Ý nghĩa và phong tục của Tết Nguyên Đán

Leave a Comment

Zen-Sắp đến Tết Canh Dần, chúng ta không xa lạ gì  cảnh tết và không khí Tết, Tết Sài Gòn nắng ấm, Tết Hà Nội rét run nhưng ai cũng náo nức vì Tết. Zen đăng lại bài của bác Nhược Thủy bên hoangthantai và sưu tầm trên Internet về phong tục cũng như một số nghi thức của Tết cổ truyền Việt nam.



climbing tiger Nguồn: InterTết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên của năm bắt đầu từ lúc giao thừa với lễ trừ tịch.
Nguyên 元là bắt đầu, Đán 旦là buổi sớm mai. Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.
Năm mới đến, những sự may mắn mới cũng đến, và bao nhiêu những điều đen đủi không may của năm củ đều theo năm củ mà hết.
Theo Trung Quốc sử, âm lịch có từ thời nhà Hạ và lấy tên mười hai chi đặt cho mười hai tháng.
Tháng Dần là tháng giêng được chọn là tháng đầu năm và người ta ăn Tết Nguyên Đán vào đầu tháng Dần.
Về sau đến đời nhà Ân, có thay đổi lấy tháng Sửu làm đầu năm, rồi đến đầu nhà Chu sửa lại lấy tháng Tý, Kịp đến đời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng lại sửa nữa lấy tháng Hợi, nhưng đến đời vua Hán Vũ Đế, đầu năm lại bắt đầu từ tháng Dần như đời nhà Hạ, và từ đó không có sự thay đổi nữa.
Thực ra Tết Nguyên Đán bắt đầu vào tháng Dần là rất phải, vì lúc đó mùa đông vừa qua, tiết hanh vừa hết, ngày xuân ấm áp tới, đem lại hoa cỏ đua tươi khiến cho con người cũng hầu như biến đổi cả tâm hồn sau một năm làm ăn vất vả.
Người người vui vẻ đón mùa xuân mới, lòng chứa chan hy vọng ở những sự may mắn. Ai cũng vui, nên không ai bảo ai, gặp nhau người ta cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh.



1.GIAO THỪA. (交承)
Tết Nguyên Đán bắt đầu từ lúc giao thừa.
Lẽ trời đất có thủy khởi phải có tận cùng, một năm đã bắt đầu ắt phải có hết, bắt đầu từ lúc giao thừa, cũng lại kết từ lúc giao thừa.
Giao thừa交承là gì ? Theo “ Hán Việt Từ Điển” của Đào Duy Anh nghĩa là “cũ giao lại, mới tiếp lấy”. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới này, có “Lễ Trừ Tịch”.


2.LỄ TRỪ TỊCH. (除夕)
Trừ tịch除夕là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày 30 hoặc nếu tháng thiếu, thì ngày 29 tháng chạp năm trước và giờ Tý ngày mồng một tháng giêng  năm sau.
Vào lúc này, dân chúng Việt Nam, tuân theo cổ lễ có làm Lễ Trừ Tịch.
Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới.


Lễ trừ tịch theo người Tàu, còn là một lễ “khu trừ ma quỷ” (驅除魔鬼). Tục Tàu xưa vào ngày trừ tịch, tức là tối ngày 30 Tết có dùng 120 trẻ con trạc 9, 10 tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh,  để trừ ma quỷ, do đó có danh từ trừ tịch.
Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên lễ này còn mang tên lễ giao thừa.


3.CÚNG AI TRONG LỄ GIAO THỪA.
Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục viết :-
Tục ta tin rằng mỗi năm có một "Đại Vương  Hành Khiển" (行譴大王) coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông củ và đón ông mới.
Cúng tế cốt ở tâm thành, và lễ cúng vào nửa đêm nên đượm vẻ thần bí trang nghiêm. Cựu vương Hành Khiển bàn giao công việc cho tân vương thay đức Ngọc Hoàng để coi sóc nhân gian trong một năm cho đến giờ phút giao thừa năm sau.


Lễ trừ tịch bao hàm một ý nghĩa trọng đại “ tống cựu nghinh tân”, nên lễ được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùa. Những năm về trước, trong giờ phút này, chuông trống đánh vang, pháo nổ luôn không ngớt, truyền từ nhà này sang nhà khác, khắp kẻ chợ, nhà quê.

4.PHẨM VẬT CÚNG  LỄ GIAO THỪA.
Tại các đình, miếu, cũng như tại các tư gia, lễ giao thừa đều có cúng mặn. Các ông Thủ Từ lo ở đình, miếu, còn tại các tư gia do người gia trưởng trù liệu.
Xưa kia người ta cúng giao thừa ở đình, ông Tiên chỉ hoặc Thủ Từ đứng làm chủ lễ, nhưng người ta cũng giao thừa ở thôn ở xóm nữa.
Lễ giao thừa ở các thôn xóm được tổ chức hoặc tại các Văn Chỉ nếu Văn Chỉ Làng xây tại xóm, nếu không thì cũng tổ chức ngay ở tại điểm canh đầu xóm. Ở đây, vị được cử ra làm chủ lễ là vị niên trưởng hoặc vị chức sắc cao nhất trong thôn xóm.


A/-Bàn thờ được thiết lập ở giữa trời.
Một chiếc bàn  hương được kê ra, trên hương án có đỉnh trầm hương hoặc bình hương thấp tỏa khói nghi ngút. Hai bên đỉnh trầm hương có hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có cỗ mũ của Đại Vương Hành Khiển. Lễ quý hồ thành bất quý hồ đa, nhưng dù nhiều hay ít, lễ vật bao giờ cũng phải gồm có vàng hương, vàng lá hay vàng thoi (giấy tiền vàng bạc) tùy tục địa phương, và nhất là không quên được rượu, vì “vô tửu bất thành lễ”.

B/- Lễ vật được trần thiết trên hương án trước giờ trừ tịch.
Đến giờ phút này, chuông trống vang lên, ông chủ tế ra khấn lễ, rồi dân chúng kế đó lễ theo, với tất cả sự tin tưởng ở vị Tân vương Hành khiển, cầu xin ngài phù hộ độ trì cho được một năm may mắn, bao nhiêu sự không may năm trước sẽ qua hết.
Tại đình làng, cùng với lễ cúng ngoài trời còn lễ Thành Hoàng hoặc vị Phúc Thần tại vị nữa.
Các chùa chiền cũng có cúng lễ giao thừa, nhưng lễ vật là đồ chay, và đồng thời với lễ giao thừa nhà chùa còn cúng Phật, tụng kinh và cúng đức Ông tại chùa.
Ở các tư gia, các gia trưởng thường lập bàn thờ ở giữa sân, hoặc ở trước cửa nhà, trường hợp những người ở thành phố chật chội không có sân, cũng bày một chiếc hương án, hoặc một chiếc bàn kê ra với lễ vật như trên.
Ngày nay trước mọi chuyển biến dồn dập của thời cuộc nước nhà, ở thôn quê, rất ít nơi còn cúng giao thừa ở thôn xóm, ngoài lễ cúng ở đình đền. Và ở các tư gia, tuy người ta vẫn cúng giao thừa với sự thành kính như xưa, nhưng bàn thờ thật là giản tiện. Có khi chỉ là chiếc bàn con với mâm lễ vật, có khi mâm lễ vật đặt trên một chiếc ghế đẩu. Hương thắp lên được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc vào một chiếc lọ nhỏ để giữ chân hương! Tình trạng chiến tranh, mọi sự đều sự bị phá họai! Có nhiều gia đình lại quá giản tiện hơn, hương thắp ngay trên mâm lễ, hoặc cắm vào các khe nải chuối dùng làm đồ lễ !


5.ĐẠI VƯƠNG HÀNH KHIỂN VÀ PHÁN QUAN.
Mười hai vị đại vương, mỗi năm một vị cai quản cõi nhân gian là Thập nhị Hành Khiển đại vương , tính theo nhập nhị chi, bắt đầu là năm Tý, cuối cùng là năm Hợi. Hết năm Hợi cũng quay lại năm Tý với Đại vương Hành Khiển mười  hai năm về trước. Các Đại vương này còn được gọi là "Dương Niên Chi Thần"(陽年之神), mỗi vị có trách nhiệm như trên đã nói cai trị thế gian trong toàn niên, xem xét mọi việc hay dỡ của từng người, từng gia đình , từng thôn xã cho đến từng quốc gia để định công luận tội, tâu lên Thượng Đế.
Mỗi Đại vương Hành Khiển đều có một vị Hành Binh (行兵尊神)và một Phán Quan (判官尊神) giúp việc.

Vị Đại vương Hành Khiển lo việc thi hành những mệnh lệnh của Ngọc Hòang Thựơng đế, trình lên Ngọc Hòang những việc đã xảy ra. Còn vị Hành Binh lo giữ an ninh, trật tự địa phương, Phán Quan thì lo việc ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình , mọi thôn xã, mọi quốc gia.
Trong các vị Hành Khiển Đại Vương , có vị nhân đức, có vị cương trực và cũng có vị khắc nghiệt. Nhiều năm có các loạn thiên thời, lọan đạo binh, nạn thủy tai, hỏa tại… tục tin rằng đó là do các vị Đại Vương Hành Khiển trừng phạt nhân gian vì tội lỗi của mọi người.


6. VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA.
Như trên đã trình bày, lễ giao thừa là lễ tống cựu nghinh tân, tiễn vị Đại Vương Hành Khiển cũ và đón vị mới.
Có lễ nghi phải có văn khấn, cũng như ăn phải có mời.
Dưới đây là mẫu văn khấn giao thừa tại tư gia, văn khấn này chỉ cần thay đổi một vài chữ, khi dùng tại các nơi khác:


“Duy Việt Nam  ………….. (VD:- Kỷ Sửu ) niên, Xuân thiên chính nguyệt, sơ nhất nhật, kim thần đệ tử …………………(tên họ)  sinh quán tại …………… xã,………………….huyện, ………………Tỉnh, hiện  cư trú tại …………..xã
, …………. ……..quận, ………………….. tỉnh, đồng gia quyến đẳng, khể thủ, đồ thủ bách bái.
Cẩn dĩ hương đăng, kim ngân hoa quả, phù lưu thanh chước, thứ phẩm chi nghi, cảm kiền cáo vu.
Vọng bái:
Đương niên đương cảnh …………(VD:- Triệu Vương )  Hành Khiển, (VD:- Tam Thập Lục Phương ) Hành Binh và  (VD:- Khúc Tào ) Phán Quan
vị tiền.
Bản địa Thổ Địa Thần Kỳ vị tiền
Bản cảnh Thành Hoàng  vị tiền
Ngưỡng vọng chứng giám:
Cúc cung cầu khẩn:
Tòan gia đồng niên tự lão chí ấu, tăng phúc tăng thọ, nhân khang vật thịnh, vạn sự hanh thông.
Cẩn cáo.”

 

Lược dịch :-
“Nước Việt Nam, năm Kỷ Sửu  , ngày mồng một tháng giêng,  tiết Xuân.
Đệ tử là ……………………., quê quán làng ………….., huyện ……………… tỉnh ……………………., cư ngụ tại xã …………….., quận / huyện …………., tỉnh …………………….., cùng tòan thể gia đình trăm bái.
Kính cẩn có hương đèn, vàng bạc, hoa quả trầu rượu trà nước thêm mọi phẩm vật dâng lên.

Vọng bái:-
Trước bệ ngọc đức Triệu  Vương Hành Khiển, Tam Thập Lục Phương Hành Binh  tôn thần và Khúc Tào Phán Quan
tại vị ở trước.
Đức Thổ Địa nơi đây tại vị ở trước.
Đức Thành Hòang Bổn Cảnh tại vị ở trước.
Cầu chư vị chứng giám.
Cúi đầu kêu xin:
Chư vị phù hộ toàn gia chúng tôi, từ già đến trẻ, quanh năm được tăng phúc tăng thọ, người an, vật thịnh, vạn sự hanh thông.
Cẩn cáo


Trong khi cúng khấn đức đương niên Đại Vương Hành Khiển, người ta khấn thêm  đức Thổ Thần và đức Thành Hoàng, vì khi đức Đại Vương Hành Khiển, đại diện của Ngọc Hoàng Thượng đế đã giáng lâm, Thổ Thần và Thành Hoàng có nhiệm vụ nghênh tiếp và do đó cùng được phối hưởng lễ vật.
Trong bài khấn trên, nếu khi làm lễ tại làng tại thôn, chỉ cần thay đổi mấy chữ:
“Kim thần đệ tử ………………… (cá nhân) ”.
Thành :-
“Kim chúng thần đệ tử, toàn dân …………….. Xã / Thôn ”

và ở chỗ cầu xin cũng đổi mấy chữ:-
“ Toàn gia đồng niên tự lão chí ấu”
Thành :
“ Toàn xã / thôn  đồng niên tự lão chí ấu”

là được.

7.- MƯỜI HAI VỊ  HÀNH KHIỂN , HÀNH BINH, PHÁN QUAN :

NĂM


HÀNH KHIỂN


HÀNH BINH


PHÁN QUAN





Chu Vương


Thiên  Ôn


Lý  Tào


SỬU


Triệu   Vương


Tam Thập
Lục Phương



Khúc  Tào


DẦN


Ngụy   Vương


Mộc   Tinh


Tiêu   Tào


MÃO


Trịnh   Vương


Thạch   Tinh


Liêu   Tào


THÌN


Sở   Vương


Hỏa   Tinh


Biểu   Tào


TỴ


Ngô   Vương


Thiên   Hải


Hứa   Tào


NGỌ


Tần   Vương


Thiên   Hao


Nhân   Tào


MÙI


Tống   Vương


Ngũ   Đạo


Lâm   Tào


THÂN


Tề   Vương


Ngũ   Miếu


Tống   Tào


DẬU


Lỗ   Vương


Ngũ   Nhạc


Cựu   Tào


TUẤT


Việt   Vương


Thiên   Bá


Thành   Tào


HỢI


Lưu   Vương


Ngũ   Ôn


Nguyễn   Tào



*Ghi chú:- Bảng nầy dựa theo “Tam Mệnh Thông Hội” (三命通會), có một số sách chữ Việt do sai sót về chính tả hoặc không nắm vững nội dung nên viết sai (Chú ý:- Tần vương chứ không phải Tấn vương, Liêu Tào chứ không phải Liễu Tào , Lục Phương chứ không phải Lục Thương)

8.CÂU ĐỐI TẾT

Câu đối Tết là một trong những thể loại văn chương phổ biến nhất được làm vào dịp Tết để mừng xuân, mừng năm mới và cũng là để trang trí cho đẹp nhà đẹp cảnh xuân. Ngày xưa, Tết thiếu gì thì thiếu còn “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ” là không thể thiếu.
 

Câu đối là một sáng tác văn học, thuộc thể loại văn biền ngẫu gồm hai vế đối nhau, nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội.

Câu đối còn thể hiện tài trí thông minh, nhanh nhậy. thể hiện phong cách tài tử trong việc đối đáp ứng xử. Câu đối không dài, không nhiều chữ nghĩa như những bài văn bài thơ, tuy chỉ có hai vế nhưng nó vẫn thể hiện được những ý tưởng mhững quan điểm một cách rõ ràng, cô đọng và súc tích. Ngôn từ của câu đối được cân nhắc chọn lọc, âm điệu nhịp nhàng, kết cấu chặt chẽ, nhiều câu tài tình đến mức người đọc người nghe cảm thấy kỳ thú một cách bất ngờ khi nó bật ra ý tưởng mới lạ. “Văn hay chẳng lọ ngắn dài”.

Những câu đối trí tuệ tài hoa biểu lộ được những quan điểm tư tưởng đúng dắn thường được lưu truyền rộng rãi cũng giống như những câu ca dao, câu thơ hay sẽ mãi mãi trường tồn. Tóm lại câu đối không chỉ là thể loại văn học mà còn là một thể loại văn học đặc biệt và là một nét đẹp của phong tục cổ truyền của bản sắc văn hóa dân tộc.

Có thể cho rằng câu đối Việt Nam được bắt nguồn từ thực tế đời sống xã hội, bắt nguồn từ cách nói đối ngẫu tự nhiên của ngôn ngữ dân tộc. Từ những câu thành ngữ, tục ngữ ca dao trong văn học dân gian đến những câu nói quen miệng hàng ngày cũng thường hình thành những vế đối ứng tự nhiên.


Những ngày giáp tết ở những nơi phố đông, những phiên chợ thường có những ông đồ ngồi viết câu đối thuê, như nhà thơ Vũ Đình Liên đã viết:

"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua..."

Phần lớn câu đối tết của các nhà nho tự làm là những câu đối tức cảnh ngẫu hứng, những câu vịnh cảnh tết, cảnh nhà, cảnh mình nhưng cũng có nhiều câu chính luận thời đàm. Nhiều người nghĩ đến tình thế xã hội, nghĩ đến cuộc sống khó khăn nên đã viết những câu đối tết như:

"Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình đã bạc lại bôi vôi"

"Tối ba mươi công nợ rối Canh Tân những ước mười năm dồn lại một
Sáng mồng một rượu chè say Quý Tỵ lại mong ba bữa hóa ra mười"

"Duyên với văn chương nên treo chữ;
Nợ cùng trời đất phải trồng nêu"

"Đuột trời ngất nghểu một cây nêu tối bữa ba mươi ri cũng tết;
Vang đất đì đùng ba tiếng pháo rạng ngày mồng một rứa là xuân"

"Mua pháo đốt chơi để anh em nghe có tiếng
Giật nêu đóng lại cho làng nước biết không xiêu"

Câu đối thờ viết trên giấy đỏ dán ở cột, ở cửa nhà nội dung thường bày tỏ lòng biết ơn của cháu con đối với tiên tổ:

"Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ
Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên"

(Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa xuân;
Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết)

Ở làng trang Đông Hồ câu đối trên đã được cải biên chút ít và đưa vào bộ tranh chủ treo ở bàn thờ gia tiên, hai bên là chữ Phúc, chữ Thọ và đôi câu đối:

"Từ thời xuân tại thủ
Ngũ phúc thọ vi tiên"

Những chữ Hán được trang trí cách điệu: một bên là con rồng, một bên là con phượng trên nền giấy điểm xuyết hoa, lá, chim muông.

Những câu đối này thường kèm theo mấy chữ đại tự cũng viết trên giấy đỏ treo thành bức hoành: "Ấm hà tư nguyên" (Uống nước sông nhớ đến nguồn); "Ðức lưu quang" (Ðức chan hòa ánh sáng).

Dịp Tết còn có các câu đối tức cảnh xuân của các bậc văn hay chữ tốt, cũng được viết trên giấy đỏ treo ở cổng.

Vậy tục treo câu đối Tết có từ bao giờ? Sách xưa có kể phong tục của người dân Bách Việt, trong ngày Tết Nguyên Đán theo bùa gỗ có hình hai vị thần Thần Ðồ và Uất Lũy treo hai bên cửa ngõ. Ðó là hai vị thần sống dưới gốc đào lớn dưới núi Ðộ Sóc chuyên cai quản đàn quỷ, hễ quỷ nào "phá rào" đi làm hại dân thì thần hóa phép trừ đi. Sau này việc treo bùa gỗ "Ðào phù" được thay bằng câu đối hai bên cửa.

Ðời sống khấm khá dần, mỗi người, tùy hoàn cảnh, gửi gắm vào câu đối những ý tứ, những niềm vui cùng ước vọng vào một năm mới đang đến. Vào thế kỷ 15, thú chơi câu đối Tết đã trở nên phổ biến, khắp Kinh kỳ, từ dinh thự của quan lại tới các tư gia, đâu đâu cũng treo câu đối Tết. Lại có cả cấu đối nói về nghề nghiệp dán ở cửa hàng, cửa hiệu. Tương truyền, vào một năm, sắp tới giao thừa, vua Lê Thánh Tông ra phố phường xem dân ăn tết. Thấy một nhà không treo câu đối, vua vào hỏi, biết đó là nhà một người thợ nhuộm vợ góa, con trai đi vắng, vua bèn lấy giấy bút và viết.

"Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ;
Triều đình chu tử tổng ngõ gia

(Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ
Ðỏ tía triều đình tự cửa ta)

Cùng với chữ Hán, nhiều danh sĩ nước ta còn viết câu đối Tết bằng chữ Nôm. Ðầu thế kỷ 20, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã sử dụng tài tình chữ viết của dân tộc, đưa cả ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. Trong 67 câu đối hiện còn của cụ thì 47 câu đối Nôm. Ðây là cảnh Tết của một nhà nghèo mà lòng vân phơi phới sắc xuân khi giao thừa sắp đến:

Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà"


Hiểu rõ vần xoay của tạo hóa, cụ ước ao:

"Có là bao, ba vạn sáu ngàn ngày, được trăm cái
Tết ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân"


( Tổng hợp từ nhiều nguồn, nội dung chính lấy ở   tác phẩm : Nếp cũ – Tín ngưỡng Việt Nam , Quyển hạ--Tác giả : Toan Ánh, có điều chỉnh, bổ sung danh sách Hành Khiển, Hành Binh, Phán Quan—Nhược Thủy)












0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm