Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Bộ biên chung Nhạc lễ triều Nguyễn

Leave a Comment
Trong hệ thống nhạc cụ thuộc Nhạc lễ triều Nguyễn, hiện nay còn lưu giữ 8 chiếc biên chung ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Vào tháng 3.2005, 8 chiếc biên chung này đã được lập hồ sơ đề nghị công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Bộ Biên chung này nguyên là loại nhạc cụ bằng đồng thuộc “biên chế” của dàn Huyền nhạc (nhạc treo) trong hệ thống đại nhạc (thuộc Nhã nhạc), sử dụng trong những buổi tế lễ trọng đại có tính nghi thức như: lễ Đại triều ở điện Thái Hòa, lễ Tế Giao, lễ Tế Xã Tắc... Sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn có ghi: “...Vua định lại nghị chương về triều hạ, về nhạc cụ cho lễ đại triều ở điện Thái Hòa: Nhã nhạc sử dụng một bộ (nhạc cụ) gồm một chiếc chuông to, một chiếc khánh lớn, một bộ chuông nhỏ gồm mười hai chiếc, một bộ khánh nhỏ gồm mười hai chiếc(...)”. Bộ biên chung hiện nay (còn lại 8 chiếc) là hiện vật biểu trưng sinh động cho Nhạc lễ triều Nguyễn thuộc loại hình Nhã nhạc, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một chiếc biên chung - Ảnh: Tư Liệu
8 chiếc chuông còn lại hiện nay ở Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đều bằng đồng, quai chuông đúc hình 2 con “bồ lao”, giữa thân “bồ lao” có móc để treo chuông lên giá. Chuông được đúc rỗng, độ dày dao động từ 0,8 đến 1cm, thành chuông đúc 5 đường gờ nổi song song tượng trưng cho ngũ hành, 4 đường gờ có đúc nổi 9 nút nhỏ ở mỗi đường để làm điểm để gõ. Ở đây số 9 cũng là một con số có ý nghĩa, mà ngoài ý nghĩa tượng trưng cho mạng thiên tử, nó còn liên quan đến khúc nhạc Thiều cửu thành (trong Kinh Thư)
- tên một khúc nhạc của vua Thuấn, nói đến những điều tốt đẹp, sự thịnh trị của đất nước. Các nút nhỏ cũng là các ký hiệu về “cường độ” của chuông trong lúc trình tấu và “trường độ” về hiệu quả âm thanh.


Bộ biên chung được thiết đặt trong lễ Tế Giao tại Đàn Nam Giao vào đầu thế kỷ XX
Năm 2002 - 2003, trong khi thực hiện hồ sơ Nhã nhạc để trình UNESCO công nhận là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, chúng tôi đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với các nghệ nhân Nhã nhạc như Trần Kích, Lữ Hữu Thi... để tìm hiểu về cách thức trình tấu loại nhạc cụ biên chung, nhưng tất cả đều không nắm giữ các quy thức, kỹ năng trình tấu loại nhạc cụ này. Hiện nay, cũng không có ai dám khẳng định sẽ trình tấu được bộ biên chung. Đó quả là một điều đáng tiếc. Năm 2004, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đã từng phục chế một bộ biên chung gồm 12 chiếc và trưng bày tại Trai Cung, nhưng việc phục chế đó chỉ hướng đến sự hình dung hoàn chỉnh về cơ cấu 12 âm Luật Lã, có nghĩa chỉ mới phục chế được vẻ bên ngoài của nhạc cụ này.


Bộ biên chung do Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế phục chế - Ảnh: Tư Liệu
Trong quá trình triển khai dự án bảo tồn nhã nhạc - âm nhạc cung đình VN giai đoạn 2005 -2009, hồ sơ khoa học về bộ biên chung cũng đã được thực hiện với sự giúp đỡ rất quan trọng của các chuyên gia âm nhạc Hàn Quốc (một nước cũng có các bộ biên chung trong hệ thống Nhã nhạc). Các chuyên gia của Hàn Quốc đã đến Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để nghiên cứu, đo các thang âm trực tiếp tại 8 chiếc biên chung nhưng kết quả không khả quan. Bởi lẽ, 8 chiếc biên chung này do chịu tác động sự “phong hóa” của thời gian nên âm thanh không còn được như nguyên thủy. Đó cũng là những khó khăn trong việc hướng đến phục chế bộ biên chung và đưa vào sử dụng trong các lễ hội được phục dựng như lễ Tế Giao, Tế Xã Tắc.
Ở điện Thái Hòa (Hoàng Thành, Huế) có 14 bài thơ đề cập đến Lễ nhạc (nhã nhạc) của triều Nguyễn. Đặc biệt, có câu: Lễ nhạc siêu Tam Đại (Lễ nhạc vượt cả thời Tam Đại). Nhiều người biết rằng thời Tam Đại với ba triều vua Trung Quốc ứng với nhà Hạ, Thương, Chu với nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, bày điển chương lễ nhạc một cách quy củ để khẳng định sự hưng thịnh của triều đại. Nhưng đến triều Nguyễn, các vị vua VN đã tự tin lẫn tự hào để khẳng định sự vượt trội về Lễ nhạc của mình, đó là những niềm tự hào tột bậc của triều đình đối với cơ đồ sự nghiệp, đối với giang sơn xã tắc.
Bộ biên chung đã trở thành một điển chế có tính đại diện, nó xuất hiện trong các lễ triều nghi, phản ánh được sự quy củ trong nghi thức “giao tiếp vĩ mô” mang tầm đại sự thời bấy giờ, là một báu vật ghi đậm dấu ấn văn hóa và tâm linh.

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm