Kỳ thư trong đao Đồ Long

Leave a Comment
Nhạc Phi là danh tướng đời Tống, tinh thông binh pháp, võ nghệ siêu quần. Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, đao Đồ Long giấu binh pháp Vũ Mục di thư của ông luôn là mục tiêu tranh đoạt của võ lâm

Như đã nêu ở kỳ trước, trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Kim Dung viết rằng khi thành Tương Dương lâm nguy trước sự uy hiếp của quân Mông Cổ, vợ chồng Hoàng Dung - Quách Tĩnh đã bí mật đúc kiếm Ỷ Thiên giấu bí kíp võ công Cửu âm chân kinh cùng Hàng long thập bát chưởng và đao Đồ Long giấu Vũ Mục di thư của danh tướng Nhạc Phi.

Bộ binh pháp này dạy đủ các phương pháp định mưu, xét việc, tấn công, phòng thủ, luyện quân, khiển tướng, lập trận...

Hậu duệ Nhạc Phi trước ngôi mộ của ông

Tranh đoạt đẫm máu

Trong Anh hùng xạ điêu của Kim Dung, sau khi Nhạc Phi bị giết hại, Vũ Mục di thư được giấu trong kinh đô Lâm An.
Chúa Kim muốn đoạt kỳ thư này để học cách tiêu diệt cả quân Tống và quân Mông Cổ nên nhờ cha con Tây Độc Âu Dương Phong cùng nhiều cao thủ võ lâm truy tìm. Không ngờ, sách đã bị bang chủ Thiết Chưởng bang Thượng Quan Kiếm Nam lấy về giấu ở đỉnh núi Thiết Chưởng.
Về sau, Quách Tĩnh và Hoàng Dung tình cờ phát hiện họa đồ nơi giấu binh thư bèn lên đỉnh Thiết Chưởng lấy Vũ Mục di thư về được.


Nhờ binh thư này mà khi theo Thành Cát Tư Hãn,  Quách Tĩnh đã lập được nhiều công lớn. Sau đó, Quách Tĩnh bỏ Mông Cổ về với nhà Tống.
Khi thành Tương Dương lâm nguy, vợ chồng Quách Tĩnh quyết tử thủ, bèn đúc đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên để giấu các bí kíp võ công, binh thư mà mình có được rồi giao cho hai con là Quách Tương và Quách Phá Lỗ cất giữ.
Trải qua nhiều biến động, đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên đều tuyệt tích. Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, khi xuất hiện, đao Đồ Long đã gây nên một trường tranh đoạt đẫm máu giữa các cao thủ và bang phái võ lâm.
Rốt cuộc, đao Đồ Long và bộ Vũ Mục di thư đều về tay giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ không màng thế sự nên giao kỳ thư này cho Từ Đạt, bộ tướng của Chu Nguyên Chương.
Nhờ Vũ Mục di thư, danh tướng Từ Đạt đã góp công lớn giúp Chu Nguyên Chương gồm thâu thiên hạ, lập nên triều Minh.

Vũ Mục di thư hay Nhạc gia quyền phổ?

Nhạc Phi (1103-1142) là người ở Tương Châu - Hà Bắc (nay là TP An Dương - tỉnh Hà Nam). Từ nhỏ, Nhạc Phi đã siêng đọc binh thư, được học võ với danh sư Chu Đồng. Trong Võ lâm ngũ bá, Chu Đồng cũng là thầy dạy võ của Đông Tà Hoàng Dược Sư, như vậy hai người là đồng môn.

Nhạc Phi là người trung can tiết liệt, khi làm tướng đã chỉ huy 126 trận chiến chống quân Kim đều thắng cả, được xưng tụng là “Thường Thắng tướng quân”.
Về sau, vì gian thần hãm hại lại thêm vua Tống Cao Tông đem lòng nghi kỵ, ông bị buộc phải rút quân về rồi bị khép tội. Triều đình đã giết hại ông cùng con trưởng vào năm 1142.
 Đến các đời vua Tống sau này, án Nhạc Phi được rửa, ông được truy tặng hiệu Vũ Mục rồi được truy phong là Nhạc Vương. Vì thế, người đời sau thường gọi Nhạc Phi là Nhạc Vũ Mục hay Nhạc Vương. Là danh tướng nhưng ông còn sáng tác những áng thơ, từ độc đáo, được hậu thế xem là “thiên cổ tuyệt xướng”.

Nhạc Phi là người tinh thông binh pháp, võ nghệ siêu quần và là thủy tổ của Nhạc gia quyền. Theo Nhạc thị tông phổ và những nghiên cứu của nhà văn, nhà Nhạc Phi học nổi tiếng Châu Cù Nhai, Vũ Mục di thư mà Kim Dung đề cập chính là bộ Nhạc gia quyền phổ do Nhạc Phi truyền lại đã 800 năm qua, hiện được lưu giữ ở huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc.
Nhạc gia quyền là môn quyền pháp do Nhạc Phi sáng chế và truyền dạy trong đội xung kích chủ lực của quân Tống. Loại quyền này có đặc điểm là đòn đánh ngắn, hiểm, tính xung sát mạnh, hiệu quả chiến đấu rất cao.

Theo Châu Cù Nhai, trước khi bị giết hại, Nhạc Phi đã truyền bí kíp Nhạc gia quyền cho hai người con thứ là Nhạc Chấn và Nhạc Đình.
Sau khi cha chết, sợ bị truy sát, Nhạc Chấn và Nhạc Đình đổi thành họ Ngạc trốn về Hoàng Mai - Hồ Bắc, ngày đêm khổ luyện Nhạc gia quyền chờ ngày báo thù.

Tuy nhiên sau đó, án oan của Nhạc Phi đã được xóa bỏ. Dù vậy, thực hiện di huấn “Tinh trung báo quốc” và tập luyện Nhạc gia quyền đã trở thành phong tục truyền thống bao đời nay của dòng họ này.
Vùng Hoàng Mai trở thành miền đất võ Nhạc gia quyền của Trung Quốc. Theo khảo sát trong Hoàng Mai huyện chí mới đây, trong hơn 600 năm từ đời Tống đến đời Thanh, tại Hoàng Mai có đến trên 300 tiến sĩ võ và cử nhân võ. Hiện nay, chỉ tính riêng vùng _Hồ Bắc cũng đã có đến khoảng 230 vị võ sư Nhạc gia quyền.
Một thuyết khác liên quan đến Vũ Mục di thư là vào cuối đời Minh, có một người tên Cơ Tế Khả tình cờ phát hiện phần sau của bộ Vũ Mục di thư trong một tòa miếu cổ.

Cơ Tế Khả theo đó mà luyện, sau cùng sáng chế ra môn quyền pháp Hình ý quyền nổi tiếng thuộc Nội gia quyền. Cho đến nay, nửa bộ Vũ Mục di thư này vẫn được xem là bảo vật trấn sơn của môn phái Hình ý quyền.

Hiến tặng bản thảo cổ Vũ Mục di thư

Hậu duệ của Nhạc Phi hiện đã truyền đến đời thứ 31, phân bố tại nhiều tỉnh, TP ở Trung Quốc. Truyền nhân Nhạc gia quyền nổi tiếng nhất hiện nay ở Hoàng Mai là võ sư Nhạc Tiến, hậu duệ đời thứ 27 của Nhạc Phi. Từ nhỏ, Nhạc Tiến đã được chân truyền võ công. Năm 1986, tại đại hội võ thuật dân gian toàn Trung Quốc, ông sử dụng Nhạc gia quyền trấn áp quần hùng, đoạt huy chương vàng. Năm 1987, Nhạc Tiến đã hiến tặng bản thảo cổ Vũ Mục di thư từ đời Thanh cho Nhà nước Trung Quốc và được thưởng 300 nhân dân tệ.

Theo Nhạc Tiến, nội dung trong Vũ Mục di thư dạy về quyền và binh khí. Ngoài 10 bài quyền chính và phân thế cụ thể, di thư này còn có các phần quyền luận, thuật vận khí, thuật điểm huyệt, giải huyệt, cứu thương, trật đả..., nội dung rất phong phú, tính thực dụng

Kỳ tới:  Vương Trùng Dương lập giáo
(Theo nld)

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm