Tin liên quan |
Mới năm ngoái, chính mắt ông Tài chứng kiến anh Tuấn ở xã Tân Lập (Tân Sơn) bị con cặp nia đớp vào tay. Anh này đi soi ếch, vồ được con cặp nia. Khi trên đường về, gặp con rắn ráo, anh chuyển con cặp nia sang tay trái để vồ con rắn ráo. Không ngờ, con cặp nia tuột khỏi tay, đớp vào cổ tay anh một nhát.
Ông Tài Còi đã bị con rắn hổ phì đớp trúng mặt. Ảnh: Nguyệt Diễm. |
Anh Tuấn chạy về đến nhà thì ngã lăn ra đất, miệng cứng đờ không nói được, không há ra nổi để đổ cháo. Người lịm dần, khó thở và mọi người xác định sẽ chết.
Các cụ già tập hợp phân công công việc, người tóm lợn chuẩn bị mổ, người gọi thầy cúng chuẩn bị làm ma, quan tài thì đã đóng xong. Thế nhưng, một ông thầy cúng người Dao đến, thấy anh Tuấn vẫn còn thở nhẹ, liền niệm chú, thổi hơi. Làm như vậy vài lần, đột nhiên, máu đen xì từ vết thương phụt ra cả chén. Một lát sau thì anh này tỉnh, được đắp mấy cái lá lẩu, thế là khỏi.
Mặc dù chứng kiến cảnh đó nhiều lần, song ông Tài vẫn không tin, vẫn coi là vớ vẩn, mê tín dị đoan, cho đến khi chính ông bị một con hổ phì to đại tướng đớp trúng mặt.
Ấy là hồi năm kia, khi dùng móc lôi con hổ phì cỡ 2kg từ trong chuồng ra để cho vào lồng đem bán. Chẳng hiểu mắt mũi quáng gà thế nào, ông tóm vào cổ, nó vặn người tuột ra rồi vọt lên đớp trúng mặt. Là người có nhiều kinh nghiệm, song ông biết rằng tính mạng của mình đã nguy cấp, mạng sống chỉ còn một phần trăm, khi con hổ phì to như thế lại cắn vào mặt. Nọc độc hổ phì ngấm đến đâu, thịt thối đến đó. Khi chất độc ngấm vào xương, nó sẽ phát hủy xương, cơ và khi vào đến tủy thì vô phương cứu chữa.
Con rắn hổ phì này đã cắn ông Tài Còi khi nó nặng 2kg. Ảnh: Nguyệt Diễm. |
Xuống bệnh viện thì không kịp nữa rồi, nên dù chẳng tin kiểu chữa bệnh kỳ quái, song ông vẫn liều một phen kêu vợ gọi ông Giáp ở xóm Chiềng đến chữa trị. Ông Giáp cũng sử dụng phương pháp chữa trị kỳ quái y như các “thần y” khác, chỉ thổi rất khẽ vào vết thương và vào miệng ông. Khi ông tỉnh táo, nhìn thấy mọi người, suy nghĩ trở nên sáng suốt thì ông Giáp đắp thuốc và cho ông nhai một mẩu vỏ cây bé xíu. Chỉ có thế mà ông Tài Còi được cứu mạng và tin tuyệt đối vào kiểu chữa bệnh kỳ quái này.
Tuy nhiên, qua lần thực tế chữa bệnh, ông nhận thấy hai điều mà lời đồn không đúng. Thứ nhất, sau khi thầy cúng niệm chú, thổi hơi, thì bệnh nhân chỉ tỉnh táo hơn, chứ không hết đau như những lời đồn. Các cơn đau nhức còn kéo dài đến cả tuần. Thứ nữa, chuyện đồn đại, nếu người bị rắn cắn được thầy cúng cứu sống thì con rắn sẽ chết, và ngược lại, người bị cắn chết thì con rắn sẽ sống.
Ông Tài Còi đã không bán con rắn hổ phì đó, mà giữ lại nuôi dưỡng để làm kỷ niệm. Không những con rắn đó không chết như lời đồn mà nó còn lớn như thổi và giờ nó là con rắn lớn nhất mà ông sở hữu. Nó đã nặng tới 3,5kg.
Hiện con rắn cắn ông Tài đã nặng 3,5kg, song nó vẫn chưa chết như lời đồn đoán. Ảnh: Nguyệt Diễm. |
Kể xong chuyện, ông Tài Còi ra khu chuồng, mở nắp. Tôi ngó xuống, lạnh sống lưng khi thấy một con rắn mốc thếch như con trăn nằm im lìm. Ông Tài Còi lôi nó lên, nó dài quá đầu ông. Nhìn con rắn đến là khiếp. Tôi trộm nghĩ, nó mà đớp cho quả, không biết tính mạng mình sẽ như thế nào.
Nghe nhiều chuyện thần thoại về các “thần y” chữa rắn cắn quá, tôi liền tìm gặp một vị “thần y” mà nhiều người nhắc đến, đó là ông Hà Văn Hợp, người Mường, ở xóm Giáp 2 (Thu Cúc, Tân Sơn, Phú Thọ).
Ông Hợp gần 60 tuổi, tướng mạo hiền lành, xởi lởi, dễ gần, chứ không đầy huyền bí như trong thần thoại. Vợ chồng, con cái ông sống trong một căn nhà giản dị.
Hỏi chuyện chữa bệnh rắn cắn bằng phuơng pháp huyền bí, ông khẳng định là có thật, chứ không phải huyền bí gì cả. Từ ngày học được phương pháp chữa rắn cắn, ông đã cứu mạng hàng trăm người ở khắp huyện Tân Sơn và Thanh Sơn. Theo ông Hợp, riêng ở xã Thu Cúc cũng có cả chục người chữa được rắn độc cắn và đều là học trò của thầy cúng Hà Văn Bài. Tuy nhiên, phần lớn số họ đã chết già, người còn sống thì phần lớn đã bỏ nghề vì giờ ít rắn nên ít người bị cắn.
"Thần y" chữa rắn cắn Hà Văn Hợp. Ảnh: Nguyệt Diễm. |
Lý do nữa khiến phần lớn các thầy cúng bỏ nghề chữa rắn cắn, theo ông Hợp là vì, những người theo nghề này thường xuyên bị… rắn cắn.
Tuy nhiên, lý do chính khiến các thầy cúng không mặn mà với công việc này là vì họ phải kiêng khem đủ thứ. Chẳng hạn, khi bản làng, người nhà có đám ma, đám cưới, đám giỗ, đều phải làm lễ cúng bái cầu kỳ trước khi đến. Hài ước hơn nữa là để chui qua chiếc dây phơi quần áo, cũng phải cúng khấn vài lời. Những người làm nghề này tính nết lại hay cáu bẳn, thường xuyên mắng mỏ, cáu giận vợ con, khiến vợ con rất buồn. Đã vậy, lại chẳng có lợi lộc gì từ nghề này. Theo ông Hợp, ông cũng không hào hứng chữa rắn cắn cho ai, nhưng nhìn thấy người sắp chết mà không cứu thì không thể chấp nhận được.
Tôi hỏi ông Hợp về câu thần chú trước khi thổi hơi vào vết rắn cắn và vào miệng nạn nhân, ông đọc một lèo bằng tiếng Mường. Theo ông, đây là những từ cổ được truyền miệng lại. Bản thân ông cũng không rõ nghĩa, thầy dạy thế nào thì cứ đọc lại như vậy. Việc thổi hơi cũng là cách thức do thầy dạy, còn nguyên lý khoa học thế nào thì ông cũng mù tịt.
Ông Hà Văn Hợp: "Vì phải kiêng khem nhiều thứ, lại chẳng được lộc lá gì, nên rất ít người theo nghiệp chữa rắn cắn". Ảnh: Nguyệt Diễm. |
Theo ông Hợp, có thể bí quyết nằm ở mấy cái lá cây và vỏ cây mà thầy ông chỉ cho ông hái ở trong rừng, để đắp vào vết thương và cho người bị rắn cắn nhai.
Là người nhiều năm tìm hiểu văn hóa cổ truyền dân tộc vùng cao, tôi nghĩ rằng, điều lý giải của ông Hợp về những chiếc lá và vỏ cây mà ông hái trong rừng mới là những vị thuốc đặc biệt chữa rắn cắn. Những hành động như niệm chú, hà hơi có thể chỉ là một biện pháp kiểu như “thôi miên”, tạo niềm tin, hoặc ám thị mạnh mẽ với nạn nhân, khiến nạn nhân quên đi đau đớn và có thêm nghị lực để đối chọi với chất độc trong người.
Dù sao, phương pháp chữa rắn độc cắn của những thầy lang người Mường ở Thu Cúc (Tân Sơn, Phú Thọ) cũng là những phương pháp bí truyền. Tác dụng có thực hay không, cần các nhà khoa học, các nhà chuyên môn vào cuộc nghiên cứu. Nếu mấy chiếc lá rừng, vỏ cây có tác dụng chữa rắn độc cắn, thì nên áp dụng phổ biến, hoặc hướng dẫn cho nhân dân biết để sử dụng ngay khi bị rắn cắn trong lúc chuyển về bệnh viện. Đặc biệt, những nông dân ở làng nghề nuôi rắn, nơi mà mỗi năm không ít người mất mạng vì “tử thần bò sát”, rất cần hiểu biết rõ về bài thuốc này.
0 comments:
Post a Comment