Đó là cái ngày đứa em trai út của tôi bị tai nạn giao thông mà chết. Tôi không có mặt ở nhà để được nhìn mặt em lần cuối. Đâu có ai hiểu hết nỗi đau khổ của tôi, một người làm thầy, đoán biết khí số của em mình đã tận mà không cách gì cứu vãn được. Dù sư công tôi có khuyên nhủ rằng đó lá định số, nhưng tôi vẫn không cam lòng. Ngày mồng Năm tháng Năm, nhận được điềm báo tử, tôi tính ra điềm báo ứng vào tháng Sáu. Tôi vội vã trao cho em tôi bài kinh Tổ, chú hộ mạng , cả bức tượng Lục Tổ Magaham mà sư công tôi bỏ ra 21 ngày chú nguyện tơm phép. Tôi bắt buộc nó mỗi ngày phải thay tôi thắp nhang trì tụng, không được phép cởi dây chuyền và mặt tượng, không được uống rượu bia…Tôi thắp sẵn ngọn đèn bổn mạng của nó trên bàn thờ, ngày đêm canh chừng không cho đèn tắt… Vậy mà nó vẫn rời bỏ gia đình, bỏ cuộc đời này một cách dữ dội và đau đớn…
Bước sang ngày mồng Một, tôi kẹt đưa đoàn khách đi miền Tây ba ngày. Trưa hôm đó, một con bướm nhỏ bay vào trong bóng đèn và chết cháy, ngọn đèn cũng tắt theo. Tối hôm đó, vì lỡ uống rượu bia với đám bạn cũ, em tôi không dám đeo tượng . Nó cũng không dám đọc kinh chú, chỉ lặng lẽ thắp hương… để rồi sau đó một giờ, trong lúc băng qua đường, nó bị xe hàng cán chết…
Từ ngày đó, tôi bỏ công việc,từ chối gặp gỡ bạn bè, đồng đạo, tự nhốt mình trong nhà, rút vào trong vỏ ốc của sự cô đơn vằn vặt…
Cô Hai Xa Cảng đã về từ lâu, mặt trời cũng đã mất hẳn cuối chân trời phía Tây, chỉ còn lại một quầng sáng đỏ hắt lên bầu trời ảm đạm. Tôi khẽ đung đưa chiếc võng, không khí mát dịu nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy nặng nề u uất. Tiếng cô Hai Xa Cảng vẫn còn văng vẳng trong đầu:
- Cậu Hai nghĩ lại đi. Người ta đang cần cậu giúp đỡ, cậu lại nỡ khoanh tay làm ngơ sao? Cứu một người bằng xây bảy cảnh chùa, huống chi bây giờ cậu cứu cả nhà người ta, cả người sống và người chết!
Cô Hai đâu có hiểu tâm trạng của tôi lúc này. Cứu làm gì khi vận mệnh của mình còn không biết sẽ ra sao. Tôi đâu phải là Phật thì làm gì có thể hoá độ mọi người chứ! Ngay đến em tôi, tôi còn không cứu được nữa là…
- Cậu Hai suy nghĩ lai nghe! Nếu cậu đồng ý, tôi thuê xe rước cậu về Mộc Hoá liền. – Câu nói vẫn còn dư âm, nhưng tôi chỉ thở dài và chìm vào trong giấc ngủ nặng nề…
xXx
… Tôi đang đi trên một con đường bờ mấp mô, nhỏ hẹp. Trước mặt tôi là một cánh đồng trải dài. Lúa đã gặt sạch chỉ còn trơ gốc rạ vàng úa, cằn cỗi. Xa xa, thấp thoáng rặng dừa nước. Chắc là phía ấy có nhánh sông hay rạch gì đó. Không gian ảm đạm như buổi chiều tà tắt nắng sớm, dường như có một chút khói sương đang giăng giăng mờ ảo.
Phải nói rằng cô rất đẹp, một cái đẹp mặn mà chân chất của cô gái vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Nước da ngăm đen, chân mày thanh tú, đặc biệt là đôi mắt, nó cứ đen láy mở to và đượm buồn. Từ khoé mắt của cô, những giọt lệ cứ trào ra và lăn dài trên gò má … Tôi chưa kịp hỏi han gì thì cô bỗng mờ dần, mờ dần rồi tan biến trong màn khói sương hư ảo…
xXx
… Tiếng còi xe làm tôi giật mình mở mắt, xung quanh tối đen, trong nhà đã lên đèn tự lúc nào. Tôi đưa tay nhìn đồng hồ- đã hơn chín giờ tối. Tôi đã ngủ quên gần bốn tiếng đồng hồ, như vậy những hình ảnh ban nãy chỉ là một giấc mơ. Tôi lại thở dài, cuộc đời này cũng đang là một giấc mơ không hơn không kém, thoáng nhớ đến hai câu trong bài sám hồng trần:
“Chiêm bao khéo khuấy lạ lùng
Mơ màng trong một giấc nồng mà thôi”
Quơ tay xua đám muỗi háu ăn, tôi ngồi dậy lững thững đi vào nhà. Má tôi đã dọn cơm sẵn cho tôi tự lúc nào. Mâm cơm nguội ngắt.
Thấy nội và má tôi bình thường trở lại, tôi mới dám nhận tour mới. Chuyến hành trình này xuôi theo quốc lộ dọc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long theo yêu cầu của khách. Trước ngày khởi hành, Giám đốc gọi tôi lên văn phòng nói nhỏ:
- Em cố gắng săn sóc tốt mấy vị này nhé. “Cớm” không đấy!
Như sợ tôi chưa hiểu, Giám đốc giải thích thêm:
- Đây là đoàn cán bộ văn hoá của Trung ương đi thực tế tự do. Họ không muốn đón tiếp rườm rà nên xin kinh phí rồi tự hợp đồng với công ty mình hướng dẫn. Họ muốn có một người rành về miền Tây đưa đi…
- Trong công ty mình thiếu gì người am hiểu Nam Bộ…
- Ấy, rành thì có rành. Nhưng nghe nói đi với cán bộ Trung ương ai nấy đều rét. Tụi nó sợ ăn nói có gì thất thố… làm ảnh hưởng đến uy tín công ty.
Tôi cười buồn:
- Trung ương hay địa phương gì cũng là người cả thôi, làm gì phải cuống lên thế chứ.
- Anh biết rồi, nhưng đâu phải đứa nào cũng như em… Thôi anh cẩn thận dặn dò em trước, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nghe.
Hôm sau đoàn chúng tôi lên đường. Chuyến đi khởi hành ngày mồng Một, đúng ba tháng sau khi thằng em tôi mất.
Đến Long An, sau khi làm việc với Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh xong, lẽ ra đoàn đi thẳng đến khu Di tích Óc Eo như kế hoạch định sãn. Nhưng, anh trưởng đoàn chợt nhớ ra có người bạn thân đang làm cán bộ chủ chốt ở Huyện uỷ Mộc Hoá, đã lâu rồi hai người không có dịp gặp nhau. Thế là xe đổi hướng nhắm Mộc Hoá khởi hành…
Chuyện gặp gỡ hàn huyên của những người bạn thân xa cách lâu ngày thiết nghĩ chẳng cần phải kể vào đây. Sau phần xã giao, anhem đồng chí khoác tay nhau đến một quán lá bên bờ sông để làm tiệc tẩy trần, họp mặt. Rượu đế Gò Đen chính hiệu rót ra ly sủi tăm trong vắt, khăn lạnh đập nổ lốp bốp vui tai, không khí họp mặt có chút rượu bia bỗng tưng bừng rộn rã làm sao.
Dĩ nhiên là tôi cũng được dự phần. Nhưng lấy cớ bị bệnh đường ruột, không ăn uống được đồ sống nên tôi tìm cách xin kiếu sau khi hẹn khách gặp lại vào sáng hôm sau.
Thật ra, tôi không ăn được là một lí do. Sâu xa hơn, tôi không chịu được cái cảnh người ta đem cả thau cá lóc ra đập đầu từng con để nướng trui. Những con cá lóc đen trùi trũi, to bằng cườm tay người lớn, bị đập đầu bôm bốp bằng khúc gỗ to,thân cá giãy lên đành đạch rồi giần giật những cơn run rẩy cuối cùng trước khi bị người ta xiên ống tre vào bụng đem lên than đỏ. Hay đau đớn hơn là cái cảnh lũ cá kèo đang nhảy lung tung trong rỗ, bị người ta trút thẳng vào nồi nước đang sôi. Cả lũ quẫy tung thiếu điều bung cả nắp nồi, những cái chết thảm khốc phục vụ cho buổi tâm tình họp mặt của những người bạn cũ… Nhìn cảnh ấy, tôi chợt nhớ đến đoạn phim tài liệu về nạn diệt chủng chiếu cách đây vài năm. Người ta cũng giết nhau bằng cách đập đầu như thế. Lòng nhân cuả con người tan biến trong cái lý tưởng u mê mà họ đang thờ phụng !!!
Tôi vừa bước ra ngoài vừa cúi đầu trì niệm hồi hướng cho lũ cá đáng thương kia: “ Um, gavira gam svaha”. Cầu cho tụi bây dứt sạch sự đau đớn trong nghiệp thức, cầu cho bây dứt sạch nỗi oán hận dày vò để hoá kiếp làm người… tự nhiên tôi nhớ đến câu văn của nhà văn Nam Cao : “kiếp người như kiếp tao chẳng hạn…”
xXx
Tôi thả bộ dọc theo nhánh sông nhỏ. Vài chiếc ghe hàng còn neo trên bến chờ mối, nắng xiên quai buổi chiều phản chiếu trên dòng sông lấp loáng. Đến chợ Mộc Hoá, tôi ghé vô một quán càphê ven sông gọi ly chanh đá nhâm nhi. Cảm giác mát lạnh vừa ngọt vừa chua của ly nước cùng những cơn gió từ mặt sông thổi vào làm tôi sảng khoái hơn.
Đang ngồi ngó mông lung, chợt có tiếng gọi mừng rỡ vang lên:
- Cậu Hai! cậu Hai!
Nghe giọng quen thuộc, tôi quay người nhìn lại. Cô Hai Xa Cảng đang bước vô quán, nét mặt đầy vẻ mừng rỡ:
- Cậu Hai đi đâu vậy? sao cậu lại ở đây? Nhìn thấy cái lưng áo tui nghĩ ngay là cậu mà, cái dáng của cậu không lầm với ai được cả. Gặp cậu ở đây tui mừng quá xá. Thôi, vậy là ổn rồi…
Cô hai liến thoắng một tràng dài như đại liên bắn làm tôi nghe không kịp thở, cũng chẳng trả lời lại được tiếng nào. Bất giác tôi phì cười – nụ cười hiếm hoi từ khi thằng em tôi chết.
- Sao cậu cười vậy? – Cô Hai nhìn tôi ngơ ngác – Tui nói có gì hổng phải hả cậu?
- Không có, tại tôi thấy cô hỏi liên tục chẳng cho ai nói tiếng nào nên tôi cười vậy mà.
- Vậy hả, tui xin lỗi cậu nghe. Gặp cậu ở đây tôi mừng quá nên…
- Thôi, được rồi, cô ngồi xuống đi, bà con người ta nhìn kìa.
Cô Hai kéo ghế cái rột và ngồi xuống đối diện tôi, miệng cô vẫn còn cười toe toét lộ hàm răng trên sún hết mấy cái. Thấy cô tỏ vẻ vui mừng ra mặt, tôi cũng thấy xúc động.Nhìn cô, tôi nhớ lại cái ngày đầu quen biết với cô…