Tổng thể đài thờ Trà Kiệu bằng đá |
Sau lời khấn, chủ lễ lạy 4 lạy rồi đứng dậy, nghiêng mình lần nữa trước khi cáo từ thần Đá. Những người dự lễ đem rượu cúng ra uống, tin rằng rượu ấy sẽ xua đuổi hết tà khí lạnh lẽo trong người. Đồ cúng gồm xôi chuối, gà luộc có thể mang về nhà dùng như những “món lộc” được ban hưởng sau khi thần Đá đã dùng hết tánh linh của thực phẩm.
Những chi tiết này được Đỗ Trinh Huệ ghi lại qua cuốn biên khảo về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan của học giả Cadière. Những trường hợp tương tự trên chứng tỏ trong dân gian vẫn tin vào sức mạnh siêu nhiên của những vị thần đã nhập vào các tảng đá vô danh. Song cũng có những vách đá có tên hẳn hoi, như núi Cô Tiên gần thị trấn Bắc Hà ở Lào Cai.
Đó là vách núi đá phẳng rộng đẹp đẽ, trông như có bàn tay của những nghệ sĩ tạo hình mài gọt, chăm chuốt. Từ ngày xưa, dân trong vùng cho rằng có một nàng tiên xuống trần, ngây ngất vì cảnh đẹp nơi đây nên đã dừng lại không đi đâu nữa, từ đó núi có tên Cô Tiên. Ngày kia có hai cha con trên đường đến phiên chợ Pac Kha, khi đi ngang núi Cô Tiên người con gái bỗng bị một ngọn gió độc thổi trúng, ngã té và đột ngột qua đời. Người cha bối rối, chạy đi hái lá cây đắp lên xác chết của con rồi chạy xuống núi báo tin cho dân bản. Người dân bản đem hương cùng các thứ đồ cúng ma, cùng ông lão lên núi Cô Tiên để cúng cô gái. Lúc lễ tống táng đang diễn ra, hương đang cháy, bất ngờ xác chết cựa quậy rồi ngồi dậy, da thịt hồng hào lại. Bà con có mặt trong lễ tang hết sức kinh ngạc, người đi múc nước, kẻ lấy xôi chuối đưa cho cô gái ăn uống.
Khi đã hoàn hồn, cô gái kể lại, hồn cô bay lên xa lắm, gặp Bồ tát Quan Âm trong mây, bảo cô hãy quay về cõi trần và chỉ cho cô cách sống theo mười điều thiện, không làm điều ác. Nghe chuyện, nhìn lên trời, mọi người thấy một đám mây ngũ sắc, chầm chậm bay về trên đỉnh núi, như một cái tàng phủ mát suối rừng. Dân liền quỳ xuống tạ ơn Bồ tát cứu mạng cô gái và ban điềm lành cho bản làng, rồi bỏ thời gian công sức đục vách đá thành một cái am, sau đó tạc tượng Bồ tát Quan Âm đặt vào để thờ.
Đến tận thế kỷ 21, cứ đến ngày 19 tháng 9 âm lịch, dân bản lại mang xôi chuối, vải vóc đến cúng dường Bồ tát tại điểm trên.
Còn nhiều dãy núi đá khác cũng chứa đựng các huyền thoại ở Lào Cai. Như chuyện hình thành dãy núi đá giữa không gian vắng lạnh trên độ cao gần 2.000m, là núi Hàm Rồng. Được gọi tên như thế vì núi có hình dáng một con rồng. Chuyện xưa kể rằng, có hai vợ chồng rồng vì quá yêu thương, ôm ấp nhau không rời, đến nỗi khi nạn hồng thủy xảy ra, cả vợ lẫn chồng đều không hay biết. Nước lên cao, ngập hết núi rừng, rồng chồng cuộn mình bay thoát được lên mây, rồng vợ cố bay theo nhưng không kịp, phải ở lại và hóa thành đá, nhưng vẫn còn cố hướng về phía rồng chồng.
Lào Cai còn có hang Tiên ở xã Bảo Nha, bên dòng sông Chảy. Ở đó, đá xếp thành tầng tầng lớp lớp với cả một rừng nhũ đá mang hình hổ, báo, voi, ngựa và các thú rừng khác, mà người dân bản làng tin rằng những con vật ấy đã bị quyền phép của thần Đá thâu hồn, khiến thân xác chúng biến thành đá ở khắp mọi nơi.
Cũng có một khối đá đã được ghi danh vào lịch sử hiện đại, như tác giả Trần Mạnh Thường nhắc lại trong cuốn biên khảo về văn hóa các vùng đất Việt Nam: “Khoảng 600 triệu năm trước, cả vùng Tây Bắc Việt Nam còn chìm sâu dưới biển. Sau 3 lần vận động tạo sơn, đến thời kỳ tân kiến tạo cách nay trên 100 triệu năm, khối Hoàng Liên đột ngột nhô lên thành một dãy trùng điệp... Lên cao 2.400m, gió mây quyện hòa với cây rừng. Từ 2.800m đổ lên, mây mù bỗng tan biến, bầu trời trong xanh. Từ 2.963m và lên cao nữa, lại có một khối đá khổng lồ được kê trên một hòn đá nhỏ. Đấy chính là đỉnh Phanxipăng, tiếng địa phương gọi là Huasipan - có nghĩa là phiến đá khổng lồ nằm chênh vênh. Đỉnh Phanxipăng cao ngất, là nóc nhà của Tổ quốc Việt Nam, được kết cấu bởi một phiến đá khổng lồ, cao 180m”.
Ai đã đem phiến đá khổng lồ ấy lên tận đỉnh cao ngất như thế? Chuyện ấy sẽ nói sau.
Còn giờ là chuyện về đài thờ đá ở Trà Kiệu (tức Kinh thành Sư tử Simhapura đã bị tàn phá) nay thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Đài thờ vuông vắn được chế tác bằng sa thạch, với bốn cảnh chạm nổi, và các phù điêu tương đối còn nguyên vẹn. Người dân địa phương từ lâu đời không ai dám xâm hại đài thờ. Còn các nhà nghiên cứu nước ngoài như Jean Przyluski, George Coedès, Jean Boisselier, đã đưa ra nhiều giải thích về các hình khắc chạm trên đó.
Có ý kiến cho rằng bức phù điêu của đài đá này nhằm minh họa cho truyền thuyết về người đã tạo lập vương quốc Phù Nam. Cũng có người cho là nó chứa đựng những minh họa cho các bản kinh tối cổ và thiêng liêng còn lại đến nay. (Còn tiếp)
Giao Hưởng
0 comments:
Post a Comment