Chỉ vì một giấc mơ lạ cứ lặp đi lặp lại mà ông Quách Văn Tản đã trở thành một "cao thủ bùa yêu" của xứ Mường ở Hòa Bình.
Nhìn theo tay của chú Hải - người dẫn đường của chúng tôi - ngôi nhà sàn đơn sơ nằm chênh vênh trên dãy núi sừng sững dần hiện ra. Lúc chúng tôi đến thì ông Tản đang loay hoay kiểm tra những tổ ong rừng trước cửa nhà. Thấy có người lạ ông dừng tay, ngẩng mặt gật đầu chào chúng tôi.
Hai người đàn ông trao đổi qua lại bằng những câu tiếng Mường mà tôi chỉ bập bẹ hiểu đôi ba câu. Nói đoạn, ông Tản tươi cười mời chúng tôi lên nhà, đến lúc đó tôi mới nhìn rõ khuôn mặt người đàn ông gắn với nhiều giai thoại và lời đồn đại này.
Ông Quách Văn Tản.
Ông tên thật là Quách Văn Tản, là người gốc ở xóm Thung, Yên Phú. Đã bước sang tuổi 60 mà nom ông Tản còn trẻ lắm. Thân hình rắn rỏi, nước da trắng và dáng người mảnh khảnh, mái tóc cũng chỉ điểm vài sợi bạc. Nếu không nói hẳn người đối diện khó đoán biết được tuổi thật của ông.
Thấy chúng tôi thực tình muốn tìm hiểu, lại được sự giới thiệu của ông thông gia, vì thế sau khi nhâm nhi chén rượu pha mật ong rừng, ông Tản khề khà kể tường tận về cái cơ duyên đưa ông đến với “nghiệp thầy bùa”.
Làm thầy bùa nhờ… nằm mơ
Cầm cái ống điếu cày dài cả mét, ông Đản rít 3, 4 hơi dài nhả khói, lim dim kể: “Bố mẹ, ông bà tôi chưa có ai là thầy bùa cả. Trước đây tôi cũng là người bình thường như ông Hải đây. Cũng là dân lao động, lên rừng kiếm củ khoai, củ sắn, trồng cây ngô làm kế sinh nhai như bao người dân bản khác.
Đến năm tôi khoảng hơn 40 tuổi, thằng con trai thứ khi ấy ốm liệt giường, chạy chữa thuốc thang mãi chưa khỏi. Một đêm đang ngủ thì nằm mơ thấy một người già hiện lên bảo: Phải làm một bàn thờ, sau người phù hộ cho gia đình êm ấm, con cái khỏe mạnh. Người già ấy nhìn không rõ mặt nhưng giọng nói thì sang sảng, nghe rõ mồn một từng lời.
Tỉnh dậy tôi có kể cho vợ nghe nhưng vốn trước đó chưa từng tin vào những chuyện ma quái, bùa ngải, thần thánh nên chỉ xem đấy như một giấc mơ bình thường. Tuy nhiên, càng ngày thì giọng nói của người già càng nhiều. Ngay cả những lúc thiu thiu ngủ, hay thậm chí nằm chợp mắt buổi trưa cũng nghe văng vẳng lời truyền bên tai. Thậm chí, Người đứng ở đầu giường ấy, bảo không làm theo lời Người bảo sẽ bị đánh. Đến độ, ít lâu sau đó tôi bị điếc và cứng hàm không nói được.
Đến lúc này sợ quá mới lập bàn thờ ở góc nhà theo như lời chỉ dạy của người già. Sau đó thì con trai khỏi bệnh, bản thân tôi cũng nghe rõ hơn, không bị cứng hàm nữa mà người cũng khỏe khoắn hẳn ra.
Những bài khấn làm bùa về sau này cũng là do người già đọc cho, tỉnh dậy cứ thế mà khấn lâu dần thành quen.
“Mần” vào củ gừng, nắm muối… hàn gắn hàng nghìn gia đình
Bàn thờ “linh thiêng” theo lời thầy Tản, đặt ở góc nhà là một chiếc bàn gỗ cũ kỹ cao chừng thắt lưng người. Bên trên phủ chiếc chiếu hoa, trên cùng đặt hai bát hương, mấy chai rượu, cái quạt, cây nến…
Theo thầy Tản, người đến xin bùa làm mâm cơm (tiền đặt lễ, chai rượu, đĩa xôi, con gà hoặc thịt lợn) thành tâm quỳ trước bàn thờ, thầy sẽ khấn rồi “mần” vào củ gừng, nắm muối, cái khăn… Tùy theo mức độ… khó dễ mà người xin bùa phải lên thỉnh thày 2, 3, hay 4 bận.
Sau đó, người xin bùa khi đến gặp người mình muốn “bỏ bùa” cứ mang theo bên mình là được. Người nào chồng chán, chồng chê, chồng sẽ lại yêu thắm thiết. Người nào theo đuổi mãi cô gái không đồng ý, dắt bùa theo người là cô gái kia phải yêu mê mệt. Người nào chán chồng, muốn bỏ vợ cũng nhờ đến thầy, thầy mần cho là đường ai nấy đi…
Sau 20 năm làm nghề, ông Tản đã hàn gắn rất nhiều các cặp đôi đang bên bờ đổ vỡ.
Câu chuyện đầy chất hoang đường, khó tin, ấy vậy mà theo thầy Tản, mỗi năm có đến 200-300 lượt người tìm đến nhà thầy xin bùa chú. Tính nguyên trong bản thầy cũng hàn gắn cả trăm gia đình (điều này ông Hải cũng gật gù xác nhận), những người ở tỉnh xa như Hà Nội, Hà Nam, Hà Tây (cũ), thậm chí cả Đak Lak, TP.HCM… cũng tìm về nhờ thầy giúp.
“Có ngày 4, 5 người cùng tìm đến một lúc, ngay như hôm qua cũng có người từ Hà Nội về. Bà này 45 tuổi, là giáo viên đấy, nghe bảo chồng đi theo người khác đến nhờ tôi làm bùa yêu để chồng bỏ cô gái kia mà về với gia đình. Lên đây là lần thứ 3 rồi. Nếu có chép tên tuổi những người tìm đến e cả cuốn sổ dày trăm trang cũng không đủ. Ngày lễ ngày Tết người ta cứ nườm nượp tìm về cảm ơn…”, ông Tản kể không giấu vẻ tự hào.
Tuy nhiên, thầy Tản cũng thừa nhận không phải ai thầy cũng làm bùa thành công. Người nào không hợp mệnh thầy thì khó lòng mà thành được, thầy bảo 10 người cũng chỉ được… 8, 9.
Tôi hỏi đùa: “Có phải thầy cũng dùng bùa để làm bà Hai mê không. Bà ấy vừa trẻ vừa đẹp lại kém thầy tới 20 tuổi…”.
Thầy Tản nhấp thêm chén rượu cười khà khà, còn bà Hai ngồi bên cạnh thì đỏ mặt cười ỏn ẻn: “Ừ đấy, ông ý bỏ bùa mê tôi đấy…”.
Lúc bà Hai vừa đi khuất, ông Tản thì thầm nói chỉ đủ cho chúng tôi nghe: “Bà ấy thì chẳng phải bỏ bùa đâu, thương nhau thì đến với nhau thôi. Nhưng cũng còn 2, 3 bà nữa, phải giấu chứ, các bà ấy mà biết là ghen ầm ầm…”.
Khi chúng tôi xin phép ông Tản ra về, trời cũng đã nhá nhem tối, ánh trăng rằm chênh chếch soi đường. Suốt đoạn đường xuống núi, chúng tôi không ai nói với ai câu nào, ước đoán mỗi người đều theo đuổi suy nghĩ riêng của mình trước câu chuyện khó tin, nhiều tình tiết mê tín của ông Tản.
Riêng bản thân tôi, vốn không mấy tin vào những chuyện thần thánh ma quái như vậy. Nhưng dẫu sao vẫn phải thừa nhận rằng, bùa ngải nếu nhìn một cách tích cực thì đó là nét văn hóa của nhiều dân tộc, thể hiện ước mơ hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng không nên lạm dụng nó để hoạt động mê tín dị đoan, gây dư luận không tốt cho xã hội.
Chúng tôi dừng chân tại UBND xã Bình Chân, Lạc Sơn, Hòa Bình. Kể câu chuyện về ông Tản, Chủ tịch xã - ông Bùi Văn Sen tỏ vẻ khó tin, ông bảo: "Bây giờ, người dân cũng ít tin về bùa chú rồi. Bệnh tê tê say say hoành hành dân bản từ bấy đến nay có ông thầy, bà mế nào giải được đâu...".
Theo 24h
0 comments:
Post a Comment