Tại sao người vẽ tranh cho truyện lại bắt tổ tiên ta phải ăn mặc nghèo nàn - trong khi, cùng thời đại - mà người láng giềng lại có được quần áo chỉnh tề như thế?
LTS: Xung quanh những bức hình trong cuốn truyện tranh "An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc" truyện của Nguyễn Thị Thu Hương, tranh của Hồ Vĩnh Phúc, do Nhà Xuất bản Giáo dục in năm 2007 đang có các ý kiến tranh luận nhiều chiều. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn riêng của CTV Đinh Công Nguyên để độc giả đóng góp thêm ý kiến. Sau đây là nội dung bài viết:
Tôi nghĩ cách thể hiện hình ảnh trong cuốn truyện tranh có 2 cái sai, đó là:
1. Trang phục của tổ tiên ta không đúng với thực tế (bài viết: Xin đừng hiểu về trang phục của tổ tiên như thế chủ yếu chứng minh cho điều này) - nhưng xét trên khía cạnh một tác phẩm văn học - nghệ thuật (truyện, phim,...), vấn đề này cũng không phải là quá quan trọng.
2. Vấn đề đáng nói hơn, sai lớn hơn là ở chỗ, tại sao người vẽ tranh cho truyện lại bắt tổ tiên ta phải ăn mặc nghèo nàn - trong khi, cũng cùng thời đại - mà người láng giềng phương bắc lại có được quần áo chỉnh tề như thế. (Ít nhất thì cũng phải ngang nhau chứ - nếu có quần áo, thì cùng mặc quần áo - nếu không ta đóng khố lông chim, thì họ cũng là lông thú thôi, chứ đằng này...).
|
Ảnh minh họa |
Cái ấu trĩ ở đây có lẽ là tư tưởng luôn tự cho mình là thấp kém hơn người khác. Nhiều người, do những lý do nào đó, họ không bao giờ được bằng bạn bằng bè, không bao giờ vượt qua được chính mình - vì trong tiềm thức họ đã luôn tự ti, mặc cảm rằng mình luôn thấp kém, không bằng mọi người... bản thân những người bi quan, tự ti, sẽ là thiệt thòi cho chính họ. Nhưng đem cái tư tưởng của số ít mà áp cho cả một dân tộc (theo kiểu bụng ta suy ra bụng cả làng..) thì thật là không nên, thật không thuyết phục.
Ở đây tôi không muốn quy kết cái tội danh gì cho ai đã viết, hay vẽ nên những bức tranh truyện kia (vì ít nhất, nó cũng đã được qua kiểm duyệt trước khi xuật bản!).
Song điều đáng nói ở đây là, hiện tượng tâm lý như trên, không phải chỉ có ở một vài người, hay một phần nhỏ người dân ta, mà có vẻ như nó đã ăn sâu, như một căn bệnh ung thư về tư tưởng trong một bộ phận không nhỏ người dân.
Việc này khiến tôi liên tưởng tới một trong những hiện tượng (có thể nói là đặc biệt) của xã hội ta cách đây ít lâu - đó là khi cả nước ta ăn mừng chiến thắng trước Thái Lan rồi giành cúp vô địch cúp bóng đá khu vực.
Khi đó tôi tự hỏi, liệu chiến thắng có thực sự đáng tự hào đến thế hay không? Thực tế, đây dù sao cũng chỉ là một chiến thắng trong thể thao (cho dù là môn thể thao vua - được yêu thích nhất) - nó chắng thể sánh với những chiến thắng trong những thành tựu khoa học - mà chúng ta đã phải rất khó khăn gian khổ, thậm chí mất mát hy sinh để có được - những chiến thắng này có giá trị đích thực của nó mà không cần phải tung hô - thể hiện ở sự ngưỡng mộ, nể trọng của bạn bè thế giới (ví dụ như chiến thắng trong công cuộc giải phóng đất nước, rồi những thành tựu y học kiệt xuất của một số cá nhân như: BS. Nguyễn Tài Thu, NS. Đặng Thái Sơn, ... và nhiều người khác).
Nhưng cũng thật dễ hiểu cho lễ ăn mừng rầm rộ (thậm chí là hơi quá) của quần chúng cả nước cho chiến thắng (mặc dù nếu nhìn từ lăng kính nước ngoài vào, thì đó đúng là chuyện vui nhưng cũng thường thôi, họ không hiểu vì sao lại rầm rộ đến như thế).
Bởi vì, mặc dù đây chỉ là một chiến thắng trong thể thao, nhưng nó đã đáp ứng mong mỏi - từ đã rất lâu rồi - của một xã hội mấy chục triệu dân - của cả một dân tộc mà vừa mới giành lại được một quốc gia độc lập cho riêng mình, được mấy chục năm - nhưng chính là từ đó đến nay, cái mà họ đã vất vả, cực nhọc, thậm chí hy sinh mất bao xương máu để đạt được ấy - từ khi khai sinh, dường như sau đó, chưa khẳng định được mình trước bạn bè thế giới - đáp ứng lòng mong mỏi của toàn dân.
Để rồi đến khi, một chiến thắng trong thể thao, như miếng bánh, cốc nước thỏa nỗi thèm khát của một cơ thể đang đói cồn cào, khát khô cổ...
|
Ảnh minh họa |
Tất nhiên, đây chẳng phải lỗi của riêng ai, cũng không thể đổ tội cho mọi người trong xã hội (bằng chứng là, ở đâu đó, trong lĩnh vực nào đó đã có những cá nhân nổi lên để khẳng định mình, qua đó góp phấn quảng bá bộ mặt dân tộc, đất nước ra thế giới). Phải chăng đây là hậu quả của sự trì trệ - tự bóp chẹt mình trong một thời gian dài.
Trong hoàn cảnh như vậy, mỗi người tiến bộ, trước hết hãy tự đổi mới, cải cách chính mình ngay từ tư duy, cách nghĩ. Tiếp đến là làm sao để truyền bá luồng tư tưởng tiến bộ, mạnh dạn cầu tiến của mình đến cho người khác, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chỉ có cách như vậy, dần dần đến một lúc nào đó, khi đa phần người trong xã hội có "bộ óc mới" thì khi đó mới có thể tăng tốc cho cả bộ máy xã hội này được.
Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, rằng mình có thể kém người về tiền bạc, của cải, thậm chí là tri thức, khoa học công nghệ, ... - nhưng tất cả những thứ này đều có thể phấn đấu để làm giầu thêm cho mình, thậm chí đuổi kịp để sánh ngang, hay vượt qua những người đi trước (như ví dụ về những "con rồng châu Á" là điển hình) - nhưng trên tất cả, nếu ta thua kém người về ý chí, chấp nhận thất bại ngay từ trong ý nghĩ, nhận mình thua kém từ trước khi phấn đấu, xác định thua từ trước trận đấu thì... có thể nói thật quá khó để chúng ta vượt qua được chính mình.
Đinh Công Nguyên
Nguồn : Tuanvietnam.net
0 comments:
Post a Comment