Tranh luận gây sốc về Nguỵ vương Tào Tháo

Leave a Comment
Trong lúc chưa rõ trắng đen thật giả ra sao, nhưng việc công bố kết quả nghiên cứu quá sớm về ngôi mộ cổ ở Cao Lăng đã dấy lên nhiều phản biện và cả tin đồn cho rằng Tào Tháo là “ông tổ nghề” đào trộm mộ.
 Dư luận báo chí Trung Quốc đang “lùm xùm” quanh vụ Sở nghiên cứu văn vật khảo cổ Hà Nam công bố thông tin khai quật lăng mộ Tào Tháo.


Nhà nghiên cứu Nghê Phương Lục (bên phải) trả lời phỏng vấn trong một chương trình truyền hình.
Nhà nghiên cứu Nghê Phương Lục (bên phải) trả lời phỏng vấn trong một chương trình truyền hình.

Nghê Phương Lục, một người chuyên nghiên cứu về các vụ đào trộm lăng mộ cổ ở Trung Quốc kết luận, Tào Tháo là “kẻ đào trộm mộ chuyên nghiệp” sau khi nghiên cứu các thư tịch cả chính sử và dã sử thời Tam Quốc. Rốt cuộc dựa vào đâu để khẳng định về Tào Tháo như vậy?

Nếu đọc trong “Tam Quốc chí”, một bộ chính sử do Trần Thọ thời Nam Bắc triều biên soạn hay tác phẩm văn học “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, chắc chắn không thể tìm được những thông tin như vậy. Tuy nhiên, vua Tống Văn Đế Lưu Nghĩa Long – Nam triều cho rằng Trần Thọ viết quá giản đơn nên lệnh cho học giả Bùi Tùng bổ sung.

Chuyện Tào Tháo đào trộm mộ được chép trong cuốn “Ngụy thị xuân thu” của học giả Tôn Thịnh thời Đông Tấn. Theo đó, Tào Tháo đã dẫn đám tay chân phá cửa vào lăng Lương Hiếu Vương đập quan tài vơ vét vàng bạc châu báu khiến con cháu họ Lương oán thán, sĩ dân chê cười.


Cuốn “Lịch sử những kẻ đào trộm mộ” của Nghê Phương Lục
Cuốn “Lịch sử những kẻ đào trộm mộ” của Nghê Phương Lục

Trong dân gian, khi nhắc đến Tào Tháo có rất nhiều quan điểm khác nhau. Bên cạnh hình tượng một nhà chính trị, quân sự tài ba nhưng gian hùng trong “Tam Quốc diễn nghĩa” thì miệng lưỡi thế gian vẫn không ít người gọi ông là “Trộm mộ Trung lang tướng”, “Vơ tiền Hiệu úy”.


Trần Lâm, một văn nhân tài tử nổi tiếng thời Tam Quốc đã tiết lộ những chuyện chẳng lấy gì làm hay ho của Tào Tháo trong tác phẩm “Kiến An thất tử” (có thể hiểu như 7 “gương mặt tiêu biểu” thời những năm niên hiệu Kiến  An).

Bài viết này miêu tả khá kỹ hoạt động đào trộm mộ của “Tào Tháo và các cộng sự” khiến sau này giới đào trộm mộ cổ ở Trung Quốc tôn Tào Tháo là “ông tổ nghề”, bốn mùa khói hương, cúng tế.


Một số cô vật bằng chất liệu ngọc được tìm thấy khi khai quật Cao Lăng.
Một số cổ vật bằng chất liệu ngọc được tìm thấy khi khai quật Cao Lăng.

Theo ghi chép, mỗi khi đào trộm mộ Tào Tháo thường trực tiếp đến hiện trường chỉ huy binh lính và tay chân của mình, điều này khá hiếm gặp trong giới trộm mộ cổ. Lúc mới dấy binh trong tay, Tào Tháo lập hẳn một “đội phản ứng nhanh” chuyên đào trộm mộ cổ và đặt chức Phát khâu Trung lang tướng (“Phát khâu” ở đây nghĩa là trộm mộ).

Văn hóa truyền thống Trung Hoa rất coi trọng mộ phần bởi trong suy nghĩ của họ, âm phần có tốt thì con cháu mới “phát”, quan trọng hơn cả dương cơ – tức hướng nhà. Chính vì vậy việc đào trộm mồ mả luôn khiến người dân “dị ứng”.

Hạng Vũ – Tây Sở bá vương nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa cũng vì đào trộm lăng mộ vua Tần mà hủy hoại thanh danh, sự nghiệp của mình để Lưu Bang dồn tới chỗ chết.

Nghê Phương Lục cho rằng, việc Trần Lâm vạch trần hành động cướp mộ người khác của Tào Tháo là nhằm gióng hồi chuông cảnh tỉnh về sự băng hoại của đạo đức xã hội trong một nhóm người đương thời.

Sinh thời, Tào Tháo mắc chứng đau đầu kinh niên. Nhưng khi đọc xong bài văn “Kiến An thất tử” chửi bới mình, toàn thân toát mồ hôi lạnh và cơn đau đầu cũng tự nhiên biến mất. Sau này khi Viên Thiệu thất thế, Trần Lâm quy hàng Tào Tháo, Ngụy vương chỉ trách: “Ông chửi ta đã đành, sao lại chửi cả tổ phụ ta?”


Hình ảnh Nguỵvương Tào Tháo trong một bức hoạ.
Hình ảnh Nguỵ vương Tào Tháo trong một bức hoạ.

Tào Tháo không truy cứu việc cũ vì ông là người coi trọng hiền tài, nhưng Ngụy vương không khẳng định cũng chẳng phủ nhận câu chuyện mà Trần Lâm vạch ra trong “Kiến An thất tử”.

Câu chuyện này cứ thế tồn tại và được truyền từ đời này qua đời khác, khá phổ biến trong dân gian cũng như văn học. Nhà thơ Tô Đông Pha cũng đã từng dùng điển cố này ví von trong tác phẩm “Du Thánh Nữ sơn thi”.

Càng về sau, những câu chuyện về đề tài này càng trở nên phổ biến. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người luôn coi thường Tào Tháo.

Bình Nguyên (Bee.net.vn)



0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm