... Ngày mồng 5 tháng... Hồi đó, giữa lúc tôi định dừng tay xe nhang để đi ăn cơm trưa, bổng có người hớt hãi đi vội vào nhà Thầy Tư Nhang:
- Thầy Tư ơi! Thầy Tư.
Thầy Tư mặc tà lỏn, ở trần, đang đứng giữa sân phơi nhang làm công việc... Tè xuống lỗ cống tầy huầy, nghe tiếng gọi liền nheo mắt nhìn và rồi lật đật bước ra cổng. Ông khách Tàu đứng tuổi nói như phân bua vào tai thầy, rồi lại chắc lưỡi lắc đầu... Thầy Tư đứng im nghe rồi đăm chiêu, giây lát thầy nói:
- Rồi, nị cứ về đi, chút xíu tụi tui lại liền.
- Dạ dạ thầy làm ơn làm phước giúp giùm tui.
Y như lúc vô, ổng quay ra biến mất thật lẹ. Thầy Tư vừa rửa tay vừa nói:
- Thanh, mày bấm Mai Hoa Dịch cho tao một quẻ đi!
(Trời ơi, ba cái Hoa Mai “vịt” đực này nhức đầu gần chết, thôi mình chơi đại để ổng hổng cười mình!). Tôi bắt đầu tính: Ông tàu từ phía Tây tới thuộc Đoài, bữa nay thầy đứng ngay lỗ cống nước cũng là Đoài, vậy là... Bát Thuần Đoài thầy ơi!
- Coi gì lẹ vậy mày?
- Chắc mà thầy, giờ tốt luôn(?)
- Rồi, vậy mẩy vô lấy đồ nghề ra chở tao đi. (rồi, vậy là nhịn cơm luôn).
Giỏ đồ nghề của Thầy Tư nói cho oai vậy thôi chứ là một cái giỏ đệm, đựng vài thang thuốc thuốc an tâm, bổ tỳ và... Một mớ giấy vàng để vẽ bùa. Tôi rửa tay sơ rồi khoác cái áo dính đầy bụi vàng của bột nhang, một tay xách giỏ, một tay kia dẫn cái xe đạp 300 năm của ổng ra cổng, tai còn thoáng nghe tiếng của bà thầy: “Lẹ rồi về sớm ăn cơm nghe ông!”
- Bà ăn trước đi, tui với nó đi chút rồi về ăn sau.
Cái nóng 12 giờ trưa phủ lên đầu hai thầy trò ngoài phố... cong lưng đạp một lúc, thầy chỉ chỗ dừng xe. Trời! Là tiệm bánh nhà cô Hòa Linh mà! Vừa bước xuống xe, năm sáu mạng từ trong nhà chực sẵn ùa ra... gâu gâu gâu... vừa dựng xe tôi vừa nắm quyết Dần cho chắc ăn...
- Dạ, mời Thầy Tư vô nhà uống trà... Hình như phép tàng hình của tôi thành công rồi thì phải, chẳng ai thấy mình cũng chẳng nói năng gì với mình một tiếng... Tôi cũng chẳng quan tâm bởi vì bây giờ chẳng biết cô Hòa Linh có nhà không nhỉ?
- Mời chú em uống trà.
- Sáng này tui chưa bán cho ai, cô có coi vải thì làm ơn cuốn lại giùm, làm ơn, cô Hai ơi!
- Ông bán, ai mua thì mua, không thì thôi, tui không xếp. Rồi cô quăng luôn cây vải trên xuống chỗ ông Chà, ông tròn mắt:
- Ui, con nhỏ này...
Cô tài tử trợn lại còn ghê hơn:
- Rồi sao? Ở đâu lại đây bán? Hổng biết tui hả, ông Chà Và đen?...
Ông Chà tức run, đang cầm cây thước đo vải bằng gỗ (dài độ 1, 2m, bảng dẹp, ngang độ 2 ngón khít) chợt trở ngược đầu thước trỏ thẳng vào mặt cô: “Nín” . Cô tiểu thư nhà giàu lúc đầu trợn mắt ngó, rồi bổng đứng im vài giây, sau đó quảy quả chạy về nhà. Cô chui thẳng về phòng đóng chặt cửa, đến khi bà má gõ cửa hỏi thì cô mở cửa vừa khóc vừa ú ớ chỉ tay vô cổ họng. Không ai hiểu Trời trăng gì. Cả nhà xúm nhau lại banh họng cô ra coi, ngoài cái lưỡi và hàm răng, có giống gì ở trõng đâu. Hỏi hoài không hiểu gì, ông già cổ có sáng kiến lấy giấy viết ra... Kết quả là bây giờ thầy trò tôi nhịn cơm ngồi đây.
Thầy Tư bóp cằm suy nghĩ lung lắm, rồi kêu dẫn cô ấm nhà ta ra, má dìu mà đi không muốn nổi, mặt xanh lè, nước mắt tèm lem. Thầy Tư mở lời:
- Con tên gì? Ư... ư...
- Sáng này con ăn cái gì? Ứ. ứ...
- Con đau chỗ nào? Ự... ự...
Trời! Cô “Tài tử” cả xóm chết mê đang đóng phim không lời! Nhìn cô đìu hiu như cái chợ chiều Bình Thới. Xót xa quá! Ước gì mình... (thôi chết, hồi nãy đi quên chải cái đầu!). Thầy lấy từ giỏ ra 1 thang thuốc, đưa má cổ sắc cấp tốc cho cổ uống... lại uống Cam thảo... vô hiệu quả rồi! Bấm huyệt... cũng vô ích luôn. Cô vẫn chưa nói được câu nào ngoài mấy tiếng é... é... Thầy Tư tới bàn thờ Gia tiên thắp mấy nén nhang rồi họa 9 đạo phù đốt bỏ vô nước, kêu luôn một hơi 3 đời chư Tổ, bảo cô uống hết. Uống xong... vẫn là những tiếng thở phì phò vô nghĩa...
Boong! Đồng hồ buông tiếng làm cả nhà giật minh. Trời, 1 giờ trưa rồi! Thầy Tư chợt hỏi tôi: Con có đói bụng hôn? Nãy giờ lo phụ thầy quên cả đói, bây giờ nghe hỏi tôi nghe sôi sùng sục trong bụng.
- M... M... M
- Ổng hỏi cả nhà: Ở nhà ăn cơm chưa?
Cả nhà lắc đầu, hình như chả còn ai biết đói vào lúc này. Chỉ có mình tôi với cái bụng sôi ùng ục... Loay hoay nãy giờ hơn 1 tiếng mà tình hình không thấy khả quan. Ba má cổ xí xô xí xào với nhau nho nhỏ, kế bả vô buồng xách ra hộp bánh Trung thu đầu mùa đặt lên bàn, mở hộp nghe thơm phưng phức. Tôi phải tập trung tinh thần niệm chú... Nếu lỡ nuốt nước miếng người ta thấy được cười cho thúi đầu luôn.
Bà chủ cắt bánh bày ra dĩa, nói:
- Mời Thầy Tư với chú ăn bánh, nghỉ ngơi một chút đi.
Thầy Tư miễn cưỡng ngồi khi ông chủ mau lẹ kéo ghế: Mời thầy, mời thầy.
Còn tôi thì tự kéo ghế ngồi bên cạnh, mắt không dám ngó cô Hòa Linh, lại càng không dám ngó dĩa bánh trên bàn. Vậy mà cái mùi bánh nó cứ vô duyên chạy vô lỗ mũi... (tưởng nhà có tà ma gì, mình đến phụ thầy ra tay lấy le một chút... ai dè... sư phụ cũng bó tay chuyện này luôn, mình còn là cây đinh gì ở đây nữa chứ.)
Mặt thầy lúc đó lạnh như trà đá, ổng lừ mắt nhìn tôi:
- Hồi nãy mày coi ra quẻ gì?
- Dạ, dạ, Bát Thuần Đoài!
- mày nói quẻ hợp giờ tốt hả? Bây giờ sắp hết Ngọ rồi... qua giờ Mùi thì làm sao gỡ nổi?
Nghe ổng than nho nhỏ mà tôi cũng thấy ghê, hổng lẽ nếu coi ra quẻ Thủy Lôi Truân thì thầy trò mình bỏ chạy từ đầu sao? Lúc ấy thầy trò có thễ ở nhà ăn no, đang nằm phơi bụng ra ngủ rồi.
Ổng lại chắc lưỡi: “Hổng lẽ chờ tới mai, bây giờ phải ra năn nỉ người ta. Trời ơi, mày giải quẻ như thế nào mà mà nói tốt?
- Dạ, khách từ Tây tới là Đoài, thầy đứng ngay lỗ cống để tè cũng là Đoài luôn, nên...
- Trời, coi kiểu đó chết cha tao rồi! Coi gì kỳ cục vậy? Hãy để lúc nãy tự tao coi thì...
- Thầy ơi, theo tình hình mới thì Đoài Tây thuộc Kim, cây thước ông Chà thuộc Mộc, mình đi giờ Ngọ thuộc Hỏa, Kim khắc Mộc, Mộc sinh Hỏa thì tốt chứ thầy...
- Tốt con khỉ khô, coi quẻ như mày là bán lúa giống luôn!
Thầy nhìn về phía gia chủ, chợt xuống giọng hỏi tôi:
- Đoài là gì nữa hả mày? (lạ quá, ổng là trùm cái vụ bấm bấm này, giờ này tại sao lại đi hỏi học trò? Chắc là ổng rối trăm tám luôn rồi)
- Dạ, Đoài là thiếu nữ, ao hồ, suối. Bát Thuần Đoài là 2 dòng suối giao hòa nhau (lúc nãy ở nhà, nước của ổng hòa với nước cống mà).
- A! Thầy Tư chợt hơi nhỏm người rồi bỏ nhỏ vô lỗ tai tôi: “Nước chảy về nguồn mày, Thanh ơi!” (mù tịt luôn, không hiểu thầy nói gì. Chỉ mong sao chuồn khỏi chỗ cà chớn này trong danh dự là mừng rồi)
Thầy Tư quay ra ngoài gọi ông chủ:
- Ông chủ à, pha cho tui ấm trà lớn nguội nguội nghen, rồi mời cô hai ra ngồi đây ăn bánh với tui.
- Dạ, dạ, có liền.
Lát sau ấm trà Tổ bà nái xuất hiện, nhờ mẹ dẫn ra, mặt cô Hai bí xị, không buồn nhìn ai, cô miễn cưỡng ngồi. Thầy Tư tấn công:
- Cô Hai muốn hết bệnh phải nghe lời tui nha.
Cô Hai gật liền mấy cái, thầy đưa dĩa bánh mời:
- Ăn với tui cái bánh đi cô Hai.
Cô miễn cưỡng cầm lấy, thầy rót đầy ly trà giục cô uống hết. Cô ngần ngừ rồi uống hết. Một ly, hai ly, ba ly... Thầy lại rót tiếp. Cô chần chừ rồi lại uống hết. Cả nhà trố mắt ngạc nhiên (ép dầu ép mỡ ai nỡ ep... Trà.) Thầy Tư ngồi hầu trà cho cô, ba má cô thì cứ giục. Hết ấm thứ nhất, qua tới ấm thứ hai thì cô chỉ còn nhấp nhấp. Gần 40 phút uống trà rồi... Bổng mặt cô đỏ bừng, mồ hôi rịn đầy trán, vội lấy giấy ra viết lia lịa... cho má cổ.
- Thầy Tư ơi, nó xin phép được đi tiểu một chút!
- KHÔNG ĐƯỢC! ĐI LÀ CHẾT ĐÓ! PHẢI NGỒI ĐÂY! Thầy Tư chợt hét lên.
Cả nhà xanh mặt, tôi ngồi kế bên cũng muốn bật ngửa (cái điệu này thiệt là ngược đời, ngồi đây hoài có nước bể bọng chết thì có.)
- Thôi, Cô hai ráng chút nữa đi. Thầy hạ giọng nói với cô Hai.
Gần 10 phút nữa trôi qua, cô hai mặt đỏ lừ, nuốt nước miếng liên tục (tui ngồi kế bên không uống trà mà sao cũng thấy mắc... Tè, có lẽ bị ám ảnh.) Cuối cùng, với vẻ van xin não lòng, cô nắm tay bà má lắc lắc hoài.
- Thầy Tư ơi, thôi cho nó đi một chút để tội nó thầy ơi!
- TUI NÓI NỊ NGHE, MUỐN CỨU NÓ THÌ KHÔNG ĐƯỢC CÃI TUI! (lúc đó cái mặt thầy ngầu hơn cả lúc đang trị tà thằng Bố). Ổng dõng dạc từng tiếng ra lệnh:
- Bây giờ lấy 1 cái tô, 1 chiếc chiếu ra dựng đứng giữa nhà, khoanh lại, cho cổ đái vô cái tô, giờ này mà vô cầu tiêu là bỏ mạng liền đó (??)
Cả nhà vừa kinh dị vừa khiếp hãi vội vã làm theo lời của thầy. (Quả thật, sức mạnh của trà Thái Đức thiệt là kinh khủng, ông thầy của mình còn kinh khủng hơn, hổng biết ổng đang làm gì nữa.)
Cô Hai được bà má dìu vào chiếu, mặc dù ở xa, tôi vẫn nghe những tiếng sè... sè... bất đắc dĩ chui vào tai. Hồi lâu, cô “Tài tử“ cũng bước ra. Cô xoay lưng lại những khán thính giả bất đắc dĩ, không dám ngó ai... Vậy mà chưa hết... Thầy Tư còn phán một câu xanh rờn, chơi một đòn chí tử cuối cùng:
- Ông bà chủ thương cô Hai thì... Nói cổ ráng uống hết tô nước đái của cổ đi, có vậy mới mong thoát chết. (Trời ơi, nãy giờ ổng hành hạ người đẹp chưa đủ sao mà còn chơi cái đòn hy sinh số 8 này nữa. Má ơi! Có bề gì chắc thầy trò đội quần lội về mà ăn cám quá.)
Ông bà chủ ngẩn ngơ, rồi cuối cùng họ đặt hết vốn liếng vào thầy. Má cổ cầm tô nước đái lên đưa đến tận miệng cô vừa năn nỉ: “Thôi ráng chút nữa nha con, ráng chút nữa mà...”
Cực chẳng đã, cô Hai vừa há miệng khóc, bà má liền đổ tọt tô nước đái vào họng cô. Thiệt là tội nghiệp, cô ực mấy cái rồi xô bà má ra, khóc hu hu và gào lên: Khai quá! Má ơi!...
Cả nhà reo lên từ trái tim: Lạy Trời lạy Phật. Cô Hai nói được rồi. Hu... Hu... Hu... (có ai đó khóc um sùm). Lúc đó tôi cũng muốn la thật lớn: Sư phụ muôn năm! Nhưng cũng may là tôi kềm mồm lại kịp.
Gần 3 giờ chiều, hai thầy trò đèo nhau về nhà với hai hộp bánh biếu, mà sao lúc này tôi cảm thấy chơi vơi, không còn cảm giác đói nữa (có lẽ quá bữa, hay tại sự việc mà tôi được chứng kiến?). Trong lúc tâm trạng còn ngổn ngang, thầy tôi ngồi đằng sau nói nhỏ:
- Đừng cho chị Tư mày biết nghe mày, cũng đừng nói cho đứa nào nghe, để con người ta còn lấy chồng đó. Tính ra mày coi cái quẻ cũng khá quá chớ! Cuối năm đó, cô “Tài tử” đi lấy chồng ở cái tuổi “mười bảy bẻ gãy lòng tôi” . Nghe lời thầy dặn, tôi đâu có hề hé môi cho ai nữa lời về vụ này. À, còn nữa, từ đó tôi càng ghét coi cái vụ Mai Hoa “vịt” số.
0 comments:
Post a Comment