Bí ẩn đầm 99 ngách

Leave a Comment
Móng vuốt của rùa khổng lồ thì cực sắc và nó đào ổ cực khỏe. Có nhiều chỗ đất đá sỏi gan trâu, cứng như thép, cuốc bổ quằn lưỡi, thế nhưng rùa vẫn bò lên đào ổ tung tóe. Chiều rộng của ổ thường bằng thân rùa, chiều sâu chừng 40cm
 
Bày tỏ việc muốn tìm hiểu về loài giải khổng lồ ở đầm Minh Quân, ai cũng chỉ tôi gặp ông Trần Trọng Dần, sống ngay cạnh cái đầm khổng lồ này.

Loanh quanh dọc mấy bờ ruộng, rồi tôi cũng tìm được ông Dần, khi ông đang chèo chiếc thuyền nhỏ ở ven bờ đầm để thả lưới bắt cá. Khi hỏi về rùa khổng lồ, ông Dần bảo: “Các anh gặp đúng người rồi đấy. 80 tuổi đời, 65 năm sống nhờ cái đầm này, lại lấy vợ là người ở cù lao giữa đầm, nên chả có ngóc ngách, hang hốc, củ tỉ cù tì gì dưới cái đầm này tôi không biết cả”.

80 tuổi với 65 năm đánh cá trên đầm, ông Dần là người hiểu từng luồng lạch đầm Minh Quân. 

Nói rồi, ông Dần dẫn tôi vào căn nhà tồi tàn ngay dưới chân đập đầm Minh Quân và chỉ vào hình một con rùa to nhất trong tấm giấy khổ lớn vẽ hình các loài rùa ở Việt Nam, bảo: “Có phải anh hỏi con này không? Nó giống hệt con này, có nhiều ở đầm lắm”. Phía dưới hình con rùa mà ông Dần chỉ có dòng chữ Rafetus swinhoei.

“Anh Nguyễn Xuân Thuận tặng tôi tấm tranh vẽ rùa này và bảo đây là rùa Hồ Gươm. Anh ấy còn cho tôi xem rất nhiều ảnh chụp rùa Hồ Gươm, nên tôi chắc chắn con này có rất nhiều ở đầm, quê tôi gọi nó là con giải” – ông Dần khẳng định như đinh đóng cột. Nguyễn Xuân Thuận là điều phối viên của Chương trình rùa Việt Nam, thuộc Chương trình rùa châu Á.

Theo ông Dần, đầm này có tên là đầm Hậu, hoặc đầm 99 ngách, vì nó có tới 99 ngóc ngách. Xưa kia, nó chỉ là đầm lầy, toàn cỏ lác, cá, ba ba, rùa, giải, chim chóc rất nhiều. Đầm thông với sông Hồng, nên mùa lũ nước lớn, mùa cạn nước đầm trơ đáy.

Năm 1952, Nhà nước đắp đập giữ nước để tưới tiêu cho dân quanh vùng. Từ khi đắp đập, nước dâng cao, hồ mở rộng lên bao nhiêu ngách cũng chả ai rõ, nhưng đầm trở nên rất sâu, có chỗ sâu tới 30m. 

Ông Dần bảo, ông Hoàng Xuân Bốn chỉ bắn được một con giải, còn nhiều người khác thì bắt được cả chục con, chia thịt cho dân quanh vùng ăn. Bản thân ông Dần cũng từng nhiều lần ăn thịt giải và thấy nó cũng như thịt ba ba, chả có gì đặc sắc. Cách đây vài chục năm, ba ba ở đầm Minh Quân nhiều như tôm như tép, rẻ hơn cả cá, chả ai thèm ăn.

Người nổi tiếng săn được nhiều rùa khổng lồ bằng tay không là ông Hoàng Văn Sự, nhà ở khu Liên Hiệp. Ông này cao 1,85m, nặng cỡ 80kg, sức khỏe không ai trong vùng địch nổi.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông Dần thường đi soi cá đêm cùng với ông Sự và chứng kiến mấy lần ông Sự tóm rùa bằng sức cường tráng của mình. Trong quá trình đi soi, hễ thấy rùa khổng lồ bò lên bãi, ông Sự lập tức xông đến, chặn đường xuống hồ. Loài rùa tuy rất khỏe, nhưng nhút nhát, nên khi gặp người chặn đường, nó không dám lao thẳng vào, mà loanh quanh tìm hướng thoát thân khác.

Tôi bật laptop cho ông Dần xem hình con rùa này, ông Dần cũng khẳng định đây chính là con giải ở đầm Minh Quân. 

Khi con rùa còn đang mải tìm cách thoát thân, ông Sự chọn được địa điểm, tư thế thích hợp, ông ta sẽ vận công vật ngửa nó ra. Khi đã vật ngửa được nó, ông Sự tiếp tục đi soi cá hoặc về ngủ. Sáng hôm sau, ông dắt trâu vào kéo nó về làm thịt. Loài rùa tuy to, khỏe, song khi lưng đã chấm đất thì không có cách nào lật dậy được.

Tuy nhiên, cách săn rùa bằng tay không của ông Sự chỉ tóm được những con dưới một tạ. Những con trên một tạ thì sức trâu mộng cũng không địch nổi, chứ đừng nói đến sức người.

Ngược về thời xa xưa một chút, những năm 60-70 của thế kỷ trước, người nổi tiếng săn rùa khổng lồ ở đầm Minh Quân là ông Nguyễn Văn Phượng. Ông Phượng thường tổ chức một nhóm gồm 4-5 người vào đầm săn rùa.

Những năm đó, rùa khổng lồ rất nhiều trong đầm Minh Quân. Đêm xuống, chúng thường mò vào bãi sậy để ngủ. Khi loài rùa khổng lồ này ngủ, nó phát ra tiếng thở “pho pho” như người ngáy, nên dù đứng xa chỗ nó ngủ tới cả trăm mét cũng phát hiện được.

Con giải ở bị bắn chết một cách thương tâm có màu bạc, trắng hơn loài rùa này. 

Thợ săn đẽo những cây tre cứng thành cọc nhọn, mang theo búa và nhẹ nhàng tiến lại phía rùa khổng lồ đang ngon giấc. Nhanh như chớp, một người đóng cọc vào sát đít, hai người đóng chặn vào hai vai. Họ dùng dây lạt buộc chặt 3 cọc tre lại, đan thành một cái cũi chắc chắn. Con rùa khổng lồ dù cựa quậy, cào xé mạnh, sức đẩy như máy ủi, song cũng không ăn thua gì.

Sau đó, họ tiếp tục dùng những cái thuốn sắt đâm xuyên qua lớp riềm. Khi mất nhiều máu, kiệt sức, họ vật ngửa rùa khổng lồ ra đất, xâu 4 chân lại cho khỏi giãy, rồi đặt rùa lên cáng khiêng về xẻ thịt.

Ngày đó, ông Dần thường xuyên đi xem nhóm ông Phượng săn rùa, nên được ông Phượng cho cả rổ trứng. Trứng rùa to hơn trứng ngỗng, toàn lòng đỏ, nhưng nhạt hoét, ăn xong thấy mùi tanh ở cổ họng.

Những chỗ ông Phượng mổ rùa khổng lồ tanh khủng khiếp, cả tháng không hết mùi. Đến con trâu cũng phải đi vòng chỗ khác, nhất định không đi qua chỗ mổ rùa, vì không chịu nổi mùi tanh.

Những gia đình trên đảo Dốc Muỗm đã phải chuyển nhà vì mùi tanh của con giải trắng chết thối bốc lên khủng khiếp. 

Nói về chuyện mùi tanh của rùa, ông Dần nhớ lại vụ ông Long Giang bắn chết một con rùa khổng lồ.

Cạnh gò nổi Dốc Muỗm thường xuyên xuất hiện một con rùa to như cái nong, ước đoán phải nặng cỡ tạ rưỡi. Điều đặc biệt là toàn thân con rùa này có màu trắng bạc, khả năng nó bị bạch tạng. Bên gò Dốc Muỗm có một cây đa rất to. Do bị sét đánh, một phần cây đa chìm xuống mặt nước. Con rùa "bạch tạng" khổng lồ này thường xuyên bò lên cành đa để phơi nắng.

Ông Long Giang đã vác khẩu súng bắn thẳng vào lưng nó mấy phát liền. Trúng đạn, con rùa lao xuống nước và mất tăm mất tích. Mọi người đoán nó đã chết, nhưng chỗ đó rất sâu, tới hơn 10m, nên không ai lặn xuống kéo xác nó lên được.

Vài hôm sau, mỡ từ xác con rùa phân hủy nổi lên loang kín mặt nước, trải rộng cả một khu vực lớn. Mùi gây bốc lên kinh khủng đến nỗi mấy hộ gia đình sống trên gò Dốc Muỗm phải tạm thời chuyển sang đảo khác ở. Không ai dám chèo thuyền qua khu vực đó, vì mùi tanh của xác rùa nồng nặc không chịu nổi.  

Khi tôi hỏi: “Đầm Minh Quân còn rùa không?”, ông Trần Trọng Dần, 80 tuổi, nhà ở thôn 4, xóm Đức Quân (Minh Quân, Yên Bái) vỗ tay vào ngực bảo: “Anh có tin người già không. Tôi lấy danh dự khẳng định với anh rằng đầm Hậu vẫn còn nhiều giải”.
 
Ông Trần Trọng Dần: "Tôi lấy danh dự khẳng định đầm Minh Quân vẫn còn giải khổng lồ". 
“Dù tôi còn phải đi đánh cụp, thả lưới bắt cá kiếm sống, song tôi sẵn sàng bỏ thời gian dẫn anh đi tìm giải, dù không gặp được nó, anh cũng sẽ gặp hang ổ, hoặc dấu vết nó bò. Nhưng chỉ có thể gặp được nó vào tháng 11 âm lịch” – ông Trần Trọng Dần khẳng định như vậy.
Theo ông Dần, vào mùa rét, từ tháng 10 đến hết tháng giêng, đặc biệt là thời gian tháng 11 âm lịch, hay có gió mùa, rùa khổng lồ thường tìm đến chỗ nông, khoảng chừng một mét nước để "đánh hố" như vũng trâu, rồi nó nằm im trong vũng đó. Ông cũng không hiểu nó đánh hố rồi nằm trong vũng như trâu đằm thế để làm gì.

Là người hiểu luồng lạch đầm Minh Quân nhất, thường xuyên đánh cá trên đầm, lại thường xuyên gặp rùa, nên hầu hết các nhà khoa học đi tìm rùa đều nhờ vả ông Dần. Anh Nguyễn Xuân Thuận, điều phối viên của Chương trình rùa Việt Nam, thuộc Chương trình rùa châu Á, đã từng ăn ngủ mấy tháng ở nhà ông Dần, đi theo ông đánh cá, vác máy ảnh, ống nhòm ngồi trên đỉnh đồi nhìn ra đầm để chụp ảnh rùa.

Hồi năm ngoái, ông Dần đã chèo thuyền chở anh Thuận đến một cù lao giữa đầm, nơi ông thường xuyên gặp rùa. Lúc lội bì bõm lên bờ, anh Thuận bảo: “Sao lại có vũng trâu đằm ở giữa hồ thế này hả ông?”. Ông Dần tức tối mắng anh chàng chuyên gia rùa: “Mắt mũi anh thế nào mà lại bảo đây là vũng trâu đằm. Vết móng rùa cào, vết riềm nó miết vào đất nhẵn thín thế này là vết con giải đấy. Trâu đằm thì xung quanh phải có dấu chân chứ!”.
Rùa khổng lồ thường vào cù lao này đào ổ. 
Theo ông Dần, có một vài con rùa khổng lồ thường xuyên vào hòn đảo này. Rùa hay ở chỗ nào thì chỗ đó không bao giờ có cá, nên chả bao giờ ông Dần vào quanh cù lao này đánh cụp, thả lưới. Với lại, đã nhiều lần lưới mắc cá, cả vó bè của ông bị rùa khổng lồ xé rách tả tơi, nên nhìn thấy chỗ nào có dấu vết rùa khổng lồ là ông tránh xa.

Những con rùa khổng lồ trong đầm đều to như cái nong, mỗi khi lên bờ, nó bò nghênh ngang, không đi lách như con thú được, nên vết nó bò không khác gì có máy ủi đi qua, cây cối, cỏ lác đổ rạp xuống đất thành một vệt to tướng.

Móng vuốt của rùa khổng lồ thì cực sắc và nó đào ổ cực khỏe. Có nhiều chỗ đất đá sỏi gan trâu, cứng như thép, cuốc bổ quằn lưỡi, thế nhưng rùa vẫn bò lên đào ổ tung tóe. Chiều rộng của ổ thường bằng thân rùa, chiều sâu chừng 40cm.

Sau khi phát hiện rõ ràng có rùa khổng lồ đánh ổ ở cù lao, anh Thuận và ông Dần đã quyết định làm một cái bẫy để tóm rùa. Cái bẫy này như một cái chuồng, gồm nhiều cọc đóng xung quanh. Cá sống, cá chết bốc mùi tanh ngòm được thả vào bẫy. Khi rùa vào ăn, cửa bẫy sẽ sập xuống, nhốt luôn “cụ rùa”.
Chiếc vó bè của ông Dần đã nhiều lần bị rùa khổng lồ xé rách. 
Tuy nhiên, khi báo cáo lãnh đạo tỉnh Yên Bái về “đề án” tóm sống cụ rùa, lãnh đạo tỉnh đã kiên quyết từ chối. Họ chỉ cho phép theo dõi, chụp hình và giữ bí mật hoàn toàn chuyện rùa khổng lồ ở đầm Minh Quân. Thế là dự án tóm sống rùa của ông Dần và anh Thuận thất bại. Còn chuyện anh Thuận có chụp được hình rùa nổi hay không vẫn là một bí mật, vì anh ta chả tiết lộ kết quả nghiên cứu với ai.

Ông Trần Trọng Dần lại một lần nữa khẳng định với tôi: “Mới đầu năm nay, tôi bơi ra cù lao dạo chơi, thấy một con giải to đúng bằng cái nong tằm, nặng cỡ tạ rưỡi đang nằm phơi nắng. Tôi lò dò bước đến, nó phát hiện chạy bán sống bán chết, rồi lao xuống hồ biến mất. Tôi nghĩ, sức mình mà bám vào nó, chắc nó lôi mình đi như con ngóe. Giống giải khổng lồ này sức khỏe vô địch, lại chạy nhanh như cướp, chứ không chậm như rùa”.

Ông Dần khẳng định thi thoảng vẫn nhìn thấy rùa khổng lồ nổi ở giữa đầm. Tôi hỏi ông: “Liệu ông có nhìn gà hóa cuốc, chẳng hạn như nhìn xa xa, thấy rắn bơi, lại tưởng là giải”. Ông Dần bảo: “Con giải nổi đầu, gần như không tạo thành sóng. Còn rắn nổi đầu thì cái đuôi nó ngọ nguậy, trông biết ngay”.

Theo ông Dần, khi rùa khổng lồ đi kiếm ăn, kiểu gì nó cũng phải nổi. Nó nổi đầu lên với hai lý do, thứ nhất, để quan sát xem trong bán kính hàng trăm mét có người hay không. Nếu không có người, nó tiếp tục lặn xuống săn cá, còn có người, nó lặn tịt luôn, không để lại tăm hơi. Lý do thứ hai, mỗi khi xơi tái một chú cá to, nó phải thò đầu lên mặt nước hà bớt mùi tanh hôi của cá (giống như người uống rượu xong thì khà một cái - lời ông Dần).
 
Những người đánh cá thường tránh những nơi có rùa khổng lồ, vì nơi đó, không có cá, lại dễ bị rùa xé lưới. 
Loài giải khổng lồ chỉ nổi đầu vào những ngày mặt nước yên tĩnh, hôm nào sóng lớn, nó nhất định không nổi, vì không quan sát xung quanh được. Ông Dần kết luận: “Con giải nó sống mấy trăm năm, bằng mấy đời người, nên thành tinh rồi, khôn lắm.”

Kể từ sau vụ con rùa nặng 140 kg bị bắn chết, loài rùa khổng lồ này tự dưng biến mất. Thi thoảng vẫn có người bắt được một con, nhưng chỉ nặng cỡ vài ba chục kg mà thôi.

Nhiều người bảo, sau khi “cụ rùa” này bị sát hại, các “cụ rùa” khác cảnh giác hơn, nên không ai săn được nữa. Ông Dần cũng công nhận là những con còn lại trong đầm đã rất cảnh giác, luôn né tránh con người, song theo ông, nguyên nhân con người ít gặp giải là vì nó còn rất ít.
Đầm Minh Quân chụp từ vệ tinh. 
Lý giải cho việc loài giải đột ngột gần như biến mất khỏi đầm Minh Quân, ông Dần cho rằng, nguyên nhân là do những kẻ đánh cá bằng mìn. Các loài thuộc giống rùa, ba ba đều rất sợ sấm, sét. Tiếng mìn nổ chả khác nào tiếng sấm. Vì đánh mìn, nên có thể chúng đã bò hết ra sông Hồng vào những ngày nước tràn qua đập trong mùa mưa lũ. Những con chưa thoát ra sông Hồng thì ẩn nấp kỹ trong những hang hốc, những vực sâu tới 30m.

Khoảng hơn chục năm nay, đầm Minh Quân được quản lý chặt chẽ, cấm đánh bắt cá bằng mìn, nên lại có nhiều dấu hiệu xuất hiện trở lại của rùa khổng lồ.

Ông Trần Văn Hẹ, Chủ tịch xã Minh Quân cho biết, ông cũng từng có nhiều năm đánh cá ở đầm và liên tục nhìn thấy những con rùa to như cái nong, cổ to bằng cái phích nổi lên mặt nước vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Ông Hẹ cũng đoán do có thời gian người dân dùng mìn đánh cá, nên rùa khổng lồ đã bò qua đập tràn sang đầm Cây Xoan rồi thoát hết ra sông Hồng. Các nhà khoa học về tìm kiếm vẫn phát hiện những con rùa cỡ 5-7kg, nhưng tuyệt nhiên không gặp loại to như cái nong nữa.
Liệu đầm Minh Quân có còn rùa khổng lồ? 
 
Ông Hẹ kể: “Năm 2007, các nhà khoa học trong nước và quốc tế tổ chức hội thảo về rùa Hồ Gươm ở Hà Nội có mời tôi, đại diện chính quyền và anh Nguyễn Văn Dũng, là người thường xuyên gặp rùa. Anh Dũng được mời lên phát biểu. Anh ta kể trước hội thảo rằng, ban đêm đi đánh cá, anh ta thường xuyên gặp giải khổng lồ. Có lần chèo gần vào bờ, mái chèo đâm vào lưng giải, nó chạy, đội cả thuyền, khiến cả người lẫn thuyền lật úp…”.

Hy vọng, những con rùa khổng lồ, loài vật mà người dân quanh vùng đều nhất nhất khẳng định giống hệt rùa Hồ Gươm, và được nhiều chuyên gia khẳng định là loài giải Thượng Hải, hay Rafetus Swinhoei vẫn còn ở đầm Minh Quân, và sẽ được chính quyền cùng các nhà khoa học vào cuộc bảo vệ, nghiên cứu.

(Theo vtc.vn)

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm