Kiến trúc ngôi nhà đón cát khí từ thiên nhiên

Leave a Comment
Phong thủy học cho rằng, mọi vật trên trái đất đều tàng chứa khí. Cảnh núi sông tươi đẹp phản ánh sinh khí tràn đầy. Nơi gò tàn vách đổ thì tử khí ứ lại. ở khu vực có núi sâu đầy cảnh sắc, khí lưu thông suốt; còn khu vực núi gò hoang phế, dòng lưu động của khí bị cản trở thì khí đọng không lưu thông sẽ tác động không tốt cho nơi ở.


Từ đây phong thủy học chỉ ra rằng, khi tạo dựng ngôi nhà cần thu được cát khí( khí tốt) từ cảnh trí thiên nhiên sao cho khí từ vũ trụ chiếu xuống được lưu thông đồng nhập với ngôi nhà. Ngôi nhà nằm trong cảnh trí thiên nhiên đẹp, sẽ có nhiều sinh khí, người ở an bình làm ăn hưng vượng; nếu là nơi kinh doanh khách hàng sẽ ra vào tấp nập, lãi lớn…Song để có cái lợi đó, thì phải có kiến trúc ngôi nhà hài hoà với cảnh trí thiên nhiên, tiếp nhận đươc sinh khí của vũ trụ.



Kiến trúc phong thủy ngôi nhà không thuận với khí thiên nhiên khu vực, sẽ làm nhiễu loạn và ngăn trở lưu thông khí tự nhiên của vũ trụ, biến khí vũ trụ thành sát khí. Ngôi nhà bị sát khí bao vây rất bất lợi cho sự sống người ở hoặc cho việc làm ăn, kinh doanh…







Quan sát ngoại hình hay ngoại cảnh một ngôi nhà có hài hoà với cảnh trí hay khí thiên nhiên hay không, phong thủy học đưa ra phương pháp đơn giản là quan sát nó vào lúc sáng sớm hay khi chiều tà, ráng chiều; nhìn


ngoại cảnh hình khối ngôi nhà có ánh lên không trung sắc mầu gây được cảm súc lòng người hay có chất thơ hoặc như một bức họa tuyệt tác, độc đáo hay không. Nếu như vậy thì ngôi nhà đã đạt tới sự hài hoà đẹp nhất với sinh khí và cảnh trí thiên nhiên, nó sẽ mang lại mọi điều tốt lành cho người ở. ở một quy mô lớn, tạo hình kiến trúc một toà nhà hài hoà với cảnh trí thiên nhiên tiếp thụ được sức mạnh của khí và làm cho khí lưu thông nhịp nhàng, cũng tạo ra quyền uy và sức mạnh lan toả rộng khắp.


Đó là trường hợp của điện Cremlin ở thủ đô Matxcơva ( Liên Xô cũ ), được xây dựng từ năm 1147. Thành tường điện xây dựng theo hình răng cưa, bốn bên cung điện đều có vọng lâu to nhỏ, hình dáng khác nhau, đều sơn mầu đỏ tía, màu của sao tử vi. Bên ngoài cửa phía Đông thành là Hồng Trường, chỗ đi vào Hồng Trường ở phía Bắc có nhà Bảo tàng Cách mạng cũng sơn mầu đỏ tía.


Theo phong thủy học, điện Cremlin như vậy là điện có mầu sắc tượng trưng cho sao Tử Vi trên trời, là trung tâm của Thái Cực tinh – điểm bất động của Vũ trụ, tất cả các sao trên trời đều xoay quanh sao Tử Vi. Lầu chính của điện Cremlin là tháp nhọn cao vút lên trời có dáng siêu nhiên thoát tục cũng mầu đỏ tía, phía trên gắn ngôi sao 5 cánh mạ bằng vàng toả sáng lấp lánh. Phong thuỷ học coi đây là trung tâm phát xạ toàn thành phố Matxcơva. Vùng ngọai ô thành phố Matxcova có mấy trăm nhà thờ, phíâ trên nóc cao vút có gắn giá chữ thập từ bốn phương tám hướng đều hướng về ngôi sao năm cánh của Cremlin. Tia sáng của ngôi sao 5 cánh phóng ra từ đỉnh tháp cao vút tượng trưng cho một loại ý thức tinh thần mạnh mẽ, cho một chủ nghĩa, một tư tưởng được truyền bá và lan rộng khắp trên toàn cầu.


Cái sức mạnh ý thức tinh thần này, trước cách mạng Tháng Mười Nga(1917) là tinh thần của Đạo Cơ đốc, nơi đây Đại giáo chủ Nga tập trung cả thần quyền và quân quyền của Đế quốc Nga Sa Hoàng. Từ điện Cremlin tỏa đi mấy đường phố lớn cũng là đường trục. Trục chính là tuyến đường sắt có 12 đường tạo thành bộ xương khung của thành phố. Matxcơva mỗi khi đêm về, hàng vạn ngôi sao láp lánh trên bầu trời thành phố và các vùng ngoại ô, tạo thành một vũ trụ trần gian có hàng triệu ngôi sao mà trung tâm của nó là sao Tử Vi Bắc Cực- đó là ngôi sao 5 cánh trên điện Cremlin dưới đất, đã tạo ra tất cả tình cảm và hình thái ý thức mãnh liệt thần bí dung hợp vào kiến trúc cảnh quan của Mátxcơva. Mátxcơva đã gần một thế kỷ là trung tâm của Cách mạng Vô sản toàn Thế giới, được các Đảng Cộng sản và hàng triệu triệu nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ngưỡng mộ hướng về đây, về Nhà nước Công nông đầu tiên trên Thế giới, về nơi đã đánh tan và và tiêu diệt chủ nghĩa Phát xít Đức (1945).


Năm 1991 Liên Xô tan rã, phong thủy học cho rằng có liên quan đến phong thủy các tuyến đường và ga xe điện ngầm của thành phố không tốt. Một ngôi nhà, một khối kiến trúc hài hoà với cảnh trí thiên nhiên đối với người bình thường cũng như các nhà kinh doanh… luôn coi trọng thiên thời địa lợi. Lợi dụng cái đẹp của trời đất qua ngôi nhà, qua một khối kiến trúc nhằm mục đích tạo ra an bình, phát vượng và tài lộc vào đầy nhà. Kiến trúc ngôi nhà, một quần thể kiến trúc như qua ví dụ về thành phố Matxcơva về một ý nghĩa nào đó là kiến trúc tạo dáng, tạo ra mầu sắc…, nếu không chỉ là một đống vật liệu xây dựng mà thôi.


Về kiến trúc tạo mầu sắc, phong thủy học dựa theo học thuyết Ngũ hành của Dịch học. Dịch học cũng như phong thủy học cho rằng, vạn vật trong vũ trụ này chỉ có 5 thuộc tính là: Kim, Mộc Thủy, Hoả, Thổ. Năm thuộc tính này là riêng biệt độc lập với nhau, không có sự thay đổi và bất biến. Ví dụ như người mệnh Thổ suốt đời là tính thổ, người mệnh Kim suốt đời tính kim…Song nếu khi có sự liên kết giữa các đối tượng với nhau thì các thuộc tính này có thể làm cho nhau phát triển (sinh), cũng có thể làm hại nhau, cản trở nhau (khắc), hoặc không có ảnh hưởng gì với nhau ( tương đồng ). Lợi dụng tính chất này mà người xưa chọn vợ gả chồng, chọn đối tác kinh doanh…


Nếu một cấu trúc được liên kết với nhau nhằm mục tiêu phát triển, đương nhiên tính ngũ hành các thành phần của cấu trúc phải là tương sinh. Dịch học và phong thủy cho ngũ hành cũng phản ánh ra màu sắc, như Mộc là xanh, Thủy là đen, Kim là trắng,Thổ là vàng, Hoả là đỏ …Màu xanh ứng với mùa xuân ôn hoà, là sắc củâ lộc cây mới nhú; màu đỏ ứng với mùa hè, là sắc lửa đang cháy; màu vàng ứng với sắc của đất; màu trắng ứng với mùa thu mát mẻ, là sự sáng sủa; màu đen ứng với mùa đông lạnh lẽo, là nước, là sắc của vực sâu…


Trong văn hoá Trung Hoa cổ xưa, màu sắc theo ngũ hành còn có ý nghĩa đặc biệt như màu xanh là cái gì đó vĩnh cửu, hoà bình; màu đỏ là hạnh phúc, vui mừng; màu vàng chỉ sự giầu có, màu của đế vương; màu trắng chỉ sự bi thương, bình thường, thanh khiết; màu đen là sự phá hoại, trầm ẩn.


Với ý nghĩa này, trong kiến trúc Trung Hoa, Việt Nam xưa rất thận trọng việc chọn màu sắc. Như mong muốn giàu sang thì trong thiết kế xây dựng dùng màu đỏ; muốn bình an, hoà bình và sự vững bền dùng màu xanh. Màu vàng cho vua chúa sử dụng, dân gian không được lạm dụng. Màu đen hoặc màu trắng ít dùng. Bởi vậy các kiến trúc cổ thường dùng nhiều màu đỏ, khi dùng màu cho cột kèo trong nhà thường dùng 3 màu xanh, lục lam. Yêu cầu ngoại cảnh của ngôi nhà hay một khối kiến trúc không chỉ dùng màu sắc hợp với sự an bình, thịnh vượng và phát triển, mà còn tạo ra sự hài hoà nếu không sẽ ảnh hưởng đến người ở.


Theo lý luận của phong thủy, màu sắc không đúng, sắc màu không hài hoà đều tạo ra sát khí cho ngôi nhà, cho khối kiến trúc. Như ngôi nhà kiến trúc kiểu sân vườn lợp ngói, kiêng tường màu trắng ngói xanh vì rất hung. Màu sắc của trần nhà phải nhạt hơn so với nền nhà và 4 bức tường xung quanh; trong nhà màu sắc không nhạt quá…,nếu quá nhạt phải dùng đồ vật kê trong phòng mầu xẫm để điều chỉnh. Về hình dạng ngôi nhà hay khối kiến trúc, phong thuỷ học chia thành 5 dáng hình: Kim, Mộc Thuỷ, Hoả, Thổ.


Dáng nhà Kim thì khi quan sát có cảm nhận ngay sự sáng sủa; các tường vách nghiêm chỉnh, đường nét rất khoát, kiến trúc lối tứ diễu( bốn bên là hiên hoặc ban công nhìn thấy nhau). Dáng Mộc là nóc nhà cao nhô lên, tường lượn sóng, bốn mái hiên cùng chiều.


Dáng Thủy dáng vẻ nghiêm chỉnh nhưng tinh khiết. Dáng Hoả nóc nhà không nhọn. Dáng Thổ các căn phòng vuông vức nghiêm chỉnh, bốn mái hiên bằng nhau, tường không lồi lõm. Nếu như ngôi nhà dáng kim mà một bên khô cạn (cứng nhắc), dáng Mộc mà cất đầu lên, dáng Thủy trông xiêu vẹo, dáng Hoả mà thon nhọn, dáng Thổ trông như rũ xuớng đều có sát khí là không tốt cho người ở.


Nhà ở thời cổ theo phong thủy chủ yếu nhấn mạnh tính ngay ngắn và đối xứng, mọi cái đều vuông vắn, nghiêm chỉnh, có đường trục, có điểm trung tâm, gây cảm giác trang nghiêm và thoáng đãng cho người ở, cho người quan sát.


Dáng kiến trúc ngôi nhà cũng có quan hệ lành dữ với người ở. Phong thủy học đã đưa ra những chuẩn thức kiến trúc ngôi nhà thành câu quyết như: nhà kiểu chữ kim đầu bằng, phú qúy nhân đinh đều hanh thông; nhà kiểu chữ bát, mồ côi, nghèo khổ, nhiều bệnh tật; nhà kiểu chữ hoả bị đàm hoả, bế kinh; nhà kiểu cái quạt, vất vả lênh đênh; trong nhà xà nhỏ cột to, đầy tớ khinh chủ; xà to cột nhỏ thường bị người đời áp đảo; hạ bích( tường sau) tiếp với nhà nhỏ mua ruộng tích ngũ cốc; nhìn từ xa nhà như ở dưới hồ,goá vợ goá chồng, nhân khẩu hiếm; nhà trước cao nhà sau thấp, hại con xung khắc vợ; nhà sau cao nhà trước thấp, già trẻ đều mê muội; giữa nhà cao trước nhà thấp, vợ chồng bất hòa; giữa cao trái thấp, hay bị chuyện thị phi; chân tường rơi lả tả, sa sút và tai hoạ…


Phong thủy học cũng cho rằng, những hình dáng kiến trúc đặc biệt của ngôi nhà cũng gây bất lợi cho người ở như: nhà xây dẹt cao thuỗn, làm ăn gặp nhiều trở ngại; nhà hình tròn chỉ để kinh doanh chứ không để ở; hai đầu trước sau nhà cao, giữa thấp rất khó ở; nhà trên nóc bán mái là hiện tượng suy sụp không lành cho chủ nhân; bên cạnh tháp cao hoặc mái nhà cao nhọn chót vót thì tai họa khó tránh, sống dễ sợ…


Phong thủy học rất quan tâm đến cửa trong ngôi nhà, cho đây là nơi thu nhận và lưu thông thiên khí; cho rằng chiều cao chiều rộng của cửa phải cân xứng với ngôi nhà. Nhà nhỏ cửa lớn không tốt,nhà to cửa thấp là mạt vận. Nhà ở hoặc cửa hàng đã có cửa chính và cửa hậu mà còn mở thêm cửa bên cạnh để ra vào là thoát khí, không lợi. Trong nhà mở cửa hướng đông rất lành, hướng bắc rất dữ; nếu nhà quay hướng tây, mở cửa sổ hướng nam tăng lành giảm dữ.


Trong kiến trúc nhà của dân gian còn có dáng cửa vòm. Cửa vòm có hai loại: loại ngoài nhà và loại trong nhà.


Phong thuỷ cho rằng,cửa vòm ngoài nhà phải to hơn củâ vòm trong nhà và không được gần nhà; nếu là cửa cổng phải có tường nối liền nhà, không được đứng độc lập. Cửa vòm chỉ là chi tiết trang trí, không phải là cửa có cánh để đóng mở. Đối với phòng khách, cửa vòm chỉ có thể ở phía sau, phía trước không nên làm. Cửa vòm chỉ hợp với khuôn viên căn nhà hình vuông và rộng. Ngôi nhà xây dựng trên mặt bằng hình vuông, bốn phía tường vuông vức là lý tưởng nhất để tiếp thụ sinh khí từ vũ trụ, từ đó sẽ làm cho cuộc sống cho toàn gia tốt đẹp và phát triển. Nếu chiều sâu nhà dài hơn mặt tiền thì phúc trạch dài lâu; mặt tiền dài hơn chiều sâu thì không có lợi cho sự ở.


Trên đây là một số quan niệm của phong thủy về kiến trúc ngôi nhà sao cho tạo được khí lành cho người ở, chỉ có giá trị tham khảo với bạn đọc khi tìm hiểu về vũ trụ quan của người Trung Hoa cổ xưa.


Quảng Tuệ(dienbatn blog)

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm