Những ngày tuyết rơi trắng xóa đường phố, cỏ hoa, Sapa như một nàng công chúa đang nằm ngủ mơ màng trên độ cao 1.600m. Mặt nàng nghiêng nhìn về phía dòng chảy của con suối Mường Hoa, nơi có những tảng đá khắc nhiều ký hiệu và hình ảnh với những nét ngoằn ngoèo mà đến thế kỷ 21 này vẫn chưa ai giải thích được sự có mặt của chúng.
Theo nhiều người suy đoán, đó có thể là những “trang sử” của một tiểu vương quốc, một vùng đất thiêng, hoặc như một nhà thơ nói: “Cũng có thể đó là lời tỏ tình xa xưa của một hoàng tử với công chúa Sapa đang nằm ngủ trong rừng đào thuở trước”. Nếu muốn nhìn tận mắt tảng đá “chép thơ tình kia” thì đi chỉ khoảng 7 - 8 cây số là đến. Ở đó có 159 tảng đá nằm rải rác trên các thửa ruộng bậc thang, trên đá có khắc những hình thù kỳ lạ, hoặc đường vẽ chạm, những nét vạch giống như những chữ viết cổ mà cho đến nay các nhà khảo cổ học và ngôn ngữ học vẫn chưa đọc ra. Nếu cộng các tảng đá nhỏ nằm quanh đó nữa thì có ngót đến 200 tảng trên một diện tích khoảng 8 km2 thuộc thung lũng Mường Hoa.
Người dân bản Pho sinh sống ở đây tin chắc rằng những dấu khắc trên đá chính là những câu thần chú có năng lực siêu phàm, khi đọc lên sẽ đẩy lùi những thế lực ma quỷ. Họ cũng truyền miệng qua nhiều đời rằng, thuở trước có một bầy hổ rất hung hăng trên đỉnh núi mây mù xuất hiện kéo xuống giẫm đạp hoa màu, phá hoại nhà cửa, cây trồng trong bản, lại còn bắt giết gia súc và sát hại cả người nữa. Một hôm có vị cứu tinh chẳng biết từ đâu tới đã dạy cho nhóm thợ làm đá đọc và học các câu thần chú trên làm cho bầy hổ đang giương nanh vuốt bỗng khựng lại, mất hồn, có con lăn đùng ra chết, có con hóa thành đá nằm đó cho đến ngày nay.
|
Những tảng đá có hình khắc bí ẩn ở Sapa - Ảnh tư liệu
|
Ngoài đàn hổ hóa đá, bãi đá cổ Sapa có tảng dài đến 15m, cao hơn 5m, được gọi là “hòn đá bố”. Các hòn khác như “hòn đá vợ” và “hòn đá chồng” với dáng nghiêng nghiêng hướng vào nhau đã gắn liền với một truyền thuyết tình yêu ở Mường Hoa. Truyền thuyết này kể rằng ngày trước lúc Sapa chìm trong sương lạnh, có một đôi trai gái thương nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm. Một hôm, họ lấy cớ đi tìm các cây thuốc quý như nhân sâm, kim tuyến, phòng kỷ để hẹn gặp nhau trong rừng vắng và quỳ xuống khấn vái thần linh che chở khỏi cặp mắt soi mói tìm kiếm khắc nghiệt của người nhà. Nghe lời van xin của họ, các thần cảm động, nên khi hai người gặp nhau giữa rừng lan hoàng thảo thì các thần sai một đám mây trắng vắt quanh chỗ họ ngồi như một tấm màn lụa che chắn để bất cứ ai nhìn từ xa cũng không thấy được. Họ ngồi đắm đuối như thế trong mây trắng đến quên cả đường về, chiều tối họ đi lạc vào thung lũng Mường Hoa và hóa thành đá để muôn đời được bên nhau.
Ngày nay hòn vợ và hòn chồng kia vẫn y nguyên như thuở ban đầu, nằm trong Bãi đá khắc cổ, được nhiều tác giả nhắc đến: “Đáng chú ý nhất là hòn đá vợ, đá chồng, đàn hổ đá và tấm bia có khắc chữ lên trên. Tảng đá vợ, đá chồng nói về mối tình chung thủy của đôi trai gái cho dù phải hóa đá vẫn hướng về nhau” (Trần Mạnh Thường). Toàn cảnh Bãi đá khắc cổ cũng được mô tả: “Bãi đá chia làm 2 khu nằm quanh suối Hoa trong thung lũng Mường Hoa cách thành phố Sapa 7 cây số. Quần thể Bãi đá khắc cổ do nhà khảo cổ học người Pháp gốc Nga Victor Gololev phát hiện từ năm 1925. Đến nay người ta đã tìm được 159 tảng đá lớn, có tảng dài tới 15 mét. Trên nhiều tảng đá có chạm khắc các hình vẽ của người cổ. Nhìn chung, các nét vẽ đều thể hiện tư duy tạo hình khúc chiết, xuất phát từ những con người nguyên sơ có đời sống gắn bó mật thiết với môi trường thiên nhiên. Các nhà khoa học đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu khám phá những bí ẩn của các nét chạm khắc trên đá, cố tìm ra ý nghĩa tôn giáo, xã hội, lịch sử của các nét vẽ và đã đưa ra nhiều giả thuyết nhưng vẫn chưa có lời giải đáp thực sự có sức thuyết phục” (Nguyễn Thị Hồng và Bùi Việt).
Một số nhà nghiên cứu cho rằng không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới có nhiều trường hợp chưa giải đáp được về hình vẽ và văn tự trên các khối đá, cũng như sự xuất hiện của các tượng đá. Chẳng hạn ở Chilê, trên hòn đảo nằm ở phía đông Polynesia có 500 bức tượng đá to lớn. Có tượng nặng đến 50 tấn, cao 10 mét. Nhỏ nhất là tượng nặng 5 tấn. Với trọng lượng và số lượng như thế, ai đã ra công tạc những bức tượng ấy vào hàng nghìn năm trước Công nguyên? Và đặt chúng giữa trời làm gì? Những câu hỏi ấy đến nay vẫn chưa có lời đáp chính xác. Ở Việt Nam, chúng ta cũng thấy có nhiều tảng đá được dân chúng thờ bái. Chẳng hạn cách nay hơn 50 năm, trên đường từ phố cổ Hội An lên Vĩnh Điện ở cây số thứ 6 có một nơi để bát hương thờ ông Đá, tương truyền rất linh thiêng. Cống chảy qua gần nơi ấy cũng được gọi là Cống ông Đá.
Việc thờ đá ở một số vùng nước ta cũng đã được học giả Léopold Cadière ghi nhận cách đây gần cả thế kỷ như sau: “Một ví dụ cụ thể là việc thờ cúng một vài viên đá mà người ta cho rằng có quyền lực siêu nhiên, là nơi cư ngụ của thần thánh và người ta phải đem bán hay ký thác những đứa con đau yếu (cho thần đá nuôi dưỡng bảo hộ) sợ rằng chúng phải chết. Cha hoặc mẹ đứa bé, nhiều khi cả hai, mang mâm cúng gồm một con gà hay con vịt luộc, xôi, chuối, hoa quả, một chai rượu, hương và giấy vàng bạc. Họ đặt tất cả trước viên đá. Chủ lễ lạy 4 lạy”.
|
(còn tiếp)
Giao Hưởng (Theo thanhnien online)
0 comments:
Post a Comment