1.Phát lộ ấn thiêng
Ấn Trần Triều Quốc Bảo có niên đại sớm hơn ấn Trần Miếu Tự Điển đang được sử dụng trong lễ khai ấn đền Trần. |
Điện Văn Lộc, nơi lưu giữ 11 chiếc ấn, trong đó có Trần Triều Quốc Bảo, trong suốt hơn 200 năm. |
Tiến sĩ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết, số ấn tại điện Vạn Lộc là 11 chiếc. Tất cả đều được làm bằng gỗ thị, trong đó quý nhất chiếc ấn Trần Triều Quốc Bảo có hình vuông (13,5 cm x 13,5 cm), chạm giật cấp ít tầng (dày 3,5 cm, rìa cạnh để cỡ 0,9 cm) được làm bằng gỗ, toàn bộ được sơn son thiếp vàng nhưng đã bị bong tróc nhiều chỗ. Mặt ấn có 4 chữ Trần Triều Quốc Bảo (ấn báu triều Trần) được khắc kiểu chữ triện (cỡ chữ 5,3 cm x 5,3 cm). Núm của ấn khắc hình “sư tử hí cầu”, dáng sư tử thon khỏe, đầu ngẩng cao hướng về phía trước, dáng vẻ sinh động.
“Nếu tôi không nói ra thì mọi chuyện không đến nỗi rắc rối cả trong lẫn ngoài như thế này!”, trong suốt buổi nói chuyện, ông Trần Quốc Toản luôn buồn rầu, hối lỗi đối với các bậc tiên tổ.
Mật truyền trong điện thánh
Ngay cả bậc cao niên nhất tại xóm Phúc (Mỹ Thuận, Mỹ lộc, Nam Định) cũng không biết chính xác trong suốt hơn 200 năm qua có bao nhiêu người được trao nhiệm vụ lo nhang khói điện Văn Lộc. “Trước kia, đó chỉ là một điện thờ nhỏ, tranh tre lụp xụp, ngoài những dịp giỗ tết ra thì rất ít người lui tới”, ông Trần Xuân Tân, cán bộ văn hoá xã Mỹ Thuận kể.
Theo ông Tân, điện Văn Lộc do một gia đình dựng lên thờ Đức thánh Trần, sau đó lại được giao cho xóm quản lý và cử người (ông từ) trông coi. Vì điện thờ nằm trên đất của nhà ông Trần Đức Thọ nên sau khi cụ từ Trần Văn Chức mất, xóm giao chìa khóa điện cho ông Thọ. Tuy nhiên, cả ông Chức lẫn ông Thọ không ai biết tới bộ ấn quý mà điện Văn Lộc được giao thờ cúng từ nhiều đời trước.
Ông Trần Quốc Toản khẳng định tới đây chỉ có thể xin được dấu triện trên vải chứ không ai được phép tận mắt nhìn thấy ấn Trần Triều Quốc Bảo. Ảnh: Đức Long. |
Bí mật chỉ được lộ ra khi bộ ấn truyền tới đời ông Trần Quốc Toản, một thầy cúng chuyên lo việc tế lễ trong điện. Theo lời ông Toản, người giữ chìa khóa điện chưa chắc là người giữ bộ ấn. “Không ai biết người giữ ấn là ai và ngược lại người giữ ấn cũng không được phép tiết lộ với bất kỳ ai. Đó là quy ước”.
Ông Toản được giao ấn cách đây 20 năm. Khi đó ông còn là cậu thanh niên thường theo bố (làm nghề thầy cúng) lên điện mỗi khi giỗ Cha (tức Trần Hưng Đạo) vào tháng giêng và giỗ Mẹ (tức mẫu Liễu Hạnh) vào tháng ba âm lịch. “Một buổi tối, có người nhắn tôi lên điện Văn Lộc có việc. Tới nơi, tôi thấy cụ Nguyễn Khắc Huệ đã ngồi chờ sẵn, ba nén hương cũng đã được thắp trên ngai thờ. Cụ Huệ vốn là người trầm tính ít nói. Lúc đó cụ mệt và có linh cảm ngày về chầu tổ tiên đã tới gần. Sau khi bảo tôi làm lễ thánh rồi xin quẻ âm dương như ý, cụ mới bảo: 'Từ nay, anh đã là con cháu của thánh, tôi giao lại cho anh trông giữ vật này. Thiên cơ bất khả lộ, anh phải giữ tới khi không thể mới truyền lại cho người sau'…”, ông Toản nhớ lại. Cụ Huệ cũng không giải thích rõ đó là vật gì mà chỉ nói rằng “rất quý, phải trông giữ cẩn thận”. Một vài tuần sau, cụ Huệ mất, ông Toản tiếp tục nối nghiệp thầy cúng của cha, đồng thời giữ bộ ấn quý. Song chỉ đến khi bộ ấn (11 chiếc) “bị” phát lộ và được các nhà khoa học xác minh, ông Toản mới hiểu rõ giá trị của chiếc ấn Trần Triều Quốc Bảo.
“Không dám bước qua lời nguyền”
“Trong khi hành nghề, trong số 11 chiếc của bộ ấn, tôi đã sử dụng một vài chiếc cho việc yểm bùa khi nhà có đám ma, chấn trạch khi khánh thành nhà mới hoặc cho ấn điện để người dân mang về thờ”, ông Toản cho biết. Tuy nhiên, duy nhất một chiếc ấn lớn thì không bao giờ đem ra triện. “Tôi và những vị tiền nhiệm chỉ biết con ấn đó là ấn của thánh, mình không biết mà phạm ý thánh thì mang tội nặng”, ông Toản nói. Chiếc ấn thánh to nhất được các nhà khoa học xác minh là Trần Triều Quốc Bảo.
Sau khi bộ ấn phát lộ, những người theo hương khói bấy lâu tại điện mới tái lập Hội điện Văn Lộc để công khai về việc chính thức quản lý bộ ấn. Ông Trần Gia Lợi, Phó chủ tịch Hội điện Văn Lộc, cho biết: “Hội rất hiếm khi mở ấn cho người lạ xem. Vừa rồi, các nhà nghiên cứu cùng một số vị lãnh đạo trung ương về nghiên cứu, hội mới phá lệ mở bộ ấn. Nhiều khi cũng muốn tạo điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu, nhưng vì lệ làng và lời truyền của cha ông nên chúng tôi không dám bước qua”.
Khi nghe có thông tin cơ quan chức năng sẽ quy tụ bộ Trần Triều Quốc Bảo về đền Trần, người dân xóm Phúc càng “tăng cường” bảo vệ thông tin về bộ ấn và kiên quyết “không ai có thể đem bộ ấn ra khỏi xóm”. Sau khi biết tin phát lộ ấn Trần Triều Quốc Bảo, trong dịp giỗ Đức thánh Trần (14 tháng giêng) vừa qua, nhiều khách thập phương thay vì chen chân đến đền Trần thì lại về điện Văn Lộc xin ấn. Chỉ có thể xin được dấu triện trên vải chứ không ai được phép nhìn thấy chiếc ấn. “Vì đây là lộc của thánh nên người dân đến xin thì mình phải cho thôi”, ông Trần Quốc Toản phân trần.
Chúng tôi đã mấy lần đề nghị ông Toản cho xem bộ ấn, song ông một mực lắc đầu: “Bây giờ tôi không để ấn ở điện, cũng không để ở nhà… và cũng chẳng ai có thể biết tôi đang để ở đâu”. Cảm thấy vẫn chưa đủ để “đánh lạc” thông tin, ông Toản còn tung thêm “hoả mù”: “Mà nói thật, tôi đã bị lộ tiếng giữ ấn rồi. Bây giờ có thể là bất kỳ ai trong hội điện này giữ chứ không chỉ có mình tôi!”, rồi quả quyết: “Sẽ không có chuyện lộ tên người kế tiếp giữ ấn”.
0 comments:
Post a Comment