Ngôi chùa khiến đá phải né tránh
Bên cạnh câu chuyện ngôi chùa có khả năng tìm lại của bị mất. PV còn được nghe rất nhiều câu chuyện kì lạ xung quanh ngôi đền linh thiêng này như: Những tảng đá nặng hàng tấn khi lăn từ trên núi xuống đều biết tránh ngôi đền, hàng chục người bị hóa điên vì đã mạo phạm chốn linh thiêng và còn rất nhiều điều kì lạ, bí ẩn khác…Đá biết tránh đền…
Bên bếp lửa bập bùng cháy, nhấp chén rượu màu xanh cay xè, thơm nồng được gia chủ ngâm bằng các loại thảo dược quý, không gian bên ngoài lặng như tờ, chỉ có màn đêm dày đặc và tiếng côn trùng rả rích, PV như bị cuốn hút bởi những câu chuyện kỳ lạ xảy ra xung quanh ngôi đền “Quèn Tối” được ông Bích, người trông coi ngôi đền kể.
Gắn bó với mảnh đất xứ Mường Rụng này đã gần trọn một đời người, ông Bích đã chứng kiến biết bao nhiêu thăng trầm, đổi thay của núi rừng nơi đây. Một vài ngọn núi ở đây do bên trong lòng núi có chứa một phần khoáng sản nên thường xuyên trở thành nơi trút giận của thiên lôi. Ngọn núi nơi ngôi chùa “Quèn Tối” tọa lạc cũng là một trong những ngọn núi hàng năm phải hứng chịu rất nhiều trận sét đánh. Mỗi lần như vậy, cây cối đều tan hoang, đất đá từ trên đỉnh núi ầm ầm đổ xuống.
Có nhiều lần, những tảng đá to bằng tấm phản, nặng hàng tấn lăn từ trên đỉnh núi xuống và sẵn sàng đè bẹp bất cứ thứ gì cản đường. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, nếu theo quy luật tự nhiên đường đi của những tảng đá này khi lăn từ trên đỉnh xuống sẽ lao vào ngôi đền thiêng, nhưng cứ mỗi lần đá lăn tới đền “Quèn Tối” thì như có một lực cản kỳ bí, siêu nhiên nào đó tác động vào những tảng đá này khiến nó rẽ sang hướng khác.
Điều này được rất nhiều người dân ở khu vực này, thậm chí cả những khu vực lân cận đều biết tới, khiến cho sự linh thiêng của ngôi đền “Quèn Tối” như càng tăng thêm gấp bội. Theo chân ông Bích, PV đã men theo con đường đất lầy lội, hiểm trở để vào tận bên trong khu vực ngôi đền thiêng. Ấn tượng đầu tiên của PV là một không gian âm u, tĩnh mịch, những cây cổ thụ với tán lá rộng bao phủ, khiến cho khu vực này rất ít khi nhìn thấy ánh nắng mặt trời.
Ngôi đền tọa lạc trên một mảnh đất khiêm tốn khoảng 100m2, được xây dựng kiên cố. Phía sau và hai bên ngôi đền đều là những dốc núi dựng đứng, hiểm trở, hiện tại vẫn còn rất nhiều tảng đá lớn góc cạnh biết tránh đền nằm chình ình thách thức với nắng mưa và thời tiết khắc nghiệt của miền sơn cước. Trước đây, ngôi đền hoàn toàn được xây dựng bằng các loại gỗ quý, nhưng trải qua một thời gian dài, với biết bao biến động của lịch sử, lốt gỗ xưa đã không còn.
Những câu chuyện kỳ lạ khác chưa kể…
Chúng tôi cũng được nghe từ ông Bích cũng như từ các cụ bô lão khác trong làng rằng: Trước đây ngôi đền có hai chiếc chuông cổ, vào những năm 60, khi hồ Sòng Vỏ trên địa phận xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình được khởi công xây dựng, cách khu vực đền ngày nay không xa. Một nhóm thợ dựng tạm lán để ở có vào chùa mượn chiếc chuông để thay đồng hồ làm báo thức mỗi buổi sáng. Tuy vậy, một điều hết sức kỳ lạ là khi chiếc chuông đặt trong chùa thì tiếng kêu rất to, vang và vọng, còn khi mang ra khu vực lán công nhân thì dù cho có đánh mãi, âm thanh cũng chỉ là những tiếng bục bục như gõ vào một tảng đá.
Mặt khác, từ khi mượn chiếc chuông trong chùa, thì mọi công việc của công nhân đều gặp nhiều khó khăn. Thấy lạ, công nhân mang chiếc chuông cổ trả lại cho ngôi đền. Lại một sự kinh ngạc nữa khiến mọi người không thể giải thích, là khi chiếc chuông được đặt về chốn cũ thì khi dùng dùi đánh vào âm thanh lại vang vọng.
Vào một buổi sáng khi người trông coi đền ra để dọn dẹp thì phát hiện ra hai chiếc chuông cổ biến mất. Cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm kiếm nhưng không thấy. Có nhiều mối nghi rằng hai chiếc chuông cổ do một người thanh niên nghịch ngợm trong làng khi đi chăn trâu đã vào đền chơi rồi nổi lòng tham lấy cắp.
Niên bị dân làng nghi lấy trộm hai chiếc chuông cổ đang bình thường thì bỗng hóa... ngây ngô với những hành động lạ thường như chỉ ngồi trong nhà không bao giờ ra ngoài, không nói lời nào, dù mọi người có hỏi. Căn bệnh kỳ lạ ấy đeo bám người này suốt 20 năm trời, chỉ sống trong câm lặng và tách biệt với thế giới bên ngoài.
Ông Bích cho hay: Năm 2007, khi nhận thấy ngôi đền bị xuống cấp, các cụ bô lão trong làng có ý muốn tu sửa, nên đã nhờ ông Bùi Văn Cạnh, SN 1954, trú tại xã Bảo Hiệu tới quét dọn ngôi đền, rồi dùng bạt che lên đầu các tượng phật cho đỡ nắng mưa. Khi quét dọn xong, đến hôm đưa tượng vào trong chùa, do đã muộn nên ông Cạnh lấy bạt về trước, để tượng ngoài trời mặc cho nắng mưa. Khoảng 2 tháng sau, không hiểu vì lí do gì mắt ông bị mờ dần đi, rồi không nhìn thấy gì. Còn rất nhiều trường hợp và câu chuyện kỳ lạ như thế được người dân ở đây kể. Vì vậy, từ đó mọi người không ai dám mạo phạm tới ngôi đền.
Ông Bùi Xuân Lời, Bí thư chi bộ xóm Thượng, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết: Ngôi đền “Quèn Tối” đã có từ rất lâu đời. Xung quanh ngôi đền nhiều hiện tượng lạ xảy ra. Hiện nay, ngôi đền cũng là nơi để người dân sinh hoạt tín ngưỡng, duy trì và phát huy những giá trị văn hóa của vùng miền.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình bày tỏ quan điểm: Ngôi đền “Quèn Tối” là một ngôi đền cổ, vốn là một nhánh của đền cây Chim, ngôi đền lớn của người dân xứ Mường Rụng. Năm 2011, Phòng Văn hóa huyện cũng đã phối hợp với chính quyền sở tại tiến hành khảo sát các đình chùa, miếu mạo để có thể phục hồi tôn tạo, nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị tín ngưỡng tốt đẹp của văn hóa xứ Mường. Ngôi đền “Quèn Tối” cũng nằm trong danh mục đoàn đi khảo sát. Còn những câu chuyện kỳ lạ xung quanh ngôi đền chỉ là lời đồn thổi của người dân.
0 comments:
Post a Comment