“Những câu chuyện đồn thổi về bùa yêu, bùa ác tồn tại cả ngàn năm nay. Tôi từng chứng kiến hàng chục người từng bị bỏ bùa yêu mà chết mê chết mệt những người mình không thích, nhiều người bị bỏ bùa ác chết bất đắc kỳ từ ở ngay nhà mình chứ không phải nơi xó rừng lam sơn chướng khí. Nhưng cũng có người nhờ bùa yêu mà yêu nhau say đắm rồi vượt lên ngưỡng tâm linh để sống một cuộc đời với nhau hạnh phúc. Tin hay không tin cũng là tùy mỗi người. Khoa học cũng còn bó tay và chưa thể có một lời giải đáp chính thức”.
Không thật thì… lý giải đi!
Nghiên cứu những chuyện tâm linh, những chuyện kỳ bí đến khó tin lâu năm nhưng khi nghe chuyện bùa ngải và những tác dụng của bùa ngải, ông Phạm Văn Kính nói nhiều lúc vẫn rùng mình và sởn da gà.
Ông Kính đã lên khắp các tỉnh Tây Bắc, lặn lội vào cả Quảng Nam và các tỉnh miền Trung để tìm gặp các nhà bùa, các nhân chứng có liên quan đến bùa ngài để tìm hiểu. Ông kể: “Một lần trên tàu hỏa tôi có gặp một quân nhân xuất ngũ tên Lanh ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Anh ta cao to, da ngăm đen nhưng tướng mặt hiền lành lắm. Anh ta nói mình đang đi tìm vợ. Anh ta chìa cho tôi xem tấm hình vợ mình: Một thiếu nữ người Mường trắng trẻo và khá đẹp. Anh ta nói ít bữa trước vợ anh đi họp lớp, gặp lại người bạn học cấp 2 ngày xưa vẫn thích nhưng không theo đuổi được đành đi lấy người khác. Trong bữa liên hoan, anh ta có cho vợ anh Lanh uống một thứ gì đó pha lẫn với rượu. Được dăm bữa, cô vợ tự nhiên bỏ chồng và hai đứa con thơ đi biệt tăm. Đi tìm vợ mới biết vợ mình theo anh chàng học cùng cấp 2 kia.
Tìm được vợ nhưng vợ anh nhất định không chịu về cùng, anh Lanh đau đớn nhưng cũng đành bó tay cùng với một nỗi nghi ngờ rằng không hiểu tại sao vợ mình lại có thể như thế. Một người bạn anh Lanh biết chuyện đã đoán chắc vợ anh bị bỏ bùa yêu nên tìm cách giải cho cô ấy. Anh Lanh đã gặp một nhà bùa có tiếng và lần này đi tìm vợ để giải. Đến hơn tháng sau, gặp lại anh Lanh, anh ta kể sau khi cho vợ uống thuốc giải kia, vợ nôn ra một miếng sắt nhỏ, đầu dẹt cùng một túm máu thâm đen. Vợ hối lỗi vô cùng và trở về nhà với anh. Tất nhiên, thằng cha bỏ bùa vợ anh nhận được những cú đấm thích đáng vì cái tội…vô liêm sỉ”.
Ông Kính kết luận: Chuyện nôn ra một miếng sắt dẹt kia cùng với nhúm máu là thế nào nếu không phải là bùa yêu gặp thuốc giải. Cả chuyện cô vợ ngoan ngoãn hiền lành vốn ghét cay ghét đắng tay “trai lơ” kia ngay từ thời cùng lớp lại bỏ chồng con đi theo hắn? Tác dụng của bùa yêu quả thật khiến người ta sợ hãi đề phòng!
Ông Kính nói cũng gặp nhiều nhà khoa học, lấy mẫu bùa mà mình xem được phân tích tỉ mỉ xem nó có gì đặc biệt nhưng kết quả không công. “Có gì đặc biệt với một ít muối, có khi là mấy sợi tóc hay một mảnh áo nhỏ. Tất cả là cái tâm của người xin bùa nằm trong những lời chú bí hiểm mà thầy bùa dặn mới đáng xem xét nhưng nhiều người bỏ qua.
Sự thật chưa được lý giải đến tận cùng khiến tôi cũng tin vào những điều tâm linh ấy của bùa ngải. Chắc chắn những nhà bùa nổi tiếng tôi gặp cũng có những cái “dị” và ít nhất cũng là những kỳ nhân có khả năng đặc biệt đã. Nếu những người khác không tin hãy đến tận nơi, thử tìm và lý giải đi”- ông Kính nói.
Chung ý kiến với ông Kính, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ), một người đã hơn 20 năm lặn lội nghiên cứu thuật bùa chài của người Mường ông khẳng: “Chài nèm là có thật”. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đưa ra bằng chứng lịch sử : Theo “Cổ sử Việt Nam” của Đào Duy Anh thì Vua Hùng chính là người Lạc Việt có nhiều phép thuật, quyền năng, phục được các bộ lạc, làm thủ lĩnh mà xưng là Hùng Vương. Xứ Mường Thanh Sơn, (Phú Thọ) đất bản bộ của Vua Hùng còn in đậm phong tục tập quán, lễ nghi tín ngưỡng, chế độ thổ tù lang đạo, ruộng đất nhà lang…, đặc biệt, những truyền thuyết dân gian về vua Hùng, về Thánh Tản Viên còn rất nhiều.
Pháp thuật thần bí của người Lạc Việt mà sử sách thời Trang Vương bên Tàu gọi là phương thuật hay Việt phương nay còn sót lại ở xứ Mường chính là nèm chài, bùa mê ngải lú… Trong hội nghị giữa nhóm các nhà khoa học của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia với Sở văn hoá Phú Thọ bàn về vấn đề “nghiên cứu văn hoá Mường Phú Thọ”, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã tha thiết đề nghị cần nghiên cứu sớm phương thuật của người Mường để làm sáng tỏ bức màn tâm linh kỳ bí này.
Nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải (Trung tâm nghiên cứu Tiềm năng con người) cho rằng, ông chưa tiếp cận và nghiên cứu nhiều về chuyện bùa ngải, cũng chưa tiếp cận được ai bị bỏ bùa hay những nhà bùa nhưng “tôi nghe nói nhiều về chuyện này lắm rồi”. “Để có đánh giá chính xác có thật hay không có thật thì cần đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng và lâu dài. Vừa tránh huyễn hoặc, vừa tránh có người bị lợi dụng bởi những thầy bùa “dỏm” khiến tiền mất tật mang”, ông Hải nói.
Vừa có thật - vừa không có thật?
Trong khi đó, một số nhà khoa học cũng khẳng định bùa ngải là có thật hoặc dù thế nào thì cũng thật theo một nghĩa nào đó. Theo GS. TS Trần Trí Dõi hiện là Chủ nhiệm Bộ môn "Ngôn ngữ và Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam" khoa Ngôn ngữ học và kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm “Nghiên cứu Phát triển các dân tộc thiểu số - miền núi và Lưu vực sông Hồng” Trường ĐH KHXH & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).thì bùa yêu có thật mà không thật, dù có mâu thuẫn nhưng quả là vậy.
Là người nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc thiểu số, GS. TS Trần Trí Dõi đã trực tiếp đi đến rất nhiều những vùng dân tộc khác nhau.
Ông phân tích: “Ở đâu, người ta cũng kể chuyện về các loại bùa ngải. Đó là những câu chuyện huyền bí và rất hấp dẫn người nghe. Nào là chuyện bùa hại người; rồi chuyện bùa yêu, một người nếu thích người kia, chỉ cần bỏ bùa yêu thì lập tức người kia sẽ theo và yêu người bỏ bùa say đắm...
Riêng về bùa yêu thì tôi cho rằng đó là chuyện có thật mà lại là không thật. Bởi vì, có nhiều loại bùa yêu, người ta làm bằng bột, trong đó có chứa chất kích dục. Và trong một chừng mực nhất định nào đó, nó có thể khiến cho một người xa lạ bỗng muốn “gần gũi” với người bỏ bùa”. Ông Lợi cho rằng chính vì lý do đó nên nhiều người mới tưởng, thứ bùa yêu đó là có tác dụng thần kỳ. Rồi họ huyền thoại hóa câu chuyện đó lên và truyền bá ra bên ngoài, sau đó tiếp tục lan truyền cho đến các đời sau.
Cây ngải- một thứ nguyên liệu làm bùa được nhiều người biết đến và khẳng định có tác dụng thần kỳ. Ảnh: Đình Tú
“Những người đời sau nghe chuyện, cũng nửa tin nửa ngờ nhưng cuối cùng lại chấp nhận tin đó là chuyện có thực, và lại đẩy những câu chuyện đó lên như một giai thoại. Do vậy, những câu chuyện về bùa yêu luôn khiến nhiều người tò mò rồi tin theo nó”, ông kết luận. Người khác, tiến sĩ, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chu Phác là một trong những người khá say mê tìm hiểu chuyện bùa ngải cũng cho rằng trong các loại bùa thì loại bùa làm bằng ngải có lý do tồn tại hơn cả.
Mặc dù miêu tả hình dạng có khác nhau, nhưng nơi đâu cũng nhắc đến sự linh nghiệm của ngải. Theo kiến giải của nhiều người, cây này chỉ có rất ít ở vùng sâu núi thẳm. Cây này ăn động vật (gà con hoặc chim rừng), cái khí chất của nó độc địa. Nhờ cái khí thiêng ấy, muốn hại đối phương phải bào chế và cho người ấy uống. Đối phương sẽ trở nên ốm yếu thần kinh suy kiệt. Nhưng với mục đích hại người thì người chơi bùa ngải cũng không thoát khỏi chuyện ác giả, ác báo.
Theo Thạc sỹ Dân tộc học Nguyễn Tri Hùng, Phó Ban Dân tộc - miền núi tỉnh Quảng Nam, người có hơn 20 năm nghiên cứu các dân tộc tại vùng miền núi Quảng Nam khẳng định: Chuyện ngải yêu là có thật. Lâu nay đồng bào Cơ Tu, Xê Đăng, Bhnoong… vẫn có nhiều ngải với nhiều công dụng khác nhau. Sống giữa rừng núi thâm sâu, chuyện bùa ngải cứ như là phép màu, là sức mạnh của đồng bào. Ngoài yếu tố tâm linh, nhiều loại bùa ngải còn có thể giải thích theo khoa học. Nhiều phân tích khoa học chứng minh rằng, những cây bùa ngải mà người đồng bào thường dùng là những cây dược liệu sống trong rừng.
Các cây này được bà con sử dụng, bào chế theo phương pháp bí truyền. Vì không giải thích được bằng lý thuyết khoa học, đồng bào hiển nhiên xem đó là những cây thuốc của trời, của thần linh và của riêng họ. Giống như cây thuốc giấu của đồng bào Xê Đăng trên đỉnh Ngok Linh, mãi đến sau này cán bộ ngành y tế của Khu 5 nghiên cứu mới phát hiện là cây sâm Ngọc Linh hay còn gọi là cây sâm K5 có công dụng chữa bách bệnh.
Riêng chuyện bùa yêu, theo giải thích của ông Hùng, có lẽ loài cây Ameer cùng loại với cây gừng, cây nghệ này hẳn đã có chất kích thích tình dục. Có khi người ta say đắm nhau bởi mùi vị, hương liệu đã được kích thích. Hay chỉ là yếu tố tâm lý. "Nhưng đó chỉ là chất xúc tác ban đầu của hai người khác giới, còn về sau, có lẽ cuộc sống chung đụng hôn nhân gia đình, sợi dây "yêu" đã kết nối họ lại với nhau chứ chẳng phải là chuyện bùa ngải" - ông Hùng giải thích trên cơ sở khoa học về tâm lý.
Đình Tú