiêu mở quay ra cổng cái thì còn làm ăn gì nổi! Phạm phong thuỷ như vầy hèn gì bịnh họan hoài! Phải đập ra bỏ đi, lấp nó lại, đem cái bếp qua đây… rồi cái cầu qua đây… chỗ nầy nè… Như vầy… Như vầy mới được! Bửu Sơn làm 1 hơi lại luôn với nhà bác tài, đây là cái duyên của ổng mà! Nói chuyện thâu lòng là nghệ thuật của ổng, thôi thì mình ra cửa đốt 1 điếu thuốc cho nó đã… Hai cái xe đạp phóng như bay trên lộ vắng, đường xá tối om vì cúp điện theo định kỳ! Thỉnh thoảng mình bập mạnh vài hơi thuốc cho người qua đường thấy ánh lửa mà né… dọc đường, mình lại vu vơ suy nghĩ… Cậu Tám là ai! Vì sao mà không phải nam, vì sao mà không phải nữ? Vì sao ba hồi nói là gặp Ông Huỳnh hồi đó, ba hồi nói là gặp mình từ đời Vua Trần? Vì sao lại xuất hiện ở đây mà nói là đợi 2 đứa? Vì sao lại không ở lại đây nữa? Vì sao lại biết chân tướng pháp môn của mình? Vì sao mình chọi cục gạch chà bá vô cái lu mà nó không bể? Vì sao Bửu Sơn và Cậu Tám vừa gặp, như đã từng có biết nhau? Nghĩ tới đây mình lén liếc nhìn Bửu Sơn, thấy cha nội nầy tỉnh rụi như không có gì nãy giờ?... Cậu Tám Trầu có phải là người không? Là loại kỳ cục gì đây? Còn ông Cậu Hai nầy nữa? Có phải cũng là người như mình không đây? Hay cũng là… Mà không phải đâu! Mình có thấy là cha nội Bửu Sơn nầy cũng ăn ngủ như mình, và cũng “may ghế“ giống như thiên hạ đực rựa ở trên đời vậy! Vậy thì vì sao mà khi thì y như ông già, khi thì giống như mình vậy ta? Thật sự ông bạn nầy của mình là ai đây chớ? Là loại người gì vậy??? Cậu Tám Trầu là loại người gì vậy???
Tới ngả rẻ vào nhà Bửu Sơn, chúng tôi chia tay: “Mai gặp lại nghe, Thanh .“ Bây giờ chỉ còn lại tôi với tôi thôi, tôi móc cái đồng hồ wiler trong túi quần ra, bật quẹt diêm lên coi giờ, đã hơn 11 giờ khuya rồi! Cái đồng hồ nầy đứt dây đeo đã lâu mà mình hà tiện tiền chưa thay dây, chỉ bỏ trong túi quần, lâu lâu móc ra coi giờ, là cái kỷ vật của thầy cho, vậy mà phải dấu bỏ túi, không còn đeo sờ sờ như ngày xưa được nữa… vì sao phải vậy chớ? Mình chợt ngước lên nhìn, trên bầu Trời, trên Trời cũng đầy những vì sao… Nhà mình đã tắt đèn đi ngủ từ lâu, trong nhà tối hù, chỉ có con mi lu là còn thức, nó nhận ra người quen nên sủa nho nhỏ, mình la chó còn lớn hơn nó sủa, cốt ý để cho trong nhà nghe mà ra mở cửa cho mình vô: Mi lu à, tối rồi, đừng có sủa um sùm! Có tiếng dép lột sột trong nhà, rồi tiếng của ông già mình càu nhàu lên: Loại người gì mà tối ngày đi làm chuyện tào lao, còn về giờ nầy um sùm, không cho ai ngủ nghê hết! Loại người gì đây vậy hả?

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm