Sử thời phong kiến luôn tỏ ra ghét bỏ triều Mạc nhưng bóc tách từ những dòng xô lệch hiếm hoi thì thấy ghi rằng Thái tổ Mạc Đăng Dung xuất thân dân chài, khỏe mạnh giỏi võ, ứng thí tại Thăng Long đỗ Đô lực sĩ, làm quan đến chức Đô chỉ huy sứ, được phong tước Hầu. Năm 1527 nhân cung đình thối nát, xã hội loạn lạc, ông phế truất vua Lê lập ra triều Mạc, chỉ tại vị có 3 năm rồi nhường cho con, lui về làm Thái thượng hoàng. Nhà Mạc tồn tại qua 5 đời với 65 năm, ví như nhát cắt lịch sử vậy, dù dày dù mỏng nhưng đời sau chẳng nên chối bỏ, huống hồ cha con ông cháu Mạc Đăng Dung đã để lại không ít dấu ấn tích cực trong một chặng đường đầy biến động của dân tộc.
Để tìm hiểu thêm, tôi ghé nhà từ đường họ Mạc ngay thôn Cổ Trai, không may các bô lão đi vắng cả nhưng qua chuyện trò với những hậu duệ chả biết đời thứ mấy chục của Mạc tổ thì biết thêm con cháu tộc Mạc hiện giờ đông lắm, đa dạng lắm. Theo các cụ truyền lại, để tránh quan quân chúa Trịnh truy sát gắt gao, ngoài nhóm hoàng thân quốc thích Mạc Kính Cung rút lên Cao Bằng theo sự mách bảo của cụ Trạng Trình, người họ Mạc tứ tán khắp nơi, thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích. Nay trên cả nước có khoảng 50 dòng họ khác nhau vốn gốc họ Mạc sau đận chạy trốn ấy, liệt kê ra thấy đủ cả các họ Phan, Thái, Hoàng, Phạm, Bùi, Vũ, Ma, Nguyễn… rải khắp nước.
Đại hồng chung trên chính điện - Ảnh: N.T |
Lâu đài cung điện thành quách nguy nga từng phủ bóng lên vùng cửa biển phên giậu phía đông. Vật đổi sao dời, hưng phế là điều khó tránh, tuy nhiên các thế lực phong kiến nước ta thường giẫm vào vết xe tai hại, triều sau cứ phá sạch sanh những gì do triều trước dựng lên. Nhiều cuốn cổ sử ghi rõ chuyện tướng nhà Lê là Thái úy Trịnh Tùng năm 1592 đã kéo quân về Dương Kinh tàn phá sạch sành sanh, thiêu hủy cung điện, chặt đốn cây cối, đào bới lăng tẩm, biến cả vùng đất thang mộc của nhà Mạc ra bình địa. Qua dấu vết tìm được, các nhà khoa học hầu hết chung nhận định về tầm vóc đồ sộ của Dương Kinh một thời. Giờ Hải Phòng cũng có quận đặt tên Dương Kinh, hình như để hồi tưởng về cái thuở vàng son ấy.
Được khánh thành hồi cuối tháng 9.2010, khu di tích giờ đã vỡ vạc vóc dáng tạo điểm nhấn du lịch tâm linh cho vùng châu thổ ven biển. Trên hơn 10 ha đất mà các nhà khảo cổ, nhà sử học xác định là nền điện Tường Quang nơi Mạc Đăng Dung và mấy thế hệ vua kế tiếp từng ngự hồi xưa, tòa chính điện và các công trình phụ trợ hắt dáng lên trời xanh, xa xa là dòng sông Đa Độ, vòng ra chút nữa là cửa sông Văn Úc. Kể cũng khâm phục cho sự cố gắng, đồng tâm nhiệt thành của con cháu Mạc tộc, tất nhiên không thể không ghi nhận công tích của chính quyền các cấp, khi một quần thể khu tưởng niệm hoành tráng hình thành chỉ chưa đầy 1 năm. Nhìn rảo một vòng, từ cổng chính vào tuốt bên trong cơ man những phiến đá xanh được chạm khắc tinh xảo, từ bờ tường vây quanh, chân cột, bậc tam cấp đến những con rồng uốn khúc mạnh mẽ mà uyển chuyển trước chính điện. Cô hướng dẫn viên Phạm Thị Hương - hình như cũng là hậu duệ Mạc tộc - tự hào khoe tất cả nhà cửa sân sướng nơi đây đều tái hiện kiến trúc và mỹ thuật thời Lê - Mạc, theo quy cách truyền thống. Đá xanh thì chuyển tuốt tận Thanh Hóa ra, còn gỗ tất tật lim nhập từ Nam Phi, thợ mộc cũng tinh những người giỏi nhất vùng làng nghề mộc nổi tiếng mạn Vĩnh Bảo. Ấn tượng nhất là chính điện rộng gần 400m2, 4 mái 7 gian 6 hàng cột, đầu đao dáng rồng vươn cao vút. Bên trong điện sáng bừng bởi những chạm khắc sơn son thiếp vàng, cảm giác uy nghiêm mà huyền bí. Tượng Thái tổ nhà Mạc ngự chính giữa, quây quần bên là các con cháu gồm những đời vua kế tiếp, đều được dát bằng vàng thật, nét tạc sinh động lạ thường. Tôi mường tượng cảnh hồi xửa hồi xưa các ngài cùng tụ về Dương Kinh cha con vua tôi sôi nổi luận bàn sự trị quốc an dân.
Cổng vào khu di tích |
Chùa Trà Phương (còn có tên Thiên Phúc tự) ngót nghét nghìn tuổi, khi Thái tổ Mạc lên ngôi thì được bà Thái hậu công đức trùng tu, nay chùa vẫn thờ bà và đức vua. Chùa nay còn hiện vật vô giá là 2 bức tượng đá cả nhà vua và hoàng hậu đầu triều Mạc được tạc hồi giữa thế kỷ 16, ngự trên ngai thờ trong khói hương thường nhật.
Điều làm tôi ngạc nhiên là hầu như ai đến khu di tích ngoài niềm thành kính cũng hé ra chút tò mò tìm xem thanh đại long đao của đức tiên tổ. Cô Hương dẫn tôi ra phía sau ngai thờ Thái tổ Mạc Đăng Dung, trong tủ kính kia là thanh đao quý, dù đã bị nám đen, gỉ sét sứt mẻ nhiều chỗ nhưng vẫn toát lên vẻ uy dũng vốn có của thứ binh khí trong tay bậc đại hùng. Đọc vội mấy con số: dài 2,42m, nặng 25,6 kg, hình dung ra rằng chủ nhân nó ít nhất cũng phải đường đường một đấng anh hào. Người làm sao đao làm vậy. Lưu lạc suốt mấy thế kỷ, chìm lấp sâu trong đất bùn cỏ dại, nay đao quý về lại với chủ nhân, hầu góp thêm chút hào quang cho một triều đại đã chịu quá nhiều thiệt thòi, nay được minh định lại.
Có lẽ tôi cần phải cám ơn lần nữa cái cô hướng dẫn xinh đẹp tên Hương kia lúc tôi đang săm soi ngắm nghía quả chuông đồ sộ trên giá ngay bên trái chính điện. Đã đành từng nghe giới thiệu quả đại hồng chung này được ban quản lý khu di tích vào tận xứ Huế nổi tiếng về đúc đồng mời cho được nghệ nhân tài hoa Nguyễn Văn Sính ra trực tiếp chế tác tại chỗ, rồi chỉ riêng tiền chi cho chuông đã hơn 400 triệu đồng… nhưng chi tiết sau đây mới quả thật thú vị. Hương bảo lúc đầu các cụ trong Hội đồng Mạc tộc yêu cầu ông Sính đúc sao cho chuông nặng đúng 1 tấn rưỡi, vậy mà gọt giũa trau chuốt xong, nghệ nhân siêu hạng chắp tay xin lỗi vì thành phẩm nặng những 1.527 ký, muốn nhẹ hơn cũng đành chịu. Sự đã rồi biết làm sao, nhưng chợt ai đó phát hiện ra số cân nặng của hồng chung lại trùng với chính năm lên ngôi 1527 của đức ngài, năm mở ra triều Mạc. Liệu có phải sự tình cờ không nhỉ?
0 comments:
Post a Comment