Mạc Thái Tông (? – 1540)

Leave a Comment
Mạc Thái Tông (? – 1540) là vị vua thứ hai của nhà Mạc, ở ngôi từ năm 1530 đến 1540. Ông tên thật là Mạc Đăng Doanh, là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách), tỉnh Hải Dương, Việt Nam. Mạc Đăng Doanh là con trưởng của Thái Tổ Mạc Đăng Dung, không rõ năm sinh.
Thời Lê Chiêu Tông(1506 –1526), Mạc Đăng Dung nắm quyền, ông được phong làm Dục Mỹ hầu, giữ điện Kim Quang. Khi Mạc Thái Tổ lên ngôi ngày 15 tháng 6 âm lịch năm 1527, ông được lập làm Thái tử.
Ngày 1 tháng 1, tết nguyên đán năm Canh Dần (1530), Mạc Thái Tổ truyền ngôi cho ông và lên làm Thái thượng hoàng, tôn bà nội là Đặng Thị Hiếu làm Thái hoàng thái hậu.
Tháng 8 năm 1530, sau khi lên ngôi, Mạc Thái Tông hội binh ở huyện Hoằng Hoá đánh Lê Ý, sai Mạc Quốc Trinh lĩnh thuỷ quân đi trước. Ý đón đánh được cả hai đạo quân Mạc. Mạc Thái Tông phải án binh cố thủ. Tháng 11 năm đó, Thái Tông sai Quốc Trinh ở lại cầm quân còn mình rút về kinh thành. Lê Ý thắng liền mấy trận có ý chủ quan, bị Quốc Trinh bắt được giải về kinh giết chết.
Đầu năm 1531, Nguyễn Kim khởi binh chống Mạc ở Ai Lao, mang quan về đánh Thanh Hoá. Thái Tông sai Tây quốc công Nguyễn Kính vào đánh. Nguyễn Kim đánh thắng được Nguyễn Kính hai trận, chia quân giữ các huyện. Tháng 9, trời đổ mưa nhiều, quân Mạc thừa cơ dùng thuỷ quân tiến đánh, quân Nguyễn Kim rối loạn phải rút về Ai Lao.

Năm 1533, Nguyễn Kim lập Lê Duy Ninh lên ngôi tại đất Ai Lao, tức là vua Lê Trang Tông, tái lập nhà Hậu Lê. Hiệu uý Nguyễn Nhân Liễn khởi binh ở Thuận Hoá chống Mạc. Mạc Thái Tông sai tướng đi đánh không dẹp được.
Năm 1537, trấn thủ Thanh Hoá là Tây An hầu Lê Phi Thừa đánh phá tam ty nhà Mạc do Trung Hậu hầu cai quản rồi chạy sang Ai Lao đầu hàng nhà Lê.
Năm 1539, quân nhà Lê từ Ai Lao chia đường đánh chiếm huyện Lôi Dương (Thanh Hoá). Đất nhà Mạc bắt đầu bị chia cắt.
Mạc Thái Tông là người chú trọng việc khoa cử. Ông mở các khoa thi đều đặn 3 năm một lần và chọn được nhiều nhân tài, điển hình là Nguyễn Thiến (đỗ đầu khoa thi năm 1532) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (đỗ đầu năm 1535), Giáp Hải (đỗ đầu năm 1538). Đầu năm 1536, ông sai Khiêm quận công Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử Giám.
Khi mới lên ngôi, Thái Tông thấy trong nước nhiều trộm cướp bèn ra lệnh cấm dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và binh khí đi ngoài đường. Ai trái lệnh sẽ bị trị tội. Từ đó những người buôn bán chỉ đi tay không, không phải mang khí giới tự vệ. Do đó, theo sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, "trong vài năm trộm cướp biệt tăm, súc vật nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm lại".
Liên tiếp trong mấy năm được mùa, nhân dân được no đủ, trong nước được yên ổn. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận thời thịnh trị của Mạc Thái Tông: "Đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi".
Thời Mạc Thái Tông, nhà Minh mấy lần mang quân áp sát biên giới, mượn cớ giúp nhà Lê để đánh Đại Việt. Mạc Thái Tông một mặt tăng cường phòng bị, tập luyện quân đội, mặt khác sai Nguyễn Văn Thái sang Quảng Tây dâng biểu “xin hàng”, biện hộ rằng Lê Duy Ninh là con của Nguyễn Kim được dựng lên, không phải dòng dõi nhà Hậu Lê. Nhà Minh muốn để cho hai phe đánh nhau nên án binh không tiến nữa.
Ngày 25 tháng giêng âm lịch năm 1540, ông qua đời, thụy hiệu là Thái Tông Khâm triết Văn hoàng đế. Thượng hoàng Mạc Đăng Dung lập con trai ông là Mạc Phúc Hải lên ngôi, tức là vua Mạc Hiến Tông.
Các con
Mạc Thái Tông có 7 người con trai là:
  1. Mạc Phúc Hải, tức là vua Mạc Hiến Tông
  2. Mạc Phúc Tư, được phong làm Ninh vương
  3. Mạc Kính Điển, được phong làm Khiêm vương, sau trở thành phụ chính trụ cột của 2 đời vua nhà Mạc.
  4. Mạc Lý Tường (có sách chép là Lý Thiền)
  5. Mạc Lý Hoà
  6. Mạc Hiệp Cung (có sách chép là Hiệp Thái)
  7. Mạc Đôn Nhượng, được phong làm Ứng vương, sau kế tục Kính Điển làm phụ chính thời Mạc Mậu Hợp.
Nhận định
Mạc Thái Tông không phải là vị hoàng đế nhiều võ công nhưng giỏi về văn trị. Ông không có được những chiến công đánh dẹp hiển hách như vua cha Mạc Thái Tổ nhưng đã mang lại cuộc sống no ấm, yên ổn cho nhân dân Đại Việt, nhất là vùng Bắc Bộ sau nhiều năm loạn lạc, binh lửa cuối thời Lê sơ. Do sự trỗi dậy của các lực lượng ủng hộ nhà Hậu Lê, nền thái bình mà ông gây dựng không được kéo dài. Tuy nhiên, các lực lượng chống Mạc lúc đó chưa đủ mạnh, về cơ bản Mạc Thái Tông vẫn nắm quyền cai trị toàn quốc.
Những cảnh thịnh trị thời ông cai trị - khiến các sử sách của nhà Lê đối địch sau này cũng phải ghi nhận - là rất hiếm có trong lịch sử Việt Nam, ngay cả thời được coi là “hoàng kim” của chế độ phong kiến như Lê Thánh Tông cũng không thấy chép những cảnh tương tự. Điều đó được các nhà sử học hiện đại đánh giá rất cao.

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm