Di chỉ Vườn Chuối lắm chuyện ly kì

Leave a Comment
Khoảng giữa tháng 12/2009, một đoàn khảo cổ của trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội đã tiến hành khảo cứu, khai quật tại di chỉ gò Vườn Chuối thuộc làng Lai Xá (một làng cổ được hình thành từ thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nay dân làng vẫn thờ An Sinh Vương Trần Liễu - thân phụ của Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn -  làm thành hoàng).
Phát hiện quý báu
Lai Xá hiện thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Và thật bất ngờ, chỉ trong một di chỉ không rộng này, đoàn khảo cổ đã phát hiện ra hai tầng văn hoá, đó là tầng văn hoá Đồng Đậu và tầng văn hoá Đông Sơn.
Theo TS Lâm Thị Mỹ Dung, Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học (ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn Hà Nội), thì: Đây là một trong những phát hiện vô cùng quý báu đối với việc xác định các nền văn hoá. Ở tầng văn hoá Đồng Đậu, với các hiện vật có thể xác định rằng vào quãng 3.000 năm trước, đây chính là nơi cư trú của một bộ phận cư dân cổ. Những đồ trang sức bằng đá có hoa văn đẹp không kém gì so với đồ trang sức của văn hoá Phùng Nguyên. Đồ đồng tuỳ táng tuy thu được ít nhưng cũng có giá trị tương đương như đồ gốm… 
Di chỉ Vườn Chuối lắm chuyện ly kì
Một hố khai quật tại di chỉ Vườn Chuối
Thật vậy, hiếm có một di chỉ nào mà các hiện vật của tầng văn hoá lại được bảo quản nguyên vẹn như ở Vườn Chuối. Tại tầng văn hoá Đồng Đậu, hàng loạt hiện vật thu được như rìu đá, đồ trang sức đá, chày đá… còn nguyên. Thậm chí trên thân các nồi gốm vẫn còn nguyên các vết muội bám, trên dấu vết của bếp lửa vẫn còn nguyên cả thanh củi cháy dở và phần đã cháy thành than.

Những trang sức dành cho phụ nữ như vòng đeo tay, khuyên tai… được làm từ những loại đá có độ cứng cao như đá ngọc, đá đen… đều được giữ nguyên, cả từ những đường nét dũa gọt tỷ mỷ, tinh hoa trên đó. Các vật dụng tuỳ táng như bình gốm, nồi bát, con dọi xe chỉ… cũng đều còn nguyên.
Còn ở khu vực phát hiện ra nền văn hoá Đông Sơn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 2 ngôi mộ cổ, một ngôi vẫn trong tình trạng “hung táng” còn ngôi kia thì đã cải táng. Theo phân bậc văn hoá thì hai ngôi mộ này được xác định là có niên đại hơn 2.000 năm. Hài cốt trong ngôi mộ “hung táng” đã gần như bị “hoá” hết, chỉ còn xác định được đây là một người có răng đen, đồ tuỳ táng gồm lưỡi xéo đồng, mũi tên đồng, nồi gốm. Những đồ tuỳ táng ấy khiến người ta nghĩ đây là hài cốt của một chiến binh với lưỡi xéo đồng, mũi tên đồng là vũ khí, còn nồi gốm dùng để nấu ăn khi trận mạc. Tại ngôi mộ đã cải táng, hài cốt còn khá nguyên vẹn, được xếp gọn trong một quách gỗ.
Náo động
Cuộc khai quật vừa kết thúc, làng Lai Xá trở nên náo động với không ít chuyện ly kỳ. Người tứ xứ đổ về. Trước tiên là nhưng “thiếu gia”, “đại gia” tìm về để…săn cổ vật, vì họ nghe nói trước đây, di chỉ Vườn Chuối đã bị một số người dân đào bới. Đã có người tìm mua cổ vật thì lập tức xuất hiện những anh “cò cổ vật”.
Ông Đào Văn, một người dân Lai Xá, cho chúng tôi biết: Bất cứ nhà nào có từ bát hương cho tới ấm, bát, lộc bình…đều được các anh "cò" tìm đến nhìn ngó. Phát hiện ra vật gì là đồ cổ, là họ lăn vào gạ gia chủ bán, gạ cho bằng được, gạ bằng đủ cách, kỳ đến khi gia chủ gật mới thôi. Chỉ cần gật với cò một cái, là vài tiếng sau các ông chủ đồ cổ đích thực tìm đến định giá. Vừa qua, có nhà bán cả đôi hạc sứ lấy tiền tiêu rồi đấy…
Cùng với các đại gia, thiếu gia đồ cổ là những đại gia thiếu gia đầu tư bất động sản, khiến đất đai trở mình, lên giá xuống giá vùn vụt từng ngày, không khác gì giá vàng thời kỳ sôi động nhất. Cánh "cò" đất chạy như cờ lông công. Thế rồi các nhà thầu, những công nhân đổ đến xây dựng, nhiều nhất là công nhân xây mộ.
Nằm cách khu di chỉ Vườn Chuối chừng 300 mét, nghĩa trang Lai Xá của xã Kim Chung hiện đang vô cùng tấp nập. Với quan niệm rằng hơn 2.000 năm trước, người xưa đã chọn nơi này làm nơi an táng người chết thì hẳn đây chính là nơi đất tốt, đất phát, vì vậy “không còn gì phải đắn đo” khi an táng người thân của mình vào đó nữa, người ta đua nhau chuyển mộ phần người thân vào nghĩa trang. Nếu như trước đây, BQL Dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch rất vất vả với những mồ mả nằm rải rác trong khu quy hoạch thì từ sau khi đoàn khảo cổ rút đi, mọi chuyện cứ nhàn tênh. 
Di chỉ Vườn Chuối lắm chuyện ly kì
Người dân đua nhau chuyển mộ về “cát địa”
Ông Nguyễn Văn Quy là người “đi tiên phong” trong chuyện dời mồ mả này. Phát hiện ra nơi “cát địa” là nghĩa trang Lai Xá, anh em ông lập tức làm đơn xin chuyên mấy ngôi mộ của người thân đang nằm trong khu quy hoạch vào đấy, và được duyệt ngay. Khi chúng tôi đến, nghĩa trang Lai Xá đang có hàng chục ngôi mộ được chuyển từ nơi khác về và đang được khẩn trương mai táng, xây dựng khắp nghĩa trang thơm ngát mùi hương và la liệt những mâm cỗ cúng.
Ông Phí Văn Mười vừa chuyển liền 4 ngôi mộ của tổ tiên về nghĩa trang này trong có vài ngày, tỏ ra rất mãn nguyện. Ông cho biết còn 3 ngôi nữa, đợi lấy tiền đền bù xong, ông sẽ chuyển nốt. Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Hùng cũng đang ráo riết đôn đốc người mang gạch, mang xi măng, mang cát vào để xây mộ cho các cụ bên ngoại. Ông Hùng cho biết, nhà có 4 ngôi mộ, trước đây đều chôn ở nghĩa trang Mả Thác. Khi chính quyền vận động di dời, ông định đưa tất các cụ lên Yên Kỳ, nhưng sau đó thấy mức đền bù chỉ 4,9 triệu đồng/ngôi, lên Yên Kỳ không đủ, trong khi dưới này chưa biết tìm đâu ra “cát địa” thì được tin những phát hiện ở Vườn Chuối, thế là gia đình vô cùng yên tâm.
Ông Hoàng Xuân Thịnh, cán bộ xây dựng xã, được cử ra giám sát việc xây dựng tại nghĩa địa Lai Xá, cho biết: Mấy ngày qua, đã có hàng trăm ngôi mộ được chuyển về đây. Ngày 12/1/2010, có 98 ngôi mộ được chuyển về. Mà danh sách đăng ký thì còn nhiều lắm.
Khi đến tìm hiểu ở Kim Chung, chúng tôi cũng gặp khá nhiều người địa phương khác tìm đến mua đất đặt mộ phần, có người ở Từ Liêm, Quốc Oai, có người ở tận những phố lớn trong nội thành Hà Nội như Bà Triệu, Lý Thường Kiệt… Hỏi, tất cả đều trả lời “nghe nói đấy là "cát địa". Hơn hai ngàn năm trước người xưa đã an táng ở đấy, khi cải táng chỉ dùng quách gỗ mà nay đào lên xương cốt vẫn còn nguyên”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban quản trang nghĩa trang Lai Xá, bảo: Thời gian vừa qua không ngày nào không có người nơi khác đến gặp tôi gạ mua đất để đặt mộ phần. Nhưng ban quản trang làm gì có quyền bán. Chúng tôi chỉ cấp đất theo đúng kế hoạch di dời. Chính tôi cũng không hiểu sao lại có cái “cơn sốt ngầm” đất nghĩa trang tại khu vực này.

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm