Lên núi cao Ba Vì tìm thuốc

Leave a Comment
(LĐCT) - Chữa bệnh bằng cỏ cây là một sự thật vẫn hiển nhiên tồn tại từ hàng ngàn năm nay, ở hầu như mọi cộng đồng dân cư trên quả đất này.

Ngay ở mảnh đất Ba Vì, vừa sáp nhập về thủ đô, cách bờ hồ Hoàn Kiếm chỉ trên 60km, nơi cư trú của đồng bào Dao, cũng thế. Những bài thuốc này lại chữa được nhiều chứng bệnh mà y học cũng không dễ giải quyết và hơn nữa không gây bất cứ tác hại nào cho sức khoẻ. Chúng tôi đã đến xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội, để tìm hiểu về làng thuốc nam dưới chân dãy núi Ba Vì.

Ba ngày ba đêm mới xong một mẻ thuốc...



Vài trăm năm trước, trong cuộc thiên di của người Dao, một nhóm người Dao Quần chẹt vào vùng núi Ba Vì. Họ sống nơi xó rừng góc núi, nổi trôi như những đám mây trên trên núi Tản, đốt nương làm rẫy. Ở nơi rừng xanh núi đỏ ngoài việc lo cái ăn, cái mặc họ phải đấu tranh với bệnh tật để sinh tồn. Bằng kinh nghiệm từ thuở khai thiên lập địa, người Dao đã dùng những thứ cỏ cây hoa lá vốn rất phong phú trên núi Ba Vì để bào chế thuốc.


Năm 1963, Nhà nước thực hiện chính sách hạ sơn, chuyển toàn bộ người dân xuống sống ở sườn phía bắc và tây núi Ba Vì. Từ khi xuống núi, người Dao mới đem thuốc của dân tộc mình đến với mọi người. Họ bán thuốc khắp các chợ quê, các khu du lịch vào Nam ra Bắc.


Theo chân bà nội đi bán thuốc từ thuở 15, 16 tuổi, bà Triệu Thị Lan, 57 tuổi ở thôn Yên Sơn, không thể nhớ hết những người đã được bà chữa khỏi bệnh và coi bà là ân nhân. Bà kể: "Mỗi năm chữa cho biết bao người, tôi không nhớ được. Nhưng tôi không quên trường hợp của anh Hiền ở xóm Đòi, Phúc Thọ. Mới mùng năm Tết, tôi đã nhận được điện thoại của người quen (bà Lan vẫn ngủ nhờ ở đó khi đi bán thuốc) gọi xuống cứu con trai bị xơ gan cổ chướng. Xuống đến nơi, nhìn bụng người bệnh to như người chửa đến tháng đẻ, tôi biết là khó khăn, nhưng là chỗ quen biết nên vẫn nhận lời chữa.. May mắn sao, uống hết 3 thang, bệnh anh Hiền đỡ hẳn, và hết 17 thang thì khỏi bệnh".

Mẹ chồng bà Lan, cụ Dương Thị Lưu lúc còn sống cũng là một bà lang giỏi, chữa cho rất nhiều người, có người khi khỏi bệnh đã nhận làm con nuôi để tỏ lòng biết ơn.

Bà Lan bảo: "Cô đừng nghĩ làm thuốc nam là dễ. Cứ ở với tôi vài ngày cô sẽ thấy nghề này vất vả và công phu thế nào". Những cây thuốc quý thường "chọn" những nơi chon von nhất, hiểm trở nhất mà mọc. Đàn ông, đàn bà, trẻ con người Dao phải lên núi cao, vạch từng hốc đá để hái thuốc đem về. Những thứ cây rừng ấy khi về nhà lại phải đem rửa thật sạch, phơi, tẩm rồi mới bốc thành thang, mỗi thang ít cũng 7-8 vị, nhiều có khi lên tới trên 20 vị".

Bà Lan tâm sự: "Ngày trước, tôi và bà nội hay đi xuống mạn Sơn Tây, Phúc Thọ, có khi đi vào tận Nghệ An, Thanh Hoá. Tàu xe chẳng có, cứ gánh thuốc trên vai cuốc bộ. Những chuyến đi xa, có khi đến cả tháng trời, gặp được người tốt họ cho về ngủ nhờ, nhưng có người thấy cái bộ dạng "mường mán" (trang phục người Dao) của mình là tránh xa, thậm chí xua đuổi. Bán thuốc dạo mà, tránh sao cực khổ".

 Bị thế giới nghề thuốc huyền bí và thứ hương thuốc cay nồng mời mọc, tôi đã có cả ngày trời lang thang ở bản người Dao, "mục sở thị" những ông lang, bà lang bào chế thuốc. Bà Triệu Thị Khang - bà lang với thâm niên gần 50 năm - vừa khuấy, đảo những nồi thuốc đang sôi xình xịch trên bếp vừa kể với tôi: "Thuốc có thể được bào chế dưới dạng thuốc sắc hoặc cao, tuỳ loại bệnh. Bào chế thuốc dạng cao, cỏ cây hái về rửa sạch, đun kỹ, lấy nước cốt, để lắng rồi lọc, sau đó mới cô lại thành cao. Mỗi mẻ thuốc như thế phải đun liên tục ba ngày ba đêm... 

Theo bà Khang tôi được biết, mỗi mẻ thuốc làm xong các bà mế lại lặn lội đến tận những vùng xa xôi như Nam Định, Hoà Bình, Cao Bằng, Nghệ An... để bán. Nghề thuốc là cái để bà con kiếm kế sinh nhai trong điều kiện ruộng nương ít ỏi, nhưng nó cũng chẳng dễ dàng mang lại miếng ăn.

Bà Khang ngậm ngùi kể: "Đi bán thuốc sợ nhất là gặp đội ngũ y tế hay chính quyền kiểm tra. Họ đòi hỏi đủ thứ giấy tờ, chúng tôi chỉ biết phân bua, rằng đấy là thuốc gia truyền. Có người đã phải đổ đi cả bao thuốc được làm bằng biết bao mồ hôi công sức và về trắng tay...".

Cực là vậy, nhưng người Dao, vẫn cứ lên rừng, vẫn làm thuốc rồi vẫn đi bán khắp chợ cùng quê, chẳng một lời quảng cáo, chẳng lời mời chào, ai biết thì đến, khỏi lại mách người khác

Đi lấy thuốc, sợ kiểm lâm


Thuốc của người Dao Ba Vì được truyền bằng kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Trẻ con theo cha mẹ lên rừng hái thuốc, nhận mặt từng cây thuốc, công dụng của mỗi loại cây. Về nhà, trong lúc bào chế thuốc lại được hướng dẫn lại. Cứ thế, mỗi ngày tích luỹ một ít kinh nghiệm, mươi mười lăm năm là có thể bốc thuốc chữa bệnh. Mặc dù có những bài thuốc của người Dao Ba Vì quý giá, lâu đời như vậy nhưng chưa một người làm thuốc nào được công nhận thực sự.

Bà Khang cho biết: "Gần đây, một số người quan tâm đến thuốc của người Dao chúng tôi có về nghiên cứu. Nhưng vẫn chưa thấy ai có kết luận hay chứng nhận những bài thuốc của chúng tôi. Núi Ba Vì giờ cũng đã được quy hoạch thành vườn quốc gia, rừng cấm, người dân không được tự do đi tìm hái cây thuốc nữa. Những người yêu nghề, muốn giữ nghề vẫn phải lén lút lên rừng. Ai cũng biết lên núi hái cây thuốc là trái quy định. Nhưng thuốc chỉ mọc trên những nơi chon von của núi Ba Vì. Nhiều người bị kiểm lâm phát hiện, thu giữ hết số cây thuốc ròng rã ăn ngủ trong rừng cả tuần mới hái được. Nhưng rồi người dân vẫn cứ tiếp tục lên rừng.

Ông Triệu Phú Quý - một người trong dòng họ có đến 7-8 đời làm thuốc - tâm sự: "Giá như Nhà nước có biện pháp nào đấy cho phép người dân được đi hái thuốc mà vẫn bảo về rừng và cây thuốc trên rừng thì tốt quá! Chứ cứ thế này cây thuốc chắc sẽ chẳng còn. Nghề thuốc không biết có còn nữa không".



Mỗi mẻ thuốc thế này phải đun 3 ngày 3 đêm.

Cả thế kỷ, lớp lớp người Dao lên rừng hái thuốc, mà cây thuốc lại là những loài cây khó tính nên không kịp sinh sôi. Trong số 280 loài cây dược liệu được biết đến ở Ba Vì một số loài cây đã gần như tuyệt chủng, có đi cả tuần trong rừng cũng không tìm thấy như: cây hoa tiên, máu người, dó đất, củ dòm..., 120 loài khác đang đứng trên trên bờ tuyệt chủng.

Đem vấn đề này trao đổi với ông Triệu Phú Đức - Chủ tịch UBND xã Ba Vì, ông Đức cho biết: "Hiện có đến 90% số người ở Ba Vì làm thuốc, trong đó có đến 40% chuyên bốc thuốc. Ngày trước các cụ đi lấy thuốc bao giờ cũng chỉ lấy cành, lá và hoa, để lại gốc cho cây còn sinh trưởng. Nhưng dần dần, khi người đi lấy thuốc nhiều hơn, họ nhổ luôn cả gốc, mà thế thì lấy đâu ra cây mẹ để sinh sôi, nảy nở nữa".

450 vườn cây thuốc "độc nhất vô nhị"

Cụ Dương Thị Nội - 86 tuổi với sáu bảy chục năm bốc thuốc chữa bệnh - bùi ngùi nói: "Bọn trẻ bây giờ có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp hơn. Chúng không thiết tha với nghề cha ông nữa. Chẳng biết một, hai thế hệ nữa con em người Dao có còn biết đến nghề truyền thống nữa không".

Cụ Nội, bà Lan, bà Khang... và nhiều người đang làm thuốc ở Ba Vì...  có cùng tâm sự. Họ - những người đang nắm giữ những bài thuốc độc đáo - tuổi đã cao, rồi sẽ có lúc về với tiên tổ. Lớp con cháu bây giờ có điều kiện tiếp xúc với xã hội văn minh hơn nhưng dường như thờ ơ hơn với những giá trị truyền thống của cha ông. Trăn trở và lo lắng trước nguy cơ mai một nghề truyền thống, nhiều người đã tìm cách để gìn giữ những gì quý báu của cha ông.

Bà Triệu Thị Hoà - một người tiếp nối truyền thống nhiều đời làm thuốc - cho biết: "Những bài thuốc cha ông truyền lại, tôi đều dạy lại cho các con và hiện 4 đứa con đều đang làm nghề thuốc. Bên cạnh việc truyền nghề cho các con, tôi còn viết thành một cuốn sách, trong đó miêu tả từng loài cây, công dụng, rồi ghi chép tỉ mỉ từng bài thuốc".

Để bảo tồn nguồn gen cây thuốc và tinh hoa nghề thuốc của cha ông, lãnh đạo xã Ba Vì đã khuyến cáo và hướng dẫn người dân bảo tồn, phát triển cây thuốc nam. Tháng 11.2008, hợp tác xã thuốc nam được thành lập do ông ông Lều Văn Trọng làm chủ nhiệm. Mặc dù là người Kinh, nhưng lên công tác, sinh sống ở vùng Ba Vì từ nhỏ, lấy vợ là người Dao có truyền thống gia đình làm thuốc nên ông Trọng cũng học bốc thuốc và rất trăn trở với việc truyền giữ những bài thuốc của đồng bào. Ông đã kêu gọi sự giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức, vận động các hộ làm thuốc tham gia hợp tác xã.

Ông Trọng cho biết: "Mục tiêu của HTX là 5 năm đầu chủ yếu làm công tác tác bảo tồn nguồn gen thuốc nam. Chúng tôi đã xây dựng được một vườn ươm cây thuốc, dự tính sản xuất khoảng 1 vạn cây giống/năm. Sau khi ươm thành công, HTX sẽ trồng 1-2 vườn mẫu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, còn lại sẽ đưa về trồng trong 450 vườn hộ, HTX sẽ thu mua lại".

Cùng ông Trọng đi thăm vườn ươm nằm sát chân núi, dưới những tán cây to râm mát ở thôn Hợp Nhất, tôi mới thấy việc ươm được một cây thuốc giống đòi hỏi không ít công phu. Vườn ươm được chia thành từng ô nhỏ, dưới trải một lớp sỏi cuội, sau đó đặt hệ thống tưới ngầm rồi trải một lớp lưới, trên cùng là lớp cát rồi giâm cành xuống.

Ông Trọng nói thêm: "Cây thuốc là thứ mọc hoang, rất kén nơi sống. Chúng ưa nhiều bóng râm, ưa ẩm nhưng không quá ướt nên thường mọc ở trên núi cao. Chọn nơi này làm vườn ươm, vừa đảm bảo điều kiện tự nhiên cho cây con phát triển, vừa rất gần núi, tiện cho việc tìm cây thuốc về ươm". Mô hình vườn thuốc nam truyền thống của người Dao Ba Vì đã được các nhà khoa học đánh giá cao, coi đó là những kho thuốc "độc nhất vô nhị".

Cùng với việc thành lập HTX, nhiều người làm nghề thuốc ở Ba Vì cũng đang tính chuyện lâu dài. Họ cho con em đi học các lớp y học cổ truyền về để có bằng cấp hành nghề. Tuy nhiên, theo bà Triệu Thị Hoà - Chủ tịch Chi hội Đông y xã Ba Vì, đa số những người đi học về chủ yếu là để hành nghề thuốc nam gia truyền.

Rời bản người Dao, Ông Triệu Phú Đức - Chủ tịch UBND xã Ba Vì - tâm sự: "Mong muốn nhất của người Dao chúng tôi là nhận được sự đánh giá chính xác về công dụng của từng bài thuốc từ phía các nhà khoa học, để những bài thuốc của người Dao Ba Vì có được thương hiệu riêng, được lưu hành một cách chính thức trên thị trường".

Người Dao Ba Vì có 283 bài thuốc được bào chế từ 280 loài cây cỏ có dược tính khác nhau. Các bài thuốc chữa bệnh hay nhất là: Thuốc chữa bệnh dạ dày, thận, gan, xương khớp... và đặc biệt là thuốc dành cho sản phụ.


Nguồn: laodong.com.vn

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm