Triết lý thiên can địa chi

Leave a Comment
...trong chiều hướng tìm về cội nguồn đó và nhân dịp Tết Tân Mão 2011, có nhiều học giả trong và ngoài nước đang bàn về nguồn gốc chữ Mão/Mẹo là con Mèo (theo VN) hay con Thỏ (theo Tàu và các nước Á Châu khác) trong 12 con giáp. Vả lại hầu hết người Việt mình không chịu tìm hiểu nguồn gốc văn hóa của mình nên dễ tin theo dư luận sai lầm từ xưa đến nay cho rằng văn hóa của Việt tộc là của Hoa tộc vì do ảnh hưởng của gần 1000 năm Bắc thuộc, nên tôi mạo muội góp phần về nguồn gốc của con Mèo dưới cái nhìn triết lý nhân sinh của tộc Việt. Vì nguồn gốc và ý nghĩa con Mèo không thể tách rời ra khỏi vấn đề “thập thiên Can” với “thập nhị địa Chi” chính là một triết lý nhân sinh độc nhất vô nhị. Nhưng vì lâu đời con cháu đã quên mất hay không còn hiểu biết ý nghĩa triết lý này, nên cho mãi tới nay người ta vẫn coi vấn đề “Can Chi” này như là một khoa bói toán hay còn gọi là khoa tử vi với 64 quẻ trong Kinh Dịch.
Vì vậy trước hết, thiết tưởng nên cần nhắc lại quan niệm nền tảng của triết lý nhân sinh của Việt tộc, lấy con người làm đối tượng và vừa làm cứu cánh. Do đó còn gọi là Minh Triết, là Đạo Trời hay Đạo Nhân tức là Đạo làm Người. Cho nên sách Lễ vận (VII, I) định nghĩa con người là : “Nhân giả kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí”: có nghĩa con người là cái đức (cái hoạt lực) của thiên địa, là giao điểm của âm dương, nơi quỷ thần tụ hội, là cái khí tinh tế của Ngũ hành. Hay như câu : “Nhân giả kỳ thiên địa chi tâm dã” tức con người chính là cái tâm của thiên địa, hoặc còn nói “thiên địa giao hỗ vi nhân” nghĩa là sự tương giao hỗ trợ với phúc lộc dầy dặn của Trời Đất làm thành con người. Hay nói cách khác như Trang Tử : “Nhân chi sinh dã khí chi dụ dã, tụ đắc vi sinh, tán đắc vi tử… Cố viết: thông thiên hạ nhất khí nhĩ.”, có nghĩa người ta sinh ra là do Khí tụ. Khí tụ thì sống khí tán thì chết. Cho nên nói rằng : “khắp cả gầm trời đều là Khí mà thôi”.
Do đó mà Kinh Dịch mới có câu : “Nhất âm, nhất dương chi vị Đạo. Kế chi giả Thiện dã, thành chi giả Tính dã. Nhân giả kiến chi vị chi Nhân, tri giả kiến chi vị chi Trí. Bách tính nhật dụng nhi bất tri, cố quân tử chi Đạo tiển hỹ. Hiển chư Nhân, tàng chư dụng, cổ vạn vật nhi bất dữ thánh nhân đồng ưu. Thịnh đức đại nghiệp chí hỹ tai. Phú hữu chi vị đại nghiệp, nhật tân chi vị thịnh đức. Sinh sinh chi vị Dịch, thành tượng chi vị Càn, hiệu pháp chi vị Khôn, cực số tri lai chi vị chiêm, thông biến chi vị sự, âm dương bất trc chi vị Thần”. (HT.V), có nghĩa là "tiết nhịp uyên nguyên của một âm một dương, một ra một vào gọi là Đạo. Kế tiếp theo để hòa nhịp với cái tiết điệu đó gọi là Thiện ; nối liền được với tiết điệu đó tức thành đạt gọi là Tính. Người thấy được Tính của mình nơi vũ trụ gọi là Nhân, người biết được vị trí của mình trong vũ trụ gọi là Trí. Ai nấy mỗi ngày đều dùng Đạo này mà không biết, cho nên người quân tử biết (sống) Đạo này rất hiếm. Mọi thứ gì có đức Nhân thì sáng tỏ ra, còn mọi thứ gì có công dụng thì ẩn tàng cái Đạo đó nên không dễ phát hiện ra, "nó" cổ vũ không ngừng để hóa dục muôn vật, nên khác với cái lo của thánh nhân để tham dự vào. Đức nhân được hành cho hưng thịnh, thì sự nghiệp lớn sẽ cùng cực (do đó tục ngữ có câu : "ở có đức mặc sức mà ăn"). Sự phú quý giàu có đó là sự nghiệp lớn, nên mỗi ngày mới là để làm cho đức Nhân càng hưng thịnh. Sự nẩy sinh và biến hóa không ngừng của âm dương trong vũ trụ gọi là Dịch, sự thành tượng nơi Trời gọi là Càn, sự thành hình với mô phỏng cách thức nơi Đất gọi là Khôn, xem xét nghiên cứu đến cùng của quẻ số (bói cỏ thi) để biết được tương lai gọi là chiêm phệ, biết được vận thông chuyển biến hóa của cơ trời (thiên cơ) gọi là sự thái (của thiên hạ), sự tương sinh biến hóa của âm dương không thể đo lường tính toán được gọi là Thần".
Vì vậy mà Kinh Dịch ngoài nội dung triết lý với nền tảng “Nhất âm, nhất dương chi vị Đạo”, còn được coi là sách bói nói lên ý nghĩa sự biến hóa hai chiều của “bát quái” (8x8) thành 64 quẻ Dịch. Xin nhắc lại cho ai quên hay chưa biết “tứ tượng sinh bát quái” đó là : Càn/Trời, Đoài/Hồ, Ly/Lửa, Chấn/Sấm, Cấn/Núi, Khảm/Nước, Tốn/Gió, Khôn/Đất. Do đó, nếu ai thấu hiểu được sự vận thông biến chuyển để hóa thành cơ trời (thiên cơ) nên gọi là sự (thái), rồi đến với mỗi người thì gọi là duyên, do đó mới có hai tiếng “cơ duyên”, và nếu biết xem xét đến cùng các quẻ thì biết được tương lai của thiên hạ (cực số tri lai chi vị chiêm). Vì vậy dựa vào vòng vận chuyển bên trong của Ngũ Hành (5) với lưỡng nghi là Âm Dương (2) tương giao sinh khắc, tạo thành thập Thiên Can (5+5=10) như hầu hết ai cũng đã biết là : Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Vì chữ Can viết với bộ “can” là bộ nhị với một gạch dài ở giữa nối liền hai nét ngang nhất nhị, nên có nghĩa là phạm phải, cầu mong, can thiệp tức tham dự vào vòng vận hành của Ngũ hành với lưỡng nghi để sinh tứ tượng, (tứ phương, tứ quý), tứ tượng sinh bát quái, rồi bát quái phối hợp thành 64 quẻ. Nên thập nhị Địa Chi (10+2=12) mà người mình hay nói 12 con Giáp là : Tý/Chuột, Sửu/Trâu, Dần/Cọp, Mão/Mèo, Thìn/Rồng, Tỵ/Rắn, Ngọ/Ngựa, Mùi/Dê, Thân/Khỉ, Dậu/Gà, Tuất/Chó, Hợi/Heo. Vả lại chữ Chi viết với bộ “chi” là bộ “thập” ở trên kép với bộ “hựu” ở dưới, có nguyên nghĩa là giữ lại (hựu) cái cội nguồn “thập thiên can” mà chia ra, phân ra thành chi là ‘thập nhị địa chi”.
Nhưng tại sao lại là 12 Chi mà không là 10, 11, 13, 14 hay 15 ?
Thưa vì tất cả mọi sự đều có lý do tự nguyên thủy. Và lý do đó chính là nguyên lý thiên quân hay là quy luật biến động tự nhiên, mà tôi gọi là "quân bình động" của trời đất. câu 1 của chương Thuyết quái nói : “Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số ”, có nghĩa “3 trời 2 đất là số nền tảng, tức số gốc để làm ra các số khác, nên gọi là “số sinh” thuộc Thiên còn gọi là “số Trời” hay số lẻ. Nguyên lý này đã được kiểm chứng bởi hai nhà vật lý học Trung Hoa là Lý Chánh Đạo (Tsung-Dao Lee) và Dương Chấn Ninh (Chen Ning Yang) và đã được giải thưởng Nobel về Vật Lý năm 1957, qua thí nghiệm cho nổ nhân nguyên tử để phân rã hạt nhân ‘beta’ và hạt ‘meson pi’ thành hạt ‘muy’, thì thấy những tia vi tử (phóng xạ) của âm và dương điện tử có tốc độ không bằng nhau nhưng lại có tỉ lệ 2/3.
Nên từ số 1 đến số 5 gọi là “số sinh” và số gốc là số 5 vì thêm “một” thành “sáu”, thêm “hai” thành “bảy”, thêm “ba” thành “tám”, thêm “bốn” thành “chín” nên từ số 6 đến số 9 gọi là “số thành” thuộc Địa nên gọi là “số Đất” hay số chẵn. Nên các số từ 1 đến 9 còn gọi là “huyền số” hay là số của nền minh triết, nghĩa là số biểu tượng Trời Đất nên không thể ước định hay đo lường được, nhưng chứa đựng ý nghĩa vũ trụ với sự vận hành của hai luồng khí âm dương, chứ không phải số của toán học với giá trị tuyệt đối để đo lường tính toán. Do đó, 12 là số chẵn tức là số thuộc đất nên là số thành của 10 thêm “2” nên gọi là “thập nhị”. Vì 10 tức “thập” là do con số 5 thêm “5” đều là số gốc nên là số sinh thuộc Thiên mà không thể là số thành, vì vậy phải thêm “2” tức “nhị” là số thuộc Đất mới thành 12, thì mới quân bình cân xứng vì trong Thiên có Địa. Do đó mới nói là “thập nhị địa Chi” có nghĩa là từ gốc Thiên mà thành Địa, vì chương Hệ Từ Thượng đã có câu : “tại thiên thành tượng, tại địa thành hình, biến hóa hiện hĩ”.
tại thiên thành tượng nên “thập Thiên Can” là ý nghĩa biến hóa với vận hành của âm dương nên “không thể tưởng tượng” để diễn tả theo nghĩa thông dụng được, mà chỉ có thể ấn định cách đại khái với một nghĩa thứ tự để cho dễ hiểu. Như Giáp với Ất, Giáp là Can đứng đầu trong 10 Can, và Ất là Can thứ nhì, v.v…, hoặc chỉ có thể hiểu với một nghĩa trừu tượng và tương đối theo sự vận chuyển biến hóa của vũ trụ. Nên :
1. Giáp viết với bộ “điền” là ruộng, đất cày, nên cũng có nghĩa bù đắp (áo giáp), hay nghĩa thứ nhứt ; và nếu hiểu rộng có nghĩa là bắt đầu tỏ hiện, nứt ra, ló ra tức là thành hình từ Đất .
2. Ất (bộ ất) tức “ất ất” như chữ “nhất nhất” với nghĩa tất cả và nếu hiểu rộng ra có nghĩa là dáng khó khăn, vì cái gì mới bắt đầu đều khó khăn, nên tục ngữ có câu “vạn sự khởi đầu nan”.
3. Bính viết với bộ “nhất” ở trên kép với chữ “nội” (ở trong) có nghĩa là sáng rực (Minh Đức). Vì theo ngũ hành thì Bính thuộc Hỏa như nói Bính Đinh cũng được coi như lửa, nên chói sáng.
4. Đinh cũng viết với bộ “nhất” và cũng thuộc Hỏa, nên Đinh hiểu nghĩa rộng có ý nói sự lớn lao, mênh mông của vạn vật xuất hiện khắp nơi.
5. Mậu viết với bộ “qua” theo chữ Nôm có âm “mồ” (mồ côi) có nghĩa là từ bên này qua bên kia, hay còn có nghĩa vượt qua, đi khỏi, đã qua, đã hết ; còn theo nghĩa chữ Hán là tươi tốt, sum suê, sầm uất. Và khi hiểu rộng ra từ nghĩa Đinh là vũ trụ vạn vật lớn lên tươi tốt nhờ có Hỏa là Khí ấm nóng của mặt trời.
6. Kỷ viết với bộ “kỷ” với nghĩa chữ Nôm có nghĩa là “dễ” (dễ ăn, dễ có), hay dùng trong tiếng đôi như “dạn dĩ” ; còn theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là thôi, đã qua như “dĩ vãng” và còn có nghĩa là “lòng mình” như “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (LN) tức là thắng được cái tiểu ngã của mình thì mới có lễ đạo làm người.
Nên khi nói "mậu kỷ" có nghĩa làm tốt tươi sung mãn cái Kỷ. Vì cái Kỷ đó là nơi hội thông của Thiên Địa vạn vật, hay nói gần vào người hơn là nơi giao hội của Sinh tượng và Linh tượng, tức là hết mọi nhu yếu của con người được giao hội, được ứng đáp thì còn gì vui thú bằng : "Lạc mạc đại yên". Không gì vui hơn vì là cái vui siêu tuyệt, khác với cái vui ở chu vi bao giờ cũng bị giới hạn bởi trước sau. Cái trước có khi là sau, cái sau có khi là trước, không phải cái vui siêu tuyệt của Kỷ Trung Dung Thường Hằng viên mãn không bị giới hạn nào. Cái vui trung thực này chỉ xuất hiện khi đạt được đợt "Thành tính tồn tồn". Tồn tồn là kiểu nói bóng chỉ cái bây giờ mãi mãi. Nhưng đây là bước đạt Đạo, hay nói theo Trung Dung là "thành giả" cũng gọi là "thiên chi đạo dã". Thành giả không cần cố gắng mà được, không suy tư mà đắc, ung dung mà trúng đạo. Đó là Thánh nhân, là bậc đi từ Thành đến Minh gọi là Tính. "Tự thành minh, vị chi tính, " (T.D 21)” (Kim-Định/Tâm Tư)
7. Canh viết với bộ “nghiễm” (mái nhà) kép với chữ “canh” có nghĩa là sửa đổi, thay thế, nên hiểu rộng nghĩa chữ Canh nối liền với nghĩa từ “Mậu Kỷ” tức là một khi con người đắc Đạo thì làm thay đổi toàn diện.
8. Tân viết với bộ “tân” là bộ “lập” ở trên kép với bộ “thập” ở dưới, có nghĩa lập dựng, tạo dựng, gây dựng nên như nghĩa của câu trong Kinh Dịch chương Thuyết Quái Truyện : “lập thiên chi đạo viết âm dữ dương, lập địa chi đạo viết nhu dữ cương, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa.” Đạo Trời tạo dựng nên là do Âm với Dương, Đạo Đất tạo dựng nên là do Nhu với Cương, Đạo làm Người tạo dựng nên là do Nhân với Nghĩa. Cho nên hiểu rộng với Canh ở đây thì Tân có nghĩa là lập dựng nên Đạo Người cho hợp với Đạo Trời, Đạo Đất, nếu không thì là cay đắng, đau thương, buồn rầu,.. vì mình không lập được Đạo Nhân, tức là không Thành Nhân vậy.
9. Nhâm viết với bộ “sĩ” nghĩa là to lớn như chữ “nhâm lâm” nên nếu hiểu nghĩa rộng từ Can đầu có nghĩa thành Nhân là một điều to lớn như vũ trụ ; vì như quan niệm nền tảng của triết lý nhân sinh đã nói ở trên là : “Nhân giả kỳ thiên địa chi tâm dã” tức con người chính là cái tâm của thiên địa, hay còn nói vũ trụ là tâm của con người : “vũ trụ chi tâm”.
10. Quý viết với bộ “bát” (hai chân ngược nhau) kép với chữ “thiên” là Trời với nghĩa cội nguồn vạn vật, chỗ mà ta ngưỡng vọng, nhờ cậy. Nên hiểu nghĩa rộng theo quan niệm của Tổ tiên, thì Quý có nghĩa là một khi con người Thành Nhân là điều cuối cùng của một đời người, tức là con người đã đạt tới cứu cánh khi biết sống ý thức với “đầu đội Trời, chân đạp Đất”.
Nên theo bản Nguyệt Lệnh thì Giáp/Ất thuộc Mộc, Bính/Đinh thuộc Hỏa, Mậu/Kỷ thuộc Thổ, Canh/Tân thuộc Kim, Nhâm/Quý thuộc Thủy. Và nếu xét theo vòng sinh của Ngũ hành là Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, thì ta thấy thứ tự Giáp Ất, Bính Đinh… đến Nhâm Quý là một vòng sinh của Ngũ hành.
Còn “thập nhị địa chi” tức 12 con giáp là biểu tượng cho sự thành hình của vũ trụ vạn vật mà con người chính là một tiểu vũ trụ, như câu “tại địa thành hình”. Vì vậy mà mỗi con giáp đều mang một ý nghĩa triết lý để giúp con người sống cho Thành Nhân theo quan niệm của Tổ tiên. Cho nên, nếu ai biết thắc mắc sẽ thấy trong 12 con giáp chỉ có 11 con (vật) mà mọi người đều biết, với 7 con quen thuộc ở trong nhà vườn nên gọi là “gia súc” : 1/Sửu, 2/Mão, 3/Ngọ, 4/Mùi, 5/Dậu, 6/Tuất, 7/Hợi ; và 4 con ở ngoài đồng hay trong rừng là : 1/Tý, 2/Dần, 3/Tỵ, 4/Thân ; và 1 con mà chưa hề ai đã thấy để nhận dạng, đó là Thìn (Long/Rồng), nhưng tiền nhân lại bảo là nó vừa ở dưới đáy biển nên gọi là “thanh long”, vừa bay lên trời nên gọi “thiên long” hay “thăng long”, và vị trí của nó lại đặc biệt là thứ 5 trong 12. Như thế là tại sao và có nghĩa là gì không?
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập đến ý nghĩa triết lý của “thập thiên can” “thập nhi địa chi”, để nói rằng “khoa tử vi” không phải là chuyện dị đoan mê tín, vì Kinh Dịch đã có câu : “cực số tri lai chi vị chiêm”. Hơn nữa triết lý nhân sinh của Việt tộc chính là triết lý sống tức mọi sự đều có “nghĩa”, nên con người phải biết nghĩa thì mới biết thích nghi, thích ứng, để mà thích hợp với mọi hoàn cảnh hay tình huống trong đời sống, thì mới thuận thiên để mới có “nhân” thì mới là “hòa”, là “thành” nên gọi là Đạo, như câu : “lập nhân chi Đạo viết nhân dữ nghĩa”. Do đó “nghĩa” thuộc về triết nên không cần tính chất khoa học, vì phạm vi triết thì bao gi cũng ở trên phạm vi khoa học là vật dụng và vật lý, nên trong triết không cần phải chứng minh mà chỉ cần có “nghĩa” tới “tận, kỳ, tính” thì sẽ thích nghi được bằng hành động hợp lý theo Nhất lý, là Thiên lý vì đó là Chân lý. Cho nên kinh điển mới có câu “thời thố chi nghi”“tùy thời chi nghĩa”.
Vì vậy, hầu hết các con vật được chọn làm biểu tượng trong 12 Chi này là những con vật sống gần gủi với con người và đã góp phần với con người trong đời sống qua việc đồng án, vì nên nhớ rằng Việt tộc đã có nền văn hóa nông nghiệp từ khởi thủy. Nên con vật được coi như là bạn đồng hành với con người và thiên nhiên, trong tinh thần liên kết vì “thiên địa vũ trụ vạn vật nhất thể”, như ca dao có câu :
“Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cầy cấy vốn việc nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”
Vì vậy 7 con vật gia súc ở trong nhà vườn : Trâu, Mèo, Ngựa, Dê, Gà, Chó, Heo ẩn chứa huyền số 7 nói lên ý nghĩa 7 nấc tiến hóa của con người, mà Kinh Dịch bảo là “thất nhật đắc”, và theo triết gia Kim-Định 7 giai đoạn đó là :
"a) Đợt đầu là vật chất bất tri. Trong con người có thể là xác thân biểu thị bằng 64 quẻ, nghĩa là chia ra nhỏ hẹp chi li quá nên ý thức chưa xuất hiện (tiềm long vật dụng). Đây là đợt bất phân, có thể là phách. Đợt này cũng có thể chỉ ảnh hưởng của khu vực…
b) Đợt hai gọi là thảo mộc có thể là vía, thay vì 64 thì đây số kiểu (cái ngăn lắp) đã rút xuống một nửa là 32, có thể tương đương với khí prana bên triết Ấn, nhằm mục đích ràng buộc người với Vũ trụ. Nó cũng chỉ ảnh hưởng phong tục xã hội của môi trường.
c) Đợt ba là Hồn tương đương hồn súc vật làm bằng chất tinh vi hơn vía nên được biểu thị bằng 16 kiểu, có thể nói là kết bởi cái tinh tuý, cũng gọi là “âm dương chi tú khí” tức là tinh tuý của âm dương. Đây chính là cơ sở cho những hiện tượng thần thông cách cảm, cho hồn vật sống sót sau xác thân ít lâu rồi tan (survie).
d) Đợt bốn là Trí, cốt cán cho cái tôi tiểu ngã, của lý trí ý thức, nên bớt dầy đặc hơn vía một nửa. Nhờ đợt này con người củng cố cái tôi bằng phân biệt, bằng tư duy để lập thành những hệ tư tưởng. Nó là cái đặc trưng của con người, nhưng chưa múc cạn khả năng con người.
e) Đợt Tâm bước vào tâm linh của tuệ trí sáng láng thêm nhiều. Nhờ vậy chốn hội thông vạn vật đã ở trong tầm với của tay người.
f) Đợt sáu là Tính, là đợt của thánh nhơn của con trời làm trung tâm điểm tụ họp cho những con người bé nhỏ đang sống trong xã hội để có được cái làm nền tảng thống nhất. Đấy mới là đợt nói được câu “Tính tương cận”: tính làm cho người ta gần nhau. Còn những đợt dưới từ bốn trở xuống thì tư riêng nên chỉ làm cho con người lìa nhau (tập tương viễn).
g) Đợt cuối cùng là Thiên là “thái cực nhi vô cực”, vô thanh vô xú. "
(trích tác phẩm "Nhân Chủ")
Và 5 con vật ở ngoài nhà vườn là : Tý, Dần, Tỵ, Thân, Thìn, là ý nghĩa triết lý Ngũ hành tức là triết lý “hành động” cho thuận thiên. Vì vậy Tổ tiên mới sắp đặt mọi sự theo bản Nguyệt Lệnh với Tý thuộc Thủy ở phương Bắc, Tỵ thuộc Hỏa ở phương Nam, Dần thuộc Mộc ở phương Đông, Thân thuộc Kim ở phương Tây, và Thìn thuộc Thổ ở trung Tâm, còn gọi là Hoàng cung trung Thổ.
Do đó, mỗi con giáp (chi) đều có một ý nghĩa đặc biệt liên quan đến đời sống con người mà tôi mạo muội lần lượt diễn giải sau đây :
1- không chỉ có nghĩa là con Chuột, với tất cả đặc tính của Chuột, là nhỏ nhắn, lanh lợi, siêng năng, ham hố, tích trữ,…, mà nên hiểu với nghĩa “tí” (teo) như “trứng nước” (ovule), là sự khởi đầu của sự sống của con người và vạn vật từ lúc còn ở trong trứng (embryon). Tức là khi cái gọi là “Thanh” ở “Thể” “tại thiên thành tượng” bắt đầu sự tỏ hiện ra “tại địa thành hình”, tức thành “Khí” để thành vật “Dụng”, như câu : “Tinh Khí vi vật” (H.T.) có nghĩa “khí tinh tuyền làm nên vạn vật”. Do đó mới có tiếng đôi là “thanh kh픓thể dụng”, nên tục ngữ mới có câu : “Đồng thanh tương ứng ; đồng Khí tương cầu” và đó cũng là quy luật “Loại tụ” tức là 1 trong 3 quy luật nền tảng của Càn Khôn : Biến động, Loại tụ, và Giá sắc tức là luật gieo gặt hay còn gọi là nhân quả.
2- Sửu : con Trâu là con vật to lớn với bản chất hiền lành, chất phát, trầm tĩnh, nhẫn nại, cần cù kéo cày,…, nhưng đó cũng là nghĩa hoạt “Lực” vô biên im lìm, tĩnh lặng của Trời và Khí của Đất giao hòa với nhau, từ trong trứng (nước) với thời gian 9 tháng 10 ngày để thành “hình” con người, là biểu tượng của vũ trụ vạn vật và là đối tượng của Trời Đất. Nên với huyền số 9 (tháng) là ý nghĩa “nhất nhật cửu biến” của ông Bàn Cổ (hay Bành Tổ) một ngày biến hóa tới 9 lần, có ý nói sức biến hóa tràn đầy sinh động của hoạt lực Trời Đất. Đó là sự vận hành của hai luồng Khí Âm Dương sinh sinh hóa hóa không ngừng (thiên hành kiện) để tạo thành vạn vật. Còn huyền số 10 biểu trưng sự “thập toàn”, là ý nghĩa sự giao hòa “vuông tròn” viên mãn của của trời đất với ngũ hành, để thành vũ trụ vạn vật và cách riêng là thành con người (thành Nhân).
3- Dần là Cọp với sức mạnh phi thường và nét đẹp kiêu hãnh tự nhiên bề ngoài, làm cho cọp có sức hấp dẫn với dáng oai phong lẫm liệt, nhưng đặc tính của Cọp là khôn ngoan, nhanh nhẹn, can đảm và hung dữ,… nên làm cho người ta phải kính sợ và đặt cho cái tên là “chúa tể sơn lâm” hay “ông ba mươi”. Nhưng ý nghĩa Cọp ở đây ẩn chứa hình ảnh con người đến lúc khôn lớn trưởng thành, nên gọi là “Hùng”. Vì Hùng có nghĩa là sức mạnh vô biên vì khi con người ý thức được ba đức “Nhân, Trí, Dũng” là tiềm lực cao trọng, hùng dũng để bao quát được cả đức Trời đức Đất nơi mình, tức là ý thức được là Nhân Tính nơi mình. Và đó là nét đẹp kiêu hãnh tự nhiên khi con người sống trọn vẹn cái Nhân Tính đó, nên còn gọi là “Minh Minh Đức”. Vì vậy mà danh hiệu “chúa tể sơn lâm” có nghĩa là vua hay Vương, do đó mới gọi là “Hùng Vương”. Vì vậy kinh điển có câu : “Thiên sinh ư Tí, Địa tịch ư Sửu, Nhân sinh ư Dần, tức Tí, Sửu, Dần là ba cung đầu để dành cho Tam tài là Thiên-Địa-Nhân cả ba tịnh sinh, để cùng nhau lên ngồi ghế danh dự là Thiên Hoàng, Địa Hoàng và Nhân Hoàng.
4- Mão là Mèo, và Mèo có hình ảnh và bản chất động vật giống như Cọp, nhưng hình dáng thu nhỏ lại, và đặc tính của Mèo là kín đáo như tục ngữ có câu : “giấu như mèo giấu cứt”. Vả lại Mèo sống gần với người chủ và ở cùng trong nhà để bắt chuột, là loài động vật gặm nhấm phá hoại và gieo bệnh tật ; nên Mèo tiềm ẩn ý nghĩa con người khi trưởng thành khôn lớn cần phải biết nhập ư thất tức phải biết về (vào) “nhà”, có nghĩa là “quy tâm” tức thu nhỏ để biến đổi cái vẻ “hào nhoáng oai phong” bên ngoài như Cọp, tức là cái tiểu ngã ích kỷ và sự khoe khoang của con người thành nét đẹp “kín đáo” bên trong, nên gọi là “đại ngã tâm linh” vì chính là Nhân Tính. Vì chỉ với Đại Ngã Tâm Linh con người mới “cảm” được chiều kích vô biên của Tính thể hiện nơi mình thành Tình, vì Tình là cửa ngõ dẫn vào Tâm. Vì vậy, nếu đem hình ảnh con Thỏ vô đây thì không có nét gì giống con Mèo hay con Cọp để có thể ví von với ẩn ý, nên không có nghĩa triết lý gì hết ở đây. Vả lại Mão/Mèo viết với bộ “tiết” có nghĩa dấu ấn kép với chữ “ấy” (chữ nôm) viết với bộ “phiệt” (dấu phẩy) bên trái ; còn Thố/Thỏ viết với bộ “nhân” biến dạng vì ở dưới chữ “khẩu” với “chữ tịch” ở trên. Nên xét về gốc chữ viết thì chữ Thố với chữ Mão không có gì là mẫu số chung cả, và nếu xét theo hình dạng hay bản tính giữa hai con vật Thỏ với Mèo thì lại hoàn toàn khác nhau. Do đó, nếu chỉ dựa trên ngôn ngữ hay chữ viết để xác định Mèo là Thỏ như Luận hành nói : “Mão, thố dã”, thì không có lý chút nào. Vì vậy mà cần phải dựa trên triết lý để đi tìm cái nghĩa cho thích nghi, vì triết lý nằm ở chỗ cùng lý, tận tính ở trung tâm chứ không ở ngoài ngành ngọn hay chu vi luôn biến đổi; nên chỉ có triết lý nào dẫn đến Nhất lý, là Lý thái cực thì đó mới là Chân lý. Vì tiền nhân có câu : “Nhất lý thông, vạn lý Minh”.
5- Thìn tức Long là con Rồng. Theo truyền thuyết qua huyền thoại là một trong 4 con thú thần gọi là “tứ linh” : Long, Ly, Quy, Phụng mà ta thường nghe nói là con Rồng, con Lân, con Rùa, con Phượng, nên Thìn hay Long chỉ là con vật tạo nên do óc tưởng tượng, chứ không ai thấy hay biết. Nhưng quẻ Càn trong Kinh Dịch nói là : “long phi tại thiên” có nghĩa là “rồng bay trên trời”, như vậy có nghĩa tương tự như câu : “tại thiên thành tượng” . Nên biểu tượng “Rồng” nói lên khả năng biến hóa, vận chuyển đổi dời như Trời Đất, từ vực sông (con cá chép) đáy biển lên đến trời cao (hóa rồng) với hoạt lực vô biên, vô cùng, vô tận. Do đó tất cả mọi biến cố tự nhiên như thiên tai, động đất, bão lụt, giông tố, núi lỡ, hang sụp,… tiền nhân nói là “long giáng hạ”, bằng cớ hiển nhiên đó đã tồn tại cho đến ngày nay và đã được công nhận là kỳ quan thế giới với vịnh “Hạ-Long”. Nên hiểu rộng với cái nhìn thấu triệt thì “Thìn” chính là ý nghĩa “Đại Ngã Tâm Linh” với chiều kích vô biên khi con người ý thức và sống trọn vẹn được cái Nhân Tính cũng chính là Thiên Tính nơi mình, thì mình chính là Nhân Hoàng như Thiên Hoàng và ngự tại “Hoàng Cung Trung Thổ” ở trên đời này vậy.
6- Tỵ là con Rắn, là một loài vật bò sát đất, nhưng lại biết dùng sự khôn khéo qua cách mềm mại để uốn éo mà di chuyển, và là con vật biết tự lột da (tức lột xác) lúc cần thiết để sống tiếp và sống lâu. Đó là ý nghĩa sau khi con người đã biết biến đổi tiểu ngã của mình thành Đại ngã tức là thức tỉnh, là “giác ngộ” (lột xác), để sống Thiên Mệnh với Nhân Tính. Nghĩa là một khi đã hiểu biết Tận, Kỳ, Tính, thì sẽ Minh (sáng suốt), sẽ Thông (rõ ràng), sẽ Duệ (thấu triệt), sẽ Túc (nghiêm chỉnh), sẽ Nghệ (giỏi giang). Nên khi Thấy với sáng suốt sẽ tinh khôn, Nghe thật rõ ràng sẽ có mưu kế, và có hiểu Biết thấu triệt mới có cái “Trí” (tri) của Thánh Nhân, để sống thọ, sống đẹp, sống hay và sống hạnh phúc ở đời này.
7- Ngọ là con Ngựa, mà đặc tính của ngựa là chạy nhanh, gọi là phóng, là phi, nên ở thời thượng cổ và trung cổ ngựa là phương tiện di chuyển nhanh của sứ giả để đi xa, để mang một s điệp đến với người khác, nên mới có chữ “kỵ mã” và “phi mã” ; và ngựa còn có đặc tính nữa là nhận biết và hiểu chủ mình, nên được coi là con vật thân thiết và trung thành nhất với người. Nên Ngựa mang ý nghĩa sau khi đã “lột xác” con người tự nhiên trở thành sứ giả của Trời để chạy nhanh, phóng xa khắp bốn phương đến tha nhân với sứ điệp sống Đạo làm người, tức nhắn nhủ mọi người phải Tu thân thì mới biết Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ, mà tiền nhân nói là : “tu kỷ dĩ an bá tánh”. Hay nói cách khác phải biết sống “chí trung hòa” thì mới sắp đặt được trời đất vạn vật đúng vào vị trí thái hòa yên vui, như câu “thiên địa vị yên, vạn vật dục yên” (T.D.). Vì vậy, mà ca dao đã có câu : “Trông cho chân cứng đá mềm, Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”.
8- Mùi chữ Nôm viết với bộ “mộc” có nghĩa là con Dê là chi thứ 8 trong “thập nhị chi”, cũng còn có nghĩa là rau mùi, rau thơm như rau ngò. Trái lại con “Dê” chữ Hán viết với chữ cổ bộ “dương” còn có nghĩa là đàn ông đa dâm. Nhưng bộ “dương” (chữ Hán cổ) cũng viết giống như chữ Thiên, chữ Can, chữ Mị (họ người). Do sự khác biệt ý nghĩa giữa Thỏ và Mèo, cũng như ở đây chữ Mùi với chữ Dương có gốc viết khác nhau tuy có cùng nghĩa là Dê ; nhưng chỉ với 2 sự khác biệt căn bản này đủ chứng tỏ nguồn gốc của 12 con giáp xuất xứ từ văn hóa của Việt tộc, chứ không là của Hán tộc. Nhưng ở đây nếu xét về ý nghĩa triết lý một cách thực tế, là nếu ai đã có lần tới gần sát con Dê rồi thì chắc chắn là đã không quên cái “mùi” đặc biệt của nó (!) nên ca dao cũng có câu để tả cái mùi đặc biệt hôi hám của dê như:
Ăn ngủ bận như thợ nề
Chỗ ăn chỗ ở như dê nó nằm.
Vì vậy, mà tổ tiên mới ẩn giấu nơi con cái ý nghĩa “chín mùi”, với hương vị đặc sắc của đời sống, đó là nghĩa con người một khi đã hiểu biết được sứ mạng của mình chính là Thiên Mệnh nơi Nhân Tính, và nếu sống trọn vẹn cái Nhân tính tức là chu toàn vai trò sứ giả với Mệnh lệnh của Trời thì đúng là Nhân, là Thánh, là “Thần vô phương”, tức là “vô hồ xứ giả” có nghĩa là không ở đâu cả nhưng lại không đâu không ở ; giống như Mùi hương thơm ngát khắp cõi trần.
9- Thân là con Khỉ theo nghĩa chữ Nôm. Nhưng chữ Thân viết với bộ “điền” theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là tên một loại trống, nên hai chữ “điền điền” có nghĩa là tiếng động “ầm ầm”. Nên ở đây hiểu với nghĩa rộng là “trống rỗng” tức là Không, và đặc tính của khỉ là bay nhảy, không thể ở yên lâu một chổ được, nên luôn náo động tức là không “bám víu” vào cành hay cây nào cả. Nên nói tới Khỉ người Á Đông mình thường liên tưởng tới nhân vật chính là “Tôn Ngộ Không”, còn gọi là “Tề Thiên Đại Thánh” trong tác phẩm Tây Du Ký mà đa số người Việt đều biết, của tác giả Ngô Thừa Ân. Vì không được Ngọc Hoàng mời ăn tiệc để được ăn trái đào trường Thọ và uống rượu trường Sinh bất Tử của Thái Thượng Lão Quân nên đã đại náo thiên cung, để rồi Thiên đình phải nhờ Phật mới khống chế được Ngộ Không. Nhắc lại chuyện này để nói với bạn ý nghĩa hình ảnh của Khỉ mà với cái tên “Ngộ Không” (?), thì quả thật là rất ngộ (!). Vì Ngộ ở đây, là nghĩa “giác ngộ” cái Không, và Không là cái không có gì hết mà lại là Toàn Thể Viên Dung nên viên mãn tròn đầy như Có. Cho nên “Ngộ Không” là ý thức được ý nghĩa Trời Đất giao hòa nơi mình, để mình mới có, mới “ngộ” (biết) được cái Không. Muốn vậy, mình phải làm (sao) cho Không (trống không) để mới có thể Ngộ (được) cái Thiên Tính, cái Mệnh Trời nơi mình. Khi đó mình mới đáng được Tôn là quân Sư, là Đại Thánh, vì Tôn cũng là nghĩa con của con, tức là cháu, nghĩa là con người chỉ có thể biết và cảm được mình là con cháu (descendant) của Trời Đất, một khi cái Tâm của mình Trống Không.
10- Dậu là Gà, ở đây phải hiểu là Gà Trống (gà cồ), và tại sao lại gọi là Gà Trống ? Vì như bạn biết chỉ có Gà Trống mới gáy ò ó o... thường thì vào nửa đêm, để báo hiệu bắt đầu cho một ngày mới, cho nên ca dao có câu :
Nửa đêm gà gáy ó o
Sao anh không ngủ dậy mò đi đâu
Như khi xưa, chưa có đồng hồ đánh thức, tiếng gà gáy và tiếng trống cũng là để báo hiệu sang canh mới, trời sắp sáng, để người nông dân thức dậy lo đi làm việc đồng án, nên ca dao cũng có câu:
Bến chợ Đông Ba, tiếng gà gáy sáng.
Bên làng Thọ Lộc, tiếng trống sang canh.
Cho nên với thói quen người ta hay nói gọn lại là: “gà gáy trống canh”, rồi dần dần nói tắc thành “gà trống”, nghĩa là “gà” với “trống” là 2 phương tiện dùng để loan báo sang canh. Do đó Gà Trống được chọn làm con giáp thứ 10 ở đây, không phải vì thiên vị đi chọn trống chê mái với đầu óc phong kiến là trọng nam khinh nữ, như những người vong bản nên suy nghĩ thiển cận rồi đi đả kích Đạo Nho. Trái lại “gà trống” ở đây nên hiểu với nghĩa rộng theo luật tự nhiên của Trời Đất, là “đồng thanh tương ứng”, nghĩa là muốn báo hiệu đi xa bằng tiếng trống, thì phải làm cái trống bằng đồng, nên gọi là “trống đồng”, và phải để trống (chỉ bịt một đầu), thì cái tiếng, cái âm mới thanh, mới trong, mới vang dội đi xa được. Đó là nguyên tắc làm chuông, làm mõ cho đến ngày nay. Vả lại nếu ai đã ở nhà quê và nếu biết để ý, thì đã thấy là mỗi lần con gà trống sắp gáy là nó đập cánh, ưỡn ngực, vươn cao cổ nó lên, (như là để cho thông cái cổ đừng để cho bị nghẽn, bị chận bởi bất cứ thứ gì) rồi há mỏ để gáy 3 tiếng ò ó o…, và vì tiếng ò ó o, với tiếng trống đều đi xa nên là “đồng thanh” và “tương ứng”.
Nhưng ở đây tôi không có ý phân tích tiếng gà với tiếng trống, mà chỉ muốn nói lên ý nghĩa Gà Trống là tiếng báo hiệu cho con người mặc dầu đã “giác ngộ” cũng phải biết “thức tỉnh”, phải coi chừng đừng có “ngủ” quên trên chiến thắng, cho dầu mình có đầy đủ Minh, Thông, Duệ, Túc, Nghệ, nhưng việc đạt Đạo tức “Thành Nhân” là việc mỗi giây phút, mỗi giờ, mỗi ngày, nên không được trể nãi hay quên đi. Vì “Đạo dã giả, bất khả tu du ly dã, khả ly phi Đạo dã” (T.D) có nghĩa “Đạo là Đạo nên không thể xa lìa được giây phút, hễ xa rời được thì không còn là Đạo”.
11- Tuất là con Chó. Nhưng con Chó tại sao lại chạy (rông) vô đây? Thưa không có chạy rông hay là chạy bậy vô đây đâu. Như bạn biết Chó là con vật hay sủa “quấu quấu”, nên ở nhà quê người ta thường nuôi chó để canh giữ nhà, vì hễ có người lạ đến gần nhà là nó sủa, để báo cho người chủ nhà biết và đề phòng coi chừng có kẻ lạ vào nhà có thể làm chuyện bất lương như ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp... Nên Chó là ý nghĩa mà con người cần phải cảnh giác trên con đường tự tu, tự tiến để tự “Thành” (Nhân), vì cho dù là “giác ngộ” cũng phải luôn thận trọng đừng để môi trường vật chất bề ngoài lôi kéo mình xa Đạo, nên tiền nhân mới nói “bàng hành nhi bất lưu”, nghĩa là hành động sống với đời, giữa đời mà không hề để bị lôi cuốn trôi theo dòng đời. Cho nên phải coi chừng và lên tiếng để đối đáp lại những kẻ gian xảo lừa đảo để hại mình bằng mọi cách, bằng vũ lực hay tà thuyết của bọn ma đầu giáo chủ, hoặc với những chủ thuyết toàn là nhân danh chính nghĩa như XHCN, nhưng trong thực tế thì lại chẳng có nhân nghĩa chút nào, để cho họ giật mình tỉnh thức.
12- Hợi là con Heo mà ai cũng biết. Nhưng tại sao Heo lại được tuyển chọn để kết thúc vấn đề Tử Vi này? Như mọi người đều biết Heo là con vật duy nhất ở gần người, mà không cần làm gì hết để gọi là góp công góp phần với con người trong đời sống hằng ngày. Trái lại, còn được người ta nuôi cho ăn no, tắm rửa mát mẻ, để ngủ ngon cho mau lớn, mau mập, mau béo để… người ta “làm thịt”, vì “con lợn có béo, thì lòng mới ngon”. Như vậy con Heo là nghĩa gì ở đây? Thưa chỉ có một nghĩa rất đơn giản nhưng lại chính yếu và bao quát đó là An-Vi. Vì An-Vi là triết lý nhân sinh chính hiệu, tức là làm không vì bị bắt buộc (cưỡng hành) hay vì có lợi, có danh, có quyền, có tiền mới làm (lợi hành), mà làm vì việc có “nghĩa” nên đáng làm thì làm với hết ý-tình-chí (đốc hành) mà không hề lo lắng nghĩ đến kết quả sẽ ra sao, nên gọi là an hành. Nói cách khác đó là triết lý sống như chơi vì như ca dao có câu :
Chơi cho bể rộng thành ao
Chơi cho trái núi lọt vào con trôn
Có nghĩa đời sống này là một cuộc chơi, và theo triết lý An Vi sống như chơi, thì chơi như con nít (hóa nhi đa hí lộng) nghĩa là không hề nghĩ đến ăn thua mà là chơi cho thỏa chí để thoải mái, để vui sướng, để hạnh phúc với chiều kích vô biên, thì đó mới chính là mục đích và là cứu cánh của con người trên cõi đời này. Nên “con lợn có béo, thì lòng mới ngon”, chính là ý nghĩa con người có học hỏi đến “cùng lý tận tính” thì mới biết “dĩ chí ư mệnh” tức mới biết được Mệnh Trời để mới biết sống cái Tính bản Nhiên con người, như triết gia Kim-Định đã nói : “Nên muốn làm người nghĩa là nhận thức ra đường hướng và cứu cánh của đời người thì ai cũng cần học, cần sống, và chỉ cái học sống được, hiện thực vào bản thân, chính mình thể nghiệm lấy mới là cái học trung thực, cái triết lý nhân sinh. Đời sống triết lý nhân sinh phải là một đời sống có thống nhất mọi hành vi cử chỉ phải quy hướng theo một tiết điệu, một đích điểm. Đích điểm đó trong triết lý nhân sinh chính là Tính Bản Nhiên con người.” (trích tác phẩm Tâm Tư).
Nói tóm lại, “thập thiên can” với “thập nhị địa chi” không chỉ là một khoa tử vi hay khoa phong thủy chính xác, mà còn là một triết lý nhân sinh độc nhất vô nhị, vì ý nghĩa của nó được ẩn giấu một cách tài tình và độc đáo trong 12 con vật biểu tượng những hiện tượng trong đời sống con người, như tôi đã phát họa vài nét chính yếu cho mọi người thấy. Vì triết lý không ở đâu cả "vô hồ xứ giả" nên phải đặt nền tảng nơi tâm thức con người. Và vì tâm thức con người cũng giống như vũ trụ không ở đâu cả nhưng không đâu không ở. Do đó chu kỳ “thiên can địa chi” dùng để diễn tả sự vận chuyển biến hóa của vũ trụ qua những hiện tượng với biến cố, mà mỗi con người chính là một sử gia cho mình, vì chỉ có mình mới thể nghiệm được những biến cố xảy ra trong đời mình như một sứ điệp để mới hiểu được tất cả ý nghĩa của nó đặng rút tỉa kinh nghiệm sống cho mình. Vì vậy, chỉ có “thiên lý tại nhân tâm” mới là chìa khóa để giải mã mọi vấn đề trong cuộc sống, mà trong đó lịch sử của dân tộc mình cũng thuộc về lịch sử của đời mình. Nên sự thật của lịch sử nói chung không thuộc về của ai hết, mà là của Cội Nguồn Văn Hóa, còn gọi là Văn Tổ tức Tổ Trời, chính là Thiên Lý, là Chân Lý vậy. Do đó mà kể từ nay mỗi người Việt chúng ta có thể hãnh diện là con Rồng cháu Tiên vì cái triết lý nhân sinh đó, và nhất là cần phải học hỏi để mới có thể bảo tồn cái văn hóa với cái học của tiền nhân, như lời Trương Tái sau đây :
Vị thiên địa lập tâm
Vị sinh dân lập mệnh
Vị vãng thánh kế tuyệt học
Vị vạn thế khai thái bình
Có nghĩa là “vì thiên hạ mà lập tâm. Vì dân sinh mà lập mệnh Trời để quyết cải thiện đời sống xã hội. Vì tiên thánh mà quyết nối cái “đại học chi Đạo” xưa bị đứt quãng. Vì thế giới vạn vật mà khai mở ra căn để cho cuộc thái bình”.
Viết xong, ngày 31 tháng 01 năm 2011.
(tức 28 tháng chạp năm Canh Dần) 
Theo Nguyễn Sơn Hà (An viet toan cau)

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm