Đông Tây gặp nhau về lịch số học

Leave a Comment


Người ta không lẽ sống u minh trong cõi thời gian không cùng không tận này mà chẳng hay rằng
mình đã trường cửu được bao lâu. Vũ trụ có hai cái không cùng là Không gian và Thời
gian (l'Espace et le Temps). Đã biết dùng thước để đo Không gian, tất phải nghĩ ra cách gì để đo
Thời gian. Bởi thế, bao nhiêu thế hệ, học giả nối nhau tìm cách đặt lịch (calendrier) nhưng lấy gì
làm bản vị(unité)? Đó là then chốt của phép đo thời gian; biết được điều ấy tức là tìm ra cách làm
lịch.
Xét nghiệm những hiện tượng của mặt trăng, mặt trời và cõi đất, đều khiến người xưa phải để ý
trước nhứt là sự thay đổi của bốn mùa luân lưu trong một khoảng thời gian gần như nhứt định.

Ảnh minh họa : Internet
Sự thay đổi của bốn mùa có ảnh hưởng trực tiếp ngay đến bản thân, nên dù người có lãng ý đến
đâu, người tối dạ đến đâu cũng nhận thấy.

Tiếp theo những ngày rét thấu xương vừa hết, một bầu trời đầm ấm hình như thấm nhuần vào
thân thể ta một khí vị rất êm đềm nhẹ nhàng dễ chịu.

Rồi ngày qua thấm thoát, lại đến độ nóng thiêu người... Chỉ ít lâu, mặt trời bớt nóng, người ta đã
trút được cái khí nồng nực nặng nề mà sống thư thái những ngày nắng dịu khí buồn và những
đêm gió mát trăng trong. Những cái vẻ buồn ngày một tăng thêm mà thành ra hãm cái hơi mát
ngày một dịu lần mà thành ra lạnh.

Người ta bước sang mùa rét được ít lâu, rồi lại đến ngày tươi đầm ấm.

Bốn mùa cứ thay đổi như thế không ngừng, ảnh hưởng trực tiếp ngay đến thân thể con người,
khiến người xưa để ý đến trước nhứt và nhận ra sự luân chuyển rất đều đặn của thời tiết hình
như đã hạn định trong một khoảng bao nhiêu ngày đó.


Tất cả cái then chốt trong việc làm lịch là biết được đích xác có bao nhiêu ngày trong bốn mùa
ấy.
Điều thứ hai đã làm chú ý người xưa là sự luân chuyển của bốn mùa, có ảnh hưởng thiết thực
đến sống hàng ngày của con người và hoa quả, cây cối. Đã đến khi không thể sống nhàn nhã tự
nhiên hái hoa quả rừng mà đủ ăn được, thì bấy giờ lại càng thấy sự cần thiết làm lịch để biết thời
tiết mà trồng trọt, chăn nuôi.
Những hiện tượng trong trời đất và cảnh vật chung quanh ta đều theo bốn mùa trở đi trở lại có
thường độ, người xưa đếm ngay ra, ám nhận thấy thường độ ấy vào khoảng trên hay dưới 360
ngày chi đó.
Nhưng làm lịch không thể nói phỏng chừng như thế được, phải biết đích xác bao nhiêu ngày là
tròn hết một vòng luân chuyển của bốn mùa.

Một sự nhận xét nông nổi tính ra vòng luân chuyển ấy ở trong khoảng 12 lần trăng tròn. Lại đến
xem bao nhiêu ngày là một lần trăng tròn, người ta thấy đúng 29 ngày rưỡi.
Vậy 12 lần trăng tròn là: 29,5 x 12 = 354 ngày. Người ta liền lấy cái khoảng 12 lần trăng tròn là
354 ngày làm một độ lịch gọi là một năm. Mỗi lần trăng tròn là một tháng, người Tàu gọi mặt
trăng là Nguyệt, nên cũng gọi tên tháng là Nguyệt.
Vì mỗi tuần trăng tròn là 29 ngày rưỡi lẻ loi, nên nhà làm lịch xê xích lại cho chẵn, cứ một tháng
thiếu 29 ngày, lại có một tháng thừa là 30 ngày.
Âm lịch 354 ngày dùng được ít lâu, người ta nhận thấy nó ngắn quá, năm tháng chóng hết, mà
thời tiết cứ ngày càng lùi chậm lại. Theo lịch thì là giữa Hè rồi mà trời chưa bức, đã sang Đông
rồi mà trời chưa rét.

Quyển lịch năm thiếu ấy rất tai hại cho việc canh nông, sự chăn nuôi, trồng trọt, trái thời tiết sẽ
làm giảm sút số hoa lợi; cuộc sinh hoạt vì đó thiếu thốn khó khăn. Cho nên ở những nơi dân cư
trù mật, việc canh nông rất là hệ trọng, người ta đã phải cố gắng xem xét hiện tượng của vũ trụ
và các vầng tinh tú để tìm thấy một quyển lịch đúng thời tiết.


Từ thời đại rất sớm, người Trung Hoa, người Chaldéen đã rất giỏi về Thiên văn học.
Âm lịch 354 ngày ngắn quá, người ta thí nghiệm thêm lần ngày ra khi tới số 365 ngày thì thấy
thời tiết vừa sát đúng
Sử ký Tàu chép: "Vua Thuấn sai họ Hy, họ Hoa xét tượng số các vầng nhựt nguyệt và tinh tú để
làm lịch cho dân biết thời tiết mà trồng trọt, chăn nuôi".
Một quyển số học tối cổ của Trung Hoa là Kinh Dịch nói về nguyên lý của vũ trụ và thế giới kể lại
rằng: "Vua Phục Hy lên đỉnh núi, xét sự vãng lai của tinh tú, suy về lý do của vũ trụ rồi lập thành
một bản đồ 64 quẻ, nói về sự biến hóa và sự luân hồi của thế giới vạn vật".

Hiền triết đời sau cắt nghĩa thêm cho dễ hiểu: "Dịch hữu Thái Cực thị sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng
Nghi sanh tứ Tượng, Tứ Tượng sanh Bát Quái" (Chu Tử).
Dịch nghĩa: Nguyên lý của mọi sự hóa sinh trong vũ trụ là cái lý độc nhất, tuyệt đối, tự hữu, hằng
hữu, vô thủy, vô chung, mà ta tạm gọi là Thái Cực (L'Être suprême, absolu en soi et éternel: Dieu).
Do lý Thái Cực ấy sinh ra hai thể tương phản mà ta tạm gọi là Âm và Dương (deux forces
opposéesL le Positif et le Négatif).

Hai thể tương phản giao nhau thành ra bốn hiện tượng của thế giới là:
- Lão Dương (vieux soleil).
- Lão Âm (vieille lune).
- Thiếu Dương (astres mineures).
- Thiếu Âm (l'atmosphère: làn không khí bao bọc địa cầu).
Bốn hiện tượng ấy lại giao nhau mà sanh ra tám thể:
1.- Càn: Trời (le ciel).
2.- Khôn: Đất (la terre).
3.- Khảm: Nước (les liquides: l'eau).
4.- Ly: Lửa (la chaleur: le feu).
5.- Chấn: Điện (l'électricité: tonnerre et foudre).
6.- Tốn: Gió (l'air: le vent).
7.- Cấn: Núi (les plissements: plateaux et montagnes).
8.- Đoài: Đầm (les dépressions: mares et lacs).
Những thể ấy giao nhau mà hóa sanh ra vạn vật.
Về Lý học, nói đến đây là đủ hiểu đại khái. Nhưng về số học người ta còn tính thêm nhiều: Tám
quái giao nhau thành 64 quẻ, mỗi quẻ lại chia làm 6 hào, thành ra:

- 6 hào x 64 = 384 hào.
Quái khí khởi từ quẻ Trung Phu, trừ quẻ Chấn, quẻ Ly, quẻ Đoài và quẻ Khảm là bốn quẻ chánh,
có 24 hào làm chủ 24 khí, còn thừa:
- 64 quẻ - 4 = 60 quẻ.
Mỗi quẻ là 6 ngày 7 phân, nhân ra:
- 6,7 x 60 = 360 ngày 420 phân.
Mỗi ngày có 80 phân, vậy 420 phân tức là 5 ngày 20 phân hay là 5 ngày và một phần tư ngày.
Biết được số ấy, người ta nhận thấy rằng Âm lịch ngắn mất:

- 365 ngày 1/4 - 354 = 11 ngày 1/4.

Như thế, theo Âm lịch cứ một năm 12 tháng thiếu mất 11 ngày 25. Vậy trong 2 năm 7 tháng rưỡi
tức là 31 tháng rưỡi, thì thiếu vừa vặn 29 ngày 50.

- (12 tháng x 29 ngày 50) :(chia) 11 ngày 25 = 31 tháng rưỡi.

Trong 31 tháng rưỡi, thiếu đúng 29 ngày rưỡi, tức là vừa đúng một lần trăng tròn. Cho nên
muốn bù vào chỗ thiếu ấy để thời gian khỏi sai lẫn, nhà làm lịch cứ hai năm tám tháng lại có một
tháng nhuần, rồi hai năm bảy tháng lại có một tháng nhuần.
Như thế tức là những năm nhuần kia dài gấp 13 lần trăng tròn.

Nhà làm lịch Tàu lại tính sẵn đủ cho một pho lịch 60 năm một vòng; đời sau cứ thế mà hàng năm
in ra cho dân dùng.
Người Chaldéen cũng làm âm lịch 354 ngày, nhưng không có pho lịch sẵn, cứ bao giờ các nhà
thiên văn cộng vào thấy vừa thiếu trọn một tuần trăng tròn, thì tâu lên nhà vua, nhà vua lại giáng
chỉ cho dân thêm tháng nhuần thứ 13 ấy vào.
Thứ lịch mới này, tháng tính theo độ số của mặt trăng là Âm lịch, còn năm thì theo độ số của mặt
trời để hợp thời tiết bốn mùa là Dương lịch, nên gọi là Âm Dương lịch, hay Nhật Nguyệt
lịch (Calendrier luni-solaire).
Trong khi người phương Đông theo độ số mặt trăng, thì người phương Tây ra sức xem xét mặt
trời.
Lịch La Mã (Calendrier Romain) làm từ đời vua Romolus (735-714 trước kỷ nguyên Tây lịch), chỉ
có 300 ngày chia làm 10 tháng.

Vua sau là Numa Pompitius (714-671 trước kỷ nguyên Tây lịch) thêm vào hai tháng nữa. Tất cả
thành 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, cộng là 360 ngày.
Tới năm 708 lịch La Mã, danh tướng La Mã là César (101-44 trước kỷ nguyên Tây lịch) sửa đổi
lại lịch cũ cho hợp với độ số của mặt trời, tính cứ thấy một vòng một năm là 365 ngày và 1/4
ngày, Jules César liền đặt lịch mới là 365 ngày, còn 1/4 ngày ngày lẻ góp 4 năm lại đúng một
ngày lẻ, cho vào cuối tháng Hai (Février) gọi là ngày nhuần.
Lịch ấy theo độ số của mặt trời, nên gọi là Dương lịch do Jules César làm ra, cũng gọi là lịch
Julien. Đó là lịch ngày nay đang dùng.
Kể số ngày, thì lịch Julien cũng giống như Âm Dương lịch dài 365 ngày thêm 1/4 ngày. Nhưng
năm tháng đi sai nhau nên bốn mùa và hiện tượng thiên văn chỉ khác nhau.

Nhật Nguyệt lịch tính theo độ số mặt trăng, nên đầu tháng là đầu tuần trăng non, giữa tháng là
tuần trăng tròn, cuối tháng là tuần trăng khuyết.
Lich Julien chỉ theo độ số mặt trời, nên không hợp với các tuần trăng tròn khuyết, bởi vậy không
thể xem vầng trăng mà đoán được ngày tháng trong lịch Julien, như theo Âm Dương lịch.

Âm Dương lịch phối hợp cả độ số của hai vầng nhật nguyệt đối với dịa cầu, nên Nguyệt thực de
lune) bao giờ cũng vào tuần trăng tròn (giữa tháng), Nhật thực (Eclipse de soleil) bao giờ cũng
vào tuần trăng non (đầu tháng). Lịch Julien không theo độ số mặt trăng nên những hiện tượng
thiên văn (phénomènes atmosphériques) ấy có thể xảy ra bất cứ ở ngày nào trong lịch, mà không
nhất định ở giữa tháng, đầu tháng hay cuối tháng.
Cứ theo lý ra thì một năm có bốn mùa, lịch phải đặt thế nào cho mùa Xuân đúng vào ba tháng
đầu. Mùa Hạ dúng vào ba tháng sau. Mùa Thu đúng vào ba tháng dưới. Mùa Đông đúng vào ba
tháng cuối cùng.

LịcH Julien đặt sai hẳn cả:

- Ngày 21 Mars là tiết Xuân phân (équinoxe de printemps).
- Ngày 21 Juin là tiết Hạ chí (soltice d'été).
- Ngày 23 Septembre là tiết Thu phân (équinoxe d'automne).
- Ngày 21 Décembre là tiết Đông chí (soltice d'hiver).
Thành ra đầu năm lịch, trời chưa sang Xuân, mà cuối năm lịch mới khởi đầu mùa rét...
Lịch Julien bất tiện như thế, nên đến cuối thế kỷ thứ 18, những nhà cầm đầu cuộc cách mạng
nước Pháp đã sửa đổi phép đo lường, lại nghĩ đến cách sửa đổi cả phép làm lịch cho phú hợp
thời tiết bốn mùa.
Quốc Gia Hội Nghị (La Convention Nationale) ban hành sắc lệnh cho dân quốc theo lịch mới từ
ngày 24-11-1973.
Lịch ấy gọi là lịch Dân quốc (calendrier républicain) khởi đầu năm từ ngày Thu phân (22
Septembre) chia làm 12 tháng, mỗi tháng chẳng 30 ngày, còn thừa 5 ngày lẻ kia dùng để mở hội
nghị kỷ niệm Dân quốc.
Mười hai tháng ấy không gọi là Giêng, Hai, Ba, Tư... gì cả, cứ theo thời tiết thế nào thì đặt tên
tháng như vậy. Nhà thi sĩ Fabre d'Eglantine (1750-1794) dự bàn việc chánh trị, có chân trong
Quốc Gia Hội Nghị, dặt cho 12 tháng ấy những cái tên rất nên thơ:

1.- Mùa Thu:

- Vendémiaire: mois des vendanges, tháng hái nho.
- Brumaire: mois des brumes, tháng sương móc.
- Frimaire: mois des frimas, tháng sương mù.
2.- Mùa Đông:

- Nivose: mois des neiges, tháng tuyết trắng.
- Pluviose: mois des pluies, tháng mưa sa.
- Ventose: mois des vents, tháng gió thổi.
3.- Mùa Xuân:

- Germinal: mois des germinations, tháng nẩy mầm.
- Floréal: mois des fleurs. tháng nở hoa.
- Prairial: mois des prairies, tháng cỏ xanh non.
4.- Mùa Hạ:

- Messidor: mois des moission, tháng gặt hái.
- Thermidor: mois de la chaleur, des bains, tháng nồng nực.
- Fructidor: mois des fruits, tháng quả chín.
Mỗi tháng chia làm 3 lần 10 ngày, thi sĩ cũng bỏ cái lối chia làm tuần lễ: Lundi, Mardi... kia đi, mà
đặt cho 10 ngày những cái tên cũng rất nên thơ:

- Primidi: mùng Một.
- Duodi: mùng Hai.
- Tridi: mùng Ba.
- Quartidi: mùng Bốn.
- Quintidi: mùng Năm.
- Sextidi: mùng Sáu.
- Septidi: mùng Bảy.
- Octidi: mùng Tám.
- Nonidi: mùng Chín.
- Décadi: mùng Mười.
Về Lịch số học đến đây thì quí vị đã hiểu đại khái. Còn về Dịch học của Á Đông thì sâu xa lắm và
viết ra cho hết không tiện, nên chỉ tóm tắt mà thôi.

VÀI LỜI CÁO LỖI

Vì những vị tân học ngày nay cũng có một phần ít không rành về danh từ trong chữ Nho, nên
buộc lòng tôi phải chua ngoại ngữ vào thêm chỗ giảng về Bát Quái Ngũ Hành và bài hiểu thêm về
Lịch số học. Đó cũng chẳng ngoài ý của tôi muốn cho quí vị rộng hiểu thêm và cũng muốn ghi lại
công khó của người xưa, dầu sao cũng có một đôi phần hữu ích vậy.

Viên Tài Hà Tấn Phát
Trích trong Ngọc Hạp Chánh Tông

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm