Nghi án phong thủy: Trụ đồng Mã Viện

Leave a Comment

Đồng Trụ chí kim đài dĩ lục?
(Cột đồng nay đã mọc rêu xanh chưa?)
Đằng giang tự cổ huyết do hồng!
(Sông Bạch Đằng từ xưa máu đã nhuộm đỏ)

Từ hồi còn nhỏ, sống ở làng tôi đã nghe người già kể nhiều về cột đồng Mã Viện. Các cụ nói, dưới chân cột là cả một kho vàng bạc châu báu do quan quân nhà Hán khi sang trấn nhậm xứ Giao Châu cất giấu để con cháu họ sau này thừa hưởng. Trên nhiều tài liệu, diễn đàn, nghi vấnthực hư về cột đồng ở đất Giao Chỉ xưa vẫn còn là câu hỏi lớn cho người đời.
Theo Đào Duy Anh khởi đầu đề mục 'Les Colonnes de Bronze de Ma Vien' trong tập san Bulletin des Amis du Vieux Hue số tháng 10 và 11 năm 1943 với nhận xét như sau: "Cột đồng Mã Viện luôn là một bí ẩn lịch sử mà mãi đến nay vẫn chưa hề được sáng tỏ". Ông nêu ra nghi vấn phải chăng cột đồng Mã Viện thực sự hiện hữu? Và nếu ta không tìm thấy dấu vết nào liên quan về chúng vậy biết tìm chúng nơi đâu?
Theo An-Nam Chí Lược của Lê Tắc (đầu thế kỷ thứ 14), bộ sử lược lâu đời nhất của nước ta có đề cập đến di tích này, thì thuở trước ở vùng hang động Cổ Sâm thuộc Khâm Châu có những cột đồng do Mã Viện dựng nên. Sang đến thế kỷ thứ 19, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng nhắc lại lời hăm dọa trên của Mã Viện. Tuy nhiên sách sử Tàu thì khác, cả Hậu Hán Thư (chương nói về tiểu sử của Mã Viện) lẫn Hậu Hán Ký đều không hề nhắc đến việc Mã Viện cho dựng những cây trụ đồng ở nước Nam. Dựa theo đó, nhà Hán học lừng danh Henri Maspéro trong tập XVIII, số 3 năm 1918 của tập san Bulletin de l'EFEO (Trường Viễn Đông Bác Cổ), trong phần biên khảo về cuộc viễn chinh của Mã Viện đã không hề nhắc đến những cây cột đồng Mã Viện mà cũng chẳng có lời phủ nhận về sự hiện hữu của chúng. Về sau, Nguyễn Văn Tố, làm phụ tá cho Viễn Đông Bác Cổ, trong Tri Tân số 14 phát hành ngày 12 tháng 9 năm 1941 đã thu thập được một số tài liệu từ cả Việt lẫn Hán về cột đồng Mã Viện và đưa ra nhiều thắc mắc nhưng bấy giờ ông cũng không giúp làm sáng tỏ gì hơn về nghi vấn nêu trên.


Sách Nhất Thống Chí nhà Ðại Thanh có chép:
Tương truyền cột đồng ở về động Cổ Sâm châu Khâm, Mã viện có thề rằng: “Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là “Cột đồng ấy gãy thì Giao Chỉ bị diệt”, nên người Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao.
Lại ghi rõ: “Vì thấy huyện Tây Vu có đến ba vạn ba nghìn hộ, Mã Viện xin chia ra làm hai huyện Phong Khê và Vọng Hải. Vua Hán y cho Mã Viện lại lập thành quách, đặt tỉnh ấp (xóm làng), đắp thành Kiển Giang ở Phong Khê. Thành này hình tròn như cái Tổ kén. Nên gọi là thành Kiển giang.„…. Như vậy, trụ đồng Mã Viện là một câu chuyện có thật, đã được ghi vào sử liệu của cả hai nước Trung Hoa và Việt Nam. Ðây không phải là một huyền thoại hay hư cấu.

Vào đời vua Trần Thánh Tôn, Ngài đã cho người đi tìm lại dấu tích cột đồng nhưng không thấy. “Tháng 4 mùa hạ (1272,) sai viên ngoại lang là Lê Kính Phu sang hội với người nhà Nguyên biện luận việc cương giới. Nhà Nguyên sai Ngột Lương sang hỏi giới mốc đồng trụ ngày trước, nhà vua phái Lê Kính Phu đi hội đồng khám xét. Kính Phu nói với Nhà Nguyên rằng: “Chỗ cột đồng do Mã Viện dựng lên lâu ngày bị chìm lấp, nay không thể biết ở chỗ nào”.(KDVSTGCM, Quyển VII tr. 219)
Theo sử gia Phạm Văn Sơn chuyện cột đồng Mã Viện thiết tưởng không đáng tin lắm chỉ nên coi là một giai thoại không hơn không kém... Nếu coi cột đồng Mã Viện là một mỹ đàm thì chép vào sử để làm một câu chuyện kể chơi cho thú vị thiết tưởng không hại gì. (Việt sử Tân Biên, tr.199).
Còn tác giả Trương Thái Du trong bài “Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam (Talawas - lịch sử). Thì cho rằng: “Cột đồng Mã Viện dựng năm 43 ở quận Giao Chỉ và Tây Ðồ Di cũng chính là đài quan trắc thiên văn... Trong công tác thiên văn thời Mã Viện, để xác định những vùng đất mới, cần phải tiến hành quan trắc các chỉ số năm này qua năm khác.„
Theo nhiều nhà nghiên cứu khác, cột đồng chỉ là cột mốc biên giới mà thôi. Lối giải thích này cũng kém thuyết phục. Nếu là cột mốc biên giới tại sao không ghi những thông tin cần có của vùng biên giới mà lại ghi câu: “Trụ đồng chiết , Giao Chỉ diệt” trên cột đồng? Thứ nữa là cột mốc biên giới tại sao không đặt tại những con đường đi giữa ranh giới của hai nước, mà lại đặt tại một hang động trong vùng hẻo lánh?
Không phải ngẫu nhiên mà Hai bà Trưng, sau khi phát động cuộc nổi dậy, chỉ trong vòng một tháng mà đã chiếm được 65 thành trì trên toàn cõi Lĩnh Nam, làm rung rinh triều đình nhà Đông Hán. Một nữ lưu xứ Giao Châu nhỏ bé, thuộc phiên trấn Nam Man (như quan niệm của nhà Hán), nổi lên xưng hùng xưng bá, chống lại Thiên Triều như một thách thức sống còn với Đại Hán. Nên giới cầm quyền đầu sỏ Trung Hoa không thể làm ngơ mà không sinh tử cho được.
Một câu hỏi đặt ra là: tại sao trong suốt gần 2.000 năm kế tiếp dân tộc ta vẫn không xuất hiện được một vị nữ anh hùng thứ hai có tầm cỡ Bà Trưng cho dù lịch sử Việt Nam là lịch sử của chiến tranh chống ngoại xâm từ đó cho đến nay? Phải chăng người phụ nữ Việt Nam yếu hèn? Hay là có sự cản trở bởi một huyền lực nào đó xuất phát từ thời gian sau khi Hai Bà Trưng thất trận, đất nước rơi vào sự đô hộ của người Hán, mà lịch sử chưa làm sáng tỏ?
Dựng cột đồng. Đây có phải là một trận đồ phong thủy mà Mã Viện bày ra nhằm hãm hại đất Giao Chỉ. Hai Bà Trưng đối với Việt Nam là những anh hùng dân tộc cái thế. Nhưng theo quan niệm của triều đình Hán hai bà Trưng chỉ là yêu tặc.

Theo An Nam Chí Lược (trang 40) do tác giả Lê Tắc là người Việt Nam, chạy qua sống ở Trung Hoa và viết sử theo quan niệm của Trung Hoa như sau: “Năm Kiến Võ thứ 16 của Hán Quang Vũ Ðế (sau công nguyên 40), người đàn bà Giao Chỉ là Trưng Trắc làm phản, quận Cửu Chân và quận Nhật Nam đều hưởng ứng theo. đánh các quận ấp, cướp được 60 thành, rồi tự lập làm vua... Ðến năm Kiến Võ thứ 19 Mã Viện chém yêu tặc là Trưng Nhị (Nhị là em gái của Trưng Trắc) và đánh luôn dư đảng, bọn Ðô Lương, đến huyện Cư Phong, bọn này chịu đầu hàng”...

Vào thời đại nhà Hán, thuật phong thủy, địa lý rất thịnh hành, tất cả những công trình xây dựng mồ mả, lâu đài đều tuân thủ nghiêm về địa lý phong thủy.
Ảnh hưởng bởi quan niệm này, Mã Viện sau khi trừ diệt được hai Bà Trưng, đã bày một trận đồ phong thủy để diệt tận gốc yêu quái, trừ hậu hoạn, nhằm ngăn chặn mầm nữ tặc tái xuất trên vùng đất mới bình định.

Vậy Mã Viện cho dựng một trụ đồng ở đâu? Tại Cổ Sâm hay Cổ Lâu? Phải chăng động Cổ Sâm chính là huyệt hàm rồng kết phát làm vua của đất Giao Chỉ nên Mã Viện muốn phá hủy để đất nước không còn phát nữ vương nữa?
Nếu tự nhiên Mã Viện cho đào sâu xuống để chôn hoàn toàn một trụ đồng mà không có lý do chính đáng thì mọi người sẽ nghi ngờ, và gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, vả lại cũng kém hiệu quả về mặt phong thủy. Vì thế mà Mã Viện đã thâm độc, cho dựng đứng trụ đồng không cần phải chôn sâu và ghi khắc câu chữ “Trụ Ðồng chiết, Giao Chỉ diệt” bề ngoài như là hăm dọa, nhưng thực chất là khích động lòng tự ái dân tộc của dân Giao Chỉ, rồi ngầm xui người dân, muốn tránh hoạ, mỗi ngày ném gạch đá vào trụ đồng để chôn lấp. Sự việc này có hai tác dụng thứ nhất là giữ cho trụ đồng không bị nghiêng ngả, không bị đào bới. Thứ hai trụ đồng to nặng được định vị trên một tiết diện nhỏ thì dễ dàng lún sâu dần vào lòng đất theo thời gian. Mỗi khi có mưa, đất nở và mềm ra, cột càng tiến sâu vào huyệt đạo thì tác dụng phong thủy lại càng tăng cao. Nghĩ ra được qủi kế thâm sâu như vậy phi người mưu lược như Mã Viện, khó ai có thể sánh kịp.
Về ý nghĩa của câu: “Ðồng trụ chiết... Giao Chỉ diệt” ở đây có phải là một câu thần phù? Hay còn ẩn dấu điều gì để đánh lạc sự chú ý tò mò? Nghiã thực của chữ “Chiết„ ở đây chưa chắc đã là “gãy” mà lại là “tách” làm hai, như dùng vật cứng tách đôi một tảng đá lớn chẳng hạn. Do đó câu trên nên giải thích là “trụ đồng tách huyệt (đế vương) ra làm hai, vua Giao Chỉ bị giết”. Chứ không thể dịch là trụ đồng bị gãy, dân Giao Chỉ bị giết là chưa hợp lý. Như vậy câu trên có hai chữ bị ẩn dấu là chữ huyệt và chữ vương.
Đặc biệt, Kiển Thành hình cái kén, nếu chúng ta cô lập hai sự kiện này, thì sẽ khó mà thấy âm mưu tàn độc của Mã Viện. Vả lại nếu kết hợp cả hai sự kiện này bằng một hình vẽ tượng hình thì có thể sẽ gợi ta liên tưởng tới một điều gì chăng?


Bùa lưỡng nghi - loại tượng hình
(Nguồn: Thiên Ðức )


Hình dáng Kiển Thành, tổ con tằm, Âm, Thủy, tượng hình của người đàn bà, kết hợp với hình dáng trụ đồng Mã Viện, Dương, Hỏa, tượng hình của người đàn ông! Theo Kinh Dịch lý thuyết Vũ trụ: Thái Cực - Lưỡng Nghi - Tứ Tượng - Bát Quái! Theo thuật phong thủy, nói về nhà cửa thường sử dụng bùa bát quái để trấn yểm tà khí. Trong phạm vi rộng lớn của một đất nước, bùa bát quái không có hiệu lực, vì thế Mã Viện đã sử dụng loại bùa có tầm ảnh hưởng mạnh hơn đó là loại bùa Lưỡng Nghi tức là bùa Âm Dương có hiệu lực cao hơn bùa bát quái hai bậc theo Kinh Dịch. Loại bùa này được thực hiện bởi hai công trình: Kiển Thành, Âm thủy và trụ Ðồng Mã Viện, Dương Hỏa.
Nếu nói theo kiểu dung tục thì Mã Viện đã dùng hình thức “Ðóng cọc người đàn bà Giao Chỉ” bằng một ám toán thô lậu như thế nhằm triệt phá con đường kết phát vương quyền đối với nữ giới trong tương lai.
Nguyên tắc của đạo bùa ngải, phong thủy là càng bí mật, càng bền lâu thì tác dụng càng to lớn. Nếu người đặt bùa mà bị phát giác thì sinh tác động ngược, quật trở lại ngay chính kẻ chủ mưu. Vì thế các tài liệu ghi chép của người Hán về lĩnh vực này là rất khó giải mã. Nó là các bí tích, bí truyền. Vì quyền lợi dân tộc sống còn của họ. Khơi khơi người ngoài khó mà tiếp cận mà hiểu rõ ngọn ngành.
Ngay nhân vật Mã Viện, với người Việt là kẻ thù truyền kiếp. Nhưng dưới nhãn quan của người Trung Hoa thì đó là một anh hùng xuất chúng. Chiến tích lớn nhất của Mã Viện là việc chinh phục Giao Chỉ. Nhờ dập tắt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nên Viện đã được Hán Quang Vũ phong tước Hầu, hiệu "Phục Ba tướng quân". Họ Mã được giới viết sử Trung Hoa suy tôn như một chiến binh vĩ đại vào bậc nhất trong lịch sử. Với câu nói nói rất nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi là: "da ngựa bọc thây" (馬革裹屍 - mã cách khỏa thi), ý nói mong muốn được chết trên chiến trường mặc dù phải dùng da ngựa để bọc thây chứ không mong muốn chết già nơi xó nhà. Cả câu: "vẽ hổ không thành, lại thành chó" (畫虎不成, 反類犬 - họa hổ bất thành, phản loại khuyển). Nhiều nhà nghiên cứu đều cho Mã Viện là nhà quân sự, nhà chính trị văn võ toàn tài. Vì thế các đền thờ và tôn tượng Mã Phục Ba được hiện diện trên nhiều vùng lãnh thổ Trung Quốc cho tới ngày nay.


Tượng Mã Viện ở Hải Nam

Nhiều ghi chép đều nói đến việc Mã Viện càn quét nhiều trống đồng nước ta để đúc thành ngựa mẫu mang về Trung nguyên dâng vua Hán Quang Vũ. Người thứ hai phá nhiều pháp khí (chuông chùa) Đại Việt là Vương Thông nhà Minh, đem về đúc súng.
Những người tự ti, vẫn tin rằng thời xưa dân ta “ăn lông ở lỗ”, nhờ Trung Quốc mới được khai hóa. Xin đọc kỹ đoạn văn sau đây để biết rằng thuở đầu Công nguyên nước ta đã có luật, Mã Viện phân tích rồi tâu lên vua Quang Vũ để bác hơn 10 điều khoản luật nước ta không thích hợp với luật nhà Hán: 條 奏 越 律 與 漢 律 駁 者 十 餘 事 , 與 越 人 申 明 舊 制 以 約 束 之 (Ðiều tấu Việt luật dữ Hán luật bác giả thập dư sự, dữ Việt nhân thân minh cựu chế dĩ ước thúc chi: Phân tích và tâu lên luật Hán và luật Việt, bác hơn 10 điều; trình bày rõ chế độ cũ [của nhà Hán] để ước thúc.) [Theo Hồ Bạch Thảo - © 2008 talawas]
Thật vậy, thời Lĩnh Nam, nước ta có ba lĩnh vực là rất vượt trội. Đó là kỹ nghệ luyện kim (đúc trống đồng). Lịch số (Qui Lịch) và chữ Khoa Đẩu (chữ dạng ký âm rất rễ phổ cập). Nhưng sau khi tiêu diệt được triều đại Bà Trưng thì Mã Viện đã cho đốt, đập phá và tịch thu tất cả những sách, bia đá, trống đồng… và cấm hoàn toàn việc dùng chữ Khoa Đẩu để nhằm Hán hoá tận gốc người Việt.
Tới thế kỷ 15 thì một cuộc đốt sách và cạo bia đá (chữ Hán) đã được thực hiện với một qui mô rất lớn bởi tên Trương Phụ nhà Minh trên khắp cả nước ta. Một sự thật đau lòng khác là rất nhiều cuốn phổ qúi ở các đền, miếu, đình và chùa chiền thờ các vị anh hùng có công với nước đều bị cướp hay đánh tráo bằng các cuốn Phổ giả nhằm làm cho hậu thế hiểu sai lệch về công nghiệp của tổ tiên.

Vào thời nhà Trần khi cụ Trạng Nguyên Mạc đĩnh Chi đi sứ vừa sang tới đất Tàu thì viên quan trú phòng sở tại ra một câu xướng rất ngạo mạn:


Đồng Trụ chí kim đài dĩ lục?

(Cột đồng nay đã mọc rêu xanh chưa?)
Đằng giang tự cổ huyết do hồng!

(Sông Bạch Đằng từ xưa máu đã nhuộm đỏ), cụ Mạc đĩnh Chi đối lại ngay.


Viên tướng biên trấn Tàu ra câu xướng với ý nghĩa ca ngợi chiến tích xưa của Mã Viện và đã bị cụ Trạng Mạc đối lại bằng cách cố ý nhắc lại những chiến thắng lẫy lừng của quân Việt trên sông Bạch Đằng thời vua Ngô Quyền và thời Nhà Trần.
Trở lại với chuyện cột đồng Mã Viện! Trong thời đại không gian điện tử hiện nay, chắc chắn có người sẽ đánh giá câu chuyện kể trên thuộc vào loại hoang đường nhảm nhí.
Nhưng nghi vấn về phong thuỷ liên quan đến hiện tượng trấn yểm của Mã Viện, của Cao Biền trên nhiều vùng long mạch địa linh của Việt Nam từ thời bán khai vẫn luôn là những nghi án lịch sử còn đang để mở, đang chờ đợi câu trả lời thoả đáng của hậu thế.

--------------------------------------
>>Xem thêm :


Hằng nằm cứ vào ngày 6/2 âm lịch lể kỷ niệm hai bà Trưng được cử hành tại nhiều nơi có người Việt sinh sống. Ðây là một sinh hoạt có tính lịch sử truyền thống.

Vào năm 40 sau công nguyên (scn), Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị quê ở Mê Linh đã dựng cờ khởi nghĩa, trước là trả thù cho chồng sau là đánh đuổi quân xâm lược, Hai Bà đã lấy được 65 thành trì và sau đó là xưng vương họ Trưng.

Năm 42 scn Mã Viện theo đường biển xua quân đánh trở lại. Trước thế giặc mạnh, quân hai bà chống cự không nổi, rút lui về Cẩm Khê và tan hàng từ đó.

Sau khi xâm chiếm đất Giao Chỉ Mã Viện cho thực hiện hai công trình là: Dựng trụ đồng Mã Viện tại động Cổ Sâm, châu Khâm và xây thành Kiên Giang hình tổ kén ở Phong Khê.

Trang lịch sử này đã gây nhiều tranh cãi về nhiều vấn đề như là:

- Nguyên do khởi nghĩa của Hai Bà vì thù chồng hay vì nợ nước?

- Hai Bà lập nên chế độ mẫu hệ đầu tiên ở Việt Nam chăng?


- Ngày lễ kỷ niệm của Hai Bà cũng có sự khác biệt? Ngày 6/2 hay 6/3 Âm lịch?

- Nguyên do cái chết của Hai Bà là nhảy sông tự tử hay bị chém đem đầu về Trung Quốc?

Cho dù có đặt nghi vấn như thế nào chăng nữa chúng ta cũng phải thừa nhận một điều là Bà Trưng là vị nữ vua đầu tiên tại Việt Nam, một vị vua thành tựu do công sức và tài trí trực tiếp đánh quân xâm lược. Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa do lòng yêu nước chân chính của mình, xuất thân từ giai cấp quí tộc, chứ không phải từ quan niệm đấu tranh giai cấp như nhà sử học xã hội chủ nghĩa lý giải.

Hai bà Trưng đã tạo dựng nên truyền thống vẻ vang nữ anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam.

Nguồn: Thiên Ðức 8/2005

Một câu hỏi đặt ra là: tại sao trong suốt gần 2.000 năm kế tiếp dân tộc ta vẫn không xuất hiện được một vị nữ anh hùng thứ hai có tầm cỡ Bà Trưng cho dù lịch sử Việt Nam là lịch sử của chiến tranh chống ngoại xâm từ đó cho đến nay? Phải chăng người phụ nữ Việt Nam yếu hèn? Hay là có sự cản trở bởi một huyền lực nào đó xuất phát từ thời gian sau khi Hai Bà Trưng thua trận, đất nước rơi vào sự đô hộ của người Hán, mà lịch sử chưa làm sáng tỏ chăng?

Thật vậy nghi vấn đó phát xuất từ hai hành vi cụ thể đầy bí ẩn của Mã Viện sau khi xâm chiếm đất nước ta chưa được lý giải rõ ràng.

Theo Khâm Ðịnh Việt Sử Thương Giám Cương Mục (KDVSTGCM), trang 24-25 ghi:
“Trưng vương cùng em gái là Nhị cự chiến với quân Hán, quân vỡ, thế cô, đều bị thất trận chết. Mã Viện đuổi đánh tàn quân của hai bà là bọn Ðô Dương đến huyện Cư Phong thì hàng phục được họ. Mã Viện lập cột đồng để ghi địa giới tận cùng của Nhà Hán…”.
Sách Thủy Kinh Chú của Lịch Ðạo Nguyên chép rằng: Mã Văn Uyên (tức Mã Viện) dựng cái mốc đồng để làm giới hạn cuối cùng của đất phía nam Trung Quốc...

Sách Nhất Thống Chí nhà Ðại Thanh có chép:
Tương truyền cột đồng ở về động Cổ Sâm châu Khâm, Mã viện có thề rằng: “Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, nghĩa là “Cột đồng ấy gãy thì Giao Chỉ bị diệt”, nên người Việt đi qua dưới chân cột đồng ấy cứ lấy đá bồi đắp lên mãi thành gò đống cao. Ðó vì sợ cột đồng ấy bị đổ gãy.

Mã Viện nhà Hán đắp thành Kiển Giang.
Vì thấy huyện Tây Vu có đến ba vạn ba nghìn hộ, Mã Viện xin chia ra làm hai huyện Phong Khê và Vọng Hải. Vua Hán y cho Mã Viện lại lập hành quách, đặt tỉnh ấp (xóm làng), đắp thành Kiển Giang ở Phong Khê. Thành này hình tròn như cái Tổ kén. Nên gọi là thành Kiển giang. Ba năm sau Mã Viện về nước. (viethoc.org)
A- Trụ Ðồng Mã Viện

Trải qua một thời gian dài bị đô hộ dưới thời Hán thuộc, trụ đồng Mã Viện đã hoàn toàn mất hết dấu tích nhưng vẫn còn để lại nhiều nghi vấn lịch sử như sau:

I - Sự thật của trụ đồng

Trụ đồng Mã Viện là một câu chuyện có thật, đã được ghi vào sử liệu của cả hai nước Trung Hoa và Việt Nam. Ðây không phải là một huyền thoại hay là hư cấu.

Vào đời vua Trần Thánh Tôn, Ngài đã cho người đi tìm lại dấu tích cột đồng nhưng không thấy.
“Tháng 4 mùa hạ (1272,) sai viên ngoại lang là Lê Kính Phu sang hội với người nhà Nguyên biện luận việc cương giới. Nhà Nguyên sai Ngột Lương sang hỏi giới mốc đồng trụ ngày trước, nhà vua phái Lê Kính Phu đi hội đồng khám xét. Kính Phu nói với Nhà Nguyên rằng: “Chỗ cột đồng do Mã Viện dựng lên lâu ngày bị chìm lấp, nay không thể biết ở chỗ nào được”. Việc đó sau cũng thôi... ( KDVSTGCM, Quyển VII tr. 219)

“Tháng 8 mùa thu (1345) Sai sứ sang nhà Nguyên. Nhà Nguyên sai Vương Sĩ Hành sang hỏi địa giới cột đồng ngày trước. Nhà vua sai Phạm Sư Mạnh sang Nguyên biện bạch sự việc này” (KDVSTGCM, Quyển IX Tr.279).
II - Vị trí của trụ đồng

Ða số sử liệu đã thống nhất vị trí của trụ đồng như sau:

- Sách Nhất Thống Chí nhà Ðại Thanh chép: Cột đồng ở về động Cổ Sâm, châu Khâm.

- Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư Ngoại Ký của Lê Văn Hưu Quyển III Tr. 22 ghi: Mã Viện bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán. Cột đồng tương truyền ở trên động cổ Lâu, châu Khâm.

Tóm lại theo sử liệu trên có thể kết luận là trụ đồng nằm ở vùng Châu Khâm tại động Cổ Sâm hay Cổ Lâu thuộc vùng biên giới cực bắc Giao Chỉ cũng là cực nam nhà Hán.

Một vấn đề cần được sáng tỏ nữa là: châu Khâm là huyện biên giới giữa Giao Chỉ và Nam Hán hiện nay nằm ở đâu?

Theo tài liệu nghiên cứu mới nhất của bác sỹ Trần Ðại Sỹ, Giám đốc Trung Quốc sự vụ, viện Pháp Á “Thử tìm lại biên giới cổ của Việt Nam bằng cổ sử, bằng triết học, bằng di tích và hệ thống DNA”(1) (vietnamsante.com), thì:
Sau khi dẫn chứng lịch sử thời hai bà Trưng, di tích, cổ vật, cùng kết quả thử nghiệm DNA đã kết luận rằng: Biên giới cổ của nước Việt Nam với các triều đại Hồng Bàng, Âu Lạc, Lĩnh Nam phía Bắc quả tới hồ Ðộng đình, phía Tây giáp Tứ Xuyên.
Sự phát hiện này có thể xác quyết một điều là vị trí trụ đồng nằm ở biên giới phía Bắc Việt Nam qua thời gian đô hộ đã bị Trung Quốc lấn chiếm và vùng đất động Cổ Sâm (Cổ Lâu) hiện nằm sâu trong lãnh địa Trung Quốc hiện nay.

III - Ý nghĩa câu “Trụ đồng chiết, Giao Chỉ diệt”

Trong hầu hết cổ sử Trung Quốc và sử Việt ghi chép lại, giải thích câu này chỉ là một lời thề. Ðiểm này có nhiều nghịch lý.

1. Ðây không thể là một lời thề. Thật vậy, Mã Viện là người đi chinh phục và vui mừng thắng trận, nên không có động cơ nào để tạo ra một lời thề ghi trên trụ đồng. Vì vậy sách sử gọi đây là lời thề là không đúng sự thật.

2. Ý nghĩa câu chữ “Trụ đồng chiết, Giao Chỉ diệt” ngầm ý hăm dọa cũng như gây hận thù với dân tộc Giao Chỉ rất là phi chính trị. Theo sử sách cho biết Mã Viện là một danh tướng văn võ song toàn giỏi quân sự lẫn chính trị, có thể nào ngây ngô đưa ra một lời thề phi chính trị như trên hay không? Tất nhiên là không, vì thế Mã Viện cố tình ghi khắc câu này tất phải có mưu đồ sâu độc nào đó đối với đất nước Giao Chỉ vậy.

3. Ða số sách sử Trung Hoa cũng như Việt Nam đều giải thích câu: “Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” là trụ đồng gãy thì dân Giao chỉ bị giết. Chữ Chiết mà dịch là gãy đúng với ngôn ngữ, thế nhưng trong trường hợp này có điều không ổn. Vì rằng một cột trụ đồng kim loại, đặc ruột dựng giữa thiên nhiên thì làm sao có thể gãy được? nếu so với một cây cau, một cây dừa thân mộc, cao, tán cây rộng lung lay trước gió bão còn có thể đứng vững. Thì đây là một nghịch lý.

Do vậy sự dịch thuật câu chữ này hoàn toàn sai lầm một cách cố tình nhằm che dấu một bí mật lịch sử mà người viết sẽ phân tích ở phần sau.

IV- Công dụng của trụ đồng

Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi và cũng chưa có lời đáp thích hợp.

1) Theo sử gia Phạm Văn Sơn chuyện cột đồng Mã Viện thiết tưởng không đáng tin lắm chỉ nên coi là một giai thoại không hơn không kém... Nếu coi cột đồng Mã Viện là một mỹ đàm thì chép vào sử để làm một câu chuyện kể chơi cho có thú vị thiết tưởng không hại gì. (Việt sử Tân Biên, tr.199). Ðây chỉ là lối nói huề vốn khi không lý giải được những nghịch lý của câu chuyện trụ đồng, do vậy không đáng tin cậy. Viết lịch sử của một dân tộc cần sự nghiêm túc chứ không phải là chuyện mỹ đàm, kể chơi cho vui.

2) Theo tác giả Trương Thái Du trong bài “Một cách tiếp cận những vấn đề cổ sử Việt Nam (Talawas - lịch sử).
Cột đồng Mã Viện dựng năm 43 ở quận Giao Chỉ và Tây Ðồ Di cũng chính là đài quan trắc thiên văn... Trong công tác thiên văn thời Mã Viện, để xác định những vùng đất mới, cần phải tiến hành quan trắc các chỉ số năm này qua năm khác. Cột thiên văn chuẩn phải vừa tránh được thời tiết xâm hại, vừa bền vững nên chất liệu đồng đã được chọn. Muốn đo đầy đủ thì phải cử người ở lại làm việc, ít nhất là hằng năm tập hợp số liệu đem về kinh đô. Chuyện dân gian Việt Nam kể rằng Mã Viện từng dựng cột đồng ở Bắc Việt lại càng khẳng định đây là cột thiên văn chứ không phải mốc giới. Chẳng ai đem mốc giới để giữa nơi đô hội, để mỗi người đi qua ném một hòn đá vào đấy mong cột đừng đổ. Câu “Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” của Mã Viện ngầm bảo phải coi sóc “đài thiên văn” bỏ túi kia cẩn thận. Cơ sự là thế! Con toán thiên văn nhỏ của tôi ở tiểu mục 1 là minh họa suốt bài viết này.
Giả thiết này khó thuyết phục bởi những nghịch lý sau: Một cột đồng đặc ruột thuần túy trồng giữa trời mưa nắng không thể gọi là một đài (?) thiên văn được. Theo người viết hiểu ý của tác giả là trụ đồng Mã Viện được sử dụng như là một cái cột chuẩn để đo lường sự di chuyển của bóng mặt trời, mặt trăng... Nếu chỉ với công dụng như vậy thì chẳng cần phải dùng cột đồng làm gì cho năng nhọc, thực hiện khó khăn (từ việc gom đồng, đúc cột, điêu khắc, di chuyển, dựng cột...), rất tốn kém tiền bạc, công sức và thời gian. Ngoài ra còn viện lý do khỏi bị thời tiết xâm hại lại không chuẩn.

Vì rằng cột đồng to và cao đủ để đo bóng mặt trời thì rất nặng hàng tấn tạo sức ép trên một tiết diện nhỏ thì với thời tiết mưa lụt khí hậu ẩm thấp, đất ướt, mềm nở ra rất dễ bị lún, hay đổ ngã nguy hiểm. Với độ lún hằng năm của trụ đồng, thì độ đo đạc lại càng thiếu chính xác, sẽ làm giảm mất giá trị công dụng nói ở trên. Với trụ gỗ tốt vừa nhẹ, bền, dễ kiếm, dễ bảo quản, dễ thay thế, lại đạt yêu cầu trên có lẽ hợp lý hơn cột đồng.

Với uy danh của một tướng lãnh thống trị đương thời chắc chắn có rất nhiều cách để bảo quản trụ đồng cần gì phải ngầm bảo dân bị trị phải coi sóc “đài thiên văn” bỏ túi kia cẩn thận bằng câu “Ðồng trụ chiết, Giao chỉ diệt” vừa vô chính trị đối với một vị tướng văn võ toàn tài, vừa mất tư cách đạo đức của một kẻ đi thống trị. Với toán công tác thường trực ghi số liệu báo cáo hằng năm không đủ sức bảo quản trụ khí tượng hay sao, mà cần phải ngầm bảo dân bị trị coi sóc?

3) Theo cổ sử, cột đồng chỉ là cột mốc biên giới mà thôi. Lối giải thích này cũng không thỏa đáng. Nếu là cột mốc biên giới tại sao không ghi những thông tin cần có của vùng biên giới mà lại ghi câu: “Trụ đồng chiết , Giao Chỉ diệt” trên cột đồng?

Thứ nữa là cột mốc biên giới tại sao không đặt tại những con đường đi giữa ranh giới của hai nước, mà lại đặt tại một hang động trong vùng hẻo lánh?

B - KIỂN THÀNH

Là công trình cụ thể thứ hai của Mã Viện đã hoàn thành trước khi về nước. Theo sách sử giải thích thành Kiển Giang có hình tổ kén của con tằm, như vậy nó có hình tròn và dài túm hai đầu, chứ không đơn giản là hình tròn ghi trong sử liệu, đã đem lại nhiều ngộ nhận cho người đọc sử.

Hình dáng của Kiển Thành cũng đem là nhiều nghi vấn. Thật vậy đây là loại thành quách quân sự rất hiếm thấy trong sử sách, là loại hình dài và gầy hẹp có rất nhiều nhược điểm như sau:

- Dễ bị tàn phá bởi thời tiết gió bão, thật vậy một trường thành dài và ốm sẽ hứng chịu nhiều sức tàn phá của gió bão hơn là một bức thành ngắn, tròn hay vuông và rộng.

- Mục đích xây thành cho dân ở vì dân số đông mà lại xây thành hình ốm và đài là không kinh tế và khó có thể thỏa mãn đầy đủ nhu cầu phát triển cư dân về lâu dài.

- Về mặt quân sự một trường thành dài rất khó trấn thủ vì tốn kém nhiều nhân lực canh gác, và khó tiếp ứng từ đầu này đến đầu khác.

Vì thế câu hỏi đặt ra là tại sao không xây thành hình vuông, đa giác lồi hay hình tròn bình thường như những thành quách khác mà lại xây thành hình cái kén? Ẩn ý của kiến trúc này là gì vẫn chưa được giải đáp trong sử sách.

Tóm lại, những nghịch lý trên của lịch sử đã trải qua gần 2.000 năm vẫn chưa được lý giải minh bạch dưới nhãn quang của các nhà sử học hay nhà khảo cổ. Thế nhưng, nếu nhìn sự việc trên đây bằng nhãn quang của một nhà phong thủy thì tất cả mọi nghi vấn trên đều được giải đáp thỏa đáng.

Thật vậy đây là một trận đồ phong thủy mà Mã Viện bày ra nhằm hãm hại đất nước Giao Chỉ. Hai Bà Trưng đối với Việt Nam là những anh hùng dân tộc, thế nhưng theo quan niệm của triều đình Hán hai bà Trưng chỉ là yêu tặc.

Theo An Nam Chí Lược (trang 40) do tác giả Lê Tắc là người Việt Nam, chạy qua sống ở Trung Hoa và viết sử theo quan niệm của Trung Hoa như sau:
Năm Kiến Võ thứ 16 của Hán Quang Vũ Ðế (sau công nguyên 40), người đàn bà Giao Chỉ là Trưng Trắc làm phản, quận Cửu Chân và quận Nhật Nam đều hưởng ứng theo. đành các quận ấp, cướp được 60 thành, rồi tự lập làm vua...

Ðến năm Kiến Võ thứ 19 Mã Viện chém yêu tặc là Trưng Nhị (Nhị là em gái của Trưng Trắc) và đánh luôn dư đảng, bọn Ðô Lương, đến huyện Cư Phong, bọn này chịu đầu hàng... (viethoc.org)
Vào thời đại nhà Hán, thuật phong thủy, địa lý rất thịnh hành, tất cả những công trình xây dựng mồ mả, lâu đài đều tuân hành nghiêm túc quy luật địa lý phong thủy.
Ảnh hưởng bởi quan niệm này, Mã Viện sau khi trừ diệt được hai Bà Trưng (?) đã bày một trận đồ phong thủy để diệt tận gốc yêu quái, trừ hậu hoạn, nhằm hãm hại đất nước ta không còn vua nữ giới nữa bằng những hành động như sau:

1- Mã Viện cho dựng một trụ đồng tại động Cổ Sâm hay Cổ Lâu, nghi vấn đặt ra là tại sao không đặt nơi đồng bằng trống trải dễ thấy hay tại những con đường đi lại giữa hai nước như là cột mốc bình thường mà lại đặt tại một hang động? Chỉ có thể trả lời là động Cổ Sâm chính là huyệt hàm rồng kết phát làm vua của đất Giao Chỉ nên Mã Viện muốn phá hủy để đất nước không còn vua nữa, dễ bề cai trị.

Nếu tự nhiên Mã Viện cho đào sâu xuống để chôn hoàn toàn một trụ đồng mà không có lý do chính đáng thì mọi người sẽ nghi ngờ, và gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, vả lại cũng kém hiệu quả về mặt phong thủy. Vì thế mà Mã Viện đã thâm độc, cho dựng đứng trụ đồng không cần phải chôn sâu và ghi khắc câu chữ “Trụ Ðồng chiết, Giao Chỉ diệt” bề ngoài như là hăm dọa, nhưng thực chất là khiêu khích lòng tự ái dân tộc của dân Giao Chỉ, sau đó ngầm hỗ trợ cho người dân mỗi ngày ném gạch đá vào trụ đồng để chôn lấp. Sự việc này có hai tác dụng thứ nhất là giữ cho trụ đồng không bị nghiêng ngả với thời gian, thứ hai trụ đồng nặng hàng tấn tạo một sức ép mạnh trên một tiết diện nhỏ thì dễ dàng từ từ lún sâu vào lòng đất mỗi khi thời tiết mưa ẩm, đất nở và mềm ra. Có như vậy mới che dấu được quỷ kế thâm độc của mình và tác dụng phong thủy lại càng tăng cao.

2- Ý nghĩa thật sự của câu: “Ðồng trụ chiết... Giao Chỉ Diệt”, Ðây là một câu thần phù còn ẩn dấu một hai chữ để che đậy âm mưu phá huyệt phong thủy. Thật vậy chữ Chiết ở đây không có nghĩa là gãy mà có nghĩa là tách làm hai, ví dụ như chiết cành chẳng hạn. Do đó câu trên nên giải thích là “trụ đồng tách huyệt (đế vương) ra làm hai, vua Giao Chỉ bị giết”. Chứ không thể dịch là trụ đồng bị gãy, dân Giao Chỉ bị giết hoàn toàn phi lý. Như vậy câu trên có hai chữ bi ẩn dấu là chữ huyệt và chữ vương.

3- Kiển Thành hình cái kén, nếu chúng ta tách rời hai sự kiện này ra thì sẽ không thấy âm mưu sâu độc của Mã Viện, vì thế người viết, kết hợp cả hai sự kiện này bằng một hình vẽ tượng hình, bạn đọc sẽ thấy rõ ràng hơn:

Hình dáng Kiển Thành, tổ con tằm, Âm, Thủy, tượng hình của người đàn bà, kết hợp với hình dáng trụ đồng Mã Viện, Dương, Hỏa, tượng hình của người đàn ông.

Theo Kinh Dịch lý thuyết Vũ trụ: Thái Cực - Lưỡng Nghi - Tứ Tượng - Bát Quái.

Nguồn : Thiên Đức (khongtu.com)

0 comments:

Post a Comment

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tìm thêm