Thần Hổ (II)

Leave a Comment
Nghĩ vậy, không dám đánh bạo hấp tấp, ông Bỉnh đành nén giận, lủi thủi vác súng trở về. Về đến nhà, ba ngày ba đêm, ông mất ăn mất ngủ ; không phút nào ông không nghĩ kế trừ mối hại cho dân hàng hạt được bình yên. Mãi đến ngày thứ tư, một buổi sáng sau khi ngắm nghía hết sức kỹ càng địa thế của trường đấu chiến, sau khi đứng trên bờ suối nhìn kỹ tấm cầu tre đến hơn mười lượt, ông Bỉnh mới vỗ trán một cách sung sướng và đắc chí : ông đã tìm ra một kế tuyệt diệu, phi thường.

Vội về nhà, ông cho gọi con trai lớn của ông là Đèo Thắng Mãnh, một trang thiếu niên khôi ngô tuấn tú, lực lưỡng và đỏ xạm như đồng đen. Ông Bỉnh thì thầm vào tai con mấy câu : cậu cả Mãnh nghe xong thì phớn phở ra đi, vừa đi vừa cười tủm tỉm. Ông Bỉnh lại gọi đứa con rốt của ông - ông vốn chỉ có hai con trai, không có con gái - là Đèo Lầm Phá, cũng to lớn lực lưỡng như anh, năm ấy mới hai mươi mốt tuổi. Ông dặn Phá vài lời quan trọng, thấy Phá cũng hớn hở ra đi. Xong đâu đấy, ông thay quần áo, mặc một bộ y phục màu lam, bó chẽn lấy thân thể; ông lại vào lục dưới đáy hòm bục (tức là cái giường vừa dùng làm rương để đồ đạc ) lấy ra ba con mã tấu ngắn, đem mài sáng quắc, rồi ông quấn một vòng khăn đầu rìu, thắt một chiếc dây lưng màu đỏ sặc sỡ, xỏ chân vào một đôi giày Tàu tết bằng cỏ, ông lại lấy ra một chai nước gì không hiểu, đổ nước vào bát, xoa hai ba lần vào bàn tay, cánh tay, cổ tay và xoa lên mặt. Sắm sửa cẩn thận xong xuôi, ông Bỉnh rút trên liếp một cái tù và bằng sừng trâu, thổi lên một tiếng to, rồi buộc tù và bên cạnh sườn. Tức thì ở dưới nhà chạy vội lên một người ăn mặc một cách lạ lùng vô kể. Người ấy trông như một hình hình nhân bằng rơm hay bằng cỏ, như một thứ bồ nhìn to lớn hơn người thường, và cử động rất lanh lẹn. Người đó toàn thân mặc một thứ quần áo kỳ dị, làm bằng thừng cói, từng vòng tròn một xếp lên nhau.. Ta cứ tưởng tượng thăng người "Michelin" (1) mặc áo làm bằng bánh ô tô ta sẽ trông rõ rệt hình ảnh của người bồ nhìn kỳ dị đó, nếu ta đem thay những bánh cao su tròn bằng những vòng thừng hoặc chão. Người ấy chỉ để lộ ra ngoài có đầu, hai tay và hai chân. Cứ như lời thuật lại của Lầm Khẳng sau này, thì nười đó trong có mặc một lượt quần áo bông chẽn nữa, hoá nên to lớn trông như con bò mộng. Trên đầu, hắn ta bịt một vành khăn vải rất dày, che kín cả tai cả cổ, chỉ để lòi ra bộ mặt đen sạm, nhưng hồng hào, cương quyết vô cùng. Chân hắn ta cũng đi một đôi hài cỏ như đôi hài của ông Bỉnh. Cũng như ông Bỉnh, hắn thắt ngang lưng một chiếc thắt lưng sặc sỡ; buộc vào chiếc dây lưng đó, mé bên phải, một cuộn mây rất dẻo và trông vẻ rất bền. Nếu ta không trông thấy hai con mắt tinh anh, rất sáng, và có cái mồm rất duyên, để lộ hàm răng trắng nuột, thì ta không thể đoán biết người vạm vỡ ăn mặc kỳ lạ đó là ai. NHưng lúc nhìn kỹ, nhận thấy nét mặt rắn rỏi, nước da trơn bóng và vẻ thông minh, sắc sảo từ trong đồng tử chiếu ra, ta biết ngay người đó là Đèo Thắng Mãnh.

Tiếng tù và thổi lên vừa dứt, Mãnh ở dưới nhà nhô lên, cùng ông Bỉnh đi ra ngõ. Duy có Lầm Phá thì không troong thấy tăm hơi đâu cả. Hai cha con Thắng Mãnh cùng lên ngựa đi về mé Phố Cát. Lúc ấy độ hai giờ chiều. Gần đến chiến địa, tức là chỗ cọp hay xuống, đến một quãng đường quặt trên sườn núi, hai cha con nhìn thấy một con dê bị buộc mõm treo trên cành cây cao, một quả gấc sắp chín, cũng buộc lủng lẳng vào cành cây ấy, và trên thân cây, một cái búa sắt cắm sâu vào gỗ. Tức thì, cả hai cùng xuống ngựa, đem ngựa giấu trong một cái hang gần đó, buộc vào chỗ kín; rồi ông Bỉnh treo lên cây bắt con dê xuống, mang nó sang phía bên kia cầu, buộc chân nó vào một cái cọc cắm sát mặt đất, làm hình như nó bị vướng chân ở đó, lại mở dây trói mõm ra, thả cho nó kêu "be be" inh ỏi. Công việc vừa xong, ông Bỉnh vội lủi vào trong bụi ngồi nấp. Thắng Mãnh theo cha, cũng nấp ở gần đó độ vài thước.


Đợi ngót nửa trống canh, vào khoảng giữa giờ Thân, một tiếng gầm inh ỏi, trong lanh lảnh như tiếng khánh, làm tạo hoá phải giật mình kinh hãi. Những loài chim chóc, đương ríu rít kiếm ăn, rào rào vỗ cánh bay đi chỗ khác, những loài chồn, loài thỏ vội chui rúc vào lỗ, không dám lộ đầu ra ngoài. Con nào vô phúc chạy bị vấp, thì đành chổng ngược bốn vó lên trời, kinh khủng đến cực điểm, không lê đi được bước nào nữa, cứ đành run lẩy bẩy mà liều với số mệnh.

Một mùi hôi thối nồng nàn, sặc sụa, xông lên mũi hai cha con họ Đèo, tựa hồ tất cả gầm không khí bao bọc khu rừng toàn bị mùi hổ làm cho nhơ nhớp. Một cái bóng lù lù tự phiwá Đông Nam đi lại, ở trong một bãi sậy nhô ra. Cái bóng ấy vươn mình mấy lượt; mỗi một lượt vươn tấm hình hài vừa dài vừa to lớn, là một lần cúi gầm mặt xuống đất, ngáp một cái dài. Rồi những tiếng "à uôm" vang trời nối theo những cái ngáp dài ấy. hai cha con Thắng Mãnh nhận biết Thần hổ xám, con hổ đã làm cho cả huyện Thạch Thành kinh sợ hơn sợ Thánh, sợ Trời. Con vật đã làm cho nhân dân huyện ấy không lúc nào làm ăn mà không nơm nớp lo ngại. Hai cha con lại hiểu rằng tục truyền không phải toàn những lời sai ngoa vô bằng cứ. Phàm trong loài cọp, hông con nào lúc ngáp dám ngửa mặt lên trời. Bởi lẽ mồm cọp rất hôi; tung hơi bẩn lên mặt Thượng đế là một sự tối vô lễ; những con mãnh thú trước kia làm vô ý như thế, đều bị Thiên lôi dùng lưỡi tầm sét đánh cho tan nát hình hài. Cho nên ngày này, những con mãnh thú ấy, - nhất là hổ - rất sợ sấm sét, và không khi nào dám ngạo mạn tuôn ám khí lên mây nữa.

Nhưng đó là một phương diện khác. Lúc hai cha con họ Đèo thấy hổ xám tiến lại, cả hai cùng nép mình yên lặng, thu hết can đảm và nghị lực, ngồi chờ. Hổ từ từ vừa vươn vai vừa đi lại phía Bắc, nghĩa là lại mé đầu cầu. Bên kia cầu, trước mặt hổ, là một rừng cây rậm rạp mọc ven sườn núi, chỗ ẩn thân của hai cha con nhà thiện xạ. Gần đến cầu, hổ đứng dừng lại như bị một mãnh lực gì ngăn cản. Mãnh lực ấy là sự sung sướng bắt được mồi, nó cũng là sự ngạc nhiên. Vì ngay trước cầu, dưới mắt hổ, một con dê rừng con, kinh khủng, đương nhảy cuống cuồng nhưng không thể làm sao giật đứt được sợi dây trói buộc chân vào cọc. Nhảy lồng mãi vẫn vô hiệu, tiểu sơn dương đành phủ phục chịu số mệnh trước mặt chúa sơn lâm, hai mắt như van lơn, mồm tuôn đầy bọt dãi, trông rất thương hại. Hổ đứng yên hồi lâu, nhìn ngang ngửa như e ngại có kẻ lừa dối mình, rồi chú ý trông thẳng vào miếng quà ngon quý. Miếng quà ấy, chịu không nổi mãnh lực thôi miên của đôi đồng tử sáng ngời điện tuyến, mầm nhũn ra như một cái xác không xương. Hổ bèn tiến lại gần, giơ chân trước vả cho một cái, ngửi một lúc, rồi định tha mồi quay trở vào bụi, ngồi thong thả gặm từng tí một cho hả cơn thèm thịt nõn nà. Nhưng, vả chết mồ thì dễ, thanó đi lại hơi khó một chút.

Bởi lẽ con dê kia bị vướng dây buộc chắc chắn chân sau vào cọc đóng sâu xuống đất đế non ba bốn gang tay. Hổ đành phải cắn chân dê cho gãy, bỏ chân vướng lại ngõ hầu ngoạm xác mang đi. Đương cặm cụi làm nốt việc cuối cùng ấy để được hưởng giờ khoái lạc thì, bỗng đâu, một vật gì rất kỳ dị tự trong bụi nhả xô ra, bước qua cầu, vứt vào mặt hổ một miếng quái gì không rõ, tròn như quả bóng mà xanh xanh đỏ đỏ, hay hay. Hổ giật mình, nhả mồi lùi lại phía sau, đứng giương mắt thôi miên vật ấy. Vật ấy như không sợ đôi mắt long lanh của hổ, cứ sấn lại, nhặt lấy xác dê. Hổ vừa điên tiết, vừa tức nỗi bị tranh mất mồi, nhảy chồm lên, xông lại vồ con vật bất nhã ấy. Lạ quá nhảy lại đến gần nó, thì con vật đó lại nhào đi, tránh né rất tài tình. Trông cái thân hình múp míp và tròn trùng trục như cối xay kia, ai bảo con vật quái dị đó lại nhanh đến thế ! Nó cứ thoăn thoắt nhảy đi, nhảy lại làm cho hổ càng ngày càng nóng máu, điên cuồng. Hổ hết vồ lại đứng nhìn, hết nhìn lại vồ, nhưng không tài nào cướp được mồ và vả chết được cừu địch. Tranh đấu như thế được ít lâu : sang giờ Dậu thì hổ như hơi chán hơi mệt, bởi lẽ những cái vồ, những cái chồm nặng nề, cố sức của mình đều vô công hiệu cả. Sau cùng, đắn đo lừa miếng mãi, hổ mới nhảy bắt được con vật ăn cắp dê. Con vật đó tựa như bằng lòng để hổ vồ mình; nó cúi đầu chạy tuột vào bụng hổ, cho hổ ngồi đè lên nó gọn thon lỏn.

Con vật ấy là Đèo Thắng Mãnh, người mặc áo kết bằng chão đó.

Thắng Mãnh vừa lừa dịp chui vào ngồi chồm hỗm dưới bụng hổ, trong bụi lại thấy nhảy vút ra một người ăn mặc gọn gàng, thắt dây lưng đỏ choé. Người ấy là ông Bỉnh. Cọp chưa có thì giờ cúi xuống cắn xé Mãnh, thì ông bố mãnh đã nhảy vọt qua cầu, sang tới trước mặt nó. Ra đến ngoài, ông dùng ba con mã tâu sáng quắc, cứ vờn đi vờn lại trước mặt hổ, bắt hổ phải kinh ngạc, sợ hãi nhìn những khí giới sáng loé ấy. Quả nhiên, hổ không dám cúi đầu xuống thật; muốn cúi xuống lại sợ trong khi vô ý, kẻ múa đao kia thừa cơ đâm một mũi mã tấu vào mặt mình. Vì thế, chứa sơn lâm cứ phải đờ mắt chăm chú nhìn ông Bỉnh giữ thế thủ, không dám khai thế công. Trong khi ấy, Mãnh, mặc áo nịt kỹ càng, không sợ gì răng nhọn và vuốt sắc nữa, cứ việc ngồi điềm nhiên thu mình dưới bụng hổ. Đáng lẽ, nhân khi hổ mải nhìn ông Bỉnh, Mãnh phải thừa cơ mở cuộn dây trong người ra buộc lấy hai chân sau loài ác thú. Nhưng Mãnh mặc áo quần nhiều quá đến nỗi người to như cối xay, ngồi trong lòng hổ không tài nào cử động được. Biết việc buộc chân làm không nổi, Mãnh sẽ dịch một chút lên phía trước cố ý làm cho hổ thấy mình cựa. Hổ tuy thấy dộng nhưng cũng không dám cúi nhìn, lại phải nhổm đít lê lên một tí, nhốt chặt Mãnh vào khoảng giữa bốn chân mình, không cho Mãnh trốn thoát. Ông Bình hiểu ý, vừa múa đao, vừa lùi về mé cầu một bước, Mãnh lại làm ra bộ muốn trốn, tiến lên một vài tấc. Hổ lại xê lên một chút để giữ lấy mồi. Ông Bỉnh cũng lùi lại phía sau một bước nữa. Dần dà cứ thế mãi, cả ba, độ một giờ sau, cùng ở trên mặt cầu. Hổ đến ngồi chỗ vẫn thường ngồi mà không biết. Lúc hổ đã tới chỗ ấy, thì Mãnh chịu khó ngồi yên, không cựa nữa mà ông Bỉnh cũng không lùi nữa. Chỗ hổ ngồi là một lớp sàn, làm bằng tre hoặc luồng, chắp lại như một cái bè dài, dùng làm cầu bắc ngang qua khe suối. Thế tất những quãng giữa hai cây tre chắp lại là một khe hổng dài làm cho ta đứng trên cầu, có thể trông suốt được xuống đến mặt suối. Những đường kẻ ấy, có chỗ bề rộng đến hơn một tấc ta. Chỗ Thần hổ ngồi, có một đường hở to như thế. Hai cha con Mãnh cố ý làm cho hổ ngồi đúng giữa đường hở ấy, Mãnh lại khôn khéo cố lết mãi lên gần hai chân trước của hổ, ép mình sát vào hai chân ấy, chỉ cốt để mé dưới bụng hổ được thành thơi. Mãnh làm như thế, không phải không có ý định. Nguyên xưa nay Thần hổ xám vẫn có một nết rất xấu, là mỗi lần đến ngồi trên cầu tre, thì thường hay ngồi vào chỗ có kẽ hổng, rồi thả dương vật vào cái khe hổng ấy, cọ đi cọ lại cho đỡ ngứa, tự lấy thế làm khoái lạc vô cùng. Đó là một thói thường của hổ, tỷ như thói gãi tai của loài chó, hoặc thói gãi bẹn của giống hầu. Biết được thóp ấy, ông Bỉnh cốt lừa hổ đến ngồi ở chỗ cũ, để bắt nó thế nào cũng phải chết sau khi chịu một phen cực khổ ê chề.
Ông Bỉnh thản nhiên dùng ba con mã tấu liệng lên, tung xuống chập chờn vờn múa trước mặt chúa sơn lâm. Trong khi ấy con trai lớn của ông, Đèo Thắng Mãnh, ngồi thu hình nép vào hai chân trước của hổ. Không mất một phút nào vô ích, khi Mãnh đã biết rõ hổ ngồi đúng giữa kẽ hổng, hắn vội vàng tháo cuộn song trong người, buộc một đầu rõ chặt vào dây lưng mình rồi đo đắn tử tế, lại buộc nốt đầu kia vào một cây luồng lớn giữa sàn cầu. Hắn tính trước : nếu nghiêng mình nhảy xuống khe, tấ sẽ ở lưng chừng khe, không sợ đập đầu vào đá. Từ mặt cầu xuống đến khe có hơn hai mươi thước ta ( nghĩa là tám thước tây ) mà khoảng song chỉ có độ già mười thước. Mãnh buộc cẩn thận đâu đấy xong xuôi cả, lại ngồi yên độ một khắc cỏn con. Rồi bỗng hắn nhét hai ngón tay vào mồm, huýt một tiếng còi lanh lảnh. Tiếng còi ấy vừa phát ra, một cảnh kinh hồn táng đởm bỗng theo tiếng còi, hiển hiện trên mặt cầu.

Thần hổ đương ngồi giương mắt, chăm chú thôi miên ông Bỉnh, nghe tiếng còi tự nhiên hoảng hốt, nhảy chồm lên phía trước, tưởng chừng muốn xông vào ông Bỉnh, xé tan ông ra muôn mảnh bằng những vuốt nhọn hoắt và những răng nanh nhe ra một cahcs gớm ghê. Hổ bắn lên đằng trước mạnh như một quả núi con văng lại, nhanh như một mũi tên bay. Sức mạnh của sự văng mình ấy rất lớn, đà cũng rất khoẻ, khiến cho những vật cản đường hổ, không vật nào không phải tan tành. Nếu ông Bỉnh vô phúc đụng phải động lực hăng hái ấy, ông tất không không tài gì tránh được nạn ngã vào sườn núi đến nỗi dập óc tan xương. Nhưng, tuy đã già, ông là một người rất lanh lẹn. Không những ông tránh khỏi hổ vồ trúng, ông lại còn đủ can đảm và dũng cảm, đứng cách sự chết chỉ có độ hơn mười bước, ngắm đúng mặt hổ phóng cả ba thanh mã tấu, xong đâu đấy mới chịu nép mình nằm rạp xuống, lộn năm sáu vòng cho xa tầm nanh vuốt của loài ác thú. Ba con dao ông bay lại đều răm rắp như ba mũi tiêu thép, ta chỉ thấy sáng loang loáng, xoang xoảng, trong khi nghe hổ gầm lên một tiếng đau đớn vang trời. Những việc này tuần tự xảy ra chỉ có trong nửa khắc cỏn con, lấy mắt nhìn không trông thấy rõ hết được. Chỉ vụt như một luồng chớp sự vật đã thay cả.

Tiếng còi của Thắng Mãnh vừa thoát, hổ gầm lên dữ dội; nhảy vút lên cao, chụp vào đầu ông Bỉnh.
(Còn nữa)

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm