Thần Hổ (III)

Leave a Comment
..Sáng loáng ba mũi dao. Ông Bỉnh ngã xuống đất lộn mấy vòng. Hổ bay đi, dao bay lại.

Loảng xoảng. Âââ... uôômm. Máu trong mình hổ vọt ra, đỏ ngầu, tia xuống đất. Ngoảnh đầu lại Thắng Mãnh đã ở lưng chừng khe thẳm, bám vào sợ song lủng la lủng lẳng. hai chân lõng thõng giữa trời. Nhìn lên cao, ông Bỉnh đã ngồi chồm chỗm trên một cành cây chót vót từ lúc nào không rõ. Con hổ vồ hụt tức tối lắm, lại gầm lên một tiếng nữa. Nó quay lại nhìn về phía cầu, định chồm lại trả thù ngay cho hả cơn nóng tiết. Nhưng nó không thấy ai cả. Mình nó lúc bấy giờ đẫm máu, trông rất ghê sợ. Dưới bụng nó một vũng đỏ ngầu thay hẳn sắc lông trắng; trên mặt nó vấy đầy nưhngx giọt máu tươi. Giwũa con mắt bên trái loài ác thú, một con mã tấu vẫn còn cắm chặt vào xương vào thịt. Máu ròng ròng chảy xuống như những dòng huyết lệ. Mồm hổ cũng phun ra dãi đỏ, y chừng nó bị mấy mũi dao làm cho sưt mũi, rụng răng. Nhất là bụng nó trông rất đáng thương; dưới bụng, như tưới cỏ xanh, một tia máu phtj ra không ngớt. Đau đớn quá, tức giận quá, con vật thét lên những tiếng kinh thiên động địa, gầm lên, lồng lên, quay ngang nhảy ngửa đến chín mười vòng để tìm người hại nó, cắn xé cho kỳ tan xác. Nhưng nó không làm gì được. Nó đành đứng trên bờ suối giương con mắt còn sót lại nhìn ông Bỉnh trên cây và Thắng Mãnh giữa khe một cách oán hờn, dữ tợn; nó chiếu thẳng vào hai cha con nhà thiện xạ những tia sáng quắc, đầy ý tưởng căm tức, tưởng chừng nó nguyền rủa hai cha con nhà ấy, và thề có trời đất chứng giám, thế nào nó cũng quyết chí báo thù rất độc ác sâu xa.

Nhưng bị thương như thế, chửa chắc nó còn sống sót ! Nó nhảy chồm lên hồi lâu cho hả giận; rồi, biết lúc này lực cùng thế kém, sau khi gầm lên một tiếng cuối cùng rất thê thảm, đau đớn, nó đi thẳng tuột vào rừng.


Ông Bỉnh khi ấy chưa dám xuống vội; ông còn ngồi trên cây một lúc rõ lâu nữa, chờ cho con mãnh thú đi thật xa, trốn biệt tích, bấy giờ ông mới nhìn trước nhìn sau cẩn thận trụt từ trên cây xuống, lại giữa cầu kéo dây song đem Thắng Mãnh lên. Ông vừa đem được con trai lớn lên mặt cầu, thì một bàn tay đen thui thủi, tựa như làm bằng bùn, nhô lên cào chân ông. Điềm tĩnh như không, ông Bỉnh cúi xuống, lấy tay nắm chặt cổ tay bùn ấy, kéo lên cầu một con quái vật trông kỳ dị lạ lùng. Con quái vật ấy không phải ai xa lạ cả, nó tức là Lầm Phá, nhưng một Lầm Phá trát bùn từ đầu đến chân, lại cầm trong tay tả một con dao găm sáng loáng và rớm máu. Thì ra anh chàng con út ấy phải nằm phục dưới cầu, dùng dây buộc mình vào thân cầu, nằm dài theo chiều cầu và áp mặt vào phía dưới sàn. Anh ta phải tắm bùn cho hổ không thấy hơi người nữa, rồi cứ nằm ngửa sát mũi vào những cây luồng, hé mắt qua khe hổng để nhìn lên trên cầu. Đợi khi Thắng Mãnh dử hổ lại giữa khe hổng và buộc xong đâu đấy phân minh, Lầm Phá mới dùng lưỡi dao găm đâm nhè nhẹ vào tay anh, ra hiệu. Khi Mãnh huýt còi cho hổ phải bàng hoàng kinh ngạc, thì Phá đưa lưỡi dao găm cho ngọt, dùng thân luồng làm thớt, cắt mất của ông chúa sơn lâm cái quý vật rơi lòng thòng xuống khe cầu.

Thế là hổ đau quá, nhảy chồm lên; ông Bỉnh chỉ việc phióng dao cho đúng rồi chạy trốn. Công việc hoàn thành đâu đấy, ba cha con vội vã ra về. Cả ba cùng không dám chậm trễ, chạy tuột một mạch vào động lấy ngựa, rồi ra roi phi nước đại, không dám ngoái cổ lại nhìn. Vì lúc đó, một tiếng "ââ uôôm" long trời làm vang động cả một khu rừng núi.

Về đế nhà, ba cha con cùng nhau vui vẻ bàn bạc, đinh ninh rằng loài ác thú kia, bị những vết tử thương như vậy, thì khó lòng sống được ba ngày. Rồi ông Bỉnh vui vẻ vào báo tin mừng cho quan huyện biết.
III

Cách đấy non một năm, nhờ ơn cha con ông Bỉnh trừ hại cho dân, quả nhiên huyện Thạch Thành không bị hổ thần làm náo loạn nữa. Thổ dân làm ăn được yên dạ, vui vẻ chắc mẩm rằng con yêu tinh kia đã bỏ thân trong khe hiểm, vực sâu nào đó. Chỉ có một điều đáng nghi ngại là, từ khi con hổ bị một phen đau đớn, tuy nó biệt tích, nhưng không nhà đi săn nào tìm thấy xác chết nó ở đâu. Có lẽ nó chạy sang một quả núi khác ở tận vùng xa để chết.

Sự làm ăn của gia đình họ Đèo, sau khi đánh hổ, vẫn được vui vẻ, cường thịnh mãi đến ngày, không hiểu vì sao, Đèo Thắng Mãnh đi ăn giỗ ở một làng bên cạnh, đi đến quá ba ngày đêm mà vẫn không thấy trở về. Ông Bỉnh sốt ruột sai đầy tớ phi ngựa đi tìm, thì khi quay về, tên đầy tớ bảo rằng chủ nhà làm giỗ nói Đèo tiên sinh về cách đây đã được ba hôm. Hôm ăn giỗ, sau khi cơm nước xong, đến xâm xẩm tối, Mãnh cáo từ về ngay, không nán lại một phút nào cả. Thế thì Mãnh vì sao mà biệt tích ? ĐI du lịch chăng ? Lên tỉnh chăng ? Xưa nay Mãnh đi đâu cũng đều về xin phép cha mẹ hẳn hoi, hoặc báo tin cho nhà biết. Lạ thật ! hay là hắn bị ám sát ? Không có lẽ, vì Mãnh có thù hiềm ai và có ghen tỵ, tranh cạnh cùng ai bao giờ ? Có khi Mãnh mê cô nàng nào mà phút chốc bỏ nhà, bỏ cửa ? Cái đó lại càng vô lý nữa. Vì, xưa nay, Mãnh là người rất có giáo dục. Từ thuở nhỏ, Mãnh vẫn được học, vẫn được cha dạy cho thế nào là luân lý, cương thường, bình sinh hắn đối với đàn bà, dẫu đối với những cô nàng tuyệt sắc, cũng không khi nào có cử chỉ ra ngoài quy củ. Không lẽ nhất đán, hắn nỡ bỏ cha, bỏ vợ, bỏ con và em đi theo một ả nhân tình ? Vậy thì có lẽ hắn bị ám sát thật ! Song lẽ, bên nhà người mời ăn giỗ, khách khứa đều là bạn tốt, có ai nỡ lòng giết Mãnh, mà có giết thì để làm gì ? Lạ... lạ quá.

Ông Bỉnh cho người đi tìm con khắp bốn phía. Sau ba ngày tìm kiếm, Lầm Phá thấy xác anh nằm trong khe đá, bên cạnh một dòng suối nhỏ, thân thể bị nát bét, ruồi bọ bâu đầy, mùi hôi thối xông lên sặc sụa, ngạt mũi. KHi khám tử thi, Phá rất lấy làm kinh ngạc.

Áo Mãnh vẫn còn lành lặn y nguyên, không rách. Chỉ có quần thì bị cắn nát, tơi tả ra từng mảnh, để lộ nửa người dưới ra ngoài. Nhờ sự rách quần ấy, Phá nhận rõ thấy anh mình bị một loài gì cắn mất hạ bộ. Và không những thế, sau khi vạch làn tóc rối loà xoà phủ kín mặt người chết, Phá lại nhận thấy Mãnh bị mất con mắt bên trái, ai đem móc ra và vứt đi tự bao giờ. Phá đau lòng quá, quỳ xuống thây anh khóc sướt mướt, rồi không quản hôi thối, cõng anh lên vai chạy một mạch về nhà.

Ông Bỉnh trông thấy xác con, vừa đau đớn vừa lo sợ. Lo sợ, vì ông suy nghĩ, biết ngay Thắng Mãnh thiệt thân không phải tại bị người ám sát, mà chính là bị Thần hổ xám cắn tha đi. Thật là ông vô phúc ! Lần này thế nào ông cũng bị vạ diệt môn ! Ông Bỉnh cuống cuồng lo ngại quá.

Ông Bỉnh thật là người thông minh, nhanh trí. Ông đoán không sai chút nào. Quả nhiên, con ác thú gần thành tinh kia chưa chết. Nó tuy bị một phen đau đớn cực điểm - mù một mắt, gãy hai ba cái răng, cụt mất d ương vật và sứt mất mũi, - song nó khoẻ lắm, nó chống cự rất hăng hái với tử thần, với thương tích, nó chạy vào một khe núi sâu thẳm nằm dưỡng bệnh, nó cố bám lấy sự sống. Sau khi lăn lộn mãi trong một thời gian thập tử nhất sinh, nó thoát nạn, thương tích của nó dần dần vá lại, nó đoạt được số phận gần nghiêng ngửa, lung lay. Nó sống. Nó sống là nhờ lòng tận tuỵ, nghĩa thuỷ chung của một con hổ cái, vợ nó, ngày ngày hết sức rình mồi, săn các dã thú để nuôi nấng nó và hơn nữa, đi lùng trong rừng những thứlá thuốc đem về cho nó ăn rồi đắp vào những vết thương cho nó. Người ta bảo giống vật không có trí khôn, nhưng mà thực quả trời - đấng hoá công tối thiêng liêng kia - đã phú cho mỗi loài một thứ khí giới riêng để bảo tồn nòi giống. Mỗi một con vật - không ai bảo mà biết - lại có riêng một thứ lá để dùng những khi có tật bệnh. Những thứ lá ấy toàn là vị thuốc rất nghiệm, rất hay. Người Mường tò mò đi theo vết chân khỉ đi hái thuốc, có tìm được một vài thứ lá ấy. Vì thế nên khoa thuốc Mường có nhiều môn bí hiểm nhưng rất tài tình.

(Còn nữa)

Thần Hổ I

Thần Hổ (II)

--------------------------------------------------------

*Ghi chú :

Tác giả : Tchya ( 1908 - 8.VIII.1968 ). Tên thật là Đái Đức Tuấn. Bút hiệu khác là Mai Nguyệt. Người xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Đỗ bằng tú tài, Trước 1945 đã từng nhiều năm làm Tham tá ở Nha học chính Đông Dương. Viết cho các báo Đông Tây, Nhật Tân, Tiểu thuyết thứ bảy. 1946 tham gia Việt Nam Quốc dân đảng, sau đó bỏ sang Trung Quốc. Từ 1947 - 1968, sống ở Hà Nội, rồi vào Sài Gòn, dạy học và viết báo. Từng tham gia Trung tâm văn bút Sài Gòn và đi dự hội nghị Trung tâm văn bút thế giới ở Tôkyô, 1957.

Tác phẩm chính :

- Thần hổ (1937)

- Linh hồn hay xác thịt (1938)

- Kho vàng Sầm Sơn (1940)

- Ai hát giữa rừng khuya (1942)

- Đầy vơi (Thơ, 1943)

Thần hổ là tập truyện dài gồm 3 chương, có tính cách 3 truyện ngắn tương đối biệt lập : Biệt cố hương, Ma trành, Báo phục đăng trên Phổ thông bán nguyệt san, số 10, ra ngày 1 tháng 9 năm 1937. Tác giả tiếp thu những cốt truyện truyền kỳ trong sách cũ, phối hợp với nhiều mẩu chuyện ly kỳ được lưu truyền trong nhân dân các huyện miền núi Thanh Hoá khoảng ba bốn thập kỷ đầu thế kỷ XX, tạo nên một câu chuyện rùng rợn với không ít tình tiết thần bí hoang đường. Có thể coi đây là kiểu truyện phỏng truyền kỳ tiếp sau Trại Bồ Tùng Linh, Vàng và máu... của Thế Lữ.

Download những diễn biến tiếp theo qua giọng đọc: Nguyễn Đình Khánh & Bích Hà tại đây:



0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm