Bí ẩn tục nhuộm móng trừ tà độc nhất VN



Nhuộm móng mùng 5 tháng 5 – một phong tục đã mai một
Bà Trần Thị Vân năm nay 81 tuổi, sống tại phường Hồng Sơn, thành phố Vinh, Nghệ An. Những móng tay, móng chân của bà giờ đã mất độ bóng, chúng khô và hơi sần, nhưng vẫn được cắt gọn gàng sạch sẽ. Bà cười bảo: “Hồi bé, năm nào tôi cũng được nhuộm móng tay đấy nhé, vào dịp tết Đoan Ngọ”.

Bà Vân trải qua thời thơ ấu ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà có 5 anh chị em, bà là út. “Hồi xưa, ngay cả người lớn cũng chẳng màu mè son phấn bao giờ, đừng nói là trẻ con. Được manh áo manh quần lành lặn là tốt lắm rồi. Nên mùng 5 tháng 5 là dịp duy nhất trong năm trẻ con được làm điệu, giàu hay nghèo gì cũng có được bộ móng tay đỏ hồng. Ngay cả các anh tôi là con trai mà cũng khoái nhuộm móng tay, chỉ đến khi lớn đùng rồi mới không chịu nhuộm nữa”, bà Vân kể.
Với trẻ con, nhuộm móng là để cho đẹp, cho xinh, nhưng với các cụ, đó lại là cách để trừ tà ma, giữ gìn sức khỏe cho trẻ. Vào đêm mùng 4, mẹ và Vân giã lá móng tay xin bên hàng xóm, đắp lên những móng tay, móng chân của các con (trừ ngón tay trỏ - ngón tay chỉ thiên - và móng chân cạnh ngón cái), bọc ngoài bằng lá vông hay lá mướp, buộc lại, để qua đêm. Mẹ dặn các con phải cố gắng giữ nguyên như vậy đến sáng, nếu làm tuột ra mất thì ngón tay vẫn trắng nguyên. Vì thế, 5 anh chị em trứng gà trứng vịt nằm yên không dám cựa, vừa thấp thỏm hồi hộp vừa vui mừng, hưng phấn. Đứa nào cũng chỉ muốn mở ra xem cái móng nó đổi màu ra sao, nhưng mẹ bảo làm thế móng sẽ không hồng, và nếu đứa nào không ngủ thì móng cũng sẽ trắng. Vì thế, căng thẳng một lúc, tất cả đều ngủ tít.

“Các cụ bảo chỉ vào dịp tết Đoan Ngọ thì nhuộm móng bằng cây móng tay mới hiệu nghiệm, ngày thường nhuộm không đỏ đâu. Tôi không thể biết được điều đó có đúng không, vì cũng chưa ai thử nhuộm móng tay trong ngày thường bao giờ”, bà Vân cho biết. Từ lâu, ngay cả người ở quê bà cũng không còn tục nhuộm móng tay ngày 5/5 âm lịch nữa. Thậm chí còn không mấy người biết rằng cái cây ấy lại có công dụng như vậy. Còn ở thành phố, người ta có thể sơn móng đủ màu mà chả cần đợi ngày nào, chỉ duy nhất với mục đích làm đẹp, và sơn hết cả 10 móng tay, 10 móng chân, không cần trừ ngón chỉ thiên.
Bí ẩn thần dược mùng 5 tháng 5 
Nhuộm móng tay không phải là phong tục tết Đoan Ngọ duy nhất bị mai một. Tục hái lá thuốc vào trưa 5/5 giờ cũng gần như đã bị “quên”. 
Việc giết sâu bọ trong ngày 5/5 không chỉ nhắm vào các loại sâu phá hoại cây cỏ mùa mà quan trọng nhất là diệt “sâu bọ” trong người, những thứ phát sinh bệnh tật. Đây là giai đoạn bắt đầu mùa hè, dịch bệnh rất dễ phát sinh, các loại sâu bọ côn trùng, vi sinh vật được dịp phát triển rộ, tấn công con người và cây cối. Đây cũng là ngày mà dương khí của trời đất lên cực thịnh, sức khỏe dễ bị ảnh hưởng. Tập tục ăn cái rượu, trứng luộc, trái cây… là một cách để con người dự trữ năng lượng chống lại những tác động bên ngoài. 
Hái lá thuốc vào đúng thời khắc chính ngọ của ngày 5/5 cũng là một nhu cầu của người xưa nhằm có phương tiện chống lại các bệnh thời khí sẽ xảy ra rất nhiều trong những ngày hè đang tới. Tại sao lại phải vào đúng thời điểm đó? Vì trong một năm, dương khí cao nhất vào tháng Ngọ - tháng 5. Trong một tháng, dương khí cao nhất vào ngày Ngọ - thượng tuần (đầu tháng) và trong một ngày, dương khí cao nhất vào giờ ngọ (12 giờ trưa), vì vậy vào giữa trưa 5/5, dương khí sẽ lên đến cực điểm. Theo quan niệm của người xưa, vào thời khắc này, dược tính trong cây cối sẽ lên đến cao nhất, sẽ đem lại hiệu quả trị bệnh tối đa.
“Cách đây khoảng hơn 20 năm, khi mẹ tôi còn sống, năm nào vào trưa 5/5, bà cũng hô hào mấy đứa con tôi ra vườn hái thuốc”, ông Phạm Hải Văn, 64 tuổi, sống ở phường Hưng Bình, thành phố Vinh, Nghệ An, cho biết. “Thậm chí mấy năm sau khi mẹ tôi mất đi vào cuối thập kỷ 80, trong nhà tôi vẫn còn mấy bì thuốc Nam do mấy bà cháu hái, tích trữ mỗi năm một ít, để lâu nên không dùng được nữa”.
Bây giờ, nhà ông Văn cũng như hầu hết hàng xóm của ông đều không còn vườn hoặc chỉ có một khoảng vườn nhỏ trồng mấy loại rau thơm, vài cây to để che nắng, diện tích còn lại được láng xi măng cho sạch sẽ. Nhưng cách đây vài chục năm, nhà ai cũng có vườn rộng với đủ thứ cây, hai bên những con đường đất cũng um tùm dây leo, cây bụi… “Mẹ tôi bảo, vì thương dân nước Nam, trời đã cho chúa Liễu Hạnh xuống trần giúp dân. Bà chúa Liễu ban cho dân Nam vào chính ngọ ngày 5/5 được phép hái 100 loại cây bất kỳ, cây nào cũng có thể dùng làm thuốc”, ông Văn kể.
Vào các trưa Đoan Ngọ, các con ông Văn, lúc ấy còn rất nhỏ, theo bà ra vườn rồi ra đường, hái mỗi loại cây vài lá, vài đọt, nhiều nhất vẫn là những loại thảo dược đã quen được dùng chữa bệnh như ngải cứu, hương nhu, tía tô, kinh giới, lá chanh, lá bưởi, sả, lá tre… Rồi bà phơi khô, cất vào túi, gác lên chỗ khô ráo để dành khi cần đến. 
“Thế nhưng, ngay từ hồi đó, việc hái thuốc ngày 5/5 của mẹ tôi đã mang tính tục lệ thuần túy rồi, vì khi nhà có người ốm, chúng tôi thường vẫn mua thuốc Tây về chữa, thậm chí nếu dùng thuốc lá thì thường hái ngay cây tươi, ít khi lấy thuốc 5/5 của mẹ. Trong xóm tôi hồi đó cũng chỉ có vài bà già là giữ lệ hái thuốc trưa mùng 5. Còn đa số các gia đình chỉ thắp hương rồi cho con cái ăn hoa quả, cơm rượu để giết sâu bọ thôi”, ông Văn nói.
Bây giờ, sau mấy chục năm, vợ con ông Văn lại có xu hướng quay lại thời các cụ: tìm các loại lá cây để chữa bệnh cho cả trẻ con lẫn người lớn. Cảm, sốt, rôm sảy, dị ứng, mất ngủ, đau dạ dày…, họ đều tìm được những cây cỏ phù hợp để chữa khỏi mà không phải “tống” hóa chất vào người. Trong vuông vườn bé xíu còn lại, họ bắt đầu trồng những loại cây có tác dụng làm thuốc và chia sẻ cây giống, kinh nghiệm trồng cũng như sử dụng cho những người láng giềng. Một phần tinh thần của người Việt xưa trong phong tục Tết Đoan Ngọ đang quay lại.
Theo Khampha
Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm