Có dạo hai đứa rủ nhau về Núi Sam tu tập một vài ngày (lúc ấy tôi có ý định không dùng bùa phép nữa mà chuyển sang tu pháp Chuẩn Đề). Ngồi trong hang đá tối đen, tôi lo kiết ấn hộ thân lập Chuẩn Đề Biệt pháp thì huynh ấy lại dửng dưng kéo chân bán già chắp tay phụng thỉnh:
“Phụng thỉnh Trà Lơn Thất Sơn, Ông Cấm Ông Két, Núi Sam Núi Sập… Triệu Ngũ bộ lôi công thần, Thập nhị thời thần, Đẳng đẳng chư tôn thần đồng lai trợ ngã…”
Hình như có gì không ổn rồi. Tôi Bổng thấy không khí xung quanh đặc sệt đến khó thở, nghe xung quanh như có tiếng lục lạc leng keng từ xa tiến lại, có cả tiếng kim loại quẹt vào đá chát chúa. Những luồn gió lờn vờn quanh chỗ ngồi, luân xa giữa ngực tôi chợt nóng ran, hai vai nặng ì như đeo đá. Cố định thần kết vững bộ ấn, tôi tập trung quán chủng tự thì bên kia Bửu Sơn lại tiếp tục tụng tỉnh queo: “Nam mô phụng thỉnh Huỳnh Đình, Hồng môn sơ khấu, miệng niệm Huỳnh Đình, vạn linh kinh vạn kiếp, Thần Tiên qui căn bổn…” áp lực càng đè nặng, các luồng gió thổi xuyên qua người tôi, mỗi lần cơn gió xuyên qua, cả người tôi như bị rút mất sức lực chỉ muốn buông ấn rủ xuống mà thôi… Tôi hoảng hốt cựa quậy, kêu lên những tiếng ú ớ… Bổng một luồng hơi nóng phả xuống trên đỉnh đầu. Tôi mở mắt nhìn, trong ánh sáng leo lét của ngọn nến trên gộp đá, một vị sư trạc ngoài bốn mươi, gầy khẳng khiu mặc chiếc áo vàng đang để bàn tay phải lên đầu tôi miệng gầm gừ mấy câu chú tiếng Phạn. Huynh Bửu Sơn cũng đã ngưng tụng, đang nhìn vị sư và tôi như dò hỏi. Sau khi đã hoàn toàn tỉnh hồn, ông ta ra dấu cho hai đứa ra khỏi hang. Đến một gộp đá lớn, ông ra hiệu cho hai đứa ngồi xuống và hỏi một cách gay gắt: - Hai con từ đâu đến vậy? Chưa kịp trả lời, ông đã nói luôn:
- Đưa nó về mau lên! Ở đây nó phá nát bàn Tổ của tôi mất.
Rồi thầy than thở một mình khiến mọi người cũng ái ngại lây:
- Phen này tui giải nghệ luôn rồi!
Vậy là chiếc xe lam lại tiếp tục làm nhiệm vụ chở cô Lan trở về nơi xuất phát. Má cô Lan buồn quá không biết làm sao liền nói với mọi người trong xóm rằng, hễ ai chữa lành bệnh cho cô Lan, muốn cái gì bà cũng sẵn sàng chấp thuận, kể cả việc bắt bà phải chết. Trong xóm có một cô Phật tử vốn từng gặp Cậu Chín chữa tà. Cô vội đưa bà già đến năn nỉ cậu Chín cứu giúp. Cậu Chín lại quen biết huynh Bửu Sơn… Đến trị bữa đầu cho cô Lan, thấy có vẻ không ổn, cậu liền cho học trò đến nhà tìm Bửu Sơn giúp một tay. Chẳng biết chiêm nghiệm thế nào, huynh ta lại đến kiếm tôi… Thấy tôi ngồi im không trả lời, Bửu Sơn giục:
- Ông thấy sao?
- Ừm… ừm… M… M…
- Cái gì mà ừ à hoài, hay là chiếm quẻ không được?
- Không phải, tui đang nghĩ bệnh này chắc hẳn là đàng bố rồi…
- Còn phải nói – Huynh Bửu Sơn ngắt lời tôi – Mà là thứ dữ nên cậu Chín mới gọi đến tụi mình. Thường thì ổng làm một mình không hà.
- Nhưng cách chữa trị của tui đâu có giống ổng, làm sao mà giúp!
- Ai biết đâu! Nhưng nghe anh Hoàng đệ tử cậu Chín nói là cần có ông với tui để đánh Tứ trụ…
Nghe đến Tứ trụ tự nhiên tôi lại liên tưởng đến cái vụ Thần Vòng ngày xưa…
- Vậy là chiều nay đi nhe! Huynh Bửu Sơn lại giục.
- Ừ, nhưng mà tôi thấy ba cái vụ chữa tà này có vẻ bất công làm sao… Tà chỉ có một con, thầy thì đến bốn người. Đã vậy còn triệu thỉnh âm binh thần tướng đến trợ lực nữa chứ. Thiệt là… chẳng đâu vào đâu.
- Trời đất. Bây giờ chữa bệnh không lo, ông lại đi nghĩ ngợi cái gì đâu không. Cứ coi là tụi mình dở đi, nhưng mình làm việc có nệ công sức, có đòi tiền tài gì đâu, miễn người bệnh và gia đình họ tin tưởng ăn chay niệm Phật là tốt lắm rồi. Hơi đâu mà ông nghĩ ngợi lung tung.
- Ông nói cũng đúng. Để tôi tính…
Huynh Bửu Sơn ngắt lời:
- Còn tính cái gì nữa. Đi hay không thì ông cứ trả lời luôn cho rồi.
Thấy huynh ta có vẻ sốt ruột, tôi trả lời xuôi:
- Thì đi chứ sao không...
Chiều hôm đó, hai anh em đèo nhau ra Chợ Lớn. Cậu Chín hẹn chúng tôi ở nhà chú Cón, một người Tàu trước đây đã từng được cậu chữa trị. Chúng tôi đến nơi, thấy thầy trò cậu đã có mặt từ lúc nào…
Cậu Chín vốn là dân Công giáo chính thống. Gia đình cậu mấy đời ngoan đạo nổi tiếng ở nhà thờ TĐ. Sinh ra trong một truyền thống gia giáo, các con của cậu đều ăn học thành tài và vẫn giữ nếp nhà. Cậu vốn là quản đốc một phân xưởng ở một Xí nghiệp in tầm cỡ ở Sài Gòn. Cuộc sống gia đình cậu êm đềm đến năm cậu tròn 49 tuổi… Đêm đó, cậu nằm mơ thấy có một ông già đầu râu tóc bạc đến nói chuyện, tự xưng là ông cố của cậu. Ông già nói chuyện rất nhiều nhưng đại khái là bảo cậu phải ra chữa bệnh cho người… Bài học đầu tiên là cách cắt lễ trị ban… Sáng hôm sau vừa mới mở cửa, cả nhà thất kinh khi nhìn thấy một người phụ nữ ẵm đứa nhỏ mới lên năm đứng sẵn từ lúc nào. Bà ta cứ luôn miệng hỏi thăm thầy Chín. Hỏi ra mới biết bà ta từ Long Khánh vào hai ngày nay. Đứa con bị sốt phát ban mờ cả mắt, thầy thuốc cho thuốc nhưng không đãm bảo tính mạng đứa bé… Trong cơn cùng cực, bà ta được một người tốt bụng cho địa chỉ đến đây để nhờ cứu giúp(!?). Người cho địa chỉ còn dặn, nếu không nhờ được thầy Chín thì đứa con cầm chắc cái chết… Thiệt là tiến thoái lưỡng nan. Từ chối thì bà ta quỳ trước cửa mà lạy, khuyên ngăn thì bà ta khóc lóc thảm thiết. Hàng xóm bắt đầu kéo ra xem… cực chẳng đã, cậu Chín đành đưa người phụ nữ vào nhà, dặn con mua chiếc lưỡi lam mới. Cậu cắt lễ theo đúng những gì đã được chỉ trong giấc mộng… Vừa cắt lễ xong, thằng bé cất tiếng khóc…
Rồi từ chuyện cắt lễ trị ban, cậu chuyển sang trị sưng trặc, khoán giời ăn, huyết dận, từ từ đến cúng đất, trị tà… không ai nhờ mà cậu lại mở miệng từ chối cả, chữa bệnh lại không uống đến một ly nước nhà người. Tôi nhớ ngày trước, có hôm đạp xe đi với cậu lên tận Hóc Môn làm phép ếm đất dậy. Cúng xong mệt phờ phạc, trên đường về mấy cậu cháu khát quá ghé đại vô nhà dân xin nước uống. Từ ban ngày đến tận nửa đêm, có người nhờ là ổng tức tốc lên đường. Phương tiện của cậu Chín cũng như cũa chúng tôi, chỉ là một chiếc xe đạp cà tàng có lẽ tuổi đời cũng gần bằng tuổi cậu… Ban đầu là người nhà dị nghị, con cái cậu phản đối quá Trời. Sau đó đến lượt họ hàng lên tiếng phê phán. Ai nấy đều nói cậu Chín đã bị ma quỷ dụ dỗ rồi, sau này không thễ về nước Chúa được nữa. Cậu Chín khổ tâm quá, đem cả chuyện của mình trình lên đức Cha cai quản giáo phận. Không ngờ, đức Cha lại là người đầu tiên ủng hộ việc làm của cậu… Vậy là cậu Chín an tâm vừa tiếp tục đi lễ, vừa tiếp tục trị tà… Tôi biết cậu Chín qua huynh Bửu Sơn. Lần ấy cậu đang mở ếm cho một gia đình ở khu Đakao. Ngày đầu gặp mặt ấn tượng thật khó quên… Mới gần 60 mà đầu tóc cậu gần như bạc trắng. Người cao nghều, gầy nhom như que củi. Lông mày dài thượt rủ xuống hai bên đuôi mắt, đôi mắt trong veo, lóng lánh có thần. Vừa thấy mặt tôi, cậu đã nói ngay: “Thằng này mắt đỏ vằn mà có thần, chắc là thức đêm luyện bùa hả con?” . Tôi giật bắn mình (quái, cha này sao biết rành mình quá vậy ta?). Chưa kịp nói câu nào, cậu lại lẩm bẩm gật gù rồi nói như nói với bản thân: “Cũng được, vậy cũng được…” (chẳng hiểu gì hết). Lúc ra về, huynh Bửu Sơn mới nói với tôi: “Cậu Chín chúa ghét bùa ngãi. Trong quan niệm của ông, tay nào có bùa đều là tà đạo cả. Vậy mà hổng hiểu hôm nay ổng lại gật gù với ông…” Tôi bắt đầu chú ý đến cậu Chín nhiều hơn. Điều tôi muốn tìm hiểu là tại sao một người Công giáo như cậu lại có khả năng của một tay tu luyện Huyền môn thứ thiệt? Mãi sau này mới biết rằng cậu Chín là một dạng linh căn tu hành theo pháp Vô vi. Trước đây, tôi nghĩ rằng linh căn chỉ là những tay đồng cô bóng cậu, những Công nương hoặc cậu Trạng thường về xác mấy bà, hay mấy tay lại cái nhảy múa quay cuồng mà thôi. Đã có lần tôi theo Thầy Tư Nhang đến dự một lễ cúng ở nhà bà bóng. Ghét ba cái chuyện ợ ngáp, tôi lén thầy đánh một chữ phù Đã Thần Tiên làm mấy bà không về xác được, cứ ngồi nẩy lên như điện giật. Lần đó về bị thầy tôi la quá Trời… Nhưng lần này thì khác. Cậu Chín không có người nhập xác. Dường như họ và các cỏi vô hình có một sự liên thông với nhau qua một tần số nào đó. Cậu Chín khi chữa tà cũng cầm nhang khoán bệnh, cũng đọc những thứ tiếng lạ mà chỉ khi nào tôi đánh quyền hoặc cúng Tổ mới được phép khai khẩu đọc mà thôi. Chữ phù của cậu vừa giống mấy cổ tự Do Thái, vừa giống Lỗ Ban Tứ Chánh phù… Việc trị tà cũng chẳng giống ai. Cậu chữa tà bất kể giờ giấc, dường như những qui định về bốc quẻ không nằm trong chương trình của cậu, rãnh giờ nào, cậu đi chữa giờ đó… (Chuyện này làm tôi rối tung suốt một thời gian vì mấy y thầy tôi không hề dạy những kinh nghiệm như vậy.)
… Vừa gặp hai đứa, cậu Chín nói ngay:
- Thằng Thanh dạo này khỏe không mày. Công việc thế nào?
- Dạ, cũng thất nghiệp dài dài…
- Ừ, vướng vô cái nghiệp này là vậy đó. Thôi mày coi sắp xếp, tao đưa vô nhà máy in để làm với mấy đứa nhỏ (con cậu Chín). Từ từ nó hướng dẫn nghề cho… Tôi ậm ừ cười trừ. Cái số đã như vậy, đi làm ở đâu cũng vậy thôi. Huynh Bửu Sơn vào đề luôn:
- Tình hình sao rồi cậu?
- Hồi sáng nghe người nhà nói nó quậy suốt đêm, coi bộ còn dữ tợn hơn trước...
- Chắc nó động điển rồi cậu ơi! Cái giống này nó linh thông lắm, biết có người giỏi sắp đến, nó quậy hết biết luôn.
- Ừ, tao cũng nghĩ vậy. Nhưng thứ này hổng phải vừa, bàn Tổ của người ta nó còn đập phá được thì mấy tay tầm tầm bước vô nó bẻ cổ như chơi.
- Vậy chứ bữa đầu cậu chữa làm sao?
- Có chữa gì đâu, tao vô tới nó tỉnh rụi như chưa hề có bệnh. Nói chuyện dạ thưa lễ phép quá Trời. Má nó còn ngạc nhiên nữa là…
- Vậy là nó sợ cậu rồi…
- Sợ cái đầu tao chứ sợ. Nó quỷ quái như vậy mới khó bắt, bởi vậy cậu mới gọi tụi bây đến phụ, trấn Tứ trụ cho nó đừng có chạy trốn…
Lúc này tôi mới lên tiếng:
- Cậu ơi! Con nghĩ mình đi giờ này thuộc âm, tính ra giờ thì không thuận lắm, đi vầy có được hôn cậu?
- Sao lại không. Cậu Chín trả lời nhanh – Tao chọn giờ này cho khí âm nó thịnh, chân tướng nó lộ ra, bốn cậu cháu mình mới làm việc được. Đi buổi sáng, nó tỉnh queo hà!
- Nhưng…
- Cứ tin tao đi, tạm cất mấy chuyện bốc quẻ lại một lần rồi sẽ thấy (tôi ngọng luôn!!!)
Đường vô nhà cô Lan quanh co khúc khuỷu. Vòng qua mấy cái ao cá mới đến được căn nhà mái ngói khang trang, chơ vơ giữa khu đất Hợp tác xã. Nghe chúng tôi đến, bà con kéo nhau tới coi rần rần… Bửu Sơn hơi run, khều nhẹ cậu Chín:
- Cậu ơi, sao mà đông vầy nè. Coi chừng chính quyền để ý… (Trời đất, thầy bùa không biết sợ ma, chỉ sợ… cảnh sát)
- Khỏi lo, chuyện của nhà này cả vùng biết hết rồi. Ba má con nhỏ có gốc gác lớn ở đây. Cứ lo chuyện của mình đi…
- Dạ…
Má cô Lan chạy ra, ốm nhom, tóc bạc nhiều. Trông bà có vẻ tiều tụy xơ xác quá.
- Thầy Chín ơi, chiều giờ nó la hét quá Trời, thiếu điều bứt đứt sợi dây xích luôn. Phải mấy người áp đè xuống mới buộc thêm một sợi dây nữa vào chân nó… Cách đây khoảng mười phút, tự nhiên nó tỉnh táo như không hề có bệnh, nó kêu tôi mở xích nhưng tôi chưa dám…
- Nó biết tụi tui tới đó thôi. Bà đừng có nghe lời nó nha, hối hận không kịp đó. Cô Lan được tháo xích đưa ra. Trông điệu bộ của cô không ai dám nói rằng cô bị tà nhập. Cô khép nép chào mọi người, bảo làm gì cô làm đó. Vẻ ngơ ngác của cô khiến nhiều người phải động lòng. Tôi thầm đọc kinh Tổ và nhìn thẳng vào mắt cô Lan, đôi mắt cô ta Bổng láo liêng và hằn lên vẻ thù hận khiến tôi bất chợt rùng mình… Cậu Chín đưa cô Lan ra ngồi trên chiếc chiếu giữa nhà, trước bàn thờ gia tiên, vừa yểu điệu ngồi xuống, cô vừa ngơ ngác nhìn mọi người miệng cứ hỏi đầy vẻ ngạc nhiên “Ủa, sao con phải ngồi đây vậy? Má, con đâu có bệnh gì mà sao bắt con ra đây? Con mệt quá, cho con vào trong nghỉ một chút đi...” Mặc kệ cô ta nói gì, mấy anh em chúng tôi tự động chọn vị trí bao quanh. Cậu Chín thủ hướng Bắc, ngay trước mặt, huynh Hoàng đệ tử của cậu và huynh Bửu Sơn chọn hai hướng Đông Tây. Tôi lùi ra sau lưng cô Lan toạ vị phương Nam. Nhà đông người mà không khí yên tĩnh một cách lạ thường. Thấy cậu Chín và hai huynh chắp tay định thần, tôi liền thủ tay tả Lôi ấn, tay hữu Kiếm quyết, miệng triệu thỉnh: “Nam mô Hỗn nguơn hắc khí đằng đằng vị phán Lỗ Ban Cửu Hầu tiên sinh luật lịnh nhiếp…” Không khí trong nhà ngột ngạt đến khó thở. Cô Lan đã thôi nói, mặt cô sầm lại và nhợt nhạt, mắt trợn trừng ngó dáo dác. Bất chợt cô Lan cất tiếng cười ha há… ai nấy sởn gai ốc… Cô Lan ngồi rung đùi gật gù:
- Vui quá hả, hôm nay vui quá! Hôm nay tao tay đôi với tụi bây.
- Grừ… ừ…
Huynh Hoàng đang đứng Bổng khuỵu xuống, mắt long sòng sọc, hai tay thu trước ngực, ngón tay quắp lại. Hắc Hổ đã về. Huynh Hoàng gầm gừ như cọp, vờn quanh cô Lan như vờn mồi. Cô Lan không cười nữa nhưng vẫn ngồi rung đùi như khiêu khích… Bất chợt huynh Hoàng nhảy xổ vào cô Lan, tay phải làm Hổ trảo ấn trên Thiên linh, tay trái áp vào huyệt Đại truy, gầm lên một tiếng lớn. Cô Lan giật nẩy mình lên hét lớn:
- Đau quá mày! Cái con cọp đen này!!!
Huynh Hoàng vẫn tiếp tục gầm gừ, hai tay câu lại thành vuốt cào dọc theo vai và sống lưng cô Lan. Mỗi lần cào, cô lại la thét đến rởn óc… Một lúc sau, huynh Hoàng có vẻ đuối, tiếng gầm nhỏ dần rồi tắt hẳn. Huynh ấy xuôi tay lim dim (chắc là Hổ xuất rồi). Ngay lúc đó, cô Lan chợt quay ngang, một tay nắm cổ, một tay nắm tóc huynh Hoàng… Đã có kinh nghiệm một lần, tôi tung luôn ấn Ngũ Lôi thần tướng vào giữa Đại Truy của cổ. “Á” – Cô Lan buông huynh Hoàng ra, ưỡn người cong vòng như cánh cung, miệng gào thét rủa sả… Sợ con tà làm loạn, tôi bắt ấn họa ngay một chữ phù trói tà. Cô Lan nẩy người lên một cái nữa rồi ngồi yên không nhúc nhích (hổng biết do cổ mệt hay nhờ chữ phù của mình nữa). Huynh Bửu Sơn bắt đầu mới xuất chiêu. Chụp cái chuông để trên bàn thờ gia tiên xuống, huynh ta gõ liên hồi, vừa gõ vừa đọc tiếng lạ. Cậu Chín cũng xòe hai bàn tay gầy khẳng khiu ra khoắng thành nhiều vòng tròn bí ẩn trước mặt cô Lan. Cô Lan đưa hai tay lên bịt lỗ tai, vừa bịt vừa khóc lóc om xòm. Tôi ngó qua thấy má của cổ đang ngồi ôm mặt khóc theo… Bất chợt huynh Bửu Sơn hét lên “ĐÁNH” , vừa nói huynh ta vừa nện một cái chát chúa vào thành chuông, cậu Chín cũng tung hai chưởng cách không vào cô Lan.
- Chết tôi rồi! Cô Lan bật ngửa ra phía sau, quằn quại như con rắn bị dập đầu, miệng không ngớt van xin.
- Thầy ơi tha cho con đi mà, thầy ơi làm ơn tha mạng cho con…
- Mày muốn tha mạng thì ngồi dậy uống hết ly nước này đi – Vừa nói cậu Chín vừa quơ tay lấy ly nước để sẵn trên bàn thờ xuống, họa vòng tròn vào ly mấy cái rồi đưa cho cô Lan. Cô Lan co rúm người lại:
- Thuốc độc, thuốc độc mà… làm sao uống!
- Không phải thuốc độc, là nước phép. Mày nói sai nữa lời thì nó đốt cháy bên trong của mày, vậy là tiêu luôn, khỏi đầu thai.
- Con hổng uống…
- Hổng uống tao đánh nữa – Cậu Chín giơ chưởng lên.
- Dạ để con uống – Cô Lan há miệng ra, cậu Chín nhanh tay tọng nguyên ly vào.
- Rồi, bây giờ nói đi. Mày tên gì? Ở đâu?Tại sao mày lại đeo xác người ta?
- Dạ, con là Bùi Duy N…, lính thủy đánh bộ, chết năm 1966… con chết dưới nước lâu lắm rồi, nhằm giờ linh nên con không đi đầu thai cũng không lên bờ được. Hôm đó cô Lan làm rơi cái khăn và chiếc lược xuống nước. Nhờ đó mà con mới theo cổ về đây… Thầy thương tình cho tụi con được cưới nhau…
- Đồ điên – Cậu Chín nạt ngang (hà, đàng bố mà cũng điên, chuyện này lạ nha) – Mày không biết luật Trời hả, coi chừng Thiên Lôi đánh bây giờ (hì, Thiên Lôi đâu chưa thấy nhưng Ngũ Lôi thì có rồi).
- Thầy thương con mà…
- Thôi, mày chịu rời bỏ xác này, tao lập đàn cúng tế đàng hoàng, cấp cho đủ thứ mày cần. Muốn tu thì tao đưa về núi, muốn đầu thai thì tao nhờ thầy siêu độ cho…
Cũng mất đến hơn ba giờ vừa khuyên nhủ vừa làm phép, mấy cậu cháu mới ép được con tà làm tờ giao ước. Giấy bút được đưa ra, cô Lan ngồi thảo tờ giao ước nhanh như viết tốc ký. Viết xong, má cô Lan nhìn vào giấy nói: “Chữ này hổng phải nét chữ của nó” … (Thật ra, quá trình chữa trị kéo dài gần một tuần mới dứt. Nhưng vì sợ kể lễ dài dòng nên xin tạm thu gọn trong một buổi mà thôi.) Ba ngày sau, đúng hẹn chúng tôi đến cúng giải tà. Bàn thờ đã chuẩn bị sẵn sàng, bên cạnh là chục chén đũa, một bộ chiếu gối mới, một hình nhân nữ… Sau phần triệu thỉnh, huynh Bửu Sơn cúng Mông Sơn thí thực… cậu Chín chặt đôi tất cả những thứ đồ đạc cúng theo, bỏ vào thùng đốt cháy rụi. Những thứ tro tàn ấy được đem ra sông lớn mà đổ. Tuyệt đối đổ xong quay lưng lại đi ngay không được phép nhìn. Riêng tôi, bắt chước Thầy Tư, cẩn thận xén chút tóc của cô Lan gói vào lá bùa trảm tà, phòng hờ sau này có chuyện gì xảy ra chăng… Bệnh cô Lan khỏe hẳn, mẹ con cô đêm đêm trì tụng bài chú Bạch Y và kinh Cứu Khổ mà huynh Bửu Sơn để lại. Không biết sau này lấy chồng rồi, cổ có còn trì tụng hay không nữa. Nắm tóc của cô, tôi để kỹ trên bàn thờ, ba năm sau mới đem ra hóa… Có một điều nữa, từ lúc bắt đầu trị bệnh cho đến khi cô Lan khỏe lại, không hề thấy bóng dáng ba cổ ở đâu cả (có lẽ ổng ngại chăng?) Thế là một ngày chữa bệnh nữa lại trôi qua, cậu Chín và chúng tôi tự thưởng mình bằng một chầu hủ tiếu chay và cà phê… Bằng tiền mợ Chín cho lúc sáng.
0 comments:
Post a Comment